Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/4/2018

  • |
T5g.org.vn - Hàng ngàn hộp thuốc thần kinh bán sạch ngoài thị trường; Mất mạng vì uống thuốc đông y trị tiểu đường không rõ nguồn gốc; Chinh phục đỉnh cao y học; Thêm kênh thông tin về thực phẩm an toàn cho người dân

 

Hàng ngàn hộp thuốc thần kinh bán sạch ngoài thị trường

Đường dây này chuyên sản xuất và bán thuốc giả với số lượng hàng ngàn hộp, trong đó chủ yếu là thuốc trị bệnh về thần kinh và các loại thuốc chống thiếu máu, trong hơn một năm.

Địa bàn phân phối thuốc giả là tại các khu vực TP.HCM, Phú Yên, Bình Định, Nam Định.

Vợ chồng, anh em sản xuất thuốc giả

Chiều 25-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố 6 đối tượng trong đường dây chuyên sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

Sáu đối tượng bị đề nghị truy tố gồm hai vợ chồng Trần Thị Minh Hằng, 56 tuổi - Trần Hữu Đồng, 50 tuổi, cùng ngụ chung cư Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10, TP.HCM và Trần Hữu Tâm (53 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), Dương Hồng Sơn (42 tuổi, ngụ Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (48 tuổi, ngụ Bình Định), Võ Văn Thao (41 tuổi, ngụ TP.HCM).

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sáng 20-9-2017, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP đã bắt quả tang Trần Hữu Tâm sử dụng xe máy chở hai thùng cactông bên trong chứa 230 hộp tân dược giả. 

Khai thác nhanh tại hiện trường, PC46 xác định đường dây buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh này do Trần Thị Minh Hằng cầm đầu, tổ chức nên nhanh chóng truy ngược lại theo các dấu vết, đường đi của loại thuốc này.

Kết luận điều tra cho thấy đường dây này do bị can Hằng là người đứng ra tổ chức, điều hành. Trần Hữu Tâm - người bị bắt đầu tiên chính là anh ruột của Trần Hữu Đồng - chồng của Hằng.

Theo lời khai và tài liệu chứng cứ thu thập được, PC46 kết luận: Hằng bắt đầu sản xuất tân dược giả từ đầu tháng 10-2016, các loại thuốc bị làm giả tập trung chủ yếu là Terneurine (thuốc trị bệnh về thần kinh) và một số loại thuốc giảm đau, chống thiếu máu, thiếu vitamin khác như Becozyme, Voltaren...

Quy trình khép kín

Quy trình làm thuốc giả của Hằng và các bị can, theo cơ quan điều tra, là khép kín, trong đó Thao là "nhà in" nhãn mác, bao bì các loại thuốc, hướng dẫn sử dụng, bao gồm cả vỏ, tem, nhãn dán trên vỉ thuốc, hộp thuốc với số lượng lớn. 

Quy trình này thực hiện rất cẩn thận, có mang mẫu mã thật để đối chiếu, so sánh kỹ càng tới từng chi tiết. Sau khi in thử nhiều lần, đảm bảo 100% "như thật", "hàng" mới in số lượng lớn và vận chuyển đi các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Nam Định để chờ đóng gói thành phẩm. 

Sau những lần in thử đầu tiên, Thao hỏi về giấy phép và các loại tài liệu liên quan của Hằng, Hằng nói không có. Thao biết Hằng sản xuất thuốc giả nên ép giá, buộc Hằng phải trả giá cao cho mỗi sản phẩm in ấn. Hằng chấp nhận. Trong khoảng 1 năm, Thao đã in cho Hằng khoảng 30.000 vỏ hộp thuốc giả các loại.

Phương pháp sản xuất và nguyên vật liệu mà nhóm Hằng cùng các bị can thực hiện rất đơn giản: Hằng đi mua các loại thuốc cùng loại của Việt Nam sản xuất, hoặc thuốc có tá dược tương đương trôi nổi ngoài thị trường rồi giao lại cho Trần Hữu Tâm mang về "nhà máy" ở đường Tô Ký, quận 12. 

Tại đây, Tâm "hô biến" các loại thuốc này thành thuốc ngoại nhập, với giá thành cao hơn nhiều so với giá thuốc sản xuất trong nước và trực tiếp gửi đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Nam Định tiêu thụ.

Bán khắp Trung - Nam - Bắc

Kết quả điều tra xác định Hằng cùng chồng và anh chồng chỉ sản xuất ba loại thuốc giả, cung cấp cho Dương Hồng Sơn, Nguyễn Đình Thanh và một đối tượng tên Trường, ở đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định. 

PC46 đã khám xét địa chỉ này nhưng không thu giữ được gì, Trường và vợ đã rời khỏi nơi cư trú, hiện đang bị truy tìm. 

Hằng chỉ sản xuất khi được đặt hàng theo số lượng cụ thể, gửi kèm cả thuốc thật để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Không chỉ đặt sản xuất hàng giả, Dương Hồng Sơn còn học chiêu của vợ chồng Hằng, tự đứng ra tổ chức sản xuất thuốc giả với phương pháp tương tự từ tháng 5-2017. 

Theo đó, Sơn đặt mua của Hằng bao bì, tem nhãn, giấy hướng dẫn sử dụng giả các loại thuốc ngoại nhập, tự tay làm giả rồi bán lại cho chính Hằng với số lượng lớn và bán ra thị trường khu vực Phú Yên. 

Cách làm của Sơn có khác Hằng, đó là mua các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rất rẻ, sau đó tháo bỏ nhãn mác cũ, "hô biến" thành thuốc ngoại nhập, bán với giá cao gấp nhiều lần. Số lượng thuốc giả Sơn đã sản xuất và bán ra là hàng ngàn hộp.

Tại Phú Yên, Bình Định, cơ quan điều tra các tỉnh này tìm tới từng điểm bán hàng đã được giao hàng nhưng tất cả các điểm bán đều khẳng định không biết đó là thuốc giả và hầu như đã tiêu thụ hết sản phẩm.

Ở TP.HCM, sau khi thông tin Hằng và các bị can khác bị bắt, một đại lý lớn chuyên kinh doanh thuốc đã thu thập số thuốc trước đó đã mua của Hằng mà chưa kịp bán hết mang tới trình diện, nộp cho cơ quan điều tra. Người này khai nhận hoàn toàn không biết đó là thuốc giả (Tuổi trẻ, trang 5).

 

Mất mạng vì uống thuốc đông y trị tiểu đường không rõ nguồn gốc

Với quan niệm thuốc đông y luôn lành tính, không gây tác dụng phụ, thời gian qua một số bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) đã tự ý mua thuốc đông y bày bán trôi nổi trên thị trường về sử dụng song họ đã phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của bản thân.

Mất tiền rước họa vào người

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân tiểu đường type 2 tự uống thuốc đông dược không rõ nguồn gốc, khiến bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng, trong đó có 4 trường hợp tử vong do sử dụng thuốc này.

Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, choáng,  thậm chí bị hôn mê, thở nhanh, khi xét nghiệm máu, lượng đường ổn định nhưng độ pH khá thấp, có khả năng bị ngưng tim, tử vong đột ngột. Theo người nhà những bệnh nhân này, trước khi nhập viện, bệnh nhân có sử dụng một loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh tiểu đường. Loại thuốc này có một số màu như xanh, đỏ và xám. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ đã cho kiểm tra cơ sở bán thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường, thu giữ hàng trăm nghìn viên thuốc đông dược thành phẩm, đóng thành nhiều gói, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các cơ sở này đã bị xử phạt hành chính theo quy định.

Không chỉ được bày bán tại các nhà thuốc Đông y gia truyền mà thuốc đông dược trị tiểu đường còn được rao bán tràn lan trên mạng với những lời giới thiệu có cánh “sản phẩm phẩm được bào chế từ các loại thảo dược quý, được tuyển chọn kỹ lưỡng và khắt khe trước khi đưa vào sản xuất, được các nhà khoa học nghiên cứu và đã sử dụng hiệu quả cho bệnh nhân. Thuốc rẻ và an toàn, điều trị không mất nhiều công sức và tiền của như loại thuốc tây vừa đắt tiền lại có nhiều tác dụng phụ”…

Trong vai người nhà bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2, chúng tôi gọi điện đến số điện thoại của một cơ sở rao bán thuốc đông y gia truyền trên mạng ngỏ ý muốn mua thuốc. Sau khi hỏi qua loa vài câu, chúng tôi được nhân viên nghe điện thoại tư vấn “thuốc được điều chế dạng viên nhỏ gọn chiết xuất từ phần hoạt chất của cây thảo dược nên chỉ cần uống vài viên nhỏ là tác dụng bằng cả thang thuốc. Ngoài việc giúp ổn định đường huyết, sản phẩm còn bồi bổ những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đào thải độc tố, đặc biệt có hiệu quả cao đối với những bệnh nhân tiểu đường type 2. Người mua không cần đến tận nơi mà chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản bên bán và báo địa chỉ, thuốc sẽ được gửi đến nhà theo đường bưu điện”?!

Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ

Về thực hư tác dụng của các loại thuốc đông y gia truyền điều trị tiểu đường không rõ nguồn gốc, Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E cho biết, thực tế đã có bệnh nhân tiểu đường nhập viện trong tình trạng bị suy thận cấp và toan máu nặng với độ pH vượt ngưỡng, thậm chí suýt mất mạng vì uống thuốc đông dược để hạ đường huyết. Những bệnh nhân này đã dùng thuốc đông dược bán trôi nổi trên thị trường trong một thời gian dài.

Do thuốc này có tác dụng ổn định đường huyết nên bệnh nhân sử dụng một thời gian đến bệnh viện xét nghiệm lại thường cho kết quả đường khá ổn nên họ yên tâm tiếp tục sử dụng. Tuy vậy, nếu dùng lâu dài, loại thuốc này có thể gây ra một số biến chứng như tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân tụt huyết áp, nguy cơ tử vong cao. Một số bệnh nhân nhập viện tuy vẫn có cơ hội  sống sót song khả năng phục hồi sức khỏe không cao, chi phí lại rất tốn kém.

“Một số xét nghiệm phân tích cho thấy, loại thuốc đông dược mà nhiều người bị tiểu đường sử dụng có thành phần không phải hoàn toàn từ thảo mộc mà trong đó còn có Phenformin - thuốc trị tiểu đường hiện đã bị cấm lưu hành do có nhiều tác dụng phụ, biến chứng gây tử vong ở cả những người còn rất trẻ. Vì vậy, để tránh tiền mất, tật mang, khi thấy các dấu hiệu của bệnh tiểu đường (đi tiểu thường xuyên, hay khát nước, giảm thị lực, mệt mỏi…) người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám điều trị bệnh kịp thời, không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, nhất là các loại thuốc  đông y gia truyền chưa được kiểm định về tác dụng, chất lượng” – bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Chinh phục đỉnh cao y học

“Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thực sự là vườn ươm tài năng, đáp ứng được đam mê, khát khao cống hiến của các nhà khoa học trẻ trong việc chinh phục những đỉnh cao khoa học ngành y”, đại tá Hà Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện 108 nói.

Theo đại tá Hà Minh Tuấn, từ năm 2015 đến nay, đã có 75 đề tài nghiên cứu khoa học được giao cho thanh niên đảm nhiệm, trong đó có nhiều đề tài, kỹ thuật mới thiết thực được nghiên cứu. Hoạt động sáng tạo trẻ trong bệnh viện là tiền đề, cơ sở quan trọng để tuổi trẻ đơn vị tham gia hiệu quả hoạt động Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (TTST) trong Quân đội.

Phục vụ cộng đồng

Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện 108 có nhiều chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, trong đó có việc chẩn đoán các mầm bệnh sinh học ở mức độ gien (gen). Để tối ưu hóa quá trình xét nghiệm nhiễm khuẩn huyết trên máu, nhóm nghiên cứu (gồm 3 kỹ sư trẻ: thiếu tá Ngô Tất Trung, trung úy Đào Thanh Quyên và thượng úy Trần Thị Thanh Huyền) đã bắt tay nghiên cứu đề tài “Cải tiến quy trình tách chiết DNA vi khuẩn trong máu làm tăng độ nhạy của Realtime PCR trong chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết” - giải Nhì giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 17.

Theo trung úy Đào Thanh Quyên, tại Việt Nam, chưa có nhiều cơ sở y tế triển khai các xét nghiệm chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết bằng sinh học phân tử. Ngay tại miền Bắc, chỉ có một bệnh viện TƯ ứng dụng bộ Kit thương mại của Công ty Roche (CE-IVD Septifast) để chẩn đoán mầm bệnh với giá thành 4,6 triệu/lần xét nghiệm, lý do là Kit nhập ngoại chi phí quá cao.

“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu đề tài này từ năm 2012. Nhờ áp dụng bước loại bỏ DNA người vào chẩn đoán bệnh, chúng tôi đã nâng tỷ lệ dương tính của cấy khuẩn trước đây (ở mức 33%) lên mức 55% nếu kết hợp cấy khuẩn với kỹ thuật realtime PCR. Theo tính toán, giá thành sinh phẩm cho toàn bộ quy trình chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết sử dụng sinh phẩm của chúng tôi thấp hơn so với Kit thương mại”, trung úy Quyên nói.   

Được đưa vào chẩn đoán thường quy năm 2017, công trình hữu dụng này đã thực hiện trên 400 mẫu xét nghiệm, góp phần rút ngắn thời gian trả kết quả cho bệnh nhân (chỉ từ 4-5 giờ). Đặc biệt, đây là giải pháp loại bỏ đặc hiệu ADN người bằng dung môi MCLB1 lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và Bệnh viện 108 chính là cơ sở đầu tiên và duy nhất tự triển khai được Realtime PCR trong phát hiện nhanh các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn máu mà không cần thiết bị chuyên biệt với giá thành rất thấp. Nghiên cứu đã được hội đồng khoa học quốc tế công nhận và được đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Từ thành công của nghiên cứu này, với mong muốn cứu chữa hiệu quả nhất đối với người bệnh, nhóm nghiên cứu nỗ lực không ngừng để tiếp tục tìm ra được phương pháp mới chẩn đoán nhanh các mầm bệnh vi sinh với phương pháp phát hiện đơn giản nhất, có thể triển khai tại các cơ sở y tế tuyến dưới và tại các đơn vị thiếu cơ sở hạ tầng thiết bị y tế.

 Giảm độc hại phóng xạ

Cây sáng kiến trẻ nổi bật ở Trung tâm máy Gia tốc C30, đại úy, kỹ sư Hà Ngọc Khoán là chủ nhiệm đề tài “Kỹ thuật điều chế dược chất phóng xạ 18F-NaF cho PET/CT sử dụng module tự chế tạo”. Đề tài được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu gồm 3 thành viên đã giành giải Nhì giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 17. 

Với nền tảng kiến thức của một kỹ sư chuyên ngành Điện tử - Y sinh được đào tạo ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, đại úy Khoán trăn trở tìm ra những giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tối đa độc hại cho cả người bệnh và nhân viên y tế khi tiếp xúc với phóng xạ trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh cũng như hạn chế tình trạng bệnh nhân phải đợi thuốc điều trị ung thư.

Tiếp nối thành công của công trình trên, năm nay, đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị chia liều tự động dược chất phóng xạ 18F-FDG dùng cho PET/CT” do anh và 2 cộng sự thực hiện là một trong 7 công trình, sáng kiến tiêu biểu của tuổi trẻ bệnh viện được gửi đi tham gia Giải thưởng TTST trong Quân đội lần thứ 18.

Đại úy Khoán cho biết: Năm 2009, Trung tâm máy Gia tốc C30, Bệnh viện 108 đi vào hoạt động với mục đích sản xuất các đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý ung thư, tim mạch và thần kinh. Đi cùng với đó là hệ thống chia liều tự động sử dụng robot công nghiệp dùng để thực hiện các thao tác trực tiếp với nguồn phóng xạ một cách chính xác, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, do các yếu tố khách quan về điện nguồn cung cấp và một số nguyên nhân khác, robot liên tục bị trục trặc, báo lỗi và không ổn định, buộc phải dừng sản xuất chờ chuyên gia khắc phục.

“Là đơn vị duy nhất cung cấp thuốc cho các bệnh viện lớn và các đơn vị trong khu vực miền Bắc nên trung tâm ngừng sản xuất ngày nào thì Hà Nội cũng như miền Bắc không có thuốc dùng cho bệnh nhân ngày đó. Bên cạnh đó, do đặc thù nguy hiểm khi tiếp xúc với phóng xạ, nên con người không thể làm trực tiếp thay robot được”, đại úy Khoán chia sẻ.

Để khắc phục những nhược điểm trên, thiết bị chia liều tự động của đại úy Khoán có một loạt ưu điểm như phần mềm điều khiển tiện dụng, đơn giản, tự động điều khiển từng bước trong quá trình chia liều; đảm bảo an toàn phóng xạ cho nhân viên y tế khi vận hành, giám sát qua màn hình máy tính trong suốt quá trình chia liều; giá thành rẻ hơn rất nhiều so với mua của nước ngoài. Với lợi thế là sản phẩm sáng tạo mới và chưa từng có tại Việt Nam, đảm bảo theo chỉ dẫn về tiêu chuẩn an toàn bức xạ của cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), công trình có thể đăng ký bản quyền và thương mại hóa sản phẩm (Tiền phong, trang 7).

 

Thêm kênh thông tin về thực phẩm an toàn cho người dân

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để thêm kênh cung cấp thông tin về thực phẩm an toàn cho người dân, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm đang gấp rút được triển khai và sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 6-2018. Cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở thông tin do các bộ, ngành và địa phương cung cấp. Từ đây, người dân có thể truy cập để xem sản phẩm mình mua đã được cấp công bố tiêu chuẩn chất lượng chưa, cơ sở vi phạm, cơ sở đạt điều kiện về an toàn thực phẩm…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, phải công khai các hành vi, tên của các cơ sở sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo người tiêu dùng; đồng thời, thông tin rộng rãi về các cơ sở sản xuất an toàn. Thời gian tới, ngoài vấn đề hậu kiểm, tại Cục An toàn thực phẩm luôn có đường dây nóng (số: 0243 232 1556 - 0911811556) để tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm (Hà Nội mới, trang 5).

 

Thực hiện tốt công tác giám sát dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 81 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái), không có tử vong, các ca mắc phân bố rải rác tại 20/30 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 12 trường hợp mắc ho gà, 234 trường hợp mắc tay chân miệng, 61 trường hợp mắc sởi... Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội nằm trong tầm kiểm soát. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác giám sát dịch; triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng... Riêng với bệnh sởi, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin đúng thời gian quy định. Ông Hoàng Đức Hạnh cũng khẳng định, Hà Nội còn đủ Quinvaxem đến tháng 7 năm nay. Trẻ em đang tiêm Quinvaxem có thể tiêm vắc xin thay thế trong những đợt tiếp theo, không phải tiêm lại từ đầu (Hà Nội mới, trang 1).

 

Tập trung cao độ cho công tác khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh ( Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, ngày 24/4, Cục đã có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành; Bệnh viện trực thuộc các trường đại học yêu cầu bảo đảm công tác khám, chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2018. Theo đó, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bảo đảm trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Các cơ sở y tế thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng nếu có tại địa phương.

Bên cạnh bảo đảm công tác thường trực cấp cứu kịp thời đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, đuối nước, tai nạn thương tích tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch; các đơn vị lập kế hoạch công tác chuyên môn, tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không từ chối hoặc xử trí chậm trễ các trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đến cơ sở y tế khác. Các đơn vị thường trực Đường dây nóng 24/24h để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết như: các diễn biến bất thường về cấp cứu, tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng và báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Gia đình & Xã hội, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang