Virus chưa biến đổi, dịch SXH vẫn bùng phát dữ dội
Ngày 26/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, mới ghi nhận thêm bệnh nhân thứ 18 tử vong vì SXH. Virus gây bệnh chưa biến đổi gene, không gia tăng độc lực.
Trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện) và có 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Số trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%). Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%) tuy nhiên gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối ở Hà Nội đứng thứ 3 cả nước, số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).
Tại cuộc gặp mặt báo chí, nhấn mạnh vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch SXH, PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chia sẻ: “Hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng. Việc phun hóa chất chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Đặc biệt, muỗi vằn đốt người là con cái, chỉ đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú đậu ở các góc tối, trên quần áo, chăn màn và các đồ dùng trong nhà. Do đó việc tránh bị muỗi đốt và diệt bọ gậy/loăng quăng là cách hữu hiệu và cần đẩy mạnh để kiểm soát dịch bệnh”.
Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát, tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh; môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm, xử lý phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Ngoài ra, sự phối hợp của người dân và ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí...
Trước diễn biến căng thẳng, phức tạp của dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân phải tổng vệ sinh 2 tuần/lần để diệt loăng quăng, bọ gậy; Đậy kín các dụng cụ chứa các nguồn nước có thể làm môi trường cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Cụ thể như đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể nước lớn, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước, dọn các phế thải quanh nhà có thể là nơi đọng nước mưa kể cả chai lọ, vỏ hộp, hốc cây, vỏ dừa, lá cây khô, nắp bia… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng chống muỗi đốt ban ngày. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Tự ý điều trị dễ biến chứng nặng
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, theo phân tích dịch tễ học SXH thì hiện nay, các ca mắc rơi chủ yếu vào lứa tuổi đang trong độ tuổi lao động. Số người cao tuổi mắc SXH dưới 5%, trẻ em cũng khoảng 5%. Theo ông Khuê, bệnh SXH nguy hiểm hơn trên cơ địa trẻ em do hệ miễn dịch kém, thai phụ, người già, người có bệnh lý đi kèm (suy gan, thận, tiểu đường). Những trường hợp tử vong gần đây đều rơi vào trẻ nhỏ và người lớn có cơ địa mang bệnh lý.
Liên quan đến điều trị bệnh SXH, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được tự ý điều trị khi bị sốt mà phải đến các cơ sở y tế bởi nếu người bệnh mắc SXH mà không được phát hiện, điều trị kịp thời hậu quả sẽ nghiêm trọng do biến chứng của bệnh SXH gây ra. (Tiền phong, trang 6; Hà Nội mới, trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 7).
Khánh Hòa lần đầu tiên phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị co giật nửa mặt
Sáng 26/7, bác sĩ Trần Quốc Hiền - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Sọ não, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh cho biết, trong khuôn khổ đề án BV vệ tinh, ê-kíp bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) và bác sĩ của khoa đã điều trị thành công cho bệnh nhân bị co giật nửa khuôn mặt bằng phương pháp vi phẫu giải áp vi mạch.
Bệnh nhân Nguyễn Thị X. (59 tuổi, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) nhập viện ngày 4-7 trong tình trạng một nửa khuôn mặt bên trái bị co giật từng cơn và có nhiều cơn trong ngày, kéo dài hơn 5 năm nay. Sau khi khám, hội chẩn và thực hiện các cận lâm sàng, ê-kíp bác sĩ của 2 BV xác định nguyên nhân gây bệnh lý trên do một mạch máu chèn ép vào dây thần kinh số 7 (dây thần kinh mặt) của bệnh nhân. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp vi phẫu giải áp vi mạch. Theo đó, các bác sĩ mở đường mổ dưới chẩm sau xoang sigma, tiến hành bóc tách các quai động mạch chèn ép ra khỏi dây thần kinh số 7 và dùng một miếng Teflon chèn vào giữa để ngăn mạch máu không chèn trực tiếp vào dây thần kinh. Sau 10 ngày hậu phẫu tình trạng co giật trên khuôn mặt bệnh nhân đã chấm dứt… (Lao động trang 3).
Cẩn trọng khi khám bệnh tại cơ sở có bác sĩ nước ngoài
Thời gian qua, tại nhiều phòng khám có bác sĩ nước ngoài thường xảy ra tình trạng người đến khám bị “vẽ” thêm bệnh để thu tiền; không minh bạch với người bệnh, thậm chí hù dọa về sự nguy hiểm của căn bệnh để người bệnh phải theo khám lâu dài. Các phòng khám này thường quảng cáo hấp dẫn, khi khám bệnh thường chẩn đoán bệnh nam khoa, phụ khoa, da liễu, cho nên người bệnh rất ngại tố cáo nếu bị lừa.
Anh Nguyễn Ngọc H. ấm ức kể: “Tôi đến Phòng khám đa khoa Thế giới ở quận 5, TP Hồ Chí Minh để khám. “Xem xét” xong, vị bác sĩ người Trung Quốc nói tôi bị bệnh lậu và yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu, máu ngay tại đây. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ yêu cầu tôi đến phòng tiểu phẫu để vệ sinh. Sau đó điều dưỡng cho biết, tôi phải điều trị ngay với giá 12,8 triệu đồng và tiền tiểu phẫu bao quy đầu giá 6,8 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc một triệu đồng/ngày”. Khi xuống quầy thanh toán tiền, thấy tiền thuốc hơn 6 triệu đồng/ngày đầu, anh H. thắc mắc thì được trả lời, ngày đầu sau tiểu phẫu dùng thuốc tốt nên chi phí như vậy, còn những ngày sau chỉ khoảng một triệu đồng… Nhận thấy phòng khám này tính chi phí điều trị và tiền thuốc quá cao, và kéo dài thời gian điều trị, anh H. đến nơi khác xét nghiệm. Kết quả cho thấy anh H. đã chỉ bị nhiễm trùng đường tiểu và điều trị hậu phẫu bao quy đầu, với chi phí khám và tiền thuốc chưa đến 200 nghìn đồng.
Chị Phan Ngọc U. cho biết: “Tôi đi khám phụ khoa tại Phòng khám đa khoa Thái Bình Dương ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, bị bác sĩ người nước ngoài hù dọa là nếu không tiểu phẫu kịp thời sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tôi quá lo lắng, cho nên khi họ yêu cầu làm các xét nghiệm, siêu âm... thì tôi đều đồng ý, chỉ mong sao hết bệnh. Phòng khám đã tính hóa đơn tổng cộng hết 24 triệu đồng và cho các loại thuốc về uống. Sau khi về nhà, gia đình mới đưa tôi ra phòng khám khác để khám lại thì bác sĩ ở đây nói bệnh của tôi không đáng ngại, gần như vô hại, chỉ cần điều trị thông thường và vệ sinh cẩn thận.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm, Thanh tra sở đã kiểm tra và xử phạt 13 phòng khám có yếu tố nước ngoài (chủ yếu là bác sĩ Trung Quốc), với tổng số tiền phạt 536 triệu đồng. Các hành vi vi phạm thường gặp là: Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực trong quá trình hoạt động;…
Theo Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ban đầu khi xin phép hoạt động, tất cả các giấy phép đều do người Việt Nam đứng tên; bác sĩ, y tá, điều dưỡng,… đều là người Việt Nam. Thế nhưng sau khi hoạt động, các phòng khám bắt đầu đưa bác sĩ Trung Quốc vào làm việc. Trong năm 2016, với khoảng 14 nghìn cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động, Thanh tra sở đã phạt các hành vi vi phạm với số tiền hơn 10 tỷ đồng; riêng 16 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đã bị phạt 1,1 tỷ đồng.
Những cơ sở đã bị xử phạt như: Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 575 bị phạt 308 triệu đồng vì hành vi “thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để hành nghề không bảo đảm điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được phép”; Công ty TNHH một thành viên Y học cổ truyền Tâm Đức bị phạt 185 triệu đồng vì hành vi “bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ”; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Y tế Thái Bình Dương bị phạt 145 triệu đồng vì hành vi “lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật”…
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người bệnh khi đến các phòng khám có bác sĩ nước ngoài. Bác sĩ muốn can thiệp thì phải được sự đồng ý của người bệnh. Người bệnh không nên chấp nhận việc điều trị nửa chừng rồi gợi ý phải điều trị thêm “bệnh phát sinh”, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc… phải thể hiện bằng tiếng Việt.
PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua hoạt động giám sát cho thấy, bên cạnh các phòng khám đa khoa có chất lượng phục vụ tốt, tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, vẫn còn một số phòng khám gây bức xúc cho người dân. Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng của tất cả các phòng khám đa khoa (nhất là các phòng khám có bác sĩ người nước ngoài làm việc) và công khai kết quả để người dân biết. Sở cũng sẽ hướng dẫn và tăng cường quản lý, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài tuân thủ quy định về kê khai giá dịch vụ y tế; niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu phí đúng giá niêm yết; xây dựng khuyến cáo và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. (Nhân dân (trang 5).
Nghệ An: Yêu cầu đình chỉ 1 trạm trưởng y tế
Sau đó, mặc dù đã gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đi bệnh viện, nhưng khoảng 30 phút sau ông Đ. tử vong. … (Sài Gòn giải phóng, trang 11).
Gần 150 công nhân nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm
Ngày 26-7, tại Công ty TNHH một thành viên Wondo Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất áo lạnh xuất khẩu) trụ sở ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có gần 150 công nhân bị các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Các công nhân đều được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo.
Trong số gần 150 công nhân bị ngộ độc thì có bốn công nhân đang mang thai và đã có chín trường hợp có triệu chứng ngộ độc nặng được chuyển điều trị tại BV đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang.
Các công nhân cho biết sau khi ăn trưa với món cà ri gà, bánh mì thì có nhiều công nhân xuất hiện các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm… (Thanh niên, trang 5; Tuổi trẻ, trang 4).