Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Cắt khối u xơ tử cung gần 3kg; Đến bác sĩ cũng bị lừa; Phòng ngừa virus Zika vào Việt Nam; Có tình trạng cán bộ bao che thực phẩm bẩn; 31 tổ trực cấp cứu tại các điểm bắn pháo hoa

Cắt khối u xơ tử cung gần 3kg

Ngày 28-1, êkip bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đã cắt bỏ khối u xơ tử cung nặng gần 3kg cho bà P.T.H. (45 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Ca phẫu thuật được đánh giá khá phức tạp vì u xơ khá to, chèn ép niệu quản dẫn đến thận ứ nước độ I, khối u ngã ra sau chèn ép trực tràng gây rối loạn chức năng tiêu hóa… Theo lời gia đình, trước đó bà H. từng đi khám phát hiện u ở một bệnh viện tại TP.HCM, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chưa phẫu thuật được. Các bác sĩ cho biết u xơ tử cung là căn bệnh thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhất là những người trải qua ít nhất một lần mang thai và sinh nở (Tuổi trẻ trang 14).

Đến bác sĩ cũng bị lừa

Mới đây, bác sĩ N.H.M., công tác tại bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ, nhận được cuộc gọi từ số máy 0968.746…, xưng là bác sĩ đang công tác ở Phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, có một số tài liệu chuyên khoa ngoại lồng ngực.

Anh M. hớn hở, bởi đây là thứ tài liệu mà anh đang rất cần và lùng suốt thời gian qua. Anh càng yên tâm hơn khi vị bác sĩ kia không yêu cầu chuyển tiền ngay, mà cho biết nhờ dịch vụ thu hộ của bưu điện, tức khi nào nhận được tài liệu mới thu tiền.

Đến khi nhận hàng, cầm tập tài liệu trên tay, anh M. vui vẻ trả tiền 460.000 đồng như đã thỏa thuận, bóc ra thì mới biết mình bị lừa. Đó là giáo trình từ năm 2014, hiện các quày sách cũ bán chỉ 100.000 đồng/cuốn. Liên lạc lại số điện thoại của vị “bác sĩ” kia, thì chuông vẫn reo nhưng không ai nghe máy. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới cũng đã thử điện thoại, nhưng không ai bắt máy. Theo một vị bác sĩ trưởng khoa, có khá nhiều bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ bị lừa với cách thức tương tự như vậy. “Họ giả vờ giới thiệu là sách mới ra về lĩnh nào đó, rồi các giáo sư viết, hoặc phác đồ mới của bệnh viện nổi tiếng trong nước...”, ông này nói (Motthegioi.vn, Tuổi trẻ trang 5).

Phòng ngừa virus Zika vào Việt Nam

Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, ngày 28/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn gửi các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur về tăng cường công tác giám sát bệnh do virus Zika. Theo đó, tổ chức ngay các hoạt động giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt những trường hợp đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh này. Đặc biệt lồng ghép việc giám sát virus Zika vào hoạt động giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue.

Để chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Người dân cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hiện Việt Nam chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của virus này, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập virus Zika vào Việt Nam là hoàn toàn có thể vì Việt Nam cũng lưu hành loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết (Tiền phong trang 6, Tuổi trẻ trang 14, Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Có tình trạng cán bộ bao che thực phẩm bẩn

“Có đơn vị đi thanh tra, biết những cơ sở chưa đủ giấy chứng nhận về vệ sinh mà vẫn cung cấp suất ăn công nghiệp, nhưng chỉ nhắc nhở. Khi nhắc nhở cũng không theo đến nơi đến chốn nên xảy ra ngộ độc”, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, nói về thực trạng giám sát ATTP tại các địa phương hiện nay. Qua các vụ việc vi phạm, nói lên điều gì trong công tác quản lý hiện nay?

Tôi phải thừa nhận rõ ràng nguồn lực phục vụ cho công tác quản lý còn rất thiếu nên những đơn vị được giao quản lý ATTP còn những khó khăn, nhưng cái đấy không thể là lý do để bao biện. Trong khi chúng ta đang thiếu nguồn lực thì người tiêu dùng phải tham gia cùng với các cơ quan chức năng, một là tẩy chay sản phẩm không bảo đảm, hai là đấu tranh với các hành vi vi phạm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Một điều tra xã hội học có câu hỏi tại sao khi phát hiện ra các hành vi vi phạm mà lại không đấu tranh thì 85% trả lời là ngại va chạm, sợ tố giác không giải quyết được vấn đề gì!

