Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự kỳ họp Hội đồng Chấp hành của WHO
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ ngày 22/01 – 27/01/2017 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Hội đồng Chấp hành của WHO là nơi đề xuất và thảo luận các chính sách lớn về y tế trên toàn cầu, thường họp 02 lần/năm (lần thứ nhất họp chính thức vào tháng 01 và lần thứ hai họp ngắn vào tháng 5 hàng năm ngay sau khi kết thúc Đại Hội đồng Y tế Thế giới). Các chính sách y tế được đưa ra tại EB sau đó sẽ được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên và WHO triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời là thành viên chính thức được bầu của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 5/2019, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Hội đồng Chấp hành của WHO gồm 34 quốc gia thành viên, đại diện cho sáu khu vực của WHO trên thế giới, có vai trò quan trọng đối với các quyết sách về y tế trên toàn cầu.
Chương trình nghị sự năm nay của Hội đồng Chấp hành lần thứ 142 gồm 05 nhóm vấn đề chính sau: Các vấn đề ưu tiên chiến lược (bao gồm Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO giai đoạn 2019 – 2020; Cải tổ WHO; Chuẩn bị và ứng phó với các vấn đề y tế công cộng; Sức khỏe môi trường và Biến đổi khí hậu; Vấn đề thiếu hụt và tiếp cận với thuốc và vắc xin trên toàn cầu; Chiến lược toàn cầu và Kế hoạch hành động về y tế công cộng, phát minh và sở hữu trí tuệ); Các vấn đề chuyên môn khác, bao gồm: Hoạt động thể chất cho sức khỏe; Chiến lược toàn cầu cho Sức khỏe bà mẹ, trẻ em và trẻ vị thành niên (2016-2030); Tăng cường tiếp cận công nghệ hỗ trợ y tế; Dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; Các vấn đề khác về quản lý, hành chính và quản trị.
Đây là các vấn đề sức khỏe toàn cầu để các quốc gia cùng thực hiện nhằm tăng cường sức khỏe người dân và hướng đến phát triển bền vững, đồng thời cũng là các nội dung y tế chính sẽ được ra thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2018.
Với vai trò thành viên chính thức của Hội đồng Chấp hành từ tháng 5/2016 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu của Bộ Y tế đã tích cực đóng góp cho các nội dung của cuộc họp. Việt Nam đã có bài tham luận về Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO (GPW 13) giai đoạn 2019 – 2020. GPW13 được xây dựng trong bối cảnh nhiều chuyển biến đang diễn ra. Thế giới phải ứng phó với sự gia tăng về số lượng và sự phức tạp của các tình trạng y tế khẩn cấp như sự bùng nổ của các đại dịch, xung đột, các thiên tai và thảm họa. Việt Nam đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực của TS. Tedros, Tổng Giám đốc WHO cũng như Ban Thư ký của WHO trong việc lắng nghe ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên và hoàn thiện dự thảo Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO (GPW 13) giai đoạn 2019 – 2020. Việt Nam đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với 3 nhiệm vụ và 03 chiến lược ưu tiên nhằm nắm được các vấn đề then chốt mà WHO cần giải quyết, bao gồm: Bao phủ sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được bao phủ y tế; Ứng phó với các tình trạng y tế khẩn cấp (Health emergencies) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được bảo đảm an toàn hơn; Các ưu tiên y tế (Health priorities) với mục tiêu có thêm 1 tỉ người được nâng cao chất lượng sức khỏe. Việt Nam cũng ủng hộ 05 lĩnh vực ưu tiên y tế bao gồm: Phòng chống, phát hiện và ứng phó với đại dịch; Cung cấp các dịch vụ y tế trong tình trạng khẩn cấp và tăng cường hệ thống y tế; Hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân và Thực hiện các mục tiêu SDGs liên quan đến y tế bao gồm sức khỏe phụ nữ, trẻ em và trẻ vị thành niên, biến đổi khí hậu và môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.
Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thông qua tài liệu quan trong này và đánh giá cao nỗ lực của Tổng giám đốc WHO trong việc vận động chính sách cho y tế ở cấp chính trị cao nhất trên thế giới kể từ khi được bổ nhiệm và hy vọng rằng Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO sẽ nhận được sự hỗ trợ chính trị và tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế khác để WHO có thể hoàn thành vai trò thiết yếu là bảo vệ sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới.
Nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 142 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có một số cuộc gặp bên lề với Tỏng giám đốc của WHO, Dr. Tedros. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn WHO chọn Việt Nam làm quốc gia điển hình trong việc thực hiện sáng kiến Bao phủ sức khỏe toàn dân UHC và đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng đã có buổi làm việc với TS. Takagi Suzuki, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để thảo luận về hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp tham dự kỳ họp 142 Hội đồng Chấp hành, Bộ trưởng đã làm việc với Tân Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Tiến Sỹ Tereza Kasaeva. WHO đánh giá cao các thành tựu về công tác chống lao của Việt Nam với một chương trình quốc gia mạnh, nhất là nghiên cứu, đổi mới và cơ chế tài chính bền vững để giải quyết các thách thức hiện nay có thể coi như là một mô hình tốt có thể chia sẻ với các nước trên thế giới. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ Chiến lược của Việt Nam chấm dứt bệnh lao đã được đưa vào nghị quyết của BCH trung ương Đảng, Bộ Y tế đã ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm cả dịch vụ phòng chống lao. TS. Tereza đã đề nghị Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Liên Hiệp quốc tại New York vào tháng 9 năm 2018 về Chấm dứt bệnh lao. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).
Bác sĩ đang cấp cứu bị côn đồ đánh trọng thương
BS. Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cho biết, khoảng 1 giờ 45 ngày 22/1, BS. Nguyễn Thị Thủy - bác sĩ của Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Lâm Đồng trong lúc đang khâu vết thương cho một bệnh nhân thì một nhóm thanh niên đòi đến gần bệnh nhân và bị BS.
Thủy ngăn lại để tiếp tục chăm sóc vết thương cho bệnh nhân. Bất ngờ, BS. Thủy bị một thanh niên xông vào đánh. Hậu quả, BS. Thủy bị thủng màng nhĩ, hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Trước sự việc trên, BVĐK tỉnh Lâm Đồng đã báo lên Công an phường 6, TP. Đà Lạt, theo đó, ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, đơn vị này đã có mặt tại hiện trường, tuy nhiên, gã côn đồ hành hung BS. Thủy đã bỏ trốn. Công an sau đó xác định được Võ Văn Tùng (34 tuổi, ngụ đường Nguyễn An Ninh, phường 6, TP. Đà Lạt) là người đã hành hung BS. Thủy. Sau khi được gia đình thuyết phục, Tùng đã đến Công an phường 6 khai nhận vụ việc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Thí điểm thành lập BQL An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 123/QĐ-TTg thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh (Ban Quản lý) là cơ quan thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh thực hiện chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. UBND tỉnh Bắc Ninh quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý.
Biên chế Ban Quản lý bao gồm biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do UBND tỉnh Bắc Ninh tự cân đối trong tổng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp của tỉnh Bắc Ninh được cấp có thẩm quyền giao; bảo đảm không tăng biên chế.
Thời gian thực hiện thí điểm 3 năm kể từ ngày 23/1/2018. Sau thời gian thí điểm, UBND tỉnh Bắc Ninh tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
145 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trong thánh 1/2018
Báo cáo công tác y tế thánh 1/2018 của Bộ Y tế cho biết, trong tháng, một số dịch bệnh tả, thương hàn không ghi nhận ca mắc, các biệt dịch bệnh sốt xuất huyết giảm đến gần 32% số ca mắc so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số dịch bệnh như tay – chân – miệng, viêm màng não mô cầu, viêm màng não do virut… có sự gia tăng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, bệnh tay – chân – miệng gia tăng đến gần 32% so với cùng kỳ.
Về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong tháng 1, cả nước ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 145 người mắc… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Kiểm tra đột xuất các công ty dược, truy tìm đường đi của thuốc giả
Thời gian gần đây, thông tin về tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả có xu hướng gia tăng đang gây ra nhiều hoang mang cho người bệnh… Chiều nay, 25-1, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng về việc này?
Theo đó, cung cấp thông tin đến báo chí, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định thông tin thuốc giả, thuốc kém chất lượng gia tăng là không hoàn toàn chính xác.
Buôn bán thuốc giả sẽ bị phạt tù tối thiểu từ 2 năm
Cụ thể, thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc bao gồm từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/ nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất.
Những năm gần đây, bình quân mỗi năm hệ thống kiểm nghiệm thuốc trên cả nước đều lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm từ năm 2015 đến nay cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng dao động ở mức khoảng 1,5 – 2,0% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%, tức có giảm nhẹ so với những năm trước đó.
Dù vậy, để tăng cường kiểm soát chất lượng, nhất là với thuốc nhập khẩu, Cục Quản lý dược cho biết, Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam. Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường các lô thuốc không đạt chất lượng.
Cụ thể, năm 2014 đã phát hiện 70 lô, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô thuốc và năm 2017 không phát hiện lô thuốc nào kém chất lượng. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược đã định kỳ công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng.
Về xử phạt, theo Cục Quản lý dược, Luật Dược sửa đổi 2016 đã quy định các hành vi bị cấm: kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc giả, kém chất lượng, đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn dùng. Ngoài ra Luật Hình sự quy định tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phạt tù từ 2 năm trở lên...
Thực hiện các quy định pháp luật, thời gian qua Cục Quản lý dược đã tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế…
Đối với các trường hợp thuốc giả phát hiện, Cục này đã có văn bản thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế - Bộ Công an để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc sản xuất, kinh doanh thuốc giả; đồng thời xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.
Lập nhiều đoàn, kiểm tra đột xuất các công ty dược
Cũng theo Cục Quản lý dược, trong năm 2018, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch, đề xuất triển khai/ giám sát và ban hành các quy định mới về siết chặt việc sản xuất/ kinh doanh/ nhập khẩu thuốc nhằm đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh.
Trong đó, ngoài việc việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, nội dung trọng tâm trong năm nay là việc Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc.
Theo Cục Quản lý dược, chương trình này đang tiến hành thử nghiệm và sẽ triển khai đến năm 2020. Với việc áp dụng nối mạng để quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ kịp thời quản lý được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng; cũng triển khai cho việc nối mạng của hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước để kịp thời thông tin về diễn biến tình hình thuốc.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục tăng cường công tác tiền kiểm, hậu kiểm thuốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong ngành y tế và các cơ quan liên quan, giữa trung ương với đại phương xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra về chất lượng thuốc.
Đặc biệt, năm 2018, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ; xây dựng kênh thông tin để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các trường hợp nghi ngờ về chất lượng thuốc, thuốc giả. (An ninh thủ đô, trang 1).
Bộ Y tế kiểm tra đột xuất chợ hóa chất Kim Biên
Ngày 24/1, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn thanh tra của cục ATTP, ban ATTP TP.HCM đã đến chợ Kim Biên kiểm tra đột xuất tình hình buôn bán hóa chất tại đây.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn Thành phố cuang cấp nhiều thực phẩm an toàn cho người dân, bởi nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tạo ra thực phẩm an toàn để người dân tích trữ dùng Tết... (Thanh niên, trang 3).