Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Tối 27-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2018) với chủ đề “Tăng cường y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân”.
Tới dự, có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn Phòng T.Ư Đảng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm năm nay có ý nghĩa quan trọng bởi đây là năm khởi đầu thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW và Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới. Thực hiện việc tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 20. Để làm được việc này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đầu mối là ngành y tế.
Bộ trưởng Y tế kêu gọi đội ngũ thầy thuốc trên mọi miền đất nước cần thường xuyên trau dồi chuyên môn, tu dưỡng y đức để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Với nghề y, mang lại hạnh phúc cho người dân chính là mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tới toàn thể các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành y tế, nhất là các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên làm công tác y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời bày tỏ sự trân trọng, tri ân tới các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế, những người đang không quản ngại khó khăn, gian khổ chăm lo cho sức khỏe của người dân, của người bệnh. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ, hợp tác quý báu của Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn, các tổ chức, các thầy thuốc, chuyên gia đối với ngành y tế của Việt Nam, đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một trong những điểm quan trọng của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; công tác dân số trong tình hình mới là cần chú trọng hơn nữa tới công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe, chất lượng dân số để thật sự phát triển cân đối, bền vững giữa điều trị với dự phòng, giữa y tế chuyên sâu và y tế công cộng. Nghị quyết 20 đã xác định mục tiêu, lộ trình để tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chưa có bệnh và khi có bệnh thì được chữa trị sớm nhất. Điều này không chỉ phù hợp với xu thế thế giới theo hướng y học gia đình mà còn thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Do vậy, một mặt cần tăng cường, phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở đều khắp, một thế mạnh của chúng ta so với nhiều nước. Mặt khác, cần mạnh dạn, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ y tế cơ sở để tiến tới tất cả các thông tin về sức khỏe của từng người được thu thập, lưu giữ an toàn phục vụ chăm sóc sức khỏe cho từng người và công tác quản lý của ngành y tế.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành đủ nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ của mình tạo môi trường an toàn, môi trường tốt nhất để các thầy thuốc được an tâm thực hiện sứ mệnh trị bệnh, cứu người của mình. Đồng thời, kêu gọi toàn xã hội, từng người dân cùng ủng hộ, chung tay với các thầy thuốc, cán bộ y tế; mỗi người đều ý thức đầy đủ và hành động cụ thể để sức khỏe của mình, vốn quý nhất của mình, của người thân và của cả cộng đồng được bảo vệ, được chăm sóc và nâng cao một cách hiệu quả nhất. Hãy thực hiện ngay, thực hiện đúng các khuyến nghị của cơ quan y tế, của các bác sĩ về rèn luyện thân thể, sinh hoạt lành mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, an toàn giao thông, kiểm tra sức khỏe định kỳ, dùng thuốc theo đơn… và cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng là tham gia bảo hiểm y tế.
Tại lễ kỷ niệm, Ban tổ chức tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành y tế (Nhân dân, trang 3).
Thầy thuốc 'phù thủy' chữa bệnh tiền đình
Rất nhiều bệnh nhân phải sống chung với bệnh tiền đình vì cho rằng đây là căn bệnh không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, một nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư đã chữa khỏi hẳn bệnh này mà không cần dùng thuốc.
Điều kỳ lạ là phương pháp chữa này chỉ bằng cách xoay lắc đầu và dùng tay vỗ, nên bệnh nhân đã gọi họ là những “thầy phù thủy”.
Theo bác sĩ Phạm Tiến Dũng, một trong những người đầu tiên của Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng T.Ư triển khai chữa bệnh bằng phương pháp này, thì có hàng trăm bệnh nhân đến khám đã được chữa khỏi hoàn toàn, 80 - 90% thành công từ lần chữa đầu tiên, chỉ khoảng 10 - 20% phải chữa đến lần thứ 2, thứ 3 và chưa có bệnh nhân nào không điều trị được. Tỷ lệ tái phát bệnh chỉ chiếm khoảng 5%.
Thoát khỏi những ngày hoảng loạn
Tìm gặp những bệnh nhân được chữa khỏi bằng phương pháp này, mới thấy cuộc đời của họ như được tái sinh. Anh Vũ Tuấn Anh (32 tuổi, ngụ Hà Nội), vốn công tác trong ngành y (Khoa Xét nghiệm Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư) nhưng từng nghĩ đến việc quyên sinh vì phải sống chung với căn bệnh tiền đình. Tuấn Anh kể bị bệnh năm 29 tuổi, tự nhiên lên cơn chóng mặt, chếnh choáng và buồn nôn, rồi sau đó cứ tăng dần. Có khi đang làm việc thì cơn chóng mặt ập đến khiến anh phải nghỉ và hầu như không dám tự đi lại vì có thể choáng ngã bất cứ lúc nào. Cảm giác mệt mỏi, bất an, mất ngủ, khiến anh mất tới 70 - 80% sức khỏe. “Tôi đi khám ở rất nhiều nơi như Bạch Mai, Xanh Pôn, Lão khoa, thậm chí cả BV Tâm thần T.Ư, nhưng hầu hết các bác sĩ chỉ chẩn đoán là rối loạn tiền đình và cho thuốc uống mà bệnh không hề thuyên giảm. Thậm chí, có nơi chẩn đoán tôi bị trầm cảm, tâm thần và cũng cho thuốc điều trị nhưng đều không thành công”, Tuấn Anh chia sẻ.
“Sau 2 năm đi hầu hết các BV lớn mà bệnh vẫn không khỏi, tôi chán nản và nghĩ đến kết quả xấu nhất là “tự giải thoát” vì không thể sống nổi với căn bệnh này”, Tuấn Anh nhớ lại. May mắn đã đến khi anh được một bác sĩ tham dự hội thảo của BV Tai Mũi Họng T.Ư về mách anh đi khám với hy vọng “còn nước còn tát”. Khi đến đây, Tuấn Anh được bác sĩ Nguyễn Thành Quân khám và chẩn đoán anh bị chứng bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (hay còn gọi là sỏi tiền đình). “Bác sĩ đã cho tôi nằm các tư thế và xoay lắc đầu, đồng thời dùng tay vỗ nhẹ lên đầu ở mỗi tư thế. Thật kỳ lạ sau lần đầu tiên đó, tôi thấy bệnh đỡ được 70%, người chỉ còn chếnh choáng. Lần hẹn khám chữa thứ 2 (cách khoảng 10 ngày), tôi đến và tiếp tục được thực hiện biện pháp này thì sau đó bệnh đã khỏi. Tôi như thấy mình được tái sinh”, Tuấn Anh nói.
Không riêng gì Tuấn Anh, nhà báo Minh Anh (43 tuổi, ngụ Hà Nội) được chữa khỏi bằng phương pháp này cũng “sướng phát điên” khi thoát khỏi những ngày hoảng loạn do căn bệnh gây ra. Minh Anh chia sẻ: “Tôi bị chóng mặt dai dẳng, liên tục suốt 4 tháng liền, nhất là khi thay đổi tư thế, uống thuốc triền miên mà những cơn chóng mặt vẫn không dứt. Đi khám nhiều viện, bác sĩ vẫn chỉ chẩn đoán là hội chứng tiền đình và phải sống chung với nó vì bệnh này không chữa khỏi. Tôi sống trong hoảng loạn vì cơn chóng mặt kéo đến bất cứ lúc nào. Khi thay đổi tư thế thì trời đất quay cuồng, nên tôi không dám đi lại một mình, ban đêm phải bám chặt thành giường và không dám trở mình. Sau đó, tôi được bác sĩ ở BV Tai Mũi Họng T.Ư chữa khỏi hoàn toàn chỉ bằng cách nằm nghiêng đầu, vặn vẹo các bên, rồi lấy tay gõ vào đầu. Thật là kỳ diệu, tôi đã trở lại cuộc sống bình thường và không phải dùng đến thuốc”. Nhà báo này cũng cho biết, chị đã tìm hiểu rất nhiều kênh thông tin nhưng không biết bệnh tiền đình được chữa khỏi chỉ bằng phương pháp “thần kỳ” này. Sau khi được chữa khỏi, chị chia sẻ lên mạng xã hội và nhiều người biết, đến khám cũng đã được chữa khỏi bằng phương pháp như vậy.
Khi chia sẻ với chúng tôi, nhiều bệnh nhân khác cũng cho biết họ từng rơi vào trạng thái tuyệt vọng vì tưởng vô phương cứu chữa. Một bệnh nhân ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) còn bị chính gia đình cho rằng tâm thần vì bệnh nhân nửa đêm tỉnh dậy thấy trời đất quay cuồng thì hô to “động đất rồi”…
“Không có gì là huyền bí”
Chứng kiến một ca khám và điều trị của bác sĩ, chúng tôi cũng có cảm giác như chuyện “huyền bí” với các cách khám rất “kỳ lạ” như: múa bút trước mặt, bắt bệnh nhân nhìn theo; yêu cầu bệnh nhân nhắm mắt giẫm chân, chỉ tay liên tục lên trán, lật tay úp ngửa… Giải thích về cách khám và điều trị bệnh này, bác sĩ Phạm Tiến Dũng, Khoa Thính học và thăm dò chức năng BV Tai Mũi Họng T.Ư - một trong những người được bệnh nhân gọi là “thầy phù thủy” vì đã chữa khỏi bệnh cho nhiều người, cho biết: “Đây là phương pháp chữa bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Bệnh nhân bị chóng mặt là do có sỏi ở bãi thạch nhĩ (vùng tai) bung ra di chuyển vào ống bán khuyên (một bộ phận giúp cân bằng ở tiền đình). Phương pháp điều trị chỉ cần di chuyển viên sỏi ra khỏi ống bán khuyên và gõ cho nó về vị trí, bằng cách thay đổi tư thế ống bán khuyên (xoay lắc đầu). Việc điều trị không phải dùng thuốc và cũng không chụp chiếu để chẩn đoán được vì không thể nhìn thấy sỏi. Bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng của bệnh nhân và thay đổi các tư thế của đầu, để tìm bệnh lý sỏi ống bán khuyên, thông qua quan sát các chuyển động nhãn cầu. Thông tin từ tiền đình sẽ được thể hiện ở mắt, nên bệnh nhân sẽ được khám kỹ các hoạt động để quan sát nhãn cầu”.
Bác sĩ Dũng cũng khẳng định, việc gõ vào đầu không có gì là huyền bí như “phù thủy” và cũng không phải chữa mẹo, mà là để dồn sỏi, gõ bung ra hoặc tăng tốc độ di chuyển của sỏi ra khỏi ống bán khuyên. “Bệnh có khả năng tái phát do sỏi có thể lại lạc vào ống bán khuyên nhưng vẫn được điều trị lại để khỏi hoàn toàn. Bệnh này có thể gặp bất kỳ ở độ tuổi nào nhưng người già nhiều hơn, vì sỏi ở bãi thạch nhĩ dễ dàng bung ra, hay những người bị chấn thương ở đầu là yếu tố thuận lợi có thể gây ra bệnh. Cách chữa bệnh này hoàn toàn vô hại và không sợ chữa lợn lành thành lợn què, vì không ảnh hưởng gì đến người bệnh”, bác sĩ Dũng nói.
Cũng theo bác sĩ Dũng, 80% nguyên nhân gây ra chóng mặt là do tiền đình ngoại biên, thuộc khu vực tai mũi họng. Nhưng ngoài bệnh lý chóng mặt tư thế kịch phát lành tính còn có nhiều bệnh lý tiền đình do nguyên nhân khác nhau và không điều trị bằng phương pháp thay đổi tư thế của đầu được, mà phải điều trị bằng các phương pháp khác. Vì vậy, cần có chẩn đoán cụ thể, tránh điều trị mang tính chất tràn lan như hiện nay, chỉ điều trị triệu chứng mà không hướng tới căn nguyên (Thanh niên, trang 13).
Một thai phụ 59 tuổi vừa sinh con đầu lòng
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, trưởng Trung tâm IVF Bệnh viện Bưu điện, vừa cho hay một trong những thai phụ cao tuổi nhất mang thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện này cũng như tại VN vừa sinh con an toàn. Thai phụ này sinh năm 1959, năm 2018 này 59 tuổi và lần sinh này là con đầu lòng của bà.
Theo bà Nhã, em bé sơ sinh nặng 2,6 kg, vừa sinh trước tết nguyên đán Mậu Tuất và hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là một trong những thai phụ cao tuổi nhất mang thai tại VN cho đến nay với trứng được hiến tặng (trước đó đã có một thai phụ ở Bắc Giang sinh con ở tuổi 60 cũng nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và em bé là con thứ 3 của gia đình), nhưng sinh con lần đầu ở tuổi 59 thì đây là cặp mẹ - con đầu tiên.
Bà Nhã cũng cho biết cách đây 3 năm, tại Bệnh viện cũng đã có một thai phụ đậu thai ở tuổi 52 và sinh con khi 53 tuổi, em bé là gái và hiện phát triển hoàn toàn bình thường (Tuổi trẻ, trang 14).
Bé Hải An lay động lòng người
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Đông, phó giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư và là người thực hiện một trong hai ca ghép giác mạc từ giác mạc hiến tặng của bé Hải An (em bé 7 tuổi qua đời vì bệnh ung thư hôm 22-2 và hiến tặng giác mạc), đến hôm nay 27-2, một ngày sau ca ghép cả hai người bệnh được nhận giác mạc của Hải An đều có tiến triển tốt về khả năng nhìn.
Trong đó, bệnh nhân nam 42 tuổi thị lực sau ghép đã đạt 1/10 (trước ghép chỉ đếm được ngón tay ở khoảng cách 2m). Cụ bà 73 tuổi gần như mù hẳn, không đi lại được trước ghép do chứng sẹo giác mạc nay đã đếm được ngón tay ở khoảng cách 2m, đã đếm được số người trong phòng và tự đi lại được. "Kết quả ghép như vậy là rất khả quan"- bác sĩ Đông nhận xét.
Thông tin từ Trung tâm điều phối và hiến ghép mô tạng quốc gia cũng cho hay sau câu chuyện của Hải An, đã có rất nhiều người đến Trung tâm đăng ký hiến mô tạng, số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục hiến mô tạng cũng tăng gấp nhiều lần so với bình thường: Trong bốn ngày vừa qua đã có gần 100 email gửi tới, hàng chục người đến trực tiếp và rất nhiều cuộc gọi để được tư vấn.
"Câu chuyện của Hải An đã làm lay động trái tim của hàng vạn người, nhưng một phần rất lớn của kết quả này là nhờ mẹ Hải An, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, một cán bộ trẻ của ngành y tế. Chị đã chia sẻ cảm xúc của mình về câu chuyện vì mong muốn có thêm nhiều người sẵn sàng hiến ghép mô tạng cứu người"- một cán bộ của Trung tâm chia sẻ.
Vị đại diện này cũng cho biết khi tiếp xúc với các gia đình hiến tặng mô tạng thì bên cạnh ý nghĩa cứu người, các gia đình hiến tặng còn có mong mỏi người thân của họ vẫn được hiện diện trên đời bằng máu thịt, để họ được tiếp tục sống. Đó là tình yêu của người ở lại với người ra đi, như tình yêu mà mẹ Hải An dành cho em
Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cũng cho biết đường dây nóng tư vấn cho người hiến ghép mô tạng số 0915 060550, địa chỉ Trung tâm: Phòng 230 nhà C2, Bệnh viện Việt Đức (Tuổi trẻ, trang 14).
Ngành y tế thủ đô đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học Việt Nam và khu vực
Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2018), ngày 27-2, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật các giáo sư, bác sĩ thành viên Hội đồng chuyên môn miền Bắc, cùng một số chuyên gia và giám đốc các bệnh viện khu vực Hà Nội. Đây là lần thứ sáu Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt thân mật các giáo sư, bác sĩ Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ lòng tri ân sâu sắc về những đóng góp to lớn mà các giáo sư, bác sĩ, các chuyên gia và giám đốc các bệnh viện đã cống hiến cho ngành y tế, cho sự nghiệp chăm lo sức khỏe nhân dân, sự nghiệp phát triển y học của nước nhà, qua đó cống hiến xuất sắc cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước…
Đặc biệt trong những năm qua, ngành y tế Thủ đô không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học Việt Nam và khu vực, góp phần quan trọng chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu về sức khỏe con người.
Chủ tịch UBND TP bày tỏ mong muốn các giáo sư, bác sĩ, các chuyên gia và giám đốc các bệnh viện tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh với vị trí vô cùng quan trọng của Thủ đô, thời gian tới, ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các giáo sư, bác sĩ, cán bộ ngành y tế cả nước, tiếp tục cải thiện hạ tầng, nâng cao cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để đảm bảo xứng tầm với một Thủ đô phát triển, văn minh, hiện đại (An ninh thủ đô, trang 4).
Hàng nghìn bác sỹ, nhân viên y tế hiến máu cứu người
Sáng 27-2, nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tại Bệnh viện K và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhân viên y tế hiến máu cứu người. Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, ngay từ đầu giờ sáng, hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế của bệnh viện đã tham gia Chương trình hiến máu tình nguyện với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Không chỉ hưởng ứng lời kêu gọi của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương để góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp sau Tết nguyên đán, đây còn là dịp để các thầy thuốc có hành động cụ thể, thiết thực tiếp thêm nguồn sống cho các bệnh nhân đang cần truyền máu.
Bác sĩ Trần Ngọc Hưng, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 – người cũng trực tiếp tham gia hiến máu kỳ vọng, hoạt động hiến máu sẽ diễn ra đều đặn để đáp ứng nhu cầu truyền máu, đặc biệt là những nhóm máu hiếm.
Còn tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày hội hiến máu “Blouse trắng, trái tim hồng” đã thu hút sự tham gia của 200 cán bộ y tế bệnh viện. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được tổ chức thường niên từ năm 2015. Hình ảnh những thầy thuốc hiến máu vì người bệnh càng trở nên đặc biệt hơn, đó là hình ảnh cao cả, thắt chặt mối liên hệ giữa thầy thuốc - bệnh nhân.
Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, năm 2017, bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 400.000 lượt khám bệnh, hơn 21.000 bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật, tăng 37% so với năm trước, cùng đó số ca phẫu thuật loại đặc biệt và phẫu thuật nội soi tăng mạnh. Việc điều trị và phẫu thuật có nhu cầu sử dụng số lượng lớn các đơn vị máu. Do vậy, việc hiến máu rất có ý nghĩa, giúp nhiều người bệnh nguy kịch được cứu sống.
Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hiện tỷ lệ người hiến máu ở nước ta khoảng 1,6% dân số, tuy nhiên tình trạng khan hiếm máu vẫn diễn ra có tính chu kỳ vào dịp hè và Tết Nguyên đán – khi mà lực lượng hiến máu chính là học sinh, sinh viên bước vào đợt nghỉ kéo dài.
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, đã có hàng nghìn thầy thuốc của nhiều bệnh viện trong cả nước đã tham gia hiến máu. Trong đó có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương và hàng nghìn y, bác sĩ các Bệnh viện K, Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (An ninh thủ đô, trang 4).