Thưa ông, vụ việc xử lý mứt bẩn tại phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm) cho thấy có tình trạng “nhờn” luật?

Đó là do xử lý chưa triệt để. Nhiều người nói chế tài không đủ mạnh nhưng tôi cho không phải như thế. Chúng ta cho mức phạt tối đa đến 200 triệu về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp mức phạt 200 triệu đồng chưa tương xứng hành vi vi phạm thì luật cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm. Có nghĩa nếu hàng hóa vi phạm có giá trị 1 tỷ thì cho phạt 7 tỷ đồng. Sự việc tại phường Xuân Tảo đâu phải không đủ chế tài.

 Khi tôi trực tiếp đi kiểm tra tại địa bàn phường Xuân Tảo thấy mứt bí, đu đủ được phơi tràn lan trên nền bạt dính lẫn đất, cát và ngay cạnh nhà vệ sinh lộ thiên. Ngoài ra còn có hệ thống xe đẩy, thùng chứa nguyên liệu cáu bẩn xếp tầng lớp. Hỏi phường Xuân Tảo xem đã phạt tới 200 triệu chưa? Nếu chưa phạt như thế, chưa quyết liệt như thế thì chắc chắn các hành vi vi phạm tương tự sẽ còn. Chúng ta chưa có quy định trong vấn đề ATTP xử lý đối với những cán bộ, công chức được giao chức năng mà làm không đến nơi đến chốn, nhưng chúng ta có luật công chức, viên chức. Trong vụ Xuân Tảo, UBND quận phải căn cứ vào luật công chức để xem xét.

Mỗi năm số cán bộ địa phương bị xử lý liên quan tới ATTP là bao nhiêu, thưa ông?

Tôi không nắm được, nhưng tôi biết nếu có thì rất ít, cùng lắm chỉ xét đến tiêu chuẩn lao động tiên tiến! Ví dụ có đơn vị đi thanh tra, biết những cơ sở chưa đủ giấy chứng nhận về vệ sinh mà vẫn cung cấp suất ăn công nghiệp, mà chỉ nhắc nhở. Khi nhắc nhở cũng không theo đến nơi đến chốn nên xảy ra ngộ độc và tôi có văn bản gửi cho lãnh đạo địa phương đó yêu cầu phải có biện pháp xử lý vì rõ ràng cái đó là thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát ở tuyến cơ sở.

Như vậy là pháp luật đang bị vô hiệu hóa bởi tình trạng “nể nang”, thưa ông?

Chắc chắn hiệu quả rất thấp. Tôi cho rằng một phần nể nang, một phần do trình độ cán bộ.

Ngoài sự nể nang, theo ông có sự bao che không?

Dứt khoát có nhưng để chỉ ra hành vi bao che thì không dễ.

Ông có thể cho biết kết quả xử lý vi phạm thực phẩm trong dịp Tết này ra sao?

Từ cuối tháng 11 năm 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã ban hành kế hoạch 1066 bảo đảm ATTP tết Bính Thân và lễ hội xuân 2016. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu khi thanh tra, kiểm tra có kết hợp với lấy mẫu và chỉ đạo các đơn vị được giao kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực để ra kết quả sớm với các mẫu. Vừa qua, Thái Bình đã phát hiện ra những cơ sở sản xuất rượu chưa có giấy chứng nhận, chưa công bố tiêu chuẩn. Tôi yêu cầu dừng ngay và xử lý (Tiền phong trang 6).

31 tổ trực cấp cứu tại các điểm bắn pháo hoa

Ngày 28-1, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, Sở Y tế đề nghị 31 cơ sở y tế gồm: các bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm cấp cứu 115 tham gia trực cấp cứu, sẵn sàng cấp cứu kịp thời bệnh nhân ở các khu vực có điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã ký ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại Hà Nội. Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ huy động 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai bắn pháo hoa tại 30 điểm bắn với 31 trận địa pháo tại trung tâm các quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn. Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút từ thời điểm bắt đầu năm Bính Thân (ngày 8-2-2016) (An ninh thủ đô trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang