Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/2/2018

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Yêu cầu xử lý nghiêm hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế; Hà nội: Đảm bảo môi trường an toàn cho cả bác sỹ, nhân viên y tế và người bệnh

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Yêu cầu xử lý nghiêm hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), chiều 24/2, tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, chúc mừng các y bác sĩ, người lao động Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu của Bộ Y tế tại khu vực phía Nam.

Tham dự còn có đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; GS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM...

Nhiệm vụ vẻ vang

Làm việc với BV Chợ Rẫy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, của toàn xã hội. Mọi người tự phải giữ gìn, chăm sóc sức khỏe nhưng thực hiện điều đó không phải dễ dàng. Gỗ đá còn đổ mồ hôi huống chi con người là một vật thể sống, cần có người giúp đỡ, hướng dẫn, chăm sóc. Đó chính là vai trò của thầy thuốc”.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ cao cả đó được giao phó cho đội ngũ thầy thuốc. Trong bức thư gửi các thầy thuốc cách đây 63 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”.

Qua 63 năm, ngành y tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành rất nhiều mặt, cả về mạng lưới các cơ sở y tế, cả về đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế và chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, cả nước có hơn 460 ngàn người làm việc trong ngành y tế, 14 ngàn cơ sở khám chữa bệnh; đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/vạn dân, cao hơn bình quân nhiều nước trong khối ASEAN với tuổi thọ trung bình là 74 tuổi.

“Đặc biệt, trình độ phát triển y tế chuyên sâu của nước ta đã có những bước tiến vượt bậc. Có thể nói, thế giới có kỹ thuật điều trị hiện đại nào, có loại thuốc mới nào, gần như trong thời gian rất ngắn, các bác sĩ, các thầy thuốc của ta đều tiếp cận, ứng dụng và làm chủ công nghệ đó” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Cũng trong buổi chúc mừng BV Chợ Rẫy nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng 25 triệu USD, nguồn vốn ODA từ Chính phủ Áo cho BV Chợ Rẫy làm vốn đối ứng. Nhờ đó, cơ sở 2 của BV Chợ Rẫy, BV Chợ Rẫy Hữu nghị Việt - Nhật tại xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh vẫn tiếp tục đẩy mạnh và triển khai.

Y tế phát triển toàn diện và chất lượng cao

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết: “BV Chợ Rẫy đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ở khu vực phía Nam. BV Chợ Rẫy như bệnh viện hàng đầu tại khu vực phía Nam, phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tập thể BV Chợ Rẫy ngày càng tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao y đức giao tiếp, đổi mới phong cách giao tiếp, thái độ ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

BV Chợ Rẫy hiện có 4.000 cán bộ viên chức, trong đó 1/2 là lao động kỹ thuật cao, với trình độ đại học và trên đại học. Đây là nguồn nhân lực rất quý giá cho bệnh viện phát triển, đồng thời chuẩn bị cho cơ sở 2 của BV Chợ Rẫy vào năm 2021. Trong năm 2017, BV tiếp nhận 1,5 triệu lượt bệnh nhân đến khám, điều trị; số giường nội trú là 2.700 trong khi giường kế hoạch chỉ có 1.900.

“Bên cạnh việc phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của từng cá nhân, từng đơn vị khoa phòng trong bệnh viện, BV Chợ Rẫy còn chú trọng xây dựng từng quy trình kỹ thuật hiện đại đưa vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong năm 2017, bệnh viện đã đưa vào hệ thống phẫu thuật robot, hệ thống nội soi 3D, xây dựng các quy trình ghép gan, ghép tim, ghép thận với nhiều kỹ thuật mới khác ngang tầm khu vực và thế giới” - PGS.  TS. Trường Sơn cho biết.

BV Chợ Rẫy còn là một trong những bệnh viện công lập đầu tiên của cả nước xây dựng cơ chế tài chính tự chủ từ năm 2010, đến nay là bệnh viện tự chủ tài chính hoàn toàn. Năm 2017, bệnh viện đạt doanh thu hơn 4.700 tỷ đồng, thu nhập của cán bộ viên chức trung bình là 17 triệu đồng/tháng, kể cả tiền thưởng lễ, tết.

Với những uy tín và tay nghề BV Chợ Rẫy đã thực hiện đề án BV vệ tinh lấy BV Chợ Rẫy làm hạt nhân và 20 bệnh viện vệ tinh trong khu vực phía Nam, chuyển giao hàng chục kỹ thuật mới, giúp nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh những điểm sáng, cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục của ngành y tế như vấn đề y đức, khắc phục tình trạng vô cảm trước nỗi đau, bệnh tật của người bệnh, giảm tải bệnh viện, lạm dụng kháng sinh và xét nghiệm. Công tác quản trị bệnh viện ở nhiều nơi vẫn còn nhiều vấn đề, cải cách hành chính cần công khai minh bạch hơn nữa, nhất là quản lý thuốc men, để đảm bảo chất lượng giá thành. Gần đây là vấn đề an ninh, an toàn trong bệnh viện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các địa phương, ngành chức năng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm đến nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe thầy thuốc và nhân viên ngành y tế. Ngoài việc phát động quần chúng lên án hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ và nhân viên y tế, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an điều tra, xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho cán bộ ngành y tế.

Cũng trong chiều ngày 24/2/2018, nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và tặng quà các bác sĩ, y tá, nhân viên, người lao động BV Tim Tâm Đức. Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh những người thầy thuốc Việt Nam đã tận tụy ngày đêm, nỗ lực hết mình trong công tác phục vụ người bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Hà nội: Đảm bảo môi trường an toàn cho cả bác sỹ, nhân viên y tế và người bệnh

Đó là quan điểm của Công an thành phố Hà Nội, trước những vụ việc hành hung Bác sĩ và nhân viên y tế xảy ra mới đây tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước…

Năm 2018 là năm thứ tư lực lượng CATP Hà Nội phối hợp thực hiện quy chế đảm bảo ANTT tại các Bệnh viện trên địa bàn thành phố và đã cho thấy những hiệu quả tích cực, đảm bảo môi trường chăm sóc sức khỏe của nhân dân được an toàn.

Vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái đã xảy ra vụ người nhà bệnh nhân hành hung 2 bác sỹ của bệnh viện, khiến 2 người này bị trọng thương. Người có hành vi hành hung 2 bác sỹ  tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái gây xôn xao dư luận những ngày qua được Công an tỉnh Yên Bái làm rõ là người nhà của sản phụ  Q.P.T (25 tuổi ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), đến bệnh viện để sinh con.

Sau khi có chỉ định phẫu thuật lấy thai, sản phụ T được chuyển vào phòng mổ. Người nhà của sản phụ này đã trèo lên cửa sổ phòng mổ để quay phim, chụp ảnh nhưng bị các bác sĩ nhắc nhở và khi ca phẫu thuật vừa xong, các bác sỹ ra khỏi phòng mổ đã bị người nhà sản phụ lao vào hành hung khiến hai bác sỹ là Phạm Hải Ninh (Khoa Gây mê hồi sức) và bác sỹ Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) bị thương ở vùng mặt và đầu…

Thống kê của ngành y tế cho thấy, chỉ tính từ trong năm 2017 đã có nhiều vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là vụ  nữ Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị chém trọng thương đúng vào ngày Phụ nữ Việt Nam. Hôm đó, chị Trần Thị Thanh Hải đang trong ca trực thì bị Hoàng Xuân Hải (SN 1991), người nhà bệnh nhân dùng dao chém nhiều nhát vào người, khiến nữ Phó trưởng Trạm Y tế xã bị đa chấn thương, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.

Tương tự, 3 ngày sau khi xảy ra vụ việc trên, tại Quảng Bình cũng đã xảy ra vụ bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới bị hành hung tại phòng cấp cứu. Nạn nhân là bác sĩ Trần Thanh Sơn, đang trực cấp cứu tại bệnh viện, đã bị người nhà bệnh nhân xông vào đánh, khiến bác sĩ này bất tỉnh, chảy máu vùng mặt, chấn thương nặng ở mắt phải cấp cứu…

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT - CATP Đồng Hới đã làm rõ và quyết định khởi tố bị can đối với Lê Minh Hải (22 tuổi, ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) thủ phạm hành hung bác sĩ Trần Thanh Sơn về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” để xử lý cùng một số đối tượng khác…

Tìm hiểu thêm về những vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế, PV Báo ANTĐ được biết Cơ quan CSĐT - CAH Việt Yên, Bắc Giang đã bắt giữ và xử lý Nguyễn Văn Tú (26 tuổi) ở thôn Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Nguyễn Văn Tú là đối tượng đã hành hung một bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên, do trước đó đã uống quá nhiều rượu, không làm chủ được bản thân.

Xử lý nghiêm đối tượng vi phạm

Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội, năm 2017 trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra một số vụ hành hung bác sĩ và nhân viên y tế. Các vụ việc này đều đã được CATP Hà Nội làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trưa ngày 16-4-2017, trong lúc đang xem hồ sơ bệnh án, bác sĩ Lê Quang Dương, Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Thạch Thất khi vừa giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhi nhập viện vì viêm họng và tiêu chảy do virus cho người nhà bệnh nhi xong, đang cúi xuống viết bệnh án thì bị bố của bệnh nhi dùng cốc đập vào đầu gây thương tích nặng.

Ngay sau đó lực lượng CAH Thạch Thất đã tiếp cận vụ việc, đưa đối tượng hành hung bác sĩ về trụ sở cơ quan công an để làm rõ và xử lý.

Cũng tại Hà Nội, giữa tháng 6-2017 đã xảy ra vụ bác sĩ Bệnh viện Thể thao Việt Nam bị người nhà bệnh nhân đánh, bắt quỳ xin lỗi giữa sân bệnh viện. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm đã bắt giữ đối tượng hành hung bác sĩ, đồng thời làm rõ nguyên nhân vụ việc bắt nguồn từ bé trai 5 tuổi bị ngã và được gia đình đưa đến bệnh viện này chữa trị. Bác sĩ đã khám với chẩn đoán là bị chấn thương phần mềm và bệnh nhi được nhập viện từ ngày 30-5, đã ra viện từ lâu. Sau đó, vì thấy bé vẫn đau, gia đình tiếp tục đưa đi khám ở bệnh viện khác và bác sĩ cho hay bé bị rạn xương.

Cho rằng bác sĩ Bệnh viện Thể thao Việt Nam chẩn đoán bệnh không đúng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, nên bố của bệnh nhi đã rủ người đến bệnh viện hành hung bác sĩ.

Trao đổi với chỉ huy Phòng Cảnh sát Bảo vệ CATP Hà Nội, chúng tôi được biết đơn vị vẫn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, phối hợp chặt chẽ với Công an sở tại và Sở Y tế cùng các bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Năm 2018 là năm thứ tư CATP Hà Nội phối hợp thực hiện công tác đảm bảo ANTT tại các Bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố và đạt được những kết quả tích cực, bảo vệ tuyệt đối an toàn các bệnh viện, nhất là khu vực cấp cứu và khám bệnh cho bệnh nhân.

Trước đó, Công an các đơn vị chức năng đã phối hợp rà soát, điều tra cơ bản, thống kê các đối tượng hình sự, cò mồi tại các bệnh viện, xác định các địa bàn có dấu hiệu phức tạp về ANTT, dựng các ổ nhóm, nhận diện đối tượng chuyên hoạt động phạm tội nhất là các đối tượng trộm cắp, móc túi, lừa đảo, cướp giật... trên cơ sở đó triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, răn đe đối tượng vi phạm.

“Lực lượng cảnh sát bảo vệ phối hợp với lực lượng CSHS, CAP thường xuyên kiểm tra, tuần tra mật phục trong và ngoài bệnh viện, trấn áp, bắt giữ đối tượng có hành vi vi phạm. Các lực lượng cũng thường xuyên trao đổi thông tin, hình ảnh các đối tượng cò mồi, trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản... trong các bệnh viện để thông báo công khai cho người dân đến khám, chữa bệnh biết, chủ động phòng tránh và phát hiện, tố giác tội phạm” - Thượng tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, CATP Hà Nội cho biết.

Từ công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị công an và bảo vệ bệnh viện, tình trạng mất cắp tài sản của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giảm đáng kể. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ cò mồi gây mất ANTT; tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hàng trăm vụ trộm cắp, lừa đảo  và cướp tài sản tại các bệnh viện, cùng nhiều vụ chống người thi hành công vụ, gây rối TTCC khác...

Ngoài ra, công tác đảm bảo TTATGT tại các cổng bệnh viện cũng được CATP Hà Nội thực hiện tốt, không để xảy ra tắc nghẽn giao thông. Lực lượng CSGT đã tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông trong giờ cao điểm tại những khu vực này, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, taxi dừng đỗ đón trả khách sai quy định nhất là tại những bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa bổ sung Điều 134 Bộ Luật hình sự về tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là "người chữa bệnh cho mình", sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù. (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Chống nạn bạo hành nhân viên y tế: Cần cả cộng đồng chung tay, vào cuộc

Năm 2018 chưa đi qua hết tháng thứ hai nhưng đã có gần chục vụ bạo hành nhân viên y tế được ghi nhận trên cả nước. Mới đây nhất, vụ 2 bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái bị người nhà bệnh nhân đánh chảy máu đầu, một lần nữa khiến những người làm nghề y ám ảnh, kinh hoàng…

Trong một bài phát biểu trước báo chí vào cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chua xót thốt lên rằng: “Ngành y tế đang gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung bác sĩ”, dù ngành đã triển khai rất nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng nhân viên y tế không những không giảm mà còn gia tăng.

Hàng loạt chỉ đạo, giải pháp được ngành y tế, các bệnh viện triển khai mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, song 2 tháng đầu tiên của năm 2018, tình trạng không hề có dấu hiệu cải thiện. Đầu tiên là vụ bác sĩ Nguyễn Thị Thủy - Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Lâm Đồng trong lúc đang khâu vết thương cho bệnh nhân bỗng bị một thanh niên xông vào đánh, làm thủng màng nhĩ. Tiếp đến một điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thế (Bắc Giang) bị hành hung, phải nằm viện.

Mới đây nhất, 11h40 ngày 20-2 (tức mùng 5 Tết), sau khi kết thúc thành công ca mổ đẻ cho sản phụ Quách Thị Phương Th (25 tuổi, quê ở Lào Cai), hai bác sĩ là Phạm Hải Ninh (khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức) và Hoàng Đức Trung (khoa Sản) củ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái đã bị chồng của sản phụ này là Lê Hồng Nam cùng một số đối tượng tấn công, gây thương tích vùng đầu, mặt, máu chảy nhiều, phải đưa đi cấp cứu.

Đáng chú ý, Bệnh viện đã gọi bảo vệ đến can thiệp, nhưng nhóm người nhà bệnh nhân tiếp tục đuổi đánh cả bảo vệ bệnh viện. Chia sẻ với báo chí, một vị lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bất lực kể: “Thời điểm xảy ra sự việc có rất nhiều người nhà bệnh nhân cùng tới xem. Lúc xảy ra sự việc, chúng tôi cũng không dám phản ứng gì vì lúc ấy chỉ cần có một người động thủ rất có thể có án mạng xảy ra. Bởi các đối tượng rất manh động và còn trẻ tuổi...”.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND và Công an tỉnh Yên Bái đề nghị điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với những người đã hành hung nhân viên y tế trong vụ việc này. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Yên Bái cũng đã ra thông báo truy tìm đối tượng Lê Hồng Nam - được xác định là người chủ mưu liên quan đến vụ cố ý gây thương tích kể trên.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh bệnh viện, thậm chí đặt cả camera nhưng không hiệu quả. Trước nạn hành hung nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Tiến cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần có lực lượng Công an “cắm chốt” tại bệnh viện vì nếu chỉ riêng bảo vệ bệnh viện thôi thì chưa đủ.

Từ thực tiễn công tác ở cơ sở, TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, đồng thời phối hợp với công an phường, cảnh sát giao thông tăng cường an ninh khu vực ngoài bệnh viện. Dù vậy, việc tăng cường này cũng không thể bảo đảm chắc chắn việc loại bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trong môi trường y tế mà chỉ có thể hạn chế.

Xử phạt chưa đủ sức răn đe

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân có quy định “nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ". Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế.

Năm 2017, Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua, đã bổ sung tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đề nghị xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019), trong đó có đề xuất: Người hành nghề có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh, nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, người hành nghề được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.

Tại dự thảo Luật này, Bộ Y tế mong muốn đề xuất quy định: trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, mọi quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh đều phải hướng tới quyền lợi cao nhất của người bệnh. Còn với những hành vi gây rối, bạo hành thầy thuốc, ngoài việc nghiêm trị còn phải xem xét tới hậu quả của việc đó với những bệnh nhân khác.

“Ví dụ như trường hợp hành hung dã man hai bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái, không chỉ các bác sĩ này bị tổn thương mà vụ hành hung còn khiến hàng chục bệnh nhân khác phải hoãn ca mổ do thầy thuốc bị thương tích, không còn đủ sức khỏe và sự bình tĩnh để thực hiện tiếp ca mổ” – bác sĩ Cấp phân tích.

Còn theo TS Dương Đức Hùng, mong muốn của mọi nhân viên y tế chính là được làm việc dưới sự bảo vệ của pháp luật một cách nghiêm minh thì mới yên tâm làm việc được. Tuy nhiên, trong rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế thời gian qua, số đối tượng bị xử lý hình sự còn quá hiếm hoi. Vì thế, tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật chưa thể hiện rõ.

Vẫn theo ông Dương Đức Hùng, nguồn gốc của vấn đề là nhận thức về quan hệ giữa người với người. Do đó muốn thay đổi đòi hỏi phải thay đổi từ gốc, đòi hỏi toàn bộ xã hội phải vào cuộc chứ không riêng gì ngành y tế hay công an. (An ninh thủ đô, trang 5).

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM thăm Bệnh viện ĐH Y Dược

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018), , Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm, chúc mừng các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Đại học Y Dược (ĐH YD) TP.HCM.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận sự nỗ trong 24 năm xây dựng và phát triển BV. Đặc biệt, ông đánh giá cao những thành tích nổi bật về công tác chuyên môn, quản lý cũng như phong cách, thái độ phục vụ người bệnh tại BV. Theo ông, đây là mô hình tiến bộ cần được mở rộng, phát triển. hi vọng tất cả cán bộ, viên chức BV ĐHYD sẽ tiếp tục cống hiến sức trẻ và phát huy kinh nghiệm, kiến thức của các cán bộ lớn tuổi để phục vụ cho người dân trong nước và khu vực, đóng góp vào sự phát triển chung của TP và ngành Y tế.

Trước đó, đoàn cũng đã đến thăm một số cựu cán bộ quản lý ngành y, các bác sĩ, thầy thuốc tiêu biểu. (Tuổi trẻ, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Áp lực khám chữa bệnh 20 năm tới tại TP.HCM rất lớn

Nhân kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2018), ngày 25.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và chúc sức khỏe gia đình cố Viện sĩ, tiến sĩ Dương Quang Trung, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến.

Đến thăm Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM gửi lời chúc các thầy cô, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên y tế nhiều sức khỏe để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần làm cho bệnh viện, trường phát triển. Bí thư Thành ủy TP cho biết, sự đóng góp của bệnh viện là rất lớn cho ngành y tế TP, góp phần cho TP có môi trường sống tốt. Đồng bào TP, Thành ủy, HĐND, MTTQ VN TP.HCM đánh giá đúng cống hiến của bệnh viện.

TP.HCM mỗi năm xây 3-4 bệnh viện mới các loại

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, dân số TP 10 triệu người và hằng năm số lượt khám, chữa bệnh tăng 1 triệu lượt, chủ yếu là các địa phương khác đến. 42 năm qua, mỗi năm trung bình TP xây 3-4 bệnh viện mới các loại; 20 năm qua, cứ 5,5 năm thì TP tăng thêm 1 triệu dân. Nếu kéo dài 20 năm nữa thì cứ 5,5 năm phải có cơ sở y tế đủ cho 1 triệu người tại chỗ, bằng dân số một tỉnh. Bí thư Thành ủy TP đánh giá cao Bệnh viện Đại học Y dược vừa làm nhiệm vụ chữa trị cho người bệnh các địa phương và góp phần giảm tải bệnh viện cho TP. Bệnh viện rất nỗ lực vì từ khi thành lập đến nay đều tự chủ, dùng nguồn lực con người từ cơ sở đại học, gắn với tổ chức làm đào tạo rất có ý nghĩa

“Về thăm bệnh viện tôi rất hạnh phúc. Tôi hỏi các đồng chí là có thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài hay không? Các đồng chỉ bảo không! Mình vừa làm vừa học, học là có đi đào tạo nước ngoài. Năm vừa rồi bệnh viện cử gần 40 bác sĩ đi tu nghiệp nước ngoài là rất ý nghĩa. Mặc khác, bệnh viện cũng đã thu hút được bác sĩ từ Singapore sang là thắng lợi, vì xét trên bình diện chung trong khu vực thì y tế Singapore được xem là đứng đầu. Điều này là đáng trân trọng. TP có trách nhiệm hỗ trợ cho bệnh viện phát triển để phát huy mô hình này”, Bí thư Thành ủy nói.

