Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Khánh Sơn (Khánh Hòa): Phát huy vai trò già làng trong công tác dân số; Giảm giá 70 dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ giảm lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu?

 

Khánh Sơn (Khánh Hòa): Phát huy vai trò già làng trong công tác dân số

Thời gian qua, ngành Dân số huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã phát huy tốt vai trò của già làng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách dân số. Nhờ vậy đã hạn chế được các hủ tục lạc hậu, từ đó cuộc sống của người dân dần được cải thiện.

Già làng làm cộng tác viên dân số

Già làng Cao Văn Nhịp (65 tuổi, người dân tộc Raglai, ở thị trấn Tô Hạp) cho biết, được chính quyền địa phương vận động và chứng kiến cuộc sống nghèo khó, thất học của đồng bào dân tộc Raglai do sinh đông nên ông đã tình nguyện làm cộng tác viên dân số, tham gia vận động người dân thực hiện KHHGĐ.

Trong suốt thời gian làm, ông Nhịp đã trăn trở và tìm cách vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phong tục lỗi thời. Ông tâm sự: “Muốn dân hiểu tin, làm theo những chủ trương của Đảng, Nhà nước như già làng vận động thì bản thân già làng phải thật sự gương mẫu trong tất cả các phong trào ở địa phương. Con cháu mình cũng phải ngoan, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, thực hiện đúng chính sách dân số thì bà con sẽ nghe mình nói”.

Từng là Trưởng thôn kiêm cán bộ mặt trận, hơn 10 năm qua, bước chân của già làng Cao Văn Nhịp cùng với cán bộ dân số, những người có uy tín tại địa phương đã len lỏi đến từng gia đình các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để đưa những chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực vận động, kêu gọi người dân thôn Tà Lương thực hiện giảm sinh, phát triển kinh tế. Dần dần người dân thay đổi nhận thức, hiểu được lợi ích KHHGĐ, tự giác đi đặt vòng tránh thai, triệt sản, sử dụng các biện pháp tránh thai ngày một tăng. Tại thị trấn Tô Hạp, năm 2017, người dân thực hiện KHHGĐ đạt trên 90%.

Gia đình chị Mấu Thị Hào (ở thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp) cho biết, nhờ sự vận động của già làng Nhịp, gia đình chị thực hiện KHHGĐ, chỉ sinh 2 con để tập trung làm ăn. Mặc dù chỉ làm nương rẫy nhưng gia đình chị vẫn dư ăn, con cái đều được học hành đầy đủ. Cùng thôn với chị Hào, chị Mấu Thị Nếp cũng cho hay: “Già làng nói thì mình phải nghe, khi sinh cháu thứ 2 được 6 tháng, ông đến nhà gọi tôi ra cơ sở y tế cấy tránh thai miễn phí nhân có đoàn y bác sĩ về huyện. Từ đó không lo đẻ nữa, vợ chồng tôi còn được già làng hướng dẫn vay vốn trồng rừng, trồng mía nên có điều kiện lo cho con đi học, xây nhà, mua sắm tivi, xem máy”.

Hiện tại, toàn huyện Khánh Sơn có khoảng 30 già làng, người có uy tín trong cộng đồng, được bà con dân tộc thiểu số tín nhiệm.

Kết quả tích cực

Bà Trần Nguyễn Thúy Vân - Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Khánh Sơn chia sẻ, già làng là những người am hiểu phong tục, tập quán, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong công tác dân số già làng giữ vai trò hết sức quan trọng, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách dân số, thực hiện KHHGĐ để giảm sinh, giảm đói nghèo. Họ là lực lượng nồng cốt truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến dân làng, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân lên chính quyền. Đặc biệt là tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Phát huy vai trò quan trọng đó, hằng năm Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đều tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông vận động, cung cấp kiến thức dành cho già làng, trưởng tộc, người có uy tín. Nhờ vậy, thời gian qua, triển khai Nghi định 39 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ tại các xã khó khăn, xã có mức sinh, gặp nhiều thuận lợi, được đông đảo bà con tích cực tham gia.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn xa xôi, nhận thức của một số người dân còn chưa cao, giảm sinh chưa bền vững, chất lượng cuộc sống người dân còn thấp. Vì thế trong thời gian tới, ngành Dân số huyện tiếp tục triển khai các hoạt động duy trì giảm sinh, thực hiện nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức mới để họ tiếp tục đóng góp vào công tác dân số trong tình hình mới. (Gia đình & xã hội, trang 6).

 

Giảm giá 70 dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ giảm lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu?

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ y tế trong khi chỉ tăng giá của 9 dịch vụ sẽ làm giảm chi phí; góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020, đồng thời giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết của các bệnh viện.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 15 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng, thay thế cho Thông tư 37. Đáng chú ý, tại thông tư mới đã điều chỉnh, bổ sung 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó giảm giá 70 dịch vụ (chủ yếu là giá khám bệnh, giường bệnh và xét nghiệm); tăng giá 9 dịch vụ, bổ sung giá 9 dịch vụ khác.

Đây là lần điều chỉnh viện phí đầu tiên trong 3 năm qua mà số dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giảm giá chiếm đa số thay vì số dịch vụ được điều chỉnh tăng giá. Sáng nay, 25-6, Bộ Y tế đã gửi thông tin đến báo chí để chính thức lý giải về sự điều này.

Theo đó, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế cho biết, bối cảnh hiện nay có một số yếu tố tác động làm tăng nhưng cũng có một số yếu tố làm giảm chi phí để thực hiện các dịch vụ. Cụ thể, các yếu tố tác động giảm giá dịch vụ gồm: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng; các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư nâng cấp, được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên nên chất lượng dịch vụ tăng.

Đặc biệt, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh tại các huyện trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ 1-1-2016 nên tần suất khám, chữa bệnh/thẻ BHYT tăng, dẫn đến số lượt khám bệnh/01 bàn khám, số lượt siêu âm, chụp Xquang, CT-Scanner, nội soi tai mũi họng, công suất sử dụng giường bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng làm giảm được chi phí tính cho 1 dịch vụ.

Cùng đó, giá một số thuốc, vật tư, hóa chất giảm do công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và nhiều địa phương, góp phần làm giảm chi phí về thuốc, vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.

Tuy nhiên, cũng có giá đầu vào tăng, giá điện, giá nước tăng, chi phí xử lý nước thải y tế trước đây mới tính một phần nay tính đầy đủ... 

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật y tế lần này sẽ làm giảm chi phí góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế. Dù vậy, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ bị giảm nguồn thu dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết. Hơn nữa, về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT. (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Chỉ số hài lòng của người bệnh đạt gần 86%

Sua một thời gian thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động, kết quả đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy: Trong năm 2017, có 85,7% số người bệnh được hỏi đã bày tỏ thái độ hài lòng đối với các dịch vụ y tế tại bệnh viện công lập (khảo sát tại 33 bệnh viện)… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Mỗi năm 30.000 người tử vong liên quan đến virus viêm gan

Hiện nay có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và C và mỗi năm có khoảng 30.000 người tử vong liên quan đến virus viêm gan.

Thông tin trên được giáo sư Đinh Qúy Lan - Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh thức tiềm năng thảo dược quý ngàn năm Ưng bất bạc trong bảo vệ và phục hồi tế bào gan sớm,” diễn ra sáng 25/6 tại Hà Nội. “Thống kê gần đây nhất cho thấy, mỗi năm có 20.000 người tử vong vì ung thư gan, trong khi số người nhiễm viên gan virus B và C ở mức cao. Người bệnh gan có tỷ lệ tử vong cao vì đa phần người dân không quan tâm theo dõi chăm sóc lá gan và điều trị sớm. Vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe liên quan đến gan mật đòi hỏi cấp thiết,” giáo sư Lan phân tích. Giáo sư Đinh Quý Lan dẫn chứng những nhận định của WHO cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ người nhiễm viêm gan virus cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những nước sử dụng rượu bia nhiều, 10% dân số lạm dụng rượu bia, trong đó người sử dụng rượu bia 90% có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan… (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Ngày hội “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh”

Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Bệnh viện Phổi Trung ương (24/6/1957 - 24/6/2018) và nhằm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, ngày 24/6, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Ngày hội chạy và đi bộ “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh - Move for my healthy lung”.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Hiện nay, mạng lưới chuyên khoa lao vẫn đang phát hiện, điều trị cho hàng trăm nghìn người mới mắc lao và cứu chữa cho hàng chục nghìn người thoát chết vì bệnh lao hằng năm, mặc dù bệnh lao đã giảm ngày càng nhanh ở nước ta. Bên cạnh đó, ngành Y tế đang đứng trước thách thức phải đáp ứng với sự chuyển đổi về mô hình cơ cấu bệnh tật theo hướng gia tăng các bệnh không lây nhiễm trong đó có các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, hen phế quản, cao huyết áp, đái tháo đường, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố kinh tế-xã hội mới ảnh hưởng đến sức khỏe; đồng thời đánh giá cao Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức Ngày hội chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh và nhấn mạnh: Đây là một sáng kiến tốt, có sức lan tỏa cao đến cộng đồng cũng như chính mỗi cán bộ, viên chức bệnh viện nói riêng và của chuyên ngành phổi nói chung. Chuyển động chính là biện pháp rèn luyện sức khỏe và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm một cách hữu hiệu nhất… (Gia đình & Xã hội, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang