Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội tăng 10,1%; Không lơ là trước dịch cúm A/H1N1; Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Bộ Y tế điều chỉnh viện phí chưa hợp lý; Người Hà Nội sinh ít nhưng vẫn thích con trai hơn

 

Tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội tăng 10,1%

Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hoà cho biết, tính đến hết tháng 5.2018, toàn TP.Hà Nội đã có 6.367.422 người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân là 84,4%. Số cơ sở y tế đăng ký khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tiếp tục được mở rộng với 160 cơ sở công lập, 37 cơ sở tư nhân, 476/584 trạm y tế xã, phường. Số lượt khám, chữa bệnh BHYT cũng tăng lên, đạt trên 4,34 triệu lượt, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT mà quỹ BHYT chi trả lên tới 7.869 tỉ đồng. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2017, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội đã tăng vọt tới 10,1%. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên nhân của việc gia tăng này một mặt do số người tham gia BHYT tăng, số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tăng, song cũng có nguyên nhân chủ quan do tình trạng trục lợi quỹ BHYT còn phổ biến. Cụ thể, qua kiểm tra và thẩm định chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các bệnh viện, cơ sở y tế từ đầu năm đến nay, BHXH TP.Hà Nội dự kiến từ chối thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 304 tỉ đồng. Bên cạnh việc một số người bệnh lạm dụng, trục lợi quỹ như cố tình đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau trong 1 tháng, thậm chí trong 1 ngày nhằm hưởng thuốc BHYT, thì nghiêm trọng hơn vẫn là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra ở các cơ sở y tế. Bởi qua kiểm tra, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT chỉ định bệnh nhân vào nội trú rất rộng rãi và kéo dài ngày nằm viện, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mắc các bệnh cúm thông thường, viêm họng… cũng cho vào nằm nội trú. Nhiều bệnh viện cố tình kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, dù tình trạng bệnh chưa đến mức phải nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, không ít bệnh viện chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không đúng quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế nhằm trục lợi quỹ BHYT. Một thực trạng khá phổ biến nữa là, có không ít bệnh nhân nội trú lẽ ra có thể xuất viện ngay vào ngày thứ sáu mỗi tuần, thế nhưng, các bệnh viện vẫn để đến thứ hai tuần sau mới cho làm thủ tục xuất viện.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi, tới đây, BHXH TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu việc kiểm tra các hồ sơ bệnh án xuất viện vào ngày thứ hai hàng tuần để xem có sự trục lợi hay không, vì rõ ràng, 2 ngày cuối tuần (thứ bảy, Chủ nhật), bệnh nhân có khi không nằm viện nữa nhưng bệnh viện vẫn được hưởng tiền ngày giường do BHYT chi trả. Đặc biệt, BHXH TP.Hà Nội tích cực kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện việc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh ngay trong ngày với hệ thống thông tin giám định BHYT (Lao động, trang 4). 

 

  Bộ Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân có thai nhưng bệnh viện cho thuốc phá thai

Liên quan đến vụ việc Bệnh nhân phản ánh bệnh viện sáng nói không có thai, phản ánh về trường hợp chị N.T.M.C khám tại Bệnh viện FV cùng một ngày cho 2 kết quả khác nhau. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản số 545/KCB-QLCL về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh yêu cầu Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Bệnh viện FV khẩn trương xác minh thông tin báo chí nêu.

Xác định rõ trách nhiệm của bệnh viện và trách nhiệm về phía người bệnh (thành lập Hội đồng chuyên môn trong trường hợp cần thiết). Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành nếu có sai phạm.

Công khai thông tin và kết quả xác minh cho cơ quan truyền thông và báo cáo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh trước ngày 3-7 (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Không lơ là trước dịch cúm A/H1N1

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, tại TPHCM đã xuất hiện 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 (cúm mùa) ngay trong Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Từ Dũ. Ghi nhận đến nay có hơn trăm bệnh nhân phải nhập viện điều trị, cách ly; trong đó 3 người đã tử vong. Tình trạng này khiến người dân lo ngại một đại dịch cúm từng xảy ra vào năm 2009 quay trở lại. Số ca bệnh gia tăng 

Ngày 27-6, ngành y tế TPHCM đã phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức “Hội nghị tập huấn công tác điều trị và dự phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn TPHCM năm 2018” nhằm thông tin về tình hình và cách ứng phó với dịch cúm. Điều đó được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm vì hội nghị diễn ra trong thời điểm dịch bệnh cúm A/H1N1 đang có những diễn biến phức tạp. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) các ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 trong năm 2018 cho thấy chủng cúm này xuất hiện từ năm 2009, đến nay chưa ghi nhận có đột biến của virus cúm A/H1N1, không ghi nhận sự gia tăng độc tính của virus, virus không gây kháng thuốc và cũng chưa tạo chủng cúm virus mới. Do đó, virus này có khả năng gây thành dịch là rất thấp.  “Sau khi xuất hiện 2 chùm ca bệnh tại 2 BV trên địa bàn TPHCM, nhiều BV tuyến dưới đã lo lắng thái quá, khi có ca bệnh cúm liền nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên BV Bệnh nhiệt đới khiến BV có nguy cơ quá tải”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường thông tin.

Thực tế, sự lo lắng của người dân và các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn có cơ sở khi số ca bệnh nhiễm cúm đã có sự gia tăng do tính lây lan cao của chủng cúm này. Còn nhớ chùm ca bệnh cúm tại BV Từ Dũ hồi tháng 6 chỉ khởi phát từ 1 bệnh nhân, sau đó lây lan sang 27 trường hợp khác. Còn tính chung cả 2 chùm ca bệnh, thì đến nay đã có hơn trăm người nhập viện điều trị và cách ly, trong đó xác định 50 trường hợp mắc và 3 người đã tử vong. 

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trung bình mỗi năm ở phía Nam có khoảng 30.000 người mắc bệnh cúm các loại. Tuy nhiên, tính riêng trong 6 tháng đầu của năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 có sự gia tăng hơn các năm trước.

Chủ động phòng ngừa

PGS-TS Phan Trọng Lân cho biết, người mắc cúm A/H1N1 có biểu hiện lâm sàng giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác như  sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng. Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi tiếp xúc nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân hoặc do dùng chung đồ dùng với bệnh nhân. Bệnh thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mãn tính người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Cũng theo PGS-TS Phan Trọng Lân, việc phòng chống cúm A/H1N1 cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, giám sát và phát hiện xử lý kịp thời. Đối với cán bộ y tế là những người chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm bệnh cao cần được tiêm ngừa để không ảnh hưởng đến công tác điều trị cũng như tránh lây lan cho các đối tượng khác. “Bản thân phải ý thức khi ho, khi hắt hơi, khi nói chuyện… Với đối tượng có biểu hiện nghi cúm, phải đưa tay che miệng, cũng như vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc đối với những người nghi cúm”, PGS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, vào thời điểm này đang bắt đầu mùa mưa cũng là đỉnh điểm của bệnh cúm. Cúm A/H1N1 là một loại cúm thông thường. Tuy nhiên, người dân cần chủ động phát hiện phòng ngừa, khoanh vùng và ngăn chặn sớm để nó không trở thành ổ dịch lây lan cho cộng đồng.

Ngày 27-6, trước tình hình dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn TPHCM có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số người mắc gia tăng, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, các chủng cúm mùa đang lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong các năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20%-50% trong số các chủng cúm mùa tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A(H3N2). 

Người bị xác định mắc cúm cần được cách ly và đeo khẩu trang. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm A/H1N1 nên người dân có thể đến các cơ sở y tế dự phòng để tiêm vaccine ngừa cúm (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Bộ Y tế điều chỉnh viện phí chưa hợp lý