Bệnh viện Đại học Y dược cần đầu tư mở rộng

Báo cáo với Bí thư Thành ủy TP, PGS-TS Trương Gia Bình, Phó giám đốc BV Đại học Y dược TP, cho biết năm 1990, BV ban đầu chỉ là một phòng khám đa khoa có giường lưu. Do nhu cầu đào tạo và phục vụ người bệnh, năm 2000 BV Đại học Y dược được thành lập và năm 2013 trở thành BV đa khoa hạng 1. 24 năm hoạt động, BV luôn tự chủ hoạt động. Đến nay BV có 3.460 nhân viên, 1/4 là các thầy cô giáo có trình độ sau đại học - đây là nguồn lực rất lớn mà khó BV nào có được.

Năm 2017, giường bệnh luôn luôn kín, một bệnh nhân xuất viện thì đã có bệnh nhân vào với 65.000 lượt bệnh nhân/năm. Mỗi ngày BV khám gần 7.000 bệnh nhân (2,3 triệu lượt/năm). BV thực hiện 30.000 ca phẫu thuật/năm, trong đó 30% là phẫu thuật nội soi; xét nghiệm 9,2 triệu lượt; 1,7 tiệu lượt chẩn đoán hình ảnh. So với năm 2016 thì tất cả hoạt động chuyên môn của BV tăng từ 10 - 20%.

Hiện BV có hệ thống phòng mổ, hệ thống chụp DSA, chẩn đoán hình ảnh, cộng hưởng từ… thuộc diện hiện đại nhất nước, điều trị cho bệnh nhân hiệu quả.

BV có thế mạnh trong lĩnh vực nội soi, đặc biệt là gan mật. BV đạt giải nhất hội thi video cắt gan tại hội nghị tổ chức ở Pháp. Triển khai phẫu thuật tim nội soi. Can thiệp cứu thành công bé sơ sinh một ngày tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh nguy cấp. Sử dụng stent tự tiêu thế hệ mới lần đầu tiên ở VN. Ứng dụng điện cơ và siêu âm trong kỹ thuật tiêm Botulinum toxin trong điều trị bệnh thần kinh. Triển khai kỹ thuật theo dõi cung lượng tim bằng phương pháp phân tích biểu đồ sóng huyết áp.

BV đã nghiên cứu khoa học rất nhiều, tập trung vào nghiên cứu đa trung tâm trên thế giới. BV đã ký kết với nhiều BV ở ngoài nước, tập trung chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để phát triển chuyên môn.

Khảo sát hài lòng người bệnh nội trú và ngoại trú năm 2017 cho thấy hơn 97% bệnh nhân hài lòng trong quá trình điều trị tại BV. Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng người bệnh đánh giá BV đạt gần 98/100 điểm. Điểm chất lượng BV là 4,26/5. BV ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh án điện tử hoàn thiện… Về thu viện phí, năm 2017 BV thu tăng 26%, tổng thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên tăng 12,8%.

Mặc dù BV đã phát triển vượt bật, nhưng PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y dược TP, cho biết thêm, khó khăn nhất của BV hiện nay là quá tải. Vào những đợt cao điểm điểm như sau tết bệnh nhân khám tăng 23%, nhập viện tăng 27% và dịp hè thì BV quá tải nặng, bệnh nhân không có chỗ nằm BV phải chuyển đi các cơ sở khác.

BV đề nghị TP.HCM thuê khu đất 231 Hồng Bàng, Q.5 để mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, TP giới thiệu cho BV thuê hoặc mua một khu đất từ 3-5 héc ta để xây dựng một BV mới xứng tầm ở khu vực Q.2, Bình Chánh. Mục tiêu của BV không chỉ là điều trị mà là đào tạo nhân lực trình độ cao cho TP, đất nước và các nước đến tham quan, học tập.

Theo Bí thư Thành ủy TP, dù không được ngân sách nhà nước đầu tư, BV đã tự chủ và dùng trí tuệ, sự quyết tâm, học hỏi, hợp tác quốc tế, biến việc không có tiền thành cơ sở vật chất khang trang như BV hiện nay. Đây là bài học rất quý giá. Việc lãnh đạo BV có mong muốn mở rộng BV thì đây cũng là nhu cầu của TP. Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP thông báo cho Sở Quy hoạch kiến trúc rà soát quy hoạch tại Q.2 để BV tiến hành các thủ tục khi có đất, làm nhanh trong vòng một tháng. Riêng khu đất 231 Hồng Bàng, Bí thư Thành ủy cũng giao UBND rà soát lại, nếu giao cho y tế thì sẽ mang lại lợi ích lớn. (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang