Những bác sĩ của dân
Giỏi chuyên môn và giàu nhiệt huyết, những bác sĩ trẻ nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ IV đã mang tài năng, tâm đức của mình đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, những mảnh đời kém may mắn để san sẻ yêu thương.
Cây sáng kiến
Tại khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), điều dưỡng trẻ Phùng Văn Toàn (SN 1990) trở thành điểm tựa tinh thần cho các bậc phụ huynh khi có con nhỏ điều trị bệnh tại đây. Hình ảnh điều dưỡng Toàn tất bật, tận tụy chăm sóc từng bệnh nhi, ân cần giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu rõ tình trạng bệnh của con đã trở nên quá quen thuộc tại đây.
Làm công việc vốn dĩ dành cho phái nữ nhưng từ những ngày đầu về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điều dưỡng Phùng Văn Toàn đã nỗ lực không ngừng nghỉ để khẳng định mình hoàn toàn phù hợp với công việc hiện tại. “Công việc của một điều dưỡng tại khoa nhi có những áp lực riêng mà bác sĩ ngoài chuyên môn cần có những kỹ năng để vượt qua. Bởi bệnh nhân là những bệnh nhi, nhiều cháu còn quá bé, luôn sợ bác sĩ. Bên cạnh đó, là tâm lý các bậc phụ huynh thường lo lắng cho con nên cũng dồn căng thẳng sang bác sĩ. Vì thế, trong tiếp xúc với bệnh nhân mình luôn luôn lắng nghe, nhẫn nại, kiên trì giải thích cho người nhà hiểu cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện nhất để các bé không sợ áo blouse, không sợ kim tiêm”, anh Toàn chia sẻ.
Bảy năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điều dưỡng Phùng Văn Toàn có 5 sáng kiến cải tiến được chọn đi thi hội thao cấp cơ sở và hội thao liên viện, đạt các giải ba, khuyến khích của TP Hà Nội. Anh Toàn là một trong những người có nhiều sáng kiến nhất tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
“Áp dụng nguyên lý NCPAP sử dụng bình oxy, gọng mũi và đồng hồ kiểm soát áp lực trong vận chuyển bệnh nhi suy hô hấp” là sáng kiến đầu tiên anh Toàn trực tiếp làm chủ, một mình mày mò nghiên cứu. “Sau hơn 1 năm trời, trải qua rất nhiều thử thách, kiểm nghiệm và cả thất bại, sáng kiến cũng cho thành quả như ý. Với sáng kiến này, tôi chế tạo ra bình oxy có kích thước gọn nhẹ, cơ động hơn rất nhiều các sản phẩm hiện tại nhằm giúp các bệnh nhân thuận tiện hơn trong việc di chuyển để hội chẩn, kiểm tra, khám xét sức khỏe. Mặc dù sáng kiến chỉ đạt giải Khuyến khích tại Hội thao liên viện năm 2015 nhưng đó là động lực, tiền đề cho tôi tự tin để tiếp tục tự mình nghiên cứu ra các sáng kiến tiếp theo”, anh Toàn nói.
Năm 2017, anh Toàn tiếp tục làm chủ sáng kiến “Cải tiến kỹ thuật lấy máu bằng phương pháp sử dụng Heplock trên bệnh nhi đặt catheter động mạch” và đạt giải Ba Hội thao liên viện lần thứ 27. Sáng kiến này giúp cho việc lấy máu đơn giản, an toàn và
nhanh hơn.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, điều dưỡng Phùng Văn Toàn còn là đội trưởng Đội Thanh niên xung kích Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Anh thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thiện nguyện: Khám sức khỏe cho các đối tượng chính sách trên địa bàn quận Long Biên nhân Ngày thương binh liệt sỹ 27/7; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí các đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình…
18 năm làm hoạt động thiện nguyện
TS.BS Nguyễn Vũ (sinh năm 1981), Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có 18 năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện. Mở đầu câu chuyện, BS Vũ dí dỏm: “Bác sĩ là một trong những đối tượng có tỷ lệ bị stress cao nhất vì áp lực công việc. Tôi thì rất happy (hạnh phúc) với công việc của mình, dù rất bận rộn. Hạnh phúc của tôi đến từ những chuyến thiện nguyện cho đi để nhận về sự thanh thản, hạnh phúc”.
Từ những năm 2000, khi còn là sinh viên năm thứ 2, ĐH Y Hà Nội, BS Vũ đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. “Hồi đó, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em đánh giày dọc đường phố nhiều lắm. Nhìn những đứa trẻ nhếch nhác, vạ vật trên các hè phố rất thương. Tôi cùng các đội nhóm tình nguyện, tổ chức Đoàn thanh niên gặp gỡ, giúp đỡ các em, định hướng các em có lối sống tích cực”, BS Vũ chia sẻ.
Khi trở thành bác sĩ, dù rất bận rộn, BS Vũ vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến thiện nguyện về vùng sâu, vùng xa, thăm khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Chuyến tình nguyện về vùng cao đầu tiên của anh ở Sìn Hồ, Lai Châu vào năm 2005. “Đường đi vào bản vô cùng gian nan. Nhưng khi chứng kiến cảnh một người chồng phải vượt cả chục cây số xin can nước về phục vụ vợ đẻ tại trạm xá, khiến chúng tôi ám ảnh, muốn về với bà con nhiều hơn để giúp họ cải thiện những khó khăn trong cuộc sống”, BS Vũ tâm sự. Quan điểm của anh Vũ là tạo sự thay đổi bền vững và liên tục nên sau mỗi chuyến đi anh thường xuyên giữ mối liên lạc, tư vấn hỗ trợ các bác sĩ vùng sâu vùng xa trong chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như giúp họ nâng cao tay nghề.
Những năm gần đây, mỗi năm anh cùng với trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức khoảng 20 đợt tình nguyện vì cộng đồng, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn đồng bào. Bên cạnh đó là hoạt động cứu trợ vùng lũ lụt thiên tai, trẻ em lang thang và các vùng biên giới.
Hiện BS Vũ tham gia 3 đề tài khoa học cấp cơ sở chuyên ngành phẫu thuật cột sống, trong đó có 2 đề tài anh làm chủ nhiệm; đã công bố 26 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí y học có uy tín trong nước.
“Tôi yêu hoạt động thiện nguyện và tôi thấy mình có trách nhiệm trong mỗi chuyến về vùng cao chăm sóc sức khỏe cho người dân. Càng đi, tôi càng có cơ hội thấu hiểu cuộc sống của người dân. Ở nhiều vùng quê, cuộc sống người dân còn khó khăn lắm!”. (Tiền phong, trang 7).
31 bệnh viện công Hà Nội: Thoát khỏi bầu sữa mẹ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Huy Sáng (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2018 đã có thêm 26 bệnh viện công của thành phố chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên, nâng số bệnh viện công của Hà Nội quản lý chuyển sang mô hình này lên 31 bệnh viện. Ông Trần Huy Sáng cho hay:
Thực hiện cải cách hành chính, Hà Nội có 17 sở giảm 56 phòng, ban. Giảm nhiều nhất là Văn phòng UBND thành phố từ 14 phòng giảm xuống còn 7 phòng. Hầu hết các sở đều giảm ít nhất từ 1-2 phòng ban. Đơn vị sự nghiệp công khối sở ban ngành của thành phố giảm 47%, tương đương 121 đơn vị. Trong đó chuyển đổi theo hướng sáp nhập và tự chủ tài chính. Khối quận huyện giảm 53% số đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến hết năm 2017, ngân sách thành phố không phải “nuôi” 7.700 cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2018, Sở Y tế đã đăng ký chuyển 26 bệnh viện công sang tự chủ chi thường xuyên. Ngay từ đầu năm 2018, các bệnh viện này đã tự đăng ký hoạt động theo cơ chế tự chủ, không phải cấp kinh phí nhà nước cho chi thường xuyên.
Việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính có tác động ra sao đến chất lượng phục vụ người bệnh, thưa ông?
Với 5 bệnh viện đã thực hiện tự chủ, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thu nhập của cán bộ, viên chức được tăng thêm. Ví dụ như Viện Tim, Hoè Nhai, Phụ sản Hà Nội. Điều quan trọng là các bệnh viện được chủ động sáng tạo, đổi mới trang thiết bị, tiệm cận hơn với trình độ cao của thế giới. Nhiều máy móc thiết bị hiện đại đã được đầu tư cho khám chữa bệnh. Nhiều nguồn lực đã được huy động cho công tác khám chữa bệnh. Trong khi đó trước đây do thiếu máy móc hiện đại, nhiều bệnh nhân đã phải ra nước ngoài chữa bệnh, rất tốn kém. Cần trao quyền tự chủ cho lãnh đạo các bệnh viện. Dịch vụ của các bệnh viện được tự chủ đã có sự đổi mới rõ rệt, nhất là với dịch vụ chất lượng cao.
Như vậy, theo cơ chế này, những bệnh viện phục vụ kém thì có thể rơi vào tình trạng bị người bệnh quay lưng, thu không đủ chi?
Đúng là như vậy. Tuy nhiên bên cạnh đó thành phố cũng có cơ chế tạm gọi như “phao cứu sinh” để hỗ trợ những bệnh viện chưa thu hút được nhiều bệnh nhân nhưng có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh.
“Phao cứu sinh” liệu có làm cho lãnh đạo các bệnh viện ỷ lại, thiếu quyết liệt đổi mới chất lượng dịch vụ, thưa ông?
Kết quả tự chủ từ 5 bệnh viện công đầu tiên của thành phố đã chứng minh là không có lãnh đạo bệnh viện nào muốn quay lại cơ chế cũ. Không ai muốn chui vào cái rọ cũ đâu! Tôi cho rằng sự hỗ trợ của thành phố sẽ không làm các bệnh viện tiếp tục sống dựa dẫm vào ngân sách mà sẽ nỗ lực hết mình để được quyền tự chủ, được chủ động sáng tạo, được làm việc hết mình, có thu nhập cao hơn, được quyền quyết định các vị trí nhân sự, quyền tuyển dụng nhân sự...
Thưa ông, giao quyền liệu có dẫn đến tình trạng độc quyền không?
Chúng ta không lo ngại điều này. Không có chuyện là bệnh viện này có dịch vụ tốt, có máy móc, thuốc tốt mà lại tự ý nâng giá cao lên. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thổi còi ngay. Quản lý nhà nước sẽ giám sát các bệnh viện về việc này. Khi giao quyền tự chủ cho các bệnh viện thì quản lý nhà nước sẽ làm tốt hơn trách nhiệm chính của mình, thanh tra, giám sát tốt hơn. Cảm ơn ông. (Tiền phong, trang 10).
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Ngày 26-2, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đông đảo cán bộ, y, bác sĩ.
Trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh uy tín của TP Hà Nội. Với quy mô hơn 650 giường bệnh, đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa làm tốt công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, vừa quan tâm nghiên cứu khoa học, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bệnh viện cũng thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, xây dựng môi trường y tế an toàn, văn minh, thân thiện, nhiệt tình, coi người bệnh là trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo. Từ năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hoạt động theo cơ chế tự chủ, đưa phòng chụp cộng hưởng từ vào hoạt động, hợp tác toàn diện với một số bệnh viện lớn...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ.
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp tục phát triển kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật mới vào công tác khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, thực hiện tốt việc tự chủ về tài chính. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ cần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế Hà Nội, quận Hà Đông quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ngày càng phát triển... (Tiền phong, trang 10).
Ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2018): Y tế Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật đỉnh cao
Từ một nền y tế thiếu và yếu về nhiều mặt, nay Việt Nam đã góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu. Hiện cả nước có 14.000 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), lực lượng bác sĩ (BS) đạt tỷ lệ 8,2 BS/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; tuổi thọ người VN ngày càng nâng cao; các bệnh viện (BV) cũng ngày càng làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại.
Công nghệ 3D phẫu thuật và sửa chữa tim mạch
Mới đây, lần đầu tiên trên cả nước, các BS Trung tâm tim mạch BV E (Hà Nội) ứng dụng công nghệ 3D vào phẫu thuật và sửa chữa tim mạch. Những ưu điểm vượt trội của công nghệ 3D giúp các BS có thể phẫu thuật tim mạch chính xác, nhanh chóng và hiệu quả, giảm các biến chứng cho người bệnh.
“Trung tâm tim mạch BV E là cơ sở y tế đi đầu trong cả nước về kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ. Kỹ thuật này đã được BV E đại diện giới y khoa VN đưa đi giới thiệu trên thế giới và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Cùng với đó là hệ thống máy nội soi 3D hiện đại nhất BV vừa được nhà nước đầu tư, đưa vào sử dụng”, GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, chia sẻ. Với tiến bộ trong phẫu thuật tim mạch, trong đó có công nghệ 3D, các bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ: chưa đầy 1 ngày sau mổ tim đã tỉnh táo, ra bệnh phòng và xuất viện sau 5 - 6 ngày. Các vết mổ chỉ là các vết sẹo nhỏ 1 - 1,5 cm ở các góc khuất cơ thể. Công nghệ 3D làm cho phẫu thuật trở nên vô cùng “thật”: phẫu trường rõ nét (quả tim, mạch máu, phổi…) giúp phẫu thuật viên tiến hành thao tác thuận lợi, rút ngắn thời gian mổ và hạn chế các tình huống rủi ro. Đặc biệt, chi phí điều trị và phẫu thuật áp dụng công nghệ 3D không tăng thêm so với mổ nội soi toàn bộ thông thường.
Không chỉ ứng dụng vào phẫu thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ mà BV còn áp dụng công nghệ 3D cho nhiều bệnh lý khác: sửa chữa một số dị tật tim bẩm sinh, sửa van, thay van tim, lấy các khối u trong tim, phẫu thuật bệnh lý lồng ngực…
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết năm 2017 BV đưa vào phẫu thuật robot, hệ thống nội soi 3D, xây dựng quy trình ghép gan, thận, tim, xét nghiệm chẩn đoán… ngang tầm thế giới. Ngoài ghép thận, gan như là quy trình thường quy thì còn cả ghép tim. Ngày 26.2.2018 BV tiến hành ca ghép tim lần thứ 3 (ca đầu tiên năm 2015, ca thứ 2 năm 2016).
Ứng dụng ánh sáng trong phẫu thuật điều trị ung thư
Khoa Nội soi BV K (Hà Nội) cũng vừa áp dụng phương pháp chẩn đoán sớm ung thư dạ dày theo tiêu chuẩn của Hội Nội soi Nhật Bản. Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, phương pháp này sử dụng máy nội soi phóng đại cùng ánh sáng với dải băng tần hẹp (M-NBI) cho hình ảnh sắc nét ở mọi vị trí trên dạ dày, nhờ đó các BS nội soi đánh giá được hình thái bề mặt và cấu trúc vi mạch máu của niêm mạc dạ dày, từ đó đưa ra chẩn đoán sớm, chính xác hơn; dễ phát hiện tổn thương; cho phép sàng lọc và chẩn đoán ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm.
BV K cũng vừa áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị ung thư đại tràng theo phương pháp mới: ứng dụng chất nhuộm màu ICG cùng với hệ thống nội soi hiện đại. Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, kỹ thuật này giúp phẫu thuật viên cắt bỏ triệt để thương tổn, đồng thời bảo tồn những vùng chưa bị xâm nhiễm.
Còn tại TP.HCM, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết nổi bật của ngành y tế TP gần đây phải kể đến là BV Bình Dân triển khai hiệu quả phẫu thuật nội soi bằng robot. Sau hơn một năm triển khai, BV đã phẫu thuật thành công 284 trường hợp với đa số là những bệnh lý phức tạp về ung thư, hoặc mổ tạo hình phức tạp (tạo hình bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu trên...).
Bệnh nhân, BS “ngoại” tìm đến VN
“Chúng tôi trước đây hay sang Thái Lan, Singapore điều trị ung thư nhưng gần đây có những tiến bộ trong điều trị ung thư tại VN nên đang có xu hướng sang VN điều trị. Các BS giỏi và rất tốt”, bệnh nhân nữ người nước ngoài (26 tuổi) bị ung thư vú giai đoạn muộn, điều trị tại BV K Tân Triều (Hà Nội) bộc bạch. Nữ bệnh nhân này nói thêm: “Tôi điều trị ở đây gần Tết cổ truyền của VN, những ngày tết tôi cũng ở BV, các y BS rất tận tình, giúp tôi yên tâm điều trị”.
Theo PGS-TS Thuấn, với nỗ lực của ngành y và chuyên ngành ung thư, các thuốc và thiết bị điều trị ung thư ở VN đã cập nhật kỹ thuật hiện đại, cũng như tay nghề của các BS VN được nâng cao giúp cho chất lượng điều trị ung thư ngày càng tốt hơn. Tại BV K và một số BV chuyên khoa ung bướu đã có thể phát hiện ung thư giai đoạn sớm, giúp cho kết quả điều trị tốt hơn. Không chỉ giúp các bệnh nhân trong nước không phải ra nước ngoài mà các bệnh nhân nước ngoài cũng đã tìm đến VN điều trị ung thư.
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết hơn 20 năm qua (1997 - 2018), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại BV Từ Dũ nói riêng và VN nói chung là một thành tựu y khoa có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần ghi dấu son của đất nước ta trên bản đồ IVF thế giới. Mặc dù IVF VN chỉ được đặt nền móng sau khi IVF thế giới đã đi được một chặng đường phát triển dài, nhưng 20 năm qua IVF VN đã có số chu kỳ điều trị hằng năm cao nhất Đông Nam Á với tỷ lệ thành công tương tự các trung tâm danh tiếng ở Singapore, Úc, Mỹ... Từ năm 1997 đến nay tại BV Từ Dũ đã có hơn 5.600 ca IVF ra đời (trong khi 13 trung tâm cả nước làm 10.000 ca). BS các nước Pháp, Úc, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia... sang BV tham quan, học hỏi nhiều kỹ thuật của BV Từ Dũ.
BS Lê Trung Chánh - Giám đốc BV Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM), thông tin BV vừa huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật hàm mặt cho các BS Campuchia. PGS-TS Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết BV đã ký kết với nhiều BV ở nước ngoài, tập trung chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để phát triển chuyên môn. Đặc biệt, gần đây có các đoàn BS Singapore sang tham quan, học tập BV một số lĩnh vực.
Một số kỹ thuật mới nổi bật khác
Năm 2017, lần đầu tiên tại VN, BV Răng hàm mặt T.Ư (TP.HCM) áp dụng thành công điều trị thay khớp thái dương hàm cho bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương. Trong lĩnh vực nhi khoa, năm 2017, lần đầu tiên trong nước, BV Nhi đồng TP.HCM dùng kỹ thuật ô xy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO) để cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim cấp nặng. BV Đại học Y Dược TP.HCM thì có thế mạnh trong lĩnh vực nội soi, đặc biệt là gan mật; ứng dụng điện cơ và siêu âm trong kỹ thuật tiêm Botulinum toxin trong điều trị bệnh thần kinh... BV Truyền máu - Huyết học (TP.HCM) vừa triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại VN... (Thanh niên, trang 1).
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Sáng 26.2, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm ngày Thầy thuốc VN, đồng thời đón nhận các phần thưởng của Đảng, Nhà nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, phát biểu chúc mừng và trao Huân chương Lao động hạng nhì cho Bệnh viện Bạch Mai; Huân chương Lao động hạng nhất tặng PGS-TS, Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh những thành tích, đóng góp to lớn mà các thế hệ giáo sư, bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay đòi hỏi đội ngũ y tế tiếp tục tập trung đổi mới với mục tiêu xuyên suốt là không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chiều 26.2, Bộ Y tế tổ chức lễ tiếp nhận bản sao Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955 do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao tặng. Đây là bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành y tế được đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 27.2.1955. Bức thư đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng ra đời ngày truyền thống ngành y tế - ngày Thầy thuốc VN (27.2).
Cũng nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tới thăm và chúc mừng các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội).
Chiều cùng ngày, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư T.Ư Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đã đến thăm và chúc mừng các y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư (Hà Nội). Sau đó, ông Võ Văn Thưởng đã tới thăm hỏi, chúc mừng Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học VN, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia.
Cùng ngày 26.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đến thăm gia đình cố GS-TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Thiện Thành (thân phụ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thăm hỏi và chúc sức khỏe bác sĩ Dương Thị Minh (95 tuổi, thân mẫu của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân). Sau đó, đoàn công tác của UBND TP đã đến thăm và chúc sức khỏe bác sĩ Đoàn Thúy Ba, Anh hùng lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 26.2, đoàn công tác Ban Tuyên giáo T.Ư do ông Võ Văn Phuông, Ủy viên T.Ư Đảng - Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư dẫn đầu đã tới thăm và chúc mừng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. (Thanh niên, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Lao động, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Nhân dân, trang 1).
Những người trẻ cống hiến cho y học
Tối 26.2.2018, Hội Thầy thuốc trẻ TP.Hà Nội tổ chức “Lễ tuyên dương thầy thuốc trẻ thủ đô tiêu biểu và trao giải thưởng Đặng Thùy Trâm lần thứ 9 năm 2018” nhằm vinh danh và tặng bằng khen, biểu trưng cho 10 thầy thuốc trẻ thủ đô xuất sắc tiêu biểu. Các thầy thuốc được vinh danh lần này có: TS-BS Nguyễn Lý Thịnh Trường (38 tuổi) - Phó giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư; TS-BS Nguyễn Trọng Hưng (41 tuổi), Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế Viện Dinh dưỡng quốc gia; TS-BS Nguyễn Vũ (37 tuổi) Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội; TS Trần Đức Hữu (37 tuổi), Phó trưởng khoa Châm cứu BV Tuệ Tĩnh - giảng viên bộ môn châm cứu, Học viện Y Dược học cổ truyền VN;
Th.S-BS Nguyễn Thanh Tùng (35 tuổi) bộ môn - Khoa Lao và bệnh phổi, BV Quân y 103; điều dưỡng Phùng Văn Toàn (28 tuổi) Khoa Hồi sức tích cực nhi, BV đa khoa Đức Giang; Th.S - BS Trần Trung Kiên (35 tuổi) chuyên ngành nhãn khoa, BV Mắt T.Ư; điều dưỡng Nguyễn Thị Thiện (31 tuổi) Trung tâm gây mê hồi sức ngoại khoa, BV Hữu nghị Việt Đức; Th.S - BS Ngô Thị Thúy Quỳnh (32 tuổi) Khoa Hô hấp, BV Phổi T.Ư; điều dưỡng Hoàng Hồng Hà (33 tuổi) Khoa Ung bướu - Xạ trị BV Hữu Nghị.
Thời gian qua, TS-BS Nguyễn Lý Thịnh Trường đã phẫu thuật cho 382 bệnh nhân có bệnh lý tim mạch phức tạp, cùng nhóm BS của khoa đã phẫu thuật thành công cho hơn 1.346 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh trong năm 2017. TS-BS Trường còn có nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế và nhiều nghiên cứu đã được triển khai thành công như: Báo cáo tại Hội nghị phẫu thuật tim mạch lồng ngực châu Á - Thái Bình Dương, tháng 3.2017.
Đề tài của BS Trường đã công bố với quốc tế về phẫu thuật chuyển gốc động mạch, một trong những phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp đã được thực hiện thường quy tại BV Nhi T.Ư; Báo cáo tại Hội nghị can thiệp tim mạch châu Á - Thái Bình Dương tháng 7.2017 đã giới thiệu với đồng nghiệp trên thế giới về lựa chọn phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh phức tạp dạng thất trái hai đường ra…
TS-BS Nguyễn Vũ đã được vinh danh với nhiều thành tích nổi bật như: tham gia 3 đề tài khoa học cấp cơ sở chuyên ngành phẫu thuật cột sống trong đó có 2 đề tài là chủ nhiệm của đề tài. BS Nguyễn Vũ đã công bố 26 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí y học có uy tín trong nước như: Tạp chí Y học thực hành, Tạp chí Y học VN, Tạp chí Y học TP.HCM... (Thanh niên, trang 3).
Ngăn chặn tình trạng hành hung thầy thuốc
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 - 2017, cả nước ghi nhận ít nhất 20 vụ việc nổi cộm làm mất an ninh trật tự, tấn công thầy thuốc trong bệnh viện. Trong đó, số vụ việc xảy ra ở các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh chiếm 60%, BV tuyến T.Ư chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (BS) chiếm 70%, và 15% là điều dưỡng.
Hành vi phi đạo đức
Mới đây nhất là việc hai bác sĩ (BS) tại BV Sản nhi Yên Bái sau khi thực hiện ca sinh mổ thành công, an toàn cho hai mẹ con sản phụ nhưng bị chồng sản phụ hành hung. Nguyên nhân, chồng sản phụ bị nhân viên y tế ngăn cản khi người này trèo tường rào quay phim, ghi hình cuộc mổ. GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hành động đánh dã man hai BS là hành vi phi đạo đức. BS vừa phẫu thuật cho người nhà “mẹ tròn con vuông”, không cảm ơn còn đánh BS trọng thương, phải khâu gần 20 mũi ở mặt và đầu.
“Môi trường làm việc của người thầy thuốc không còn an toàn nữa, không chỉ lo công việc chuyên môn rất áp lực, họ còn phải lo tự vệ, đối phó với những hành vi côn đồ của người nhà bệnh nhân”, ông Tiến bất bình, đồng thời đề xuất cần xem xét cho phép các nhân viên chịu trách nhiệm an ninh trong BV được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong tình huống cần thiết” .
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nêu ý kiến: “Trong khi ngành y tế đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng, hướng đến sự hài lòng của người bệnh thì lại gặp những hành vi bạo lực rất manh động ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tinh thần của y, BS”.
Ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng: “Để ngăn chặn các hành vi tương tự, cần có hình phạt nghiêm khắc đối với những người có hành vi bạo lực, hành hung các y, BS”.
Chủ động giải pháp phòng vệ
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cũng chỉ ra hạn chế: “Một trong những nguyên nhân gây mất an ninh trật tự (ANTT) tại BV là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo BV. Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ”.
Ông Dương Đức Hùng chia sẻ tại BV Bạch Mai có kế hoạch phối hợp với công an địa phương để hỗ trợ nhanh nhất trong các tình huống cần can thiệp. Bên cạnh lực lượng bảo vệ, luôn có sự hỗ trợ của lực lượng công an. An ninh BV ngoài việc bảo đảm an toàn cho các y, BS còn là vấn đề ANTT (chống trộm cắp, lừa đảo bệnh nhân và người nhà, an toàn phòng cháy chữa cháy...). Các BV cũng cần bố trí lực lượng để tạo được hành lang an toàn cho khu vực các y, BS khám, chữa bệnh, trong đó chú trọng các điểm nóng như: khu vực cấp cứu, nơi tiếp đón, chờ khám...
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị tăng cường phối hợp bảo đảm ANTT BV: Đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an địa phương phối hợp giữa hai bộ về công tác đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế; tăng cường đảm bảo ANTT khu vực xung quanh BV; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các cơ sở y tế... Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo, phối hợp thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho BV và điểm nóng hay xảy ra mất ANTT BV để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp... (Thanh niên, trang 13).
Bộ Y tế tiếp nhận bản sao thư của Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955
Chiều 26/2, nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Bộ Y tế đã tổ chức lễ tiếp nhận bản sao thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955 do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao tặng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự buổi lễ.
Tại lễ tiếp nhận, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng, Bộ Y tế đã bày tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình và có trách nhiệm của Ban lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã lưu giữ, bảo quản tốt Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Y tế được đăng ở Báo Nhân dân số ra ngày 27/02/1955. Bức thư đã trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng ra đời Ngày truyền thống ngành y tế - Ngày Kỷ niệm Thầy thuốc Việt Nam 27/02.
Trong suốt 63 năm qua, Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và làm kim chỉ nam cho ngành Y tế, đặc biệt trong giai đoạn này, Lời dạy của Người đã được thể hiện qua việc xây dựng một nền Y tế Việt Nam – “Công bằng, Chất lượng, Hiệu quả và Hội nhập”.
Cụ thể, toàn Ngành Y tế đã cố gắng, nỗ lực đổi mới toàn diện với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân thông qua nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Đặc biệt, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.
Từ đó, Ngành Y tế đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành năm 2018 và những năm tiếp theo là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 20, 21; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hội nhập; Thực hiện Đề án 2348 phát triển mạng lưới Y tế cơ sở trong tình hình mới, triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, gói dịch vụ y tế cơ bản; Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Tăng cường hiệu quả truyền thông, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu; Đổi mới cơ chế tài chính y tế, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện tốt chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giảm pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; Tăng cường phát triển nhân lực y tế một cách cân đối và bền vững cả về số lượng và chất lượng… (Tuổi trẻ, trang 3).
Những thầy thuốc Công an Hà Nội chữa bệnh xuyên quốc gia
“Chữa bệnh cho người Việt đã khó, nhưng chữa cho những người “không phải người Việt” thì khó gấp đôi” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội vắn tắt như vậy khi kể về những chuyến đi sang tận Thủ đô Viêng Chăn khám khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sỹ công an nước CHDCND Lào. Tôi bám theo một chuyến công tác như vậy của ông và chứng kiến những câu chuyện xúc động đến rưng rưng.
Thắt chặt tình hữu nghị
Thực ra không phải đến bây giờ Bệnh viện CATP Hà Nội mới thực hiện những chuyến “viễn chinh” sang nước bạn để làm công tác khám chữa bệnh cho các đồng nghiệp. Từ nhiều năm trước, đã có nhiều chiến sỹ mặc áo blu trắng liên tục có các chuyến đi mang theo quà, thiết bị y tế, thuốc thang... trực tiếp sang thăm khám cho những chiến sỹ Công an Lào. Không hẳn vì nước bạn không có đội ngũ y tế mà nói vui theo cách của Thượng tá Hùng thì: “Dù sao y tế của mình cũng có phần nhỉnh hơn, và đặc biệt là tâm lý của bạn cũng giống người Việt Nam, đó là “đồ ngoại” bao giờ cũng tốt”.
Có lẽ những lời tếu táo của bác sỹ Hùng là sự thực bởi ngay khi đón đoàn công tác của Bệnh viện CATP Hà Nội tại trụ sở, Thượng tá Khamkat Cumman - Phó Giám đốc Công an Viêng Chăn đã khẳng định ngay: “Đây là sự giúp đỡ vô cũng quý báu của Công an Hà Nội dành cho chúng tôi. Đó cũng không phải là sự khéo léo theo kiểu ngoại giao mà hành động này đã được duy trì trong nhiều năm trời. Tôi nghĩ đó là sự chân tình, thủy chung mà chỉ những người bạn thực sự mới đối xử như vậy. Cách đây 4 năm, Công an Hà Nội cũng đã cử một đoàn y bác sỹ đến khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ của Công an Viêng Chăn. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng các bạn đã làm rất tốt phần việc chuyên môn của mình mà nhờ đó nhiều chiến sỹ của tôi đã chữa được bệnh, phục hồi sức khỏe. Đối với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên và là minh chứng rõ ràng nhất cho một mối quan hệ ruột thịt về tình đồng chí, đồng đội keo sơn, bền chặt”.
Đến Viêng Chăn buổi sáng thì ngay buổi chiều, toàn bộ khu hội trường của CATP Viêng Chăn đã được trưng dụng để biến thành một bệnh viện dã chiến với đầy đủ các khoa phòng chuyên môn. Những người lính trẻ trong bộ sắc phục màu cỏ úa tíu tít giúp các y bác sỹ Việt Nam vận chuyển, máy móc, trang thiết bị y tế xuống lắp đặt.
Ở bên ngoài là hàng trăm chiến sỹ Công an Lào thứ tự chờ xếp hàng đến lượt vào khám. Có cảm giác như các chiến sỹ nước bạn đã chuẩn bị cho những việc này từ rất lâu và chỉ chờ đúng thời điểm là... nhập cuộc.
Mong hội ngộ với những người anh em
Trước lúc vào ngồi vào khám bệnh, Trung tá Khampeiw Vatthanaphone - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động (Công an Viêng Chăn) có một hành động khá lạ lùng. Ông đi đến từng bàn khám chuyên khoa vốn được các bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội ngăn cách với nhau bằng những bức bình phong theo kiểu bệnh viện dã chiến. Tới bàn nào ông cũng chỉ ngó đầu vào quan sát các bác sỹ rồi thở dài đi tiếp sang bàn khác. Lý giải cho hành động lạ lùng này với bác sỹ Hùng, Khampeiw bảo: “Đồng chí biết đã bao lâu tôi chưa quay lại Việt Nam không?”. Nói rồi ông giơ lên 3 ngón tay: “Hơn 30 năm rồi đấy. Tôi muốn đi tìm xem trong số các đồng chí, có ai là bạn học cũ của tôi ngày xưa không”.
Trung tá Khampeiw nói tiếng Việt khá tốt, ông từng tốt nghiệp Trường C500 (Học viện ANND ngày nay) khóa 1978-1984 từ ngày trường còn đóng ở Tân Yên - Bắc Giang, và có khá nhiều bạn.