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Thông tư 15 mà Bộ Y tế vừa ban hành để thay thế cho thông tư 37, trong đó điều chỉnh giảm giá 70 dịch vụ kỹ thuật y tế, tăng giá 9 dịch vụ… thực chất vẫn là “bình mới, rượu cũ”, có nhiều bất hợp lý, nhiều dịch vụ tuy đã giảm giá nhưng vẫn ở mức cao. Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc để thay thế cho Thông tư 37 hiện nay. Thông tư 15 có hiệu lực từ 15-7-2018, trong đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ kỹ thuật y tế (chủ yếu là giá khám bệnh, ngày giường, giá dịch vụ chụp chiếu, xét nghiệm), tăng giá 9 dịch vụ và bổ sung 9 dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, mới đây BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo một số điểm bất cập trong Thông tư 15 của Bộ Y. Theo đó, BHXH Việt Nam cho rằng, Thông tư 15 có một số điểm chưa hợp lý, chưa cải thiện được những bất cập của Thông tư 37 mà hiện đang ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách BHYT.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) làm căn cứ xây dựng mức giá các dịch vụ y tế (DVYT) của Thông tư 37 chưa được khảo sát kỹ lưỡng tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, định mức KTKT của nhiều dịch vụ được xây dựng không dựa trên quy trình chuyên môn, kỹ thuật (gần 70% DVYT chưa có quy trình kỹ thuật và không có định mức KTKT).

Nhiều giá DVYT được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp DVYT của hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến dưới, dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện chi phí vật tư y tế đề nghị thanh toán BHYT lớn hơn số thực tế xuất dùng.

BHXH Việt Nam dẫn ví dụ: dịch vụ Nội soi tai mũi họng có mức giá ban hành theo Thông tư số 37 là 203.000 đồng, tuy nhiên khi xây dựng lại mức KTKT, giá thực tế chỉ bằng xấp xỉ 50% mức giá nêu trên.

Thực tế, kết quả kiểm tra của cơ quan BHXH cho thấy tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình... có sự chênh lệch hàng chục tỷ đồng về số lượng hóa chất, vật tư y tế, định mức nhân lực, thời gian thực hiện DVYT giữa thực tế sử dụng tại cơ sở KCB và định mức tính giá của Bộ Y tế.

Điểm bất hợp lý thứ hai mà BHXH Việt Nam chỉ ra là Thông tư số 37 mới xây dựng được mức giá cụ thể cho gần 1.000 DVYT, còn hàng nghìn dịch vụ khác được phiên tương đương. Nhiều dịch vụ do không có quy trình kỹ thuật chuyên môn nên việc phiên tương đương không chính xác dẫn đến chênh lệch lớn về chi phí so với thực tế. Trong khi đó, thông tư 15 chỉ điều chỉnh giá của 88 dịch vụ kỹ thuật trong số các dịch vụ nêu trên.

Điểm chưa hợp lý thứ ba là mức giá xây dựng chưa tương đồng theo chất lượng dịch vụ dẫn đến dịch vụ được cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đảm bảo chất lượng cũng có mức giá như dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khác, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế, hạn chế quyền lợi của người bệnh và làm gia tăng chi phí bất hợp lý cho quỹ BHYT.

“Việc xác định không đúng định mức KTKT, xây dựng mức giá cao không phù hợp với thực tế làm tăng chi phí khám chữa bệnh bất hợp lý, giảm hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, thậm chí đã phát hiện một số biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại một số cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua” – báo cáo của BHXH Việt Nam nêu rõ.

Điểm chưa hợp lý thứ tư trong Thông tư 15 của Bộ Y tế được BHXH Việt Nam chỉ ra là những điều chỉnh về thanh toán chi phí giường điều trị nội trú theo định mức nhân lực thực tế chưa thỏa đáng, trong đó Bộ Y tế đã tính toán giảm đơn giá tiền lương nhưng lại tăng số giường định mức.

Độ “mở” trong quy định này sẽ không hạn chế tình trạng bệnh viện cố tình kê thêm giường bệnh nội trú, chỉ để nhằm tăng cường đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, dẫn tới không đảm chất lượng điều trị người bệnh (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Người Hà Nội sinh ít nhưng vẫn thích con trai hơn

Gần 6 tháng đầu năm 2018, tổng số trẻ được sinh ra của Hà Nội giảm khá mạnh so với cùng kỳ 2017, cho thấy người dân đang có xu hướng sinh ít con hơn. Thế nhưng, số sinh con thứ ba trở lên vẫn tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức đáng lo ngại…Chia sẻ với báo chí về đặc điểm, tình hình dân số của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, số sinh toàn thành phố là 46.727 trẻ, giảm 709 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số sinh con thứ ba trở lên là 3.107 trẻ (tăng 61 trẻ so với cùng kỳ). Đồng thời, tỷ số giới tính khi sinh (tổng số trẻ trai trên 100 trẻ gái khi sinh ra) là 113,2/100, vẫn cao hơn bình quân của cả nước và ở mức rất đáng lo ngại bởi tỷ số giới tính khi sinh đạt mức sinh học tự nhiên được khuyến cáo chỉ là 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái.

Trả lời về vấn đề này, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội nửa đầu năm nay tuy có giảm nhẹ song kết quả thực hiện trong 6 tháng chưa phản ánh được điều gì. Thực tế, về chỉ tiêu tỷ số giới tính, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội vẫn ước thực hiện cả năm 2018 là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái, tương đương với kết quả năm 2017.

“Yêu cầu là tốc độ gia tăng tỷ số giới tính không được tăng vượt quá 0,3%/ năm. Hiện Hà Nội đã kiểm soát được, không để gia tăng thêm và đang cố gắng tới đây sẽ giảm tỷ số giới tính xuống. Nhưng trước mắt, mục tiêu phấn đấu năm 2018, toàn thành phố phấn đấu đạt không quá 113,5 trẻ trai/ 100 trẻ gái, duy trì mức như năm 2017” – ông Huy nói.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, từ năm 2016, Hà Nội đã ban hành kế hoạch 208 về kiểm soát và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, nêu rõ lộ trình đến năm 2020 phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 114 trẻ trai/100 trẻ gái.

Để có thể hoàn thành được mục tiêu này, ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền vận động, thuyết phục để nâng cao bình đẳng giới trong cộng đồng, bởi cái gốc dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh chính là bình đẳng giới, là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng một số chương trình, nội dung biểu dương, khuyến khích những cặp vợ chồng sinh con một bề gái, triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không có con trai. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Y Hà Nội tổ chức lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các môn học.

Đặc biệt, giải pháp rất quan trọng nữa, theo ông Huy, tới đây, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Hiện nay, theo phân cấp, các quận/ huyện phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi trên địa bàn, thành phố cũng sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất, phúc tra tại các quận/ huyện (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Hành trình Đỏ năm 2018 đã tiếp nhận hơn 9.300 đơn vị máu

Ngày 27-6, thông tin từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, đến nay, Hành trình Đỏ năm 2018 đã diễn ra tại 10 tỉnh, thành phố và tiếp nhận được hơn 9.300 đơn vị máu. Nhiều tỉnh, thành phố đã vượt chỉ tiêu đề ra như Kiên Giang, Lâm Đồng, TP.HCM, Hải Phòng, Đắk Lắk. Từ ngày 28-6 đến ngày 14-7, chương trình Hành trình Đỏ tiếp tục diễn ra tại 16 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Hành trình Đỏ năm 2018 với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chủ trì, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức từ ngày 13-6 đến ngày 14-7 tại 26 tỉnh, thành phố, dự kiến tiếp nhận tối thiểu 30.000 đơn vị máu. Đây là hoạt động trọng tâm trong Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”. Hành trình Đỏ năm 2018 nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của 26 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều tỉnh, thành đã tổ chức Hành trình Đỏ nhiều năm như: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn... 

Qua 5 năm tổ chức, Hành trình Đỏ thực sự là chiến dịch truyền thông lớn về hiến máu tình nguyện trên phạm vi toàn quốc. Hành trình đã tiếp nhận được trên 120.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong dịp hè, mang lại sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân cần truyền máu.

Chương trình cũng góp phần mở rộng đối tượng hiến máu, tập dượt công tác tổ chức tiếp nhận máu số lượng lớn tại nhiều địa phương để dự phòng tai nạn, thảm họa, điều phối máu trên phạm vi toàn quốc và góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu thương, biết sống vì mọi người và cống hiến sức trẻ của mình cho xã hội (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Giữ gìn bệnh viện xanh - sạch - đẹp

Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã nỗ lực thay đổi mạnh mẽ theo hướng xanh - sạch - đẹp. Thế nhưng, sự đổi mới đó chưa đồng đều trong toàn bộ hệ thống. Với đặc thù là nơi "thu nạp" đủ mọi loại bệnh, lượng người ra vào đông, để bệnh viện luôn sạch đẹp, cùng với việc xây dựng ý thức cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế cũng như bệnh nhân, người nhà họ thì đặc biệt còn cần đến sự nỗ lực từ chính người đứng đầu. Là đơn vị đầu ngành truyền nhiễm của TP Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa luôn chú trọng việc phòng chống nhiễm khuẩn, xây dựng cơ sở y tế “Xanh - sạch - đẹp” lồng ghép với các phong trào thi đua.  Ông Lê Hưng, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, không chỉ tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nhân viên y tế về khử khuẩn, phân loại chất thải sinh hoạt và y tế ngay từ nguồn, trong các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh, bệnh viện cũng lồng ghép tuyên truyền cho bệnh nhân và người nhà họ giữ vệ sinh chung, không hút thuốc lá, hợp tác với nhân viên y tế thực hiện tốt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây chéo.

Đặc biệt, mỗi cán bộ y tế dành 5 phút mỗi ngày và 1 giờ ngày thứ sáu hằng tuần để vệ sinh nơi làm việc. Bệnh viện còn phát động phong trào trồng cây để tạo không gian xanh thân thiện, thoáng mát... Để người bệnh đến điều trị được thoải mái về tinh thần, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã dành nguồn kinh phí đáng kể mua thêm cây xanh, thiết kế cảnh quan, khuôn viên bệnh viện giống như công viên. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngoài chất lượng điều trị, thái độ của y bác sĩ thì môi trường bệnh viện làm cho bệnh nhân thực sự có niềm tin. Vì vậy, thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường bệnh viện, tạo không gian thoáng đãng, sạch sẽ. Giờ đây, từ khu vực chờ khám, buồng bệnh…, đến quang cảnh vườn cây bệnh viện đã khác trước rất nhiều. 

Tại khu vực chờ khám của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2…, lãnh đạo bệnh viện còn “mạnh tay” trang bị hệ thống điều hòa, quạt làm mát không khí, ti vi, ghế inox sáng bóng… không thua kém với phòng chờ ở các sân bay. 

Thêm vào đó, buồng bệnh và phòng làm việc luôn được vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm thoáng khí. Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm có khu cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn. Quy trình kỹ thuật hướng dẫn vệ sinh bàn tay, vệ sinh môi trường được dán tại các vị trí dễ nhìn để cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện. 
Đặc biệt, nhà vệ sinh luôn được chú trọng, bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn… Để có được môi trường xanh - sạch - đẹp, vai trò của người đứng đầu bệnh viện rất quan trọng. Bởi thực tế, ở đơn vị nào giám đốc bệnh viện quan tâm, sát sao thì đơn vị ấy làm tốt. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều lãnh đạo bệnh viện nêu khó khăn do thiếu kinh phí và cần thêm thời gian để đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất. Thế nhưng, có những việc chỉ cần người đứng đầu quan tâm, có ý thức là làm được ngay như trang bị xà phòng ở khu vực vệ sinh, nhân viên y tế tuân thủ việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh phòng sạch sẽ, gọn gàng… 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, bệnh viện không bảo đảm xanh - sạch - đẹp, nhất là tình trạng nhà vệ sinh “bốc mùi” không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Do vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã bổ sung các tiêu chí về nhà vệ sinh trong bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đồng thời kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện và có các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, vẫn còn không ít tồn tại như ý kiến phản hồi của người bệnh về vấn đề nhà vệ sinh tại bệnh viện thiếu nước, thiếu giấy vệ sinh, còn mùi hôi... Cải tiến chất lượng bệnh viện, hướng tới làm hài lòng người bệnh là việc mà các bệnh viện cần làm ngay khi thực hiện tự chủ. Nếu bệnh viện chậm cải tiến chất lượng, môi trường, cảnh quan thì sẽ mất dần bệnh nhân, đồng nghĩa với việc mất nguồn thu để tồn tại. Rõ ràng, để có một môi trường xanh - sạch - đẹp trong bệnh viện, ban lãnh đạo bệnh viện phải rất nỗ lực, thực sự quan tâm, sâu sát với từng vấn đề, từng cá nhân trong quá trình làm việc. Chỉ có như vậy thì việc giữ gìn cảnh quan môi trường bệnh viện mới không trở thành quá khó - như không ít bệnh viện than phiền (Hà Nội mới, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang