Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về thực phẩm bẩn; Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm!; Hàng chục công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm; Từ 2018, lồng ghép dịch vụ tiêm chủng vào gói y tế cơ bản; Hơn 91.000 ca nghi mắc Zika tại Brazil

Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về thực phẩm bẩn

Đó là thông điệp cứng rắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hôm qua (27.4). Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước.

Tại hội nghị, “soi” kỹ báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói: “Số liệu các báo cáo làm tôi rất băn khoăn, vì tình trạng vi phạm rất tràn lan, phổ biến mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ 1%, 5%, 7%... và đều giảm dần. Tôi xin lỗi là tôi không tin con số này”. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Thăng, nguyên nhân số một là không xác định được trách nhiệm; không kỷ luật được ai từ phường, xã đến quận huyện và tỉnh, thành. “Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui”, ông Thăng chua xót nói. Do đó, thay vì hô hào khẩu hiệu như “nỗ lực”, “cố gắng”, “kiên quyết”..., ông Thăng đề nghị sau hội nghị này Chính phủ nên ban hành chỉ thị phải gắn với các giải pháp cụ thể, cần xác định rõ trách nhiệm. “Nhập chất cấm, cần có 10 cân mà cho nhập 10 tấn thì hòa cả làng. Vậy phối hợp giữa các bộ như thế nào? Phải xử lý nghiêm bộ nào cho nhập”, ông Thăng đề nghị.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kể: “Tôi lên phòng anh Cao Đức Phát (Bộ trưởng NN-PTNT - PV) làm việc, anh nói phòng có 2 bao tải salbutamol nhập lậu. Nguyên nhân là do lỏng lẻo trong kiểm soát dẫn tới hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng từ chân gà, lòng lợn thối cho đến chất cấm”.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để lò mổ vi phạm, chăn nuôi dùng chất cấm trên địa bàn... anh chủ tịch phường, xã có biết không? Phải quy trách nhiệm cuối cùng cho người thay mặt Đảng, chính quyền nơi để xảy ra vi phạm. Còn nói chung chung không ai chịu trách nhiệm, rất khó. Chính quyền của dân, do dân, vì dân mà việc liên quan đến sinh mạng của dân không chịu trách nhiệm thì không chấp nhận được”.

Thủ tướng lưu ý, VSATTP không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước. Do đó cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về VSATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm VSATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị phải lựa chọn loại thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân, để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý. Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm VSATTP (Thanh niên trang 4, Tuổi trẻ trang 6, Tiền phong trang 3, An ninh thủ đô trang 6, Hà Nội mới trang 1, Lao động trang 1).

 

Hàng chục công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm 

Sau bữa ăn trưa với cá ngừ kho, thịt heo, canh mướp.... hơn chục công nhân công ty Choi & Shin's Vina đã phải nhập viện vì choáng váng, nôn ói, tiêu chảy... Chiều tối 27-4, Trung tâm y tế thành phố Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang, cho biết từ trưa đến tối cùng ngày, đơn vị này đã tiếp nhận 16 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

Những bệnh nhân đều từ Công ty Choi & Shin's Vina  tọa lạc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đây là công ty chuyên về sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu với 100% vốn của nước ngoài. Triệu chứng chung của các công nhân khi nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu phân lỏng. Theo các công nhân, vào khoảng 11g30 trưa 27-4 sau khi ăn cơm (cá ngừ kho hành lá, thịt heo kho dưa cải, sườn chay chiên, bầu xào, canh mướp rau dền...) thì các công nhân bắt đầu bị các triệu chứng như trên.

Sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ thì họ cảm thấy mệt, đau đầu, choáng váng, nôn ói và tiêu chảy. Một số công nhân bị xỉu tại chỗ nên được đưa đi cấp cứu trước, sau đó lần lượt nhiều công nhân cũng phải tới bệnh viện cấp cứu. Được biết, hôm nay bếp cung cấp 1.061 phần ăn cho công nhân (trong đó có 200 suất ăn chay). Thức ăn được công ty hợp đồng với một công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ có địa chỉ tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho đảm trách. Đến khoảng 17g30 cùng ngày, hầu hết công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Hiện vẫn còn một số công nhân vẫn phải tiếp tục điều trị qua đêm.

Bác sĩ Võ Phúc Hậu - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Tiền Giang  cho biết hiện cơ quan chức năng đang lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc (Tuổi trẻ online, Thanh niên trang 2).

 

Người đàn ông nổi nốt, má rộp đỏ sau khi ăn cá nục

“Kết luận lâm sàng cho thấy bệnh nhân Trương Như La, trú tại P Vinh Tân (TP Vinh) nhập viện sau khi ăn cá kho là một hiện tượng dị ứng nặng, chưa loại trừ nhiễm độc tố”, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, Nghệ An, BS Nguyễn Đức Thắng cho biết. Sáng ngày 27/4 tại Khoa hồi sức cấp cứu BV Đa khoa TP Vinh, sau 4 ngày điều trị bệnh nhân La đang dần hồi phục sức khỏe, ăn uống trở lại. Các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng bắt đầu mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt, bác sĩ Thắng xác nhận.

Chị Lê Thị Mơ (SN 1972) vợ của bệnh nhân La cho biết: “Chiều ngày 22/4 tui mua cá nục nướng từ chợ Vinh về kho cho cả nhà ăn tối nhưng chỉ mình chồng tôi bị dị ứng sau khi mới ăn được 1/3 con cá. Hiện tượng rân rân trong miệng, má nổi phồng lên, rộp đỏ và loét dần khoang miệng. Hoảng quá, gia đình đưa tới bác sỹ tư khám nhưng không giảm nên phải nhập viện cấp cứu vào sáng hôm sau khi hầu như toàn thân của chồng bị nổi mẩn màu đen, mưng mủ”. 

Theo chị Mơ, trước khi ăn cá nục kho, chồng chị có uống thuốc ho (loại thuốc trị ho hằng ngày vẫn dùng) và các thành viên khác trong gia đình có ăn cá nục kho chung nồi nhưng không bị ngộ độc. Nhận định của bác sĩ Thắng, bước đầu thăm khám và điều trị bệnh nhân La có dấu hiệu của hiện tượng dị ứng nặng, tuy nhiên không loại trừ bị nhiễm độc vì trước khi ăn cá bệnh nhân có uống cả thuốc ho. 

Chúng tôi cũng đã lấy mẫu để xét nghiệm và hiện vẫn chưa có kết quả để biết được bệnh nhân có bị nhiễm độc do ăn cá hay không. Với hàng ngàn lượt bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày, ngoài bệnh nhân La thì tại TP Vinh chưa có bệnh nhân nào nhập viện do phải ăn cá, bác sỹ Thắng cho biết (Tiền phong trang 2). 

 

Từ 2018, lồng ghép dịch vụ tiêm chủng vào gói y tế cơ bản

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Khởi động nghiên cứu nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống tiêm chủng cho trẻ em từ 0-23 tháng tuổi tại Việt Nam”, diễn ra ở Hà Nội, ngày 27-4.  Dự án nghiên cứu này sẽ bắt đầu triển khai trong năm nay với mục tiêu nâng cao chức năng quản trị và điều hành hệ thống tiêm chủng tại Việt Nam theo hướng minh bạch và rõ ràng trách nhiệm giữa các bên liên quan trong cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho trẻ từ 0-23 tháng tuổi. TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, kết quả nghiên cứu kỳ vọng sẽ được Bộ Y tế sử dụng để phát triển chiến lược lồng ghép dịch vụ tiêm chủng trẻ em dưới 24 tháng tuổi vào gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả vào năm 2018 và làm cơ sở đề xuất xây dựng Luật tiêm chủng hoặc Luật Y tế Dự phòng (bao gồm các nội dung về tiêm chủng) (An ninh thủ đô trang 6).

 

Hơn 91.000 ca nghi mắc Zika tại Brazil

 Từ 3-1 đến 2-4-2016, đã có 91.387 trường hợp nghi ngờ mắc Zika được báo cáo, riêng tại khu vực đông bắc nghèo khó của Brazil là 30.286 ca, Bộ Y tế nước này cho biết hôm 26-4. Dịch Zika bùng phát ở Brazil là loại bệnh được cho liên quan tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Theo Bộ Y tế Brazil, đã có 3 người tử vong vì loại virus do muỗi lây truyền này. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về virus Zika, nhưng đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi, như virus Zika tồn tại trong cơ thể người bao lâu, mức độ lây nhiễm qua đường tình dục như thế nào, các rối loạn do virus này gây ra cũng như các loại muỗi có thể truyền virus Zika.
Virus Zika được cho là liên quan tới chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

 Hiện chưa có vaccine hay thuốc nào chữa trị người nhiễm virus Zika, hầu hết người nhiễm virus này đều chỉ có triệu chứng bệnh nhẹ như phát ban, đau người hay sốt. Trong số những ca nhiễm virus Zika có 2.844 thai phụ. “Đến nay, vẫn chưa thể chắc chắn số % phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika có thể sinh ra những trẻ sơ sinh đầu nhỏ”, Giám đốc Claudio Maierovitch thuộc Cơ quan giám sát bệnh truyền nhiễm Brazil cho biết. Trong khi đó, các trường hợp sốt xuất huyết đã tăng lên 802.439 ca – tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, số liệu chính phủ nước này cho biết (An ninh thủ đô trang 20).

 

Tận dụng tốt thời kỳ "dân số vàng" sẽ đưa Việt Nam tăng trưởng vượt bậc

Ngày 27-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã công bố báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: "Định hình tương lai: Nhân khẩu học thay đổi có thể tạo nguồn phát triển con người như thế nào?". Theo báo cáo, sự thay đổi nhân khẩu học ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra với tốc độ nhanh nhất và chưa từng thấy trong lịch sử. Ở Châu Âu, phải hàng thế kỷ mới có được sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ cần 30 năm để đạt được điều này. Các nước Châu Á - Thái Bình Dương hiện có số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 65 tuổi, 68%) nhiều hơn và số người phụ thuộc (các độ tuổi còn lại, 32%) ít hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Điều này tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng" với tỷ lệ thanh niên (dưới 25 tuổi) là 40% và đang ở giai đoạn giữa với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao. Đây là một lợi thế hết sức quan trọng; đồng thời sẽ là thách thức không nhỏ. Do đó, Việt Nam cần tối ưu hóa lợi thế "dân số vàng" như thúc đẩy tăng trưởng định hướng việc làm, nâng cao năng suất lao động, gắn kết lương với cải thiện năng suất... để phát triển bền vững.

Tại cuộc công bố báo cáo, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam Bakhodir Burkhanov, cho rằng thời kỳ "dân số vàng" tại Việt Nam sẽ diễn ra rất nhanh. Điều mà Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo là có thể trong 18-20 năm nữa Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "già hóa" dân số. Do vậy, đây là thời điểm quan trọng Việt Nam cần tận dụng những lợi thế của thời kỳ "dân số vàng", thời kỳ mà Việt Nam mới bước vào từ năm 2007. Còn theo Trưởng phòng Dân số và Phát triển (UNFPA) Lê Bạch Dương, với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam sẽ sớm có được lợi thế trong thời kỳ "dân số vàng" (Hà Nội mới trang 1).

 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm!

Đây là tinh thần chung toát lên từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 27-4. Vi phạm trong lĩnh vực ATTP đã trở nên có hệ thống, đe dọa trực tiếp đến nòi giống Việt Nam. Và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là việc xác định trách nhiệm, xử lý kỷ luật khi để xảy ra tình trạng mất VSATTP trên địa bàn còn quá yếu. Trong khi đó, những đối tượng trực tiếp tham gia vào các hành vi liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán… thực phẩm "bẩn" khi bị phát hiện gần như chỉ bị xử lý hành chính. Có thể nói công tác quản lý ATTP thời gian qua gần như chạy theo vi phạm. Hầu hết vụ việc do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện, trong khi không ai hiểu rõ tình hình trên địa bàn bằng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhưng ngạc nhiên là, với đầy đủ ban, ngành, nhưng chính quyền cơ sở gần như "bất lực" trước vi phạm xảy ra trên địa bàn, trong khi nói như một đại biểu thì "người dân chỉ đổ đống cát lập tức chính quyền đã biết". Điều đó cho thấy, "nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công". Đặc biệt, phát hiện địa phương nào có vi phạm thì người đứng đầu địa phương đó, gồm: Chủ tịch, bí thư, thanh tra... phải chịu trách nhiệm.

Tại hội nghị nêu trên, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thừa nhận những biện pháp của thành phố trong quản lý ATTP thời gian qua chưa đủ sức răn đe. Rõ nhất cho thực tế này là chỉ trong quý I-2016, số vụ vi phạm trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thực phẩm "bẩn" được phát hiện đã bằng một nửa so với năm 2015. Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn sau 4 tháng triển khai thừa lúng túng, thiếu kiên quyết. Tổ chức thanh tra nhưng vẫn nặng về thủ tục hành chính, chủ yếu thanh tra trên giấy tờ, khi phát hiện sai phạm không xử phạt. Tâm lý "họ hàng, làng xóm" cũng là nguyên nhân làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm...

Xét cho cùng, trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên, nhưng để có được những bữa ăn "sạch" thì tất yếu phải phòng ngừa tận gốc. Cụ thể: Nông dân không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; thương lái không buôn bán, tàng trữ; lái xe không tham gia vận chuyển… thực phẩm "bẩn". Đặc biệt, phải chấm dứt được tình trạng nể nang không xử phạt và xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho vi phạm của một số cá nhân khi thực thi công vụ. Liệu có thể chấp nhận việc một thương lái ở TP Hồ Chí Minh mua lợn tại Đồng Nai về giết mổ và bị phát hiện có chất cấm, nhưng số lợn này có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành? Vấn đề đằng sau câu chuyện này rất cần được làm rõ.

Trong bối cảnh vấn đề ATTP ngày càng "nóng", sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành là cần thiết. Điều này thể hiện rõ tiêu chí của một "chính quyền hành động". Đặc biệt, một số đề xuất quyết liệt từ các địa phương như: Tiêu hủy gia súc, gia cầm nếu phát hiện nhiễm chất cấm ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai; triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại đồng bộ 30 quận, huyện, thị xã và giống như mô hình 141 (TP Hà Nội); đề nghị cựu chiến binh tham gia giám sát vấn đề ATTP… là rất đáng lưu ý. Đặc biệt, những cơ sở vi phạm liên quan đến thực phẩm "bẩn" phải được công khai trên loa truyền thanh cơ sở để mọi người dân được biết. Người dân cũng phải mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển… thực phẩm "bẩn" đến các cơ quan quản lý.

"Cuộc chiến" với thực phẩm "bẩn" phải được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chỉ có vậy mới được duy trì bền bỉ, tạo thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội (Hà Nội mới trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang