Khai trương Khu phẫu thuật và điều trị theo nhu cầu
Sáng 26-5, tại Hà Nội, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Bộ Quốc phòng) tổ chức khai trương Khu phẫu thuật và điều trị theo yêu cầu.
Sau gần tám tháng cải tạo, xây dựng, Khu phẫu thuật và điều trị theo yêu cầu được hoàn thành, đi vào hoạt động. Công trình được triển khai tại tầng ba của Viện Phẫu thuật tiêu hóa, với tổng diện tích 1.334 m2, gồm: khu sảnh chờ điều trị, khu đón tiếp, thu tiền tài chính, cấp phát thuốc; có hai bàn mổ, hai phòng tiểu phẫu, 12 phòng điều trị và hồi sức, một phòng điều trị thẩm mỹ…, được bố trí thành tổ hợp hoàn chỉnh, kết nối hệ thống hạ tầng của Bệnh viện, tạo ra khu khám bệnh hiện đại, môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Bệnh nhân đến đây điều trị sẽ nhận được sự phục vụ nhanh chóng, toàn diện từ khám, tư vấn, xét nghiệm cận lâm sàng và phẫu thuật, điều trị thuận tiện theo yêu cầu… (Nhân dân, trang 5)
Những quan điểm sai lầm về điều trị ung thư
Chiều 26-5, tại Hà Nội, Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện K trung ương tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Ung thư không phải dấu chấm hết”.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia ung bướu thẳng thắn chỉ ra quan điểm sai lầm về điều trị ung thư tại Việt Nam khi coi ung thư như “án tử”, bệnh ung thư có thể lây nhiễm. Mặt khác, thông tin lan truyền trên mạng xã hội về cách chữa trị ung thư như nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư, uống nước lá, thực dưỡng Ohsawa (hình thức ăn chay), cúng bái… khiến người bệnh lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”, thậm chí tử vong.
Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương khuyến cáo, người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu thông tin, tài liệu chính thống về phòng, chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt, bệnh nhân cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình để hiểu rõ về tình hình bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Theo ông Trần Văn Thuấn, điều trị ung thư là vấn đề phức tạp, tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao hay thấp phụ thuộc lớn vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. (Hà Nội mới, trang 1)
Vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, trí tuệ
Sáng 26-5, tại TP Bắc Ninh, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2017 với thông điệp “Vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, trí tuệ, tầm vóc và chất lượng cuộc sống; sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng hằng ngày”.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Nhiều vấn đề về sức khỏe nhân dân cũng như kết quả nghiên cứu về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho thấy, với những cộng đồng bị thiếu i ốt, chỉ số IQ bị giảm trung bình khoảng 10%. Việc can thiệp nhằm phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là can thiệp trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.
Trong Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay, ngành Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả và an toàn chiến dịch uống bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở mức cao; và cho trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi tại 41 tỉnh, thành phố còn lại theo quy định. (Hà Nội mới, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Phát động Ngày Vi chất dinh dưỡng 2017”
Giám đốc BV Việt Đức nói gì về giá vật tư, hóa chất?
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, đã yêu cầu bộ phận liên quan khẩn trương làm báo cáo cụ thể để gửi Bộ Y tế ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ yêu cầu báo cáo việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế.
Liên quan đến thông tin phản ánh giá một số vật tư tiêu hao và hóa chất của BV Việt Đức trúng thầu cao hơn một số BV khác, GS.TS Trần Bình Giang cho biết, về công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế tiêu hao thường xuyên đã được BV Việt Đức thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả cao cả về mặt chuyên môn và hiệu quả kinh tế. Trong 5 năm liên tục gần đây, BV Việt Đức đã lập giá kế hoạch của năm sau thường bằng hoặc thấp hơn năm trước. Quá trình làm giá, BV có tham khảo nhiều giá, chất lượng của thiết bị, thuốc được mua ở các một số BV trung ương. Ông Giang nói: “Có thể khẳng định, BV Việt Đức đang được hưởng mức giá tương đối ưu đãi cho các loại vật tư y tế tiêu hao thường xuyên”.
