Triển khai hệ thống máy “Người bệnh không hài lòng
Hệ thống kiôt khảo sát “Người bệnh không hài lòng” sẽ được lắp đặt ở các BV thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Thông tin từ Sở Y tế TP cho biết hội đồng quản lý chất lượng KCB Sở Y tế đã thiết kế 15 vấn đề liên quan trực tiếp đến người bệnh để người bệnh dễ dàng chọn và chạm vào máy khảo sát khi cảm thấy không hài lòng…(Tuổi trẻ, trang 2).
Vitamin A: Thiếu nguy hiểm, thừa gây họa
Thiếu vitamin A có thể khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, thường xuyên đau ốm, nhưng thừa vitamin này lại gây loãng xương, hoặc các bệnh về gan.
Vitamin A là một trong những vi chất vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, tuy nhiên, nhiều mẹ vì chủ quan mà bỏ sót nó trong bữa cơm hàng ngày. Điều này không chỉ khiến trẻ gầy yếu, hay ốm đau mà còn dẫn đến những bất thường trong sức khỏe.
Giống như vitamin C, vitamin A giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn tới dễ mắc các bệnh như: sởi, uốn ván, tiêu chảy kéo dài hay các bệnh về đường hô hấp… Cũng vì lẽ này mà trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn.
Ngoài ra, vitamin A có tác dụng bảo vệ sự toàn vẹn của các tế bào giác mạc. Thiếu vitamin A, niêm mạc mắt có thể bị tổn thương, nếu không khắc phục kịp thời, nó thậm chí còn gây ra mù lòa. Thiếu hụt vitamin A cũng là một trong những nguyên nhân khiến làn da của trẻ trở nên khô ráp, không mịn màng.
Không nhất thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm
Báo cáo mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra rằng: 13% trẻ em Việt Nam đang bị thiếu vitamin A. Điều đáng nói là dù mỗi năm qua đều có 2 chiến dịch bổ sung lớn được tổ chức tại trạm y tế của từng địa phương, thế nhưng, tỷ lệ này gần như không thay đổi suốt 1/5 thế kỷ, tức là trong suốt 20 năm qua.
Tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A không chỉ xảy ra ở nông thôn mà còn ở các đô thị lớn. Ở nông thôn, nguyên nhân là chế độ ăn của trẻ còn nghèo dinh dưỡng, riêng tại các đô thị thì nó lại do chế độ ăn mất cân bằng! Điều này có nghĩa là: cha mẹ thường chỉ chú trọng bổ sung các chất đạm từ thịt, cá, tôm… cho con mà rất ít khi chú ý đến các thành phần dinh dưỡng khác.
Vitamin A có trong những thực phẩm nào và làm cách nào để bổ sung? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Vitamin A tồn tại trong rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau như: cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, trứng, sữa hay các loại cá béo như: cá thu, cá trích, cá hồi..., vậy nên nếu chế độ ăn hàng ngày của trẻ luôn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm, bạn không cần thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm cho bé”.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Bích Nga cũng khuyến cáo vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, thế nên, nếu muốn cơ thể trẻ có thể hấp thu tối đa lượng vitamin này, trong chế độ ăn, bạn đừng quên bổ sung thêm các loại dầu, mỡ. Hàm lượng dầu mỡ mà các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ ăn mỗi ngày tối thiếu là 2,5ml. Riêng với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách bổ sung vitamin A hiệu quả nhất là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Thừa vitamin A: Trẻ dễ còi xương
Trẻ thiếu vitamin A thường có dấu hiệu điển hình là mắt khô, da khô ráp, sần sùi… Vì thế, nếu nhận thấy bé đang có những bất thường này, bạn hãy nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra.
Thiếu vitamin A, sự phát triển toàn diện của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, thừa loại vitamin này cũng sẽ khiến trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ... Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng này lâu dần có thể dẫn tới loãng xương hay các bệnh về gan. Thế nên, trong trường hợp phải bổ sung vitamin A cho trẻ thì bạn phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Với một chế độ ăn đa dạng, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp đủ vitamin A cho nhu cầu của trẻ từ nguồn tự nhiên mà không cần đến sự hỗ trợ từ dược phẩm.
“Vitamin A tồn tại trong rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau như cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, trứng, sữa hay các loại cá béo như cá thu, cá trích, cá hồi... Nếu chế độ ăn hàng ngày của trẻ luôn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm, không cần thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm”. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Men gan cao - không được phép chủ quan
Men gan tăng cao là dấu hiệu của nhiều bất ổn trong cơ thể. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh tình sẽ nặng hơn, người bệnh thậm chí có nguy cơ tử vong. Vậy làm thế nào để phòng và điều trị hiệu quả tình trạng men gan tăng cao? Triệu chứng và mức độ nguy hiểm
Gan là một cơ quan xử lý mọi chất độc khi vào cơ thể. Men gan là một loại enzyme nằm trong tế bào gan. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì có một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L (chỉ số này gần như cố định ở người bình thường). Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao.
Men gan cao phản ánh tình trạng tế bào gan đang bị tổn thương, gan đang bị viêm. Chỉ số men gan cao là dấu hiệu báo hiệu nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan, ung thư gan, viêm cơ, viêm thận mãn, viêm túi mật, nhồi máu cơ tim, động kinh… Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí gây ung thư gan, đồng thời giảm dần tuổi thọ, tăng tỷ lệ tử vong từ 21 đến 78%.
Đáng chú ý, nếu men gan tăng nhẹ dưới 2 lần thì người bệnh hầu như chưa có biểu hiện triệu chứng gì, nếu không đi xét nghiệm thì không biết được. Vì không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh chủ quan, không đi khám, không có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
Nguyên nhân và cách phòng bệnh
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc men gan tăng cao nhưng trong đó viêm gan là nguyên nhân chính. Virus viêm gan khi xâm nhập tế bào gan, chúng sinh sản rất nhanh, rất mạnh và phá hủy tế bào gan nên lượng men gan giải phóng ra càng nhiều.
Nghiện rượu, sốt rét, ung thư gan, ngộ độc hoá chất cũng làm cho men gan tăng một cách đáng kể. Bệnh về đường mật cũng có liên quan mật thiết với gan, nhất là các bệnh do sỏi đường dẫn mật, giun chui ống mật, viêm đường mật.
Ngoài ra, trong một số bệnh lý khác như các bệnh nhiễm khuẩn nặng (bệnh sởi, Rubella, nhiễm khuẩn huyết) hoặc một số thuốc cũng có thể làm gia tăng men gan.
Để phòng và điều trị men gan tăng cao, hạn chế sử dụng rượu bia, và các đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, thuốc lào (những thứ đại kỵ đối với lá gan). Hãy áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý, không ăn da, mỡ động vật, các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh các gia vị cay nóng, dùng thực phẩm cần thiết cho tái tạo mô gan như tảo spirulina, đậu nành, dầu gấc, nấm đông cô…
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, không nên thức khuya, không nên làm các công việc nặng nhọc nhiều. Ngủ đủ giấc cũng quan trọng vì giấc ngủ 8 tiếng chính là cao điểm cho tiến trình phục hồi của lá gan.
Khi đã biết mình bị tăng men gan, nên đi khám chuyên khoa để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng, đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi B. (An ninh Thủ đô, trang 8).