“Hồi đó còn khó khăn lắm, chúng tôi chia nhau từng điều thuốc đến cái bàn chải đánh răng. Là lưu học sinh Lào xa quê, nên thường xuyên thiếu thốn, tôi được bạn bè người Việt chia sẻ rất nhiều. Nhất là khi ốm đau không có ai bên cạnh, chính những người bạn Việt Nam hồi đó đã tận tâm chăm sóc tôi từng viên thuốc, bát cháo mỗi khi lên cơn sốt. Tình cảm đó đã theo tôi tới tận bây giờ. Sau này khi về nước, do điều kiện khó khăn hoặc do yêu cầu thuyên chuyển nhiệm vụ nên những người bạn cũ ấy cũng mất liên lạc với tôi. Nhưng trong trái tim tôi lúc nào cũng nhớ về những tháng ngày tuổi trẻ đầy ân tình khi đó” - Trung tá Khampeiw nói.
Cũng hoài niệm về những tháng ngày học tập ở Việt Nam, Thiếu tá Sengvan Thammasit - Phó trưởng Công an huyện Xaysettha lại nhớ da diết những con phố Hà Nội. Ông bảo: “Mình từng học ở Học viện ANND và tốt nghiệp năm 1996. Mình có thể kể tất cả những quán cơm bụi sinh viên trong chợ Phùng Khoang mà mình đã từng ăn. Nhớ những chuyến xe buýt chật ních sinh viên mỗi khi bọn mình lên Bờ Hồ chơi vào Chủ nhật. Lâu lắm rồi không được sang thăm Việt Nam, có lẽ bây giờ Hà Nội khác hồi mình còn đi học nhiều lắm”.
Lẽ ra hôm nay Thiếu tá Sengvan phải đi họp, nhưng nghe nói có đoàn bác sỹ của Công an Hà Nội sang tận nơi thăm khám cho cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô Viêng Chăn nên anh nhờ đồng nghiệp họp thay: “Mình đến khám bệnh là phụ, đến gặp các bạn là chính. Dẫu trong đoàn công tác này không có ai là bạn cũ thì mình cũng có điều kiện được nói tiếng Việt với những đồng nghiệp thân thiết. Có điều kiện ôn lại quãng thời gian thuở thanh niên”. Rồi ông nháy mắt vẻ hóm hỉnh: “Chỉ thế thôi là đủ, chứ nhìn mình khỏe như thế này, chẳng có bệnh gì đâu. Các bác sỹ có điều trị được bệnh nhớ bạn cũ, nhớ Hà Nội không?”.
Ngoài những ca khám bệnh thông thường thì năm ngày ở Viêng Chăn là năm ngày các y bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội phải “chữa” cho khá đông bệnh nhân như Trung tá Khampeiw, như Thiếu tá Sengvan. Chuyến công tác tưởng chừng sẽ rất nặng nề bởi khối lượng bệnh nhân quá lớn bỗng trở nên nhẹ đi rất nhiều. (An ninh Thủ đô, trang 1).
Tấm lòng nhân ái của những bác sỹ mặc sắc phục Cảnh sát trong trại tạm giam
Được thành lập tháng 3-2012, Bệnh xá Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe CBCS, khám và điều trị cho can phạm, phạm nhân (CPPN), quản lý giam giữ các CPPN trong quá trình điều trị và phòng dịch trong cơ sở tạm giam, tạm giữ.
Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội quản lý số lượng lớn phạm nhân tạm giam, thi hành án hình sự, hoặc chờ thi hành án tử hình, kéo theo đó là hàng loạt phạm nhân mắc các căn bệnh từ HIV/AIDS đến tiểu đường, lao phổi, viêm gan và những người phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ cần được chăm sóc. Với tấm lòng "lương y như từ mẫu", họ - những bác sỹ Cảnh sát vẫn ngày ngày chăm sóc bệnh nhân không phân biệt họ đang là những người vi phạm pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội trưởng Đội Bệnh xá cho hay, Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội là môi trường nhạy cảm. Trong những năm gần đây, số CPPN vào trại nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao, nên nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cũng khá lớn, đặc biệt là lao và HIV/AIDS. Thực tế dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng trang thiết bị hỗ trợ cho công tác khám, chữa bệnh chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tiền sử bệnh và khám lâm sàng, nên một số CPPN có tư tưởng giấu bệnh không khai càng làm cho nguy cơ lây nhiễm tăng cao, đặc biệt là các ca bệnh lây qua đường hô hấp.
Xác định được điều này, chỉ huy Đội Bệnh xá trong những cuộc họp giao ban thường ngày thường xuyên nhắc nhở CBCS làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho CPPN phải hết sức nhạy bén, khám kỹ, sàng lọc kịp thời ca bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan nhanh trong môi trường đông người để báo cáo, đề xuất lãnh đạo cho điều trị cách ly ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng.
Nhiều năm công tác trong Bệnh xá Trại tạm giam số 1, Đại úy Đỗ Thị Nguyệt Thương chia sẻ, có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tiền án, tiền sự, mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm cao như HIV/AIDS, lao, viêm gan với những biểu hiện lâm sàng hết sức phức tạp. Thậm chí có những can phạm mắc bệnh hiểm nghèo nhưng có thái độ chống đối, không hợp tác với việc khám - chữa bệnh, song với một tinh thần hết mình vì người bệnh, những bác sỹ trong Trại tạm giam số 1 đã hết lòng động viên, chăm sóc bệnh nhân đến giờ phút cuối cùng.
“Có những phạm nhân như can phạm Nguyễn Thị Hồng Phương phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, điều trị lao phổi/AIDS giai đoạn cuối đã qua đời vào đúng ngày mùng 2 Tết tại Bệnh viện Hà Đông, chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục để tiễn biệt như một người thân trong gia đình” - Đại úy Đỗ Thị Nguyệt Thương chia sẻ.
Năm 2017 vừa qua, Hà Nội ghi nhận một "đại dịch" sốt xuất huyết khi nhiều nơi là ổ dịch lớn với hàng chục người tử vong và hàng trăm người nhiễm bệnh. Trong khi đó, trong Trại tạm giam số 1, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao vì có số lượng lớn người ra vào hàng ngày, dịch sốt xuất huyết đã bị khống chế, không CPPN nào mắc và phải chuyển bệnh viện ra ngoài điều trị.
Có được kết quả này, theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám thị Trại tạm giam số 1, y tế trại thường xuyên có những tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám thị để làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, nạo vét cống rãnh, rắc vôi bột, không để vũng nước đọng, phối hợp với Bệnh viện CATP phun thuốc muỗi toàn trại, không để môi trường cho muỗi phát triển. Cùng với đó, với mỗi CPPN nhập trại, các bác sỹ, y tá phải khám chữa bệnh tỉ mỉ, nhất là các đối tượng đến từ trung tâm vùng dịch.
Bao nhiêu năm qua, các bác sỹ, y tá Trại tạm giam số 1 luôn chọn cho mình sự gian khổ, hiểm nguy nhất. Họ lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, cách đối xử nhân văn bằng tấm lòng nhân ái với những người đang phải trả giá cho những lầm lỗi do chính họ gây ra. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Từ chuyện cô bé 7 tuổi hiến giác mạc: Gian nan hành trình phá bỏ định kiến hiến tạng
Mỗi trường hợp tình nguyện hiến tạng khi qua đời có một hoàn cảnh khác nhau, từ đau thương trước mất mát đến đấu tranh vượt qua định kiến, nhưng chung lại là một hành động hết sức thiêng liêng, đầy ý nghĩa.
Những ngày qua, câu chuyện bé gái 7 tuổi ở Hà Nội với khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt trong veo như thiên thần hiến giác mạc trước khi qua đời đã làm lay động trái tim hàng triệu con người. Song ít ai biết rằng, để có thêm mỗi trường hợp, mỗi suy nghĩ và hành động nhân văn đó trong xã hội, là cả hành trình vận động hiến tạng đầy gian nan của những cán bộ y tế ngày đêm trăn trở với nhiệm vụ cứu người…
Nhiều khi đến rồi lại “về tay không”
Đầu giờ chiều ngày 22-2, ngay sau khi nhận được tin bé Hải An (7 tuổi) trút hơi thở cuối cùng và trước đó mẹ của bé gọi điện đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ nguyện vọng hiến tạng, hiến giác mạc, các cán bộ ở Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã đến nhà riêng của bé ở quận Nam Từ Liêm nhận hai giác mạc được gia đình bé gái đồng ý hiến tặng.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt – người trực tiếp đến nhận giác mạc của bé kể, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh khi đến nhà cháu bé là một phụ nữ rất trẻ ôm bé gái đang nằm ngủ như thiên thần trên giường.
Khi ông Hoàng giới thiệu là cán bộ Ngân hàng Mắt, câu đầu tiên người mẹ nói như độc thoại: “Con hãy tặng lại ánh sáng của mình cho những bạn nhỏ khác nhé!”, rồi đặt nụ hôn lên trán con. Câu nói và hình ảnh ấy khiến tất cả đều lặng đi…
Trường hợp cô bé 7 tuổi hiến giác mạc có thể là một trong những câu chuyện để lại ấn tượng mạnh nhất trong quá trình công tác của anh, giờ này khi nhắc lại anh vẫn vô cùng xúc động. Song, dĩ nhiên đây không phải là câu chuyện cảm động duy nhất. Hơn 10 năm qua, mỗi năm ông Hoàng cùng với các cán bộ của Ngân hàng Mắt đi tiếp nhận giác mạc hàng chục trường hợp, mỗi trường hợp là một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng, tất cả đều rất thiêng liêng.
Trước bé Hải An – cô bé 7 tuổi hiến giác mạc kể trên, đã từng có một cháu bé còn nhỏ tuổi hơn (mới 6 tuổi) ở Kim Sơn (Ninh Bình) tình nguyện hiến giác mạc. Ông Nguyễn Hữu Hoàng kể, cậu bé này qua đời vì tai nạn giao thông, bố mẹ cậu bé là những người nông dân chất phác nhưng có trái tim nhân hậu, đã gọi điện đến cộng tác viên của Ngân hàng Mắt để bày tỏ nguyện vọng được hiến tặng lại ánh sáng của con mình cho người khác…
Còn rất nhiều trường hợp xúc động như thế nữa. Ông Hoàng kể, tất cả trường hợp có nguyện vọng hiến tặng giác mạc, chỉ được tiếp nhận giác mạc khi họ đã qua đời. Mỗi lần đến tiếp nhận giác mạc là mỗi lần cảm xúc của người cán bộ Ngân hàng mắt thắt lại. Việc thực hiện kỹ thuật lấy giác mạc trong tiếng khóc thương tiếc của gia đình người mất, người cán bộ thực hiện kỹ thuật phải nén lại cảm xúc, nén không để nước mắt mình rơi để hoàn thành nhiệm vụ.
Đấy là những trường hợp “thuận lợi”, còn rất nhiều trường hợp khác, dù người mất hoặc thân nhân người mất đã có nguyện vọng hiến tặng giác mạc sau khi qua đời từ trước đó, nhưng khi cán bộ đến tiếp nhận giác mạc lại gặp phải nhiều ngăn cản. Đó là việc nhiều người họ hàng, thân nhân khác của người mất ngăn không cho thực hiện, bởi quan niệm “chết toàn thây” vẫn còn ăn sâu trong nhận thức của đa số người dân Việt.
“Những trường hợp này, chúng tôi một lần nữa lại phải vận động, phổ biến ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng khi qua đời đến mọi người. Nếu được đa số người thân của người mất đồng ý thì lúc đó mới thực hiện tiếp nhận giác mạc. Và thực tế, không ít trường hợp cán bộ của chúng tôi vác “đồ nghề” đầy đủ đến tiếp nhận giác mạc của người hiến vừa qua đời nhưng rồi lại phải “về tay không” vì người thân của họ không đồng ý” – ông Nguyễn Hữu Hoàng kể.
Kể từ khi Ngân hàng Mắt đi vào hoạt động, với các giải pháp truyền thông, vận động kiên trì, bền bỉ, đến nay nhận thức của người dân về hiến tặng giác mạc sau khi qua đời đã được nâng lên đáng kể. Bằng chứng là trong năm 2017, Ngân hàng Mắt đã tiếp nhận được số lượng giác mạc kỷ lục, với 77 trường hợp hiến tặng sau khi qua đời.
Còn tính chung, đến nay trên cả nước đã có tổng cộng hơn 40.000 trường hợp đăng ký hiến tặng giác mạc. “Dù vậy, từ đăng ký hiến tặng đến tiếp nhận được nguồn tạng hiến là quãng đường rất rất xa. Thực tế số người hiến tặng mô tạng nói chung, giác mạc nói riêng ở nước ta hiện vẫn quá hiếm hoi” – ông Hoàng chia sẻ.
Tuyên truyền về hiến tạng còn bị gọi là… không bình thường
Cũng từ câu chuyện của cô bé 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc làm lay động trái tim hàng triệu con người mấy ngày vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Việt Đức) kể lại, ngày 22-2, khi các cán bộ của Trung tâm đang ăn trưa thì số máy điện thoại đường dây nóng rung lên.
Giọng nói ở đầu dây bên kia là của một người mẹ, bày tỏ mong muốn được hiến mô tạng của người con gái bé nhỏ mới 7 tuổi. Người mẹ trao gửi ước nguyện với mong muốn còn có cơ hội được nghe lại nhịp đập trái tim con trong lồng ngực bạn nhỏ khác.
“Chị vừa nói vừa khóc rằng con gái sắp không thể qua khỏi và muốn hiến tặng mô tạng. Tim tôi nghẹn lại, sững sờ. Giây phút đó, tôi phải nén lòng để bình tĩnh, nói chuyện với chị một cách rất chậm rãi” - ông Phúc chia sẻ lại.
Theo ông Phúc, mỗi lần nhận được thông tin có người tình nguyện hiến tặng mô tạng khi qua đời là mỗi lần cảm xúc của những cán bộ làm công tác này dâng trào. Bởi dù có vận động hay tuyên truyền bằng cách nào đi chăng nữa, vất vả thế nào đi chăng nữa thì hiệu quả cuối cùng vẫn là phải mang về được những lá đơn đăng ký, những người đồng ý hiến tặng. Hiện chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức có hàng nghìn bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng nhưng nguồn tạng hiến quá khan hiếm.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng rất nhiều lần chia sẻ với báo chí rằng, nếu một người chết não hiến tặng mô tạng cho y học sẽ cứu được nhiều người bệnh còn sống khác.
Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 2 người chết não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chỉ cần số này đăng ký hiến tạng khi qua đời sẽ đáp ứng được nhu cầu, mang lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh, song số người hiến tạng khi chết não vẫn còn rất ít ỏi.
Theo GS Trịnh Hồng Sơn, nhận thức của nhiều người dân về việc đăng ký hiến mô tạng còn hạn chế, e dè, thậm chí có những người đăng ký hiến mô tạng khi chết não còn bị người thân, bạn bè trách móc, phản đối. Định kiến về việc “chết toàn thây” trong xã hội vẫn khá nặng nề, phá bỏ định định kiến này để đẩy mạnh việc hiến mô, tạng và ghép tạng là rất khó.
Nhiều năm trăn trở với người bệnh, GS Sơn chia sẻ, không chỉ người dân mà ngay cả những cán bộ y tế như ông, dù rất tâm huyết, nhiều khi vừa đi mổ vừa tuyên truyền về hiến tạng, song khi nói quá nhiều về hiến tạng ông còn bị người khác cho là… không bình thường.
Cũng vì thế, ông luôn mong mỏi làm thế nào để việc hiến tạng trở thành thường quy, việc vận động hiến tạng không chỉ riêng của ngành y tế mà của toàn xã hội tham gia cùng. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Bác sĩ trẻ nơi địa bàn khó khăn
Sau khi tốt nghiệp, 14 bác sĩ khóa I, khóa II của dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo (Dự án 585) đã lên công tác tại các huyện vùng cao như: Mường Nhé (Điện Biên); Mường Khương, Bắc Hà (Lào Cai); Pác Nặm, Ba Bể (Bắc Cạn), Sốp Cộp (Sơn La)…
Không chỉ trực tiếp tham gia cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, sự có mặt của các bác sĩ trẻ đã góp phần khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao và từng bước tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trái ngọt đầu mùa
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, được tuyển dụng vào biên chế của Bệnh viện Nhi Trung ương (T.Ư) rồi qua 24 tháng đào tạo chuyên khoa I tại Trường đại học Y Hà Nội, hôm lên nhận nhiệm vụ ở Trung tâm y tế huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) bác sĩ trẻ Ðỗ Phương đã gặp không ít bất ngờ. Ðường sá đi lại xa xôi, cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị… và đời sống của người dân ở đây còn quá nghèo. Có những lúc bác sĩ Phương đặt câu hỏi: "Phải làm sao để có thể giúp thật nhiều người dân nghèo chữa bệnh?". Có hôm nhiệt độ ngoài trời chưa đến 10oC, cái lạnh vùng núi như cắt da, cắt thịt nhưng vẫn có em bé đến khám bệnh mà trên người chỉ mặc mỗi tấm áo mỏng. Cũng do nghèo khó mà có khi, các bác sĩ phải lo cho người bệnh từ thuốc men đến việc ăn uống. Lại có người mới chỉ nằm viện được vài ba ngày đã nói với bác sĩ: "Hết tiền ăn rồi, bác sĩ cho tôi về nhà thôi"…
Ở các địa phương khác, mỗi bác sĩ thường mất từ 10 đến 15 phút cho một ca khám bệnh, nhưng với bác sĩ Phương phải mất cả tiếng vì phần lớn người dân ở Pác Nặm là đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, tiếng Kinh không thạo, lại không biết diễn đạt tình trạng đau của mình, cho nên phải tìm "phiên dịch viên" là đồng nghiệp, hoặc người nhà người bệnh khác…
Vượt qua những khó khăn đó, sau bảy tháng công tác tại Trung tâm y tế Pác Nặm, bác sĩ Phương đã cùng đội ngũ thầy thuốc ở đây triển khai được một số kỹ thuật mới. Ðáng chú ý, qua thăm khám, bác sĩ Phương đã phát hiện được năm trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và giới thiệu chuyển về Bệnh viện Nhi T.Ư can thiệp, trong đó có hai bé đã được can thiệp, trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, một số trẻ bị giãn đại tràng bẩm sinh, hội chứng thận hư… cũng đã được bác sĩ Phương phát hiện, điều trị thành công hoặc tư vấn, giới thiệu đến cơ sở y tế điều trị phù hợp.
Với bác sĩ Ðỗ Phương, ca cấp cứu bé Cà Hạo Nhiên (ở thôn Nà Án, xã Xuân La) là kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày đầu lên công tác ở huyện vùng cao Pác Nặm. Nhận cuộc điện thoại lúc một giờ sáng, bác sĩ Phương tất tả chạy từ khu tập thể lên phòng cấp cứu. Tại đây, một cháu bé mới được gần một tháng tuổi đã trong trình trạng khó thở, tím tái toàn thân; người nhà thì rất lo lắng và tuyệt vọng. Qua thăm khám và hội chẩn cùng kíp trực, cháu bé được xác định bị viêm phổi nặng. Phương án cấp cứu tốt nhất được triển khai, nhưng vấn đề mới phát sinh là gia đình nằng nặc xin chuyển bé lên bệnh viện tỉnh. Nhưng để lên được bệnh viện tỉnh, phải mất bốn, năm tiếng để vượt quãng đường hơn 150 km; chưa kể, đường khó đi, bệnh lại nặng, cho nên việc di chuyển sẽ gây nguy hiểm cho em bé.
Bác sĩ Phương phải tư vấn, thuyết phục để bé ở lại tiếp tục theo dõi, nếu không có chuyển biến tốt, bệnh viện sẽ có phương tiện hỗ trợ chuyển tuyến. Rất may, em bé đáp ứng khá tốt với phương pháp điều trị, tình trạng nguy kịch dần qua, sức khỏe dần hồi phục... Hơn một tuần sau, bé Hạo Nhiên được ra viện. Bác sĩ Phương chia sẻ: Nếu hôm đó cho chuyển tuyến ngay, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cũng tốt nghiệp khóa I của Dự án 585 như Phương, bác sĩ Phạm Văn Tuấn lên nhận nhiệm vụ ở Trung tâm y tế huyện Ba Bể (Bắc Cạn). Do hòa nhập nhanh với môi trường, đồng nghiệp mới, đến thời điểm này, bác sĩ Phạm Văn Tuấn đã được không ít người dân ở huyện vùng cao Ba Bể biết đến. Anh được lãnh đạo bệnh viện cũng như các đồng nghiệp đánh giá là bác sĩ trẻ có nhiều sáng kiến trong khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp tốt với người bệnh và tận tình trong công việc. Bác sĩ Tuấn đã thực hiện được 33 kỹ thuật, trong đó có bốn kỹ thuật mới, lần đầu được triển khai sau khi có bác sĩ trẻ về đây công tác.
Với sự có mặt của bác sĩ Tuấn, nhiều ca bệnh nặng đã được điều trị thành công như: Trẻ bị vàng da sơ sinh, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh. Bác sĩ Tuấn đã phát hiện sớm những ca bệnh tim bẩm sinh, tư vấn cho gia đình khám và can thiệp thành công. Dù là chuyên ngành nhi nhưng bác sĩ Tuấn cũng thường xuyên tham gia khám và hội chẩn những ca bệnh khó về hồi sức cấp cứu, sản khoa, tim mạch… Chứng kiến gia cảnh người bệnh quá khó khăn, nhiều lần bác sĩ Tuấn đã đề xuất Trung tâm hoặc bỏ tiền túi giúp người bệnh nghèo mua cơm ăn để họ yên tâm ở lại điều trị bệnh đến khi dứt điểm. Những trẻ bệnh tình nặng, phải lên tuyến trung ương, bác sĩ Tuấn lại tự tay viết giấy giới thiệu, hoặc trao đổi thông tin qua Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi T.Ư) để hỗ trợ tốt nhất cho các bé.
Kết quả khảo sát bước đầu về bảy bác sĩ trẻ khóa I về công tác tại bốn tỉnh miền núi, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án 585 cho biết, các bác sĩ trẻ được cấp ủy lãnh đạo UBND huyện, bệnh viện huyện tin tưởng, đồng nghiệp quý mến, người dân tin yêu: từ đó, người dân đến bệnh viện nhiều hơn trước, nhưng lại giảm tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên. 14 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo từ tháng 8-2017 và tháng 1-2018 đã làm chủ 160 kỹ thuật thuộc các chuyên ngành như: Ngoại, nhi, chẩn đoán hình ảnh… Trong đó có những kỹ thuật khó như: cắt ruột thừa, cắt u buồng trứng, mổ nội soi, chọc dịch não tủy, nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sơ sinh, siêu âm và chẩn đoán bệnh về mạch máu… Nhờ vậy, nhiều người dân các tỉnh miền núi không còn phải lặn lội về thành phố hay đến tận Hà Nội mới có thể được phẫu thuật.
Giải bài toán cho nhân lực y tế vùng cao
Sau bảy tháng tiếp nhận hai bác sĩ trẻ về công tác tại trung tâm y tế hai huyện khó khăn nhất là Ba Bể và Pác Nặm, Giám đốc Sở Y tế Bắc Cạn Nguyễn Ðình Học khẳng định, dự án đưa bác sĩ trẻ về các cơ sở y tế vùng cao là một chủ trương cần thiết, bởi vì ở đây luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương còn rất hạn chế. Cho nên sự có mặt của các bác sĩ trẻ được đào tạo trình độ cao là cơ hội tốt để hệ thống y tế cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn; giúp người dân ở những vùng sâu, vùng xa được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến dưới, tránh được việc nhiều ca bệnh khó phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt vất vả, tốn kém cho người dân. Chưa kể, với những ca vượt khả năng hoặc thiếu những thiết bị hỗ trợ, các bác sĩ tăng cường có thể tư vấn, giới thiệu người bệnh đến những cơ sở phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
Thực tế tại các huyện khó khăn, sau khi có bác sĩ trẻ về tăng cường, đều có những thay đổi nhất định về chuyên môn; nhận thức trong công tác khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh đã được nâng lên một cách rõ nét; tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn được nâng cao, thu hút được người dân đến khám bệnh nhiều hơn, nhất là niềm tin, sự tin tưởng của người dân khi có bác sĩ trẻ về công tác được tăng lên.
Tiến sĩ Phạm Văn Tác cho biết, 62 huyện nghèo cần khoảng 600 bác sĩ, thuộc 15 chuyên khoa, trong đó bảy chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh. Chính vì vậy, việc Bộ Y tế triển khai dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn sẽ là bước đột phá trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương. Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Thời gian làm việc tại vùng cao của các bác sĩ trẻ chưa nhiều, rất nhiều khó khăn còn ở phía trước, trong khi mong muốn, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao…, đòi hỏi mỗi bác sĩ trẻ cần đem hết tài năng và sức lực đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Ðó chắc chắn là quãng thời gian có nhiều ý nghĩa đối với những người đã chọn cho mình sự nghiệp trị bệnh, cứu người.
Dự án 585 đặt ra mục tiêu, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện vùng khó khăn. Hiện tại dự án đã, đang tuyển chọn đào tạo chuyên khoa I cho 154 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền). Sau khi tốt nghiệp các bác sĩ này công tác ba năm (đối với nam) và hai năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Hết thời hạn nêu trên, họ sẽ trở về làm việc tại các bệnh viện nơi họ đã được tuyển dụng trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện đó. (Nhân dân, trang 1).
Nâng tầm uy tín ngành y tế TP Hồ Chí Minh
11 BV đạt điểm trung bình trên 4 (thang điểm 5) theo Bộ tiêu chí "Chất lượng BV Việt Nam", đó là: BV Nhân Dân 115 (4,29 điểm); BV Nhân Dân Gia Ðịnh (4,26 điểm); BV Vinmec Central Park (4,25 điểm); Viện Y Dược học dân tộc (4,2 điểm); BV Hùng Vương (4,18 điểm); BV Nhi Ðồng 1 (4,15 điểm); BV Ða khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (4,15 điểm); BV Từ Dũ (4,1 điểm); BV Tim Tâm Ðức (4,07 điểm); BV Truyền máu - Huyết học (4,06 điểm) và BV quận Thủ Ðức (4,06 điểm). Ðiểm đánh giá chất lượng BV có sự chuyển biến rõ nét, bởi năm 2016, chỉ có sáu BV đạt mức trên 4.
Tính đến tháng 1-2018, BV Bình Dân đã thực hiện thành công 282 ca phẫu thuật bằng rô-bốt bao gồm 189 trường hợp phẫu thuật niệu khoa và 93 trường hợp phẫu thuật ngoại tổng quát. Nhiều nhất là phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt (81 trường hợp), phẫu thuật ung thư đại trực tràng (37 trường hợp). Hiện, có 14 bệnh được Bộ Y tế cho phép chỉ định phẫu thuật bằng rô-bốt tại BV Bình Dân bao gồm: Ung thư tuyến tiền liệt; cắt bàng quang tận gốc; cắt thận bán phần, toàn phần; tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản; điều trị sa sinh dục; tạo hình bàng quang bằng ruột; ung thư dạ dày; ung thư đại trực tràng; ung thư gan; nang ống mật chủ; ung thư tụy, ung thư đường mật ngoài gan; ung thư phổi; u trung thất.
Bên cạnh việc không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực, các BV tuyến cuối của thành phố còn tích cực triển khai mô hình BV vệ tinh tại khu vực phía nam và khoa vệ tinh tại các BV quận, huyện của thành phố. Tính đến cuối năm 2017, đã có tám BV triển khai 23 BV vệ tinh tại các tỉnh, thành phố phía nam; BV Chợ Rẫy triển khai tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Các BV Nhi Ðồng 1, Nhi Ðồng 2, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình thành phố còn triển khai hiệu quả khoa vệ tinh tại các BV quận, huyện trên địa bàn.
Một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong cung ứng dịch vụ KCB cho người dân, đó là cấp cứu ngoài BV. Số lượt cấp cứu ngoài BV tăng rõ rệt so với ba năm trước đây (thời điểm chưa có các trạm cấp cứu vệ tinh), trong năm 2017 đã vượt con số 12.000 lượt. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Trung tâm Cấp cứu 115 và nhất là sự tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh của các BV quận, huyện và BV tư nhân. Hiện, toàn thành phố đã có 22 trạm vệ tinh 115 "phủ sóng" hầu khắp các vùng nội, ngoại thành, các khu dân cư và các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Từ một BV quy mô nhỏ chưa xếp hạng, đến nay, BV quận Thủ Ðức đã trở thành BV hạng 1, quy mô 800 giường, mỗi ngày tiếp nhận hơn 5.000 lượt người bệnh đến khám. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Ðức nhớ lại: "Ban đầu, BV chỉ có 50 giường với ba phòng chức năng và bốn khoa; nhân sự chỉ có 99 người, gồm 17 bác sĩ, 82 nhân viên. Năng lực điều trị chuyên môn chủ yếu là sơ cấp cứu, khám và điều trị một số bệnh lý thông thường, khả năng đáp ứng nhu cầu điều trị còn nhiều hạn chế, hầu hết các bệnh nặng đều chuyển lên tuyến trên. Nay, BV quận Thủ Ðức đã "chuyên khoa hóa" nhằm nâng cao chất lượng KCB; đó là hoạt động của Trạm Cấp cứu 115 vệ tinh, hoạt động của mô hình "phòng khám đa khoa vệ tinh của BV đặt tại Trạm Y tế", là hoạt động "báo động đỏ" cứu sống nhiều người bệnh nguy kịch. BV quận Thủ Ðức cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai thành công bệnh án điện tử, một xu hướng phát triển tất yếu mà các BV phải thực hiện trong thời gian tới"…
GS, TS, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, với 5.751 cơ sở KCB, số lượt KCB trong năm 2017 của TP Hồ Chí Minh đã vượt qua con số 42 triệu lượt, chiếm 26,2% tổng số lượt khám của cả nước, con số cao nhất trong tám năm qua. Tương ứng với số lượt khám, số lượt điều trị nội trú trong năm 2017 đạt hơn 2,3 triệu lượt, chiếm 14,1% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước. Số lượt khám ngoại trú tại các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố cũng tăng dần mỗi năm, chiếm hơn 25% tổng số cả nước. Ðiều đó cho thấy uy tín của ngành y tế thành phố dần được nâng lên…
11 BV đạt điểm trung bình trên 4 (thang điểm 5) theo Bộ tiêu chí "Chất lượng BV Việt Nam", đó là: BV Nhân Dân 115 (4,29 điểm); BV Nhân Dân Gia Ðịnh (4,26 điểm); BV Vinmec Central Park (4,25 điểm); Viện Y Dược học dân tộc (4,2 điểm); BV Hùng Vương (4,18 điểm); BV Nhi Ðồng 1 (4,15 điểm); BV Ða khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (4,15 điểm); BV Từ Dũ (4,1 điểm); BV Tim Tâm Ðức (4,07 điểm); BV Truyền máu - Huyết học (4,06 điểm) và BV quận Thủ Ðức (4,06 điểm). Ðiểm đánh giá chất lượng BV có sự chuyển biến rõ nét, bởi năm 2016, chỉ có sáu BV đạt mức trên 4.
Tính đến tháng 1-2018, BV Bình Dân đã thực hiện thành công 282 ca phẫu thuật bằng rô-bốt bao gồm 189 trường hợp phẫu thuật niệu khoa và 93 trường hợp phẫu thuật ngoại tổng quát. Nhiều nhất là phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt (81 trường hợp), phẫu thuật ung thư đại trực tràng (37 trường hợp). Hiện, có 14 bệnh được Bộ Y tế cho phép chỉ định phẫu thuật bằng rô-bốt tại BV Bình Dân bao gồm: Ung thư tuyến tiền liệt; cắt bàng quang tận gốc; cắt thận bán phần, toàn phần; tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản; điều trị sa sinh dục; tạo hình bàng quang bằng ruột; ung thư dạ dày; ung thư đại trực tràng; ung thư gan; nang ống mật chủ; ung thư tụy, ung thư đường mật ngoài gan; ung thư phổi; u trung thất.
Bên cạnh việc không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực, các BV tuyến cuối của thành phố còn tích cực triển khai mô hình BV vệ tinh tại khu vực phía nam và khoa vệ tinh tại các BV quận, huyện của thành phố. Tính đến cuối năm 2017, đã có tám BV triển khai 23 BV vệ tinh tại các tỉnh, thành phố phía nam; BV Chợ Rẫy triển khai tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia). Các BV Nhi Ðồng 1, Nhi Ðồng 2, Ung Bướu, Chấn thương chỉnh hình thành phố còn triển khai hiệu quả khoa vệ tinh tại các BV quận, huyện trên địa bàn.
Một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong cung ứng dịch vụ KCB cho người dân, đó là cấp cứu ngoài BV. Số lượt cấp cứu ngoài BV tăng rõ rệt so với ba năm trước đây (thời điểm chưa có các trạm cấp cứu vệ tinh), trong năm 2017 đã vượt con số 12.000 lượt. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Trung tâm Cấp cứu 115 và nhất là sự tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh của các BV quận, huyện và BV tư nhân. Hiện, toàn thành phố đã có 22 trạm vệ tinh 115 "phủ sóng" hầu khắp các vùng nội, ngoại thành, các khu dân cư và các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Từ một BV quy mô nhỏ chưa xếp hạng, đến nay, BV quận Thủ Ðức đã trở thành BV hạng 1, quy mô 800 giường, mỗi ngày tiếp nhận hơn 5.000 lượt người bệnh đến khám. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Ðức nhớ lại: "Ban đầu, BV chỉ có 50 giường với ba phòng chức năng và bốn khoa; nhân sự chỉ có 99 người, gồm 17 bác sĩ, 82 nhân viên. Năng lực điều trị chuyên môn chủ yếu là sơ cấp cứu, khám và điều trị một số bệnh lý thông thường, khả năng đáp ứng nhu cầu điều trị còn nhiều hạn chế, hầu hết các bệnh nặng đều chuyển lên tuyến trên. Nay, BV quận Thủ Ðức đã "chuyên khoa hóa" nhằm nâng cao chất lượng KCB; đó là hoạt động của Trạm Cấp cứu 115 vệ tinh, hoạt động của mô hình "phòng khám đa khoa vệ tinh của BV đặt tại Trạm Y tế", là hoạt động "báo động đỏ" cứu sống nhiều người bệnh nguy kịch. BV quận Thủ Ðức cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố triển khai thành công bệnh án điện tử, một xu hướng phát triển tất yếu mà các BV phải thực hiện trong thời gian tới"…
GS, TS, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, với 5.751 cơ sở KCB, số lượt KCB trong năm 2017 của TP Hồ Chí Minh đã vượt qua con số 42 triệu lượt, chiếm 26,2% tổng số lượt khám của cả nước, con số cao nhất trong tám năm qua. Tương ứng với số lượt khám, số lượt điều trị nội trú trong năm 2017 đạt hơn 2,3 triệu lượt, chiếm 14,1% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước. Số lượt khám ngoại trú tại các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố cũng tăng dần mỗi năm, chiếm hơn 25% tổng số cả nước. Ðiều đó cho thấy uy tín của ngành y tế thành phố dần được nâng lên… (Nhân dân, trang TP. HCM).
Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã nêu các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”... Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn… |
Y tế cơ sở (YTCS) ở nước ta hiện nay bao gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới YTCS ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo - là những khu vực điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương. Trong những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản… Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Trên thực tế, người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là "chất lượng dịch vụ", "lòng tin của người dân" và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho YTCS phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của YTCS như: Ðưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe… Định hướng tăng cường mạng lưới YTCS trong những năm tới được xác định là để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Quyết định 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động; Hướng dẫn triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh, thành phố để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm; Quyết định về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe cá nhân đến từng người dân; triển khai phần mềm quản lý công tác tiêm chủng... Ðồng thời, đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Ðáng chú ý, tháng 10-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản để khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã. Ðồng thời thực hiện đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động YTCS. Trong năm 2018, ngành y tế tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng để YTCS thật sự trở thành nền tảng, xương sống của hệ thống y tế Việt Nam: Một là về tổ chức, hoạt động: Tiếp tục sắp xếp các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện thành trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý trạm y tế xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe . Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ trạm y tế xã làm những việc theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn. Hai là về tài chính: Ðồng thời với giao nhiệm vụ phải kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho YTCS. Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, tăng tỷ trọng chi bảo hiểm y tế, huy động các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho y tế cơ sở. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Ba là về nhân lực: Tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho YTCS, các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên YTCS, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bốn là về cơ sở hạ tầng: Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng tin rằng, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và của toàn dân, ngành y tế sẽ phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (Nhân dân, trang 5).
|
Quản lý khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2018 sẽ triển khai thí điểm cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương, thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH, thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh. |
Thực hiện Nghị quyết số 19 - 2017/NQ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam có trách nhiệm rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và thủ tục kê khai thu, cấp sổ, thẻ và chi BHXH, BHYT, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo lập cơ sở dữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vào một thẻ điện tử chung. Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc (BHXH Việt Nam) Dương Tuấn Ðức cho biết, định kỳ, người tham gia BHYT chỉ cần đóng tiền tại nơi lập danh sách tham gia mà không phải đổi thẻ như trước đây. Người bệnh khi đi khám,chữa bệnh tại các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, cơ quan chức năng sẽ dùng đầu đọc thẻ để hiển thị các thông tin của chủ thẻ nhằm giải quyết công việc. Khi cấp thẻ BHYT điện tử, người dân có thể tra cứu quyền lợi BHYT của mình, tra cứu lịch sử khám, chữa bệnh từ cổng thông tin điện tử của ngành BHXH. Việc sử dụng thẻ BHYT điện tử giúp cơ sở y tế phát hiện các trường hợp trùng thẻ, thẻ vi phạm bị thu hồi. Trong trường hợp thẻ được cấp nhưng chưa đến tay người tham gia BHYT hoặc người bệnh quên thẻ thì người tham gia BHYT chỉ cần đọc mã số thẻ, bệnh viện sẽ giải quyết chế độ khám, chữa bệnh như bình thường. Việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ yêu cầu các thông tin định danh như ảnh, vân tay, mã vạch, cho nên không còn các trường hợp bị lợi dụng, mượn thẻ BHYT, làm giả thẻ để trục lợi quỹ BHYT như đã từng xảy ra. Về hiệu quả kinh tế, việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngành BHXH. Lâu nay, thời hạn sử dụng thẻ BHYT của từng nhóm đối tượng ghi trên thẻ giấy có thể là ba tháng, sáu tháng, một năm, hết thời hạn sử dụng, cơ quan BHXH phải cấp lại thẻ. Ðiều này, gây tốn kém chi phí in, chuyển phát, mất nhiều thời gian của cán bộ BHXH. Do cấp dồn vào một thời điểm, cho nên một số địa phương đã có tình trạng cấp chậm, cấp sai đối tượng, sai thông tin trên thẻ. Tỷ lệ thẻ cấp đổi hằng năm do rách, hỏng cũng tương đối lớn. Theo BHXH thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 10-2017, riêng BHXH thành phố đã cấp và quản lý hơn sáu triệu thẻ BHYT; cấp mới, gia hạn thẻ BHYT hằng năm hơn 3,5 triệu thẻ; cấp lại do mất thẻ, đổi thông tin trên thẻ hơn 300 nghìn thẻ, gây tốn kém thời gian, chi phí. Mặt khác, chất liệu thẻ BHYT bằng giấy cho nên dễ bị rách, hỏng, khó bảo quản, một số bệnh viện mất thời gian trong việc đọc, nhập thông tin người bệnh do mã vạch in trên thẻ BHYT bị nhòe, mờ, nhiều trường hợp phải lấy thông tin người bệnh bằng viết tay hoặc đánh máy, ảnh hưởng thời gian khám, chữa bệnh. BHXH Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan, người lao động, người dân trong việc rà soát dữ liệu thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHXH, BHYT, qua đó, đồng bộ mã số BHXH và mã số thẻ BHYT. Bên cạnh đó, để triển khai ứng dụng thẻ BHYT điện tử thành công, cần có nhiều giải pháp và nhiều sự đầu tư hơn nữa về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu liên thông dữ liệu thẻ BHYT giữa các ngành. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan phải có đủ trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ để khi cấp thẻ BHYT điện tử, việc sử dụng được thống nhất ở mọi lúc, mọi nơi, từ cơ sở y tế tuyến xã đến tuyến Trung ương. Nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quản lý bằng dấu vân tay trong trường hợp người bệnh quên không mang thẻ BHYT để tránh tình trạng trục lợi quỹ BHYT và lấy trộm mã thẻ của người khác đi khám, chữa bệnh. Việc đầu tư xây dựng phần mềm tra cứu, lắp đặt các hệ thống kiểm tra thông tin tại nơi công cộng cũng cần thiết để người dân có thể kiểm tra thông tin chế độ BHYT, mức đóng, hưởng BHXH khi cần. Ðược biết, năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ thí điểm cấp thẻ BHYT tại một số địa phương và sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để tiến tới cấp trên cả nước vào năm 2019. (Nhân dân, trang 5). |
Nâng chất lượng dịch vụ để "giữ chân" người bệnh
Ước tính mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh. Các địa chỉ mà họ thường tìm đến là Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Tuy nhiên, trong số đó nhiều trường hợp phải “khăn gói” về nước do phác đồ chữa trị, kỹ thuật y khoa như ở Việt Nam nhưng chi phí thì khác nhau “một trời một vực”. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến người bệnh đi nước ngoài chữa bệnh là hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế của nước ta còn hạn chế, cần sớm đầu tư để "giữ chân" người bệnh.
Thiết bị hiện đại, tay nghề cao
Nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư đã chi tiền tỷ để ra nước ngoài khám, chữa bệnh dù trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại. PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận không ít bệnh nhân xuất ngoại trở về để tiếp tục chữa trị vì chi phí ở nước ngoài quá đắt, song hiệu quả lại không khác là bao.
Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị M. (45 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã phải “hy sinh” căn nhà tiền tỷ ngay để đưa cậu con trai 14 tuổi bị ung thư máu (bạch cầu cấp) sang Singapore chữa bệnh. Chưa kể các chi phí khác, chỉ tính riêng mức phí dành cho giường bệnh tại Singapore đã tiêu tốn từ 600 đến 800 USD/ngày. Dù bỏ ra khoản tiền không nhỏ nhưng theo chị M., phác đồ và hiệu quả điều trị cũng tương tự như ở Việt Nam. Có chăng, bệnh viện nước ngoài hơn hẳn bệnh viện trong nước khâu chất lượng dịch vụ, nên gia đình chị M. đã quyết định đưa con trở về Việt Nam điều trị.
PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, sau những nỗ lực tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, giờ đây, các bệnh viện trong nước đã mang đến những cơ hội mới cho bệnh nhân bị ung thư. Ngay tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ nhất giúp chẩn đoán và điều trị ung thư hiệu quả như: Máy chụp mạch số hóa xóa nền, máy chụp cộng hưởng từ, máy nhuộm tiêu bản chẩn đoán giải phẫu bệnh, máy chụp PET/CT, máy chụp cắt lớp 64 dãy, 128 dãy, máy chụp xạ hình, máy xạ trị gia tốc điều biến liều… Không chỉ được chẩn đoán sớm, chính xác tổn thương nhờ máy chụp PET/CT, với phương pháp xạ trị điều biến khối u bị tiêu diệt, nhưng vẫn bảo đảm liều xạ thấp nhất vào tổ chức lành, giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh…
Đi vào hoạt động từ ngày 27-11-2016 với tiêu chí “Mang tiêu chuẩn y tế Châu Âu đến Hà Nội”, đến nay, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) được ví như “đầu tàu” của ngành Y tế Thủ đô. Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cho biết, trang thiết bị y tế của đơn vị hầu hết là công nghệ mới nhất thế giới, nên đã hỗ trợ hữu hiệu cho các bác sĩ từ tầm soát, phát hiện sớm, phòng ngừa bệnh tật đến chẩn đoán chính xác, can thiệp tối thiểu, điều trị hiệu quả. Trong đó có các loại: Máy siêu âm Siemens S300; cộng hưởng từ MRI 3.0; hệ thống nội soi Exera III; hệ thống nội soi chẩn đoán ung thư sớm tiên tiến nhất thế giới… Ngoài ra, tại trung tâm còn có thiết bị CT Scanner 384 - một trong 3 máy duy nhất hiện có tại Đông Nam Á - đi đầu trong phát hiện sớm bệnh lý hiện nay. Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, hiện các kỹ thuật cao, máy móc, thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị ở nước ngoài có, thì ở Việt Nam cũng có. Còn tay nghề của bác sĩ Việt Nam cũng không thua kém bác sĩ ngoại. Trong khi chi phí khám, chữa bệnh ở nước ngoài cao gấp 4 lần, thậm chí gấp đến 10 lần trong nước.
Không chỉ triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực tim mạch, năm 2017, các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội còn thực hiện chuyến “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật chụp mạch vành và can thiệp mạch vành cho y, bác sĩ Bệnh viện Mahosot (Lào). Đây là một trong những kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong lĩnh vực tim mạch. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, trước đây, khi Trung tâm Tim mạch Lào - Luxembourg của Bệnh viện Mahosot chưa đi vào hoạt động, người bệnh đều phải sang Thái Lan, Singapore hoặc Việt Nam để điều trị với chi phí lên tới gần 70 triệu đồng/ca. Hơn nữa, với bệnh nhân tim mạch cần được can thiệp, điều trị ngay tại chỗ, nếu phải di chuyển chặng đường dài sẽ làm giảm cơ hội sống sót...
Tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ y tế
Mặc dù trình độ y bác sĩ, trang thiết bị của bệnh viện nước ta hiện không thua kém các cơ sở y tế ở nước ngoài, nhưng vì sao một bộ phận người Việt vẫn tìm đường “xuất ngoại” chữa bệnh? Bà Đặng Thị Lợi (69 tuổi ở Hà Nội) - hiện đang điều trị bệnh đái tháo đường định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng, người dân vẫn muốn ra nước ngoài chữa bệnh, vì ngại cảnh quá tải, chờ đợi khi khám, chữa bệnh trong nước. Thêm vào đó, người bệnh thiếu thông tin về những kỹ thuật cao, chuyên sâu đang được các bệnh viện trong nước triển khai. Có vẻ như các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại luôn trong tình trạng quá tải, nên cảm thấy không cần phải giới thiệu, quảng bá...
Ông Joel Leroy (người Pháp), chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tiêu hóa, cũng là người đồng hành và có công sáng lập ra Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội luôn đánh giá cao trình độ tay nghề của các bác sĩ Việt Nam, đã triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa tương đương thế giới. Tuy nhiên, ông Joel Leroy cũng quan ngại về tình trạng “chảy máu” ngoại tệ khi người dân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Theo ông, nếu số tiền này được đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng y khoa sẽ giúp cho việc phát triển và ứng dụng được ngày càng nhiều kỹ thuật mới.
PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng “chảy máu” ngoại tệ, phải có những giải pháp cụ thể, quyết liệt. Đầu tiên là tuyên truyền cho người dân biết về trình độ, tay nghề của các bác sĩ trong nước. Bên cạnh đó, tại các bệnh viện công phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, thay đổi về thái độ phục vụ của nhân viên y tế để người bệnh tin tưởng. Chỉ có làm được như vậy, ngành Y tế mới không bị "thua trên sân nhà".
Hôm nay (27-2), Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chính thức khai trương tòa nhà khám, chữa bệnh với quy mô 250 giường bệnh cao cấp, 6 phòng khám theo yêu cầu, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, tòa nhà còn được đầu tư một phòng hội chẩn trực tuyến từ xa (Telemedicine) để đáp ứng nhu cầu hội chẩn giữa các bác sĩ trong nước với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, giúp người dân giảm thiểu đáng kể chi phí ra nước ngoài khám, chữa bệnh. (Hà Nội mới, trang 1).
Đột phá trong điều trị ung thư gan
TS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đã tạo ra nhiều dấu ấn cho ngành y tế Việt Nam trong phẫu thuật nội soi cắt gan, tụy.
Một ngày đầu năm 2018, gặp BS Trần Công Duy Long tại căn phòng hội chẩn của khoa bác sĩ đang làm việc. BS Duy Long kể mỗi tuần đều có 30-40 bệnh nhân ung thư gan mới đến khoa điều trị và đều sẽ được hội chẩn tại phòng này. Hiện có nhiều cách điều trị cho bệnh nhân ung thư gan như cắt gan, ghép gan, đốt khối u gan bằng sóng điện cao tần, bơm hóa chất vào khối u... Do vậy, cần có một đội ngũ bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa, đại diện cho các phương pháp điều trị khác nhau ngồi lại để lựa chọn cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Thích tìm hiểu cái khó
Năm 2007, sau ba năm tốt nghiệp bác sĩ nội trú, lần đầu tiên BS Duy Long được cử đi học ở Đài Loan về phẫu thuật gan. Cũng chính trong thời gian học tập ở đây, anh đã phát hiện ra lĩnh vực mà anh đang đi theo rất hay dù lúc đó ở Việt Nam ung thư gan là một bệnh rất khó điều trị, chưa có nhiều phương pháp phẫu thuật. Và anh cũng thấy rõ điều trị ung thư gan ở thế giới đã đi quá xa so với nước mình.
"Có cách nào rút ngắn khoảng cách không?", BS Long nghĩ. Sau đó, một ý tưởng đã bật ra để đến giờ BS Long cùng những đồng nghiệp, những bệnh nhân đã thừa hưởng được kết quả của nó. "Thế mạnh của y học trong nước là phẫu thuật nội soi. Tại sao lại không lấy thế mạnh này ứng dụng vào điều trị ung thư gan?". Và đó mới chỉ là ý tưởng vì lúc đó ở Đài Loan vẫn chưa thực hiện phẫu thuật nội soi cắt gan.
Sau khi từ Đài Loan trở về, BS Duy Long cùng các đồng nghiệp đã bắt đầu các ca mổ hở gan nhưng trong lòng BS luôn nuôi ý tưởng đến một ngày nào đó sẽ nội soi để cắt gan. Trong thời gian này, có một bác sĩ người Malaysia đến học phẫu thuật nội soi dạ dày, đại tràng ở bệnh viện và đã giới thiệu anh với giáo sư Michael Kendrick ở May O Clinic (Bệnh viện số 2 của Mỹ) để anh được đến học về nội soi cắt gan. Năm 2010, anh đến Mỹ và đã chứng kiến GS Michael Kendrick mổ nội soi tụy. Ca mổ chỉ diễn ra trong sáu giờ đồng hồ và thành công tốt đẹp.
"Đây chắc chắn sẽ là kỹ thuật có thể mang về ứng dụng và phát triển ở Việt Nam", anh nghĩ. Đó là khoảnh khắc rất hạnh phúc trong nghề với một bác sĩ đam mê học hỏi như anh. Sau này, Bệnh viện Đại học Y dược đã là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam dùng phẫu thuật nội soi phẫu thuật cắt khối tá tụy. Nhiều bác sĩ từ nhiều nước đã đến Bệnh viện Đại học Y dược để học về kỹ thuật mổ này.
Năm 2011, BS Duy Long tiếp tục được qua Bệnh viện ASAN của Hàn Quốc học kỹ thuật mổ hở gan. Kỹ thuật mổ hở gan ở Hàn Quốc có đẳng cấp hơn hẳn so với Đài Loan. Tại đây, một bác sĩ Hàn Quốc đã tặng anh một cuốn sách của bác sĩ người Nhật về kỹ thuật mổ gan mới. Anh đọc ngấu nghiến suốt ngày đêm và ngẫm "Mình sẽ về làm nội soi gan theo cách này". Dù Hàn Quốc mổ hở gan đẳng cấp đến vậy nhưng ở thời điểm ấy, phẫu thuật nội soi về gan cũng chưa phát triển mạnh.
Khi về Việt Nam, anh cùng với PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bắt đầu phẫu thuật nội soi cắt gan bằng kỹ thuật mới. Khi thực hiện xong anh mới thấy nó đơn giản hơn tất cả các kỹ thuật trước đây. Phẫu thuật nội soi cắt gan được xem là phương pháp điều trị triệt để ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau, giảm biến chứng, phục hồi nhanh. 70% bệnh nhân sống được qua 5 năm. Anh đã bắt đầu mổ liên tục cho các bệnh nhân.
Mong có sự thay đổi trong cộng đồng
"Đôi khi trong nghề y không nhất thiết phải mổ nội soi cắt gan hay làm những việc gì to tát, chỉ cần chia sẻ được với bệnh nhân, an ủi thân nhân người bệnh cũng đã mang đến cho bác sĩ niềm hạnh phúc và tình yêu nghề" - BS Duy Long chia sẻ. Anh tự nhận mình là một người sống tình cảm. Anh rưng rưng kể về một cậu bé lam lũ đứng trước phòng cấp cứu khóc thảm thiết vì lo lắng cho người anh trai bị gãy xương, hay một bé gái mới 5 tuổi đã mắc bệnh ung thư gan nhưng khi phát hiện ra bệnh thì khối u đã mọc đầy gan nên không có cách nào điều trị được...
Trong mắt nhiều đồng nghiệp, BS Duy Long là một bác sĩ khó tính trong phòng mổ. Anh chia sẻ rằng do chuyên "ôm" các ca nặng nên thường stress. Anh lại là người cầu toàn, mong muốn hoàn thiện nên trong ca mổ anh luôn đòi hỏi đồng đội tập trung cao.
BS Duy Long cho rằng công việc phẫu thuật của anh chỉ là giải quyết sự vụ, còn "gốc rễ" của vấn đề cũng là điều mà anh mong muốn lớn nhất trong tương lai là sự thay đổi trong cộng đồng về ý thức chủng ngừa viêm gan siêu vi B, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh viêm gan, tầm soát phát hiện sớm ung thư gan ở những người có nguy cơ...
Tận tâm với người bệnh
PGS.TS Trương Quang Bình, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhận xét: "BS Trần Công Duy Long xứng đáng là thế hệ kế thừa của những người thầy đi trước và phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ. Hiện nay, Duy Long là một trong những bác sĩ phẫu thuật nổi bật của khoa ngoại gan - mật - tụy của bệnh viện và là một nhân tố chủ lực trong chương trình ghép gan mà bệnh viện sẽ tiến hành trong năm 2018. BS Duy Long luôn đam mê, sáng tạo trong nghề nghiệp, tâm huyết triển khai hiệu quả phẫu thuật nội soi cắt gan, luôn tận tâm, tận lực với người bệnh".
Giải nhất video về phẫu thuật nội soi cắt gan
Năm 2017, lần đầu tiên Hội Phẫu thuật nội soi cắt gan thế giới tổ chức hội nghị tại Paris (Pháp). Tại đây, BS Duy Long và nhóm nghiên cứu đã tham dự báo cáo và được trao giải nhất video về phẫu thuật nội soi cắt gan.
Đến nay, đã có nhiều bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ... đã đăng ký đến Bệnh viện Đại học Y dược để học về kỹ thuật này. (Tuổi trẻ, trang 14).