Có thể lùi thời gian áp dụng mức viện phí mới
Đây là thông tin của ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng VỤ BHYT, BYT vào ngày 26/10. Theo ông Toàn, lộ trình trước đây là từ tháng 11 tới sẽ điều chỉnh viện phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT thêm 30-50% so với hiện hành tại 16 địa phương, đến tháng 12/2016 sẽ áp dụng mức phí này tại 19 địa phương còn lại. Tuy nhiên theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, viện phí tăng có thể làm chỉ số giá tiêu dùng tăng theo, nên mặc dù Quỹ BHYT có thể chi trả được theo mức mới nhưng BYT và BHXH VN đợi chỉ đạo của Chính Phủ mới công bố thời điểm áp dụng mức phí kể trên (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 2):
TP.HCM, bảo hiểm y tế hộ gia đình tăng đột biến
TP.HCM có hơn 6 triệu người tham gia BHYT. Riêng chín tháng đầu năm 2016 số người tham gia BHYT hộ gia đình là 257.600 người, riêng tháng 2-2016 tăng 127.000 người. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, thông tin như vậy tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM về việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, ngày 25-10.
Ông Sang cho biết hiện TP có hơn 6 triệu người tham gia BHYT. Về việc BHYT hộ gia đình tăng đột biến, ông Sang lý giải chín tháng đầu năm 2016 số người tham gia BHYT hộ gia đình là 257.600 người, riêng tháng 2-2016 tăng 127.000 người, mức bình quân là 15.000-20.000 người/tháng. “Việc tăng đột biến BHYT hộ gia đình chủ yếu là do thông tin viện phí tăng nên người dân tham gia cao hơn mức bình thường” - ông Sang nói.
Ông Sang cho rằng việc mời người dân tham gia BHYT để san sẻ chứ không phải mục tiêu tăng thu vì thực tế có khoảng 2 triệu người lao động đang làm việc, đây là nguồn chia sẻ cho các hộ gia đình.
Thực tế năm 2015 riêng nhóm BHYT hộ gia đình hơn 1 triệu người bội chi hơn 1.700 tỉ đồng, riêng chín tháng đầu năm bội chi hơn 1.900 tỉ đồng. Hiện quỹ BHYT còn kết dư hơn 1.000 tỉ đồng nếu trung ương cho giữ lại hơn 200 tỉ đồng nhưng với đà tăng viện phí bội chi sẽ tăng.
Ông Sang cho rằng không thể tính tỉ lệ bao phủ người dân tham gia BHYT vì thực tế người dân tại TP.HCM nhưng đi làm việc ở địa phương khác thì tính gộp vào số người tham gia tại TP hay địa phương khác hoặc tình trạng ngược lại thì tính như thế nào. Như vậy phải gắn địa phương cấp thẻ mới biết được chứ tính theo số thẻ BHYT thì không thống kê được đó có phải là dân TP.HCM hay không. (Pháp luật TP. HCM, trang 2).
Bảo hiểm y tế cho học sinh sinh viên: Từ lợi ích đến ý thức công dân
Có trăm nghìn lý do khiến cơ thể của bất cứ ai cũng có thể mắc phải bệnh tật, tai nạn, rủi ro.. phải vào bệnh viện. Không có tấm thẻ BHYT trong tay, nhiều gia đình bỗng trở nên nghèo túng chỉ sau một tai nạn bất ngờ hay một bạo bệnh đến với thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người con đang là học sinh, sinh viên, tương lai của gia đình và đất nước (chi tiết xem báo Hà Nội mới, trang 3).
Mua BHYT gia đình, người dân được lợi
Sau bài viết “BHYT đỡ gánh nặng viện phí (Tuổi trẻ ngày 4/10), rất nhiều bạn đọc quan tâm, thắc mắc về việc mua HBYT hộ gia đình. Trao đổi với ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh ông cho biết (chi tiết xem báo Tuổi trẻ, trang 14).
3,5 triệu USD hợp tác kỹ thuật chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hợp tác kỹ thuật về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị viêm phổi. Dự án thực hiện trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022) với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là 350.000.000 Yên Nhật (tương đương 3,5 triệu đô la Mỹ hoặc 78 tỷ đồng). Mục tiêu cụ thể là phát triển những kỹ thuật mới để xác định các căn nguyên vi khuẩn kháng thuốc gây viêm phổi, triển khai áp dụng, chuẩn hóa các kỹ thuật mới tại Bệnh viện Nhi Trung ương, và chuyển giao những kỹ thuật này tới 7 bệnh viện khác ở Việt Nam.
Thiết lập một hệ thống đăng ký, theo dõi, giám sát và báo cáo các trường hợp viêm phổi mắc phải tại cộng đồng kháng thuốc được điều trị tại 8 bệnh viện tại Việt Nam, với Bệnh viện Nhi Trung ương là trung tâm; chẩn đoán và điều trị viêm phổi kháng thuốc.
Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ hệ thống các bệnh viện Nhi quản lý và kiểm soát tốt hơn các xu hướng kháng thuốc để đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời; thiết lập hệ thống chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng kháng thuốc thống nhất, sử dụng cho các bệnh viện Nhi trên toàn quốc.
Đồng thời, phát triển các loại thuốc mới, ứng dụng trong điều trị các viêm phổi mắc phải tại cộng đồng ở trẻ em dưới năm tuổi ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới; góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, giảm các chi phí điều trị và các chi phí cơ hội phát sinh cho các gia đình liên quan tới chẩn đoán và điều trị bệnh. (Lao động, trang 3).
Ra mắt đội thanh niên tiếp sức người bệnh
Chiều 26/10, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chính thức ra mắt Đội thanh niên xung kích tiếp sức người bệnh. Thành viên của đội là đoàn viên thanh niên bệnh viện, có nhiệm vụ tiếp sức cho người bệnh đang khám và điều trị tại đây với những căn bệnh hiểm nghèo, trong tình trạng nguy kịch hoặc có hoàn cảnh éo le. Đặc biệt, đội thường xuyên có mặt vào giờ cao điểm khám chữa bệnh để giúp đỡ, hướng dẫn bệnh nhân trong vấn đề thủ tục, di chuyển…
Chiều cùng ngày, bệnh viện chính thức thành lập Ngân hàng máu nóng với hơn 130 thành viên là nhân viên của bệnh viện và sinh viên một số trường ĐH trên địa bàn. Ngân hàng sẽ tiếp máu cho người bệnh trong những trường hợp khẩn cấp, đe dọa tới tính mạng. (Tiền phong, trang 7).
Sớm có giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế Cao Bằng
Từ đầu năm 2016, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng liên tục xảy ra những sự cố khiến dư luận bức xúc. Do cán bộ y tế yếu về chuyên môn, thiếu trách nhiệm đã gây hậu quả nghiêm trọng. Thực tế này đã phần nào bộc lộ sự yếu kém về chất lượng của một bộ phận y, bác sỹ, đồng thời đòi hỏi ngành y tế Cao Bằng sớm có giải pháp chấn chỉnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (chi tiết xem báo Nhân dân, trang 7).
Cứu sống bệnh nhân bị mảnh kim loại cắm sâu vào ngực
Ngày 26-10, s au 14 ngày điều trị tại Bệnh viện E Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân N.T.P.C. (sinh năm 1989 ở Giảng Võ, Hà Nội)-người bị mảnh kim loại cắm sâu vào ngực đã xuất viện. Đây là ca tai nạn hy hữu. Bệnh nhân khi đang lưu thông trên đoạn ngã tư Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt thì bất ngờ bị dị vật kim loại bắn vào vùng ngực trái dẫn đến trọng thương. Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện E cấp cứu.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện E, bệnh nhân này rất may mắn khi được đưa đến Bệnh viện E – nơi có Trung tâm tim mạch và được cấp cứu kịp thời. Bởi vì, trước khi vào viện, bệnh nhân này đã rơi vào tình trạng mất máu, biểu hiện da nhợt, huyết áp tụt... Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị dị vật nghi làm tổn thương đến tim nên đã tiến hành sơ cấp cứu và mổ tim ngay. Ca mổ kéo dài gần 4 giờ đồng hồ. Bằng khả năng nghiệp vụ tốt các bác sĩ chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện E đã cứu sống được bệnh nhân trong gang tấc.
Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E-bác sĩ mổ trực tiếp cho bệnh nhân này, cho biết, sau thời gian điều trị dài ngày, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn. Siêu âm kiểm tra chứng năng tim tốt, phổi không còn dịch. Căn cứ theo hồ sơ bệnh án, tiến triển sau mổ của bệnh nhân này tốt, không có biểu hiện nhiễm trùng. Sau 5 ngày, bệnh nhân được rút các ống dẫn lưu màng tim, màng phổi.
Trước khi ra viện, bệnh nhân đã được bác sĩ khám lại. Bác sĩ Đặng Quang Huy cho rằng, để phục hồi chức năng phổi được tốt, bệnh nhân cần phải thường xuyên tập thổi bóng thở trong vòng 1 tháng, tránh tràn dịch màng phổi. Bác sĩ hẹn bệnh nhân tái khám sau 1 tháng để kiểm tra lại chứng năng hoạt động của tim. (Thanh niên, trang 17).
Lần đầu tiên điều trị nội soi thành công ca thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Ngày 25/10, lần đầu tiên một bệnh nhân nữ đã được các bác sĩ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức điều trị thành công căn bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bằng phương pháp nội soi. Đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng thành công ở Việt Nam
Bệnh nhân là bà Dương Thị Miến (52 tuổi, ở xóm Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đã lâu và được chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức.
Trước đó điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thường phải mổ mở, thời gian ra viện kéo dài hơn so với mổ nội soi. Theo ông Nguyễn Văn Thạch, phẫu thuật viên chính ca mổ này, vết mổ nội soi chỉ 5mm, trong khi mổ mở cùng vị trí phải rạch 4-5 cm, lại dễ tái phát hơn. Với ca mổ nội soi này, người bệnh được ra viện sau 2 ngày. (Tuổi trẻ, trang 14), (Tiền phong, trang 6).