Đối với hóa chất sử dụng trong xét nghiệm, theo phản ánh giá trúng thầu vào BV Việt Đức cao hơn BV Chợ Rẫy, ông Giang giải thích, loại BV Việt Đức mua hơn 5 triệu khác hoàn toàn loại hóa chất của BV Chợ Rẫy. Trong năm 2015, BV Việt Đức mua đến 4 loại hóa chất của 4 công ty cung ứng khác nhau, với các mức giá khác nhau cho cùng 1 loại hóa chất có tên gọi là Cleaning solution. Cụ thể, 1 loại có giá hơn 5 triệu đồng/can (Ailen) sử dụng cho máy xét nghiệm sinh hóa AU; loại 1,7 triệu/hộp (Đức) sử dụng cho các máy Cobas; 1 loại giá hơn 1,9 triệu/chai (của Nhật) sử dụng cho máy đông máu CP2000; 1 loại dùng cho máy đếm tế bào 22 thông số với giá 1 triệu đồng/chai (của Thụy Sỹ). Ông Giang nhấn mạnh: “Dẫn chứng như vậy để thấy cùng một loại hóa chất nhưng của nhiều hãng khác nhau, với mục đích sử dụng khác nhau ở những dòng máy khác nhau và giá cũng khác nhau. Loại giống như BV Chợ Rẫy, giá trúng thầu vào BV Việt Đức năm 2015 cũng có giá tương đương, với giá hơn 1,7 triệu đ/hộp”.
Về một số loại vật tư y tế liên quan đến thông tin giá đấu thầu vào BV Việt Đức cao hơn các BV khác, lãnh đạo BV Việt Đức cho rằng: “Việc đưa ra so sánh vật tư tiêu hao của BV này với BV khác là do hiểu chưa sâu, so sánh khá khập khiễng. Cùng một tên hóa chất hay vật tư tiêu hao như thế nhưng có hàng trăm chủng loại khác nhau. Ví dụ, đối với dây truyền huyết thanh, thông tin phản ánh cho biết đơn giá trúng thầu của BV Việt Đức là 18.000đồng/bộ, trên thực tế, giá mặt hàng này trúng thầu năm 2015 là 2.864 đồng/bộ với số lượng kế hoạch 542.768 bộ/năm, giá trúng thầu năm 2016 là 2.800 đồng/bộ, với số lượng 678.460 bộ/năm”.
Với đơn giá 18.000đ/bộ như thông tin phản ánh, gấp 5 lần so với BV Bạch Mai (1 dây truyền huyết thanh của BV Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại BV Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng), theo TS Trần Bình Giang, do đây là dây truyền dịch đặc biệt chuyên dùng trong ghép tạng, được BV đặt riêng cho nhóm bệnh nhân đòi hỏi yêu cầu khắt khe về độ vô khuẩn, nguy cơ tắc mạch với số lượng chỉ có 11.000 bộ/năm. (Tiền phong, trang 13)
Mất trộm khối chì ngăn sóng phóng xạ tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang
Ngày 26-5, Đại tá Phạm Trung Thành - Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra, làm rõ vụ mất trộm thiết bị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).
Đây là dự án bệnh viện xây dựng mới và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Kẻ gian đã tháo các kiện hàng, lấy cắp từng linh kiện dùng để ráp khuôn chì ngăn phóng xạ bên trong một thiết bị hoàn chỉnh, do đó cơ quan chức năng chưa xác định được thời gian mất cắp.
Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, thiết bị này vừa được nhập từ nước ngoài về dưới dạng kiện hàng chưa lắp ráp. Các linh kiện này chỉ là chì, không phải là mất phóng xạ nên sức khỏe của người dân không bị ảnh hưởng.
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu xạ trị ung thư của Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang do nước ngoài tài trợ. Đơn vị chủ đầu tư dự án là Sở Y tế tỉnh Kiên Giang. Vụ việc đang được Công an Kiên Giang điều tra làm rõ. (Công an Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 5: “Mất trộm 4,2 tấn gạch chì che chắn phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu Kiên Giang”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 3: “Mất cắp các linh kiện của thiết bị ngăn phóng xạ tại Bệnh viện”
Vụ thông tin sai "nước mắm nhiễm asen": Vinastas chỉ bị phạt... 15 triệu đồng
Thực hiện văn bản số 2380 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã thực hiện xử phạt hành vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Cơ quan chức năng cho biết, Vinastas đã có hành vi vi phạm hành chính là phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Theo khoản 2 Điều 27 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Vinastas bị phạt tiền 15 triệu đồng.
Cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu Vinastas phải thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm theo khoản 3 Điều 27 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) có địa chỉ tại số 214/22 Tôn Thất Tùng, Hà Nội.
Liên quan đến việc thông tin sai nước mắm nhiễm asen, Bộ Công Thương đã yêu cầu Vinastas kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan một cách nghiêm túc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Vinastas cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Vinastas trong vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã bị cách chức vì thông tin sai vụ nước mắm nhiễm asen. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Vinastas chỉ bị phạt 15 triệu”
BV quận lần đầu nuôi dưỡng bé sinh non dưới 2 kg
“Sau gần một tháng được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch trong lồng ấp, bé trai con của chị TTT (35 tuổi, ở Bình Dương) đã phát triển như những bé bình thường khác. Hiện bé có thể bú được sữa mẹ và chuẩn bị xuất viện”.
Sáng 25-5, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thông tin trên.
Trước đó, ngày 3-5, đơn vị Hồi sức nhi BV quận Thủ Đức tiếp nhận từ khoa Sản cũng của BV này một bé trai sinh non 32 tuần tuổi, nặng chỉ 1.500 g. Tại đây, bé được các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ nằm lồng ấp, thở áp lực dương liên tục qua đường mũi để điều trị suy hô hấp, tránh hạ thân nhiệt. Đồng thời giúp bé có thể phát triển khỏe mạnh.
BS Đặng Thị Ngọc Trương, Trưởng Đơn vị Hồi sức nhi, cho biết đây là trường hợp đầu tiên BV quận Thủ Đức nuôi dưỡng bé sinh non 32 tuần và chỉ nặng 1.500 g.
Theo BS Trương, bé sinh non, nhẹ cân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, vàng da nặng, bệnh tim, viêm ruột… nên cần được chăm sóc tích cực và đầy đủ phương tiện. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Bác tin đồn phương pháp điều trị ung thư lỗi thời
Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Bệnh viện K T.Ư đã bác bỏ các thông tin lan truyền trên mạng cho rằng phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay đã quá lỗi thời và lạc hậu.
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia, khẳng định những thông tin đang nêu trên mạng xã hội là không có cơ sở khoa học. Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Mỹ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định truyền hóa chất vẫn là một trong các phương pháp quan trọng để điều trị ung thư, và hiện được trong nước áp dụng.
Về thông tin cho rằng hóa chất điều trị phá hủy nội tạng của bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân giai đoạn muộn, điều trị hóa chất làm tử vong nhanh hơn, TS Thuấn nêu rõ, với 4 phương pháp điều trị ung thư chủ yếu hiện nay là: phẫu thuật, xạ trị, truyền hóa chất và điều trị nhắm đích, thì tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ quyết định áp dụng phương pháp phù hợp với từng loại bệnh ung thư và từng thể trạng bệnh nhân.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 26.5, PGS-TS Trần Văn Thuấn cho hay trên mỗi bệnh nhân, với cùng một tên bệnh nhưng tùy từng ca bệnh cụ thể, việc áp dụng điều trị sẽ được chỉ định hiệu quả nhất. Lương tâm người thầy thuốc không bao giờ cho phép chỉ định điều trị nếu nhận thấy không có hiệu quả hay có những tác hại cho người bệnh.
“Chắc chắn một điều, việc điều trị bao giờ cũng tốt hơn là không điều trị. Tuy nhiên có những bệnh ung thư khi đã mắc thì có tiên lượng rất xấu hoặc bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn cuối thì điều trị chỉ có thể kéo dài thời gian sống”, TS Thuấn nhấn mạnh. Theo TS Thuấn, với ung thư phổi, ngay cả ở Mỹ, cũng chỉ có khoảng 15 - 20% số bệnh nhân sống được sau 5 năm kể từ khi bắt đầu điều trị. Hoặc tại Nhật Bản, thời gian sống trung bình của bệnh nhân ung thư tụy là 9 tháng kể từ khi được điều trị. Một nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện K T.Ư cho thấy bệnh nhân ung thư đại trực tràng, nếu không điều trị thì thời gian sống chỉ 6 - 7 tháng, nếu được điều trị hóa chất thì thời gian sống kéo dài từ 15 - 16 tháng; và nếu điều trị phối hợp cả truyền hóa chất lẫn xạ trị thì thời gian sống kéo dài gần 20 tháng.
TS Thuấn cho biết thêm: "Việc áp dụng điều trị, chúng tôi dựa vào nghiên cứu trên cơ sở có lợi cho số đông bệnh nhân. Các loại thuốc, trang thiết bị trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư trên thế giới có cái gì thì VN hầu như cũng đã có, ví dụ máy xạ trị đang áp dụng tại Bệnh viện K T.Ư thuộc loại tối tân trên thế giới hiện nay và các thuốc kháng thể lượng dòng, kháng sinh mạch, là các thuốc hiện đại nhất, cũng đã có ở VN". (Thanh niên, trang 8)
Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ 2019
Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, có 2 phương án đang được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT vào năm 2019.
Theo đó, phương án 1: Năm 2019 sẽ tăng 0,3% mức lương cơ sở, từ 4,5% lương cơ sở như hiện nay lên 4,8%. Đến năm 2020 tăng tiếp lên 5,1% và năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6% (mức cao nhất được quy định trong Luật BHYT).
Phương án 2 là tăng 0,5% vào năm 2019, từ 4,5% lên 5% mức lương cơ sở. Năm 2020 tăng lên 5,5% và năm 2021 là 6%.
Theo ông Phúc, Quỹ BHYT hiện còn một phần chi dự phòng để bù đắp cho phần bội chi của năm 2017 và 2018. Nhưng tới năm 2019, các cơ quan chức năng phải tính toán để điều chỉnh mức đóng BHYT nhằm cân đối quỹ BHYT.
Ông Phúc cũng cho biết, hiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hơn 48 triệu người là nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng, học sinh – sinh viên… Cụ thể, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho khoảng 34,9 triệu người; hỗ trợ mức 70% là 2,5 triệu người; hỗ trợ mức 30% là 11 triệu người.
Do đó, nếu tăng mệnh giá thẻ BHYT thì cũng phải cân nhắc đến tài chính của ngân sách. “Việc tăng là đương nhiên, nhưng mức tăng thêm 0,3 hay 0,5% phải tính toán phù hợp trên cơ sở ngân sách nhà nước, chi phí doanh nghiệp...” – ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, việc tăng mức đóng còn ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Hiện có ý kiến cho rằng, Việt Nam có mức đóng BHYT thuộc nhóm cao trong khu vực. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải chi nhiều khoản phục vụ hoạt động.
“Mới đây, Chính phủ đã tính toán giảm 0,5% mức đóng của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Do đó, việc tăng mức đóng BHYT cần tính toán tới lộ trình hợp lý” - ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, trước mắt để tránh bội chi Quỹ BHYT, các cấp, đơn vị liên quan phải có những giải pháp để tiết kiệm chi tiêu, tránh lạm dụng quỹ BHYT.
Ngoài ra, từ 1.7 tới, khi mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng thì mệnh giá thẻ BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng lên 702.000 đồng/thẻ/năm.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 5.2017, cả nước có hơn 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số. (Nông thôn Ngày nay, trang 5)