Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/3/2018

  • |
T5g.org.vn - Sức khỏe bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi từ người cho chết não tiến triển tốt; Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của việc tầm soát ung thư đại trực tràngl; Chi khám chữa bệnh BHYT tăng mạnh

 

Sức khỏe bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi từ người cho chết não tiến triển tốt

Chiều 28-3, tại hội nghị sơ kết đánh giá ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đại diện Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết: Sức khỏe bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (sinh năm 1964, quê ở Nam Định) - người đầu tiên được ghép phổi từ người cho chết não - hiện tiến triển rất tốt. Ngoài ra, sức khỏe của 5 bệnh nhân khác được ghép tạng từ trường hợp chết não này đã dần ổn định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho rằng, thành công của ca ghép phổi thể hiện sự trưởng thành của nền y học nước nhà; đồng thời bày tỏ sự tri ân đối với nghĩa cử cao đẹp của Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, ở Ninh Bình) và gia đình.

Bệnh viện 108 đã tôn vinh gia đình bệnh nhân hiến tạng - Thiếu tá Lê Hải Ninh. Bộ Y tế đã truy tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân cho Thiếu tá Lê Hải Ninh. Bệnh viện 108 đã quyết định trao thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Bệnh viện 108 cho bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ, vợ và con Thiếu tá Lê Hải Ninh. GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108 đã trao bản cam kết tuyển dụng các con Thiếu tá Lê Hải Ninh vào làm việc tại Bệnh viện 108 nếu các cháu theo nghiệp y khoa và có nhu cầu làm việc tại viện. (Hà Nội mới, trang 7; Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của việc tầm soát ung thư đại trực tràng

Ngày 28-3, thừa lệnh Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chánh Văn phòng UBND thành phố Phạm Quí Tiên đã ký Công văn số 1289/UBND-TKBT gửi Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về việc đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa công tác xét nghiệm sàng lọc, phát hiện bệnh ung thư đại trực tràng trên địa bàn thành phố.

Công văn nêu: “Báo Hànộimới ngày 26-3-2018 đăng bài Tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí: Tuyên truyền yếu, khó triển khai, phản ánh công tác tuyên truyền tầm soát ung thư đại trực tràng cho người dân còn nhiều hạn chế. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến như sau: Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kế hoạch tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của chương trình xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng đối với người dân trên Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện truyền thông, báo chí; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện”.

Theo bài báo nói trên, hiện TP Hà Nội đang mở rộng diện tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên có bảo hiểm y tế tại 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Dù mang ý nghĩa nhân văn to lớn nhưng việc triển khai đang gặp khó khăn, chủ yếu do nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của chương trình... (Hà Nội mới, trang 7).

 

Chi khám chữa bệnh BHYT tăng mạnh

Ngày 28.3, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến 21.3.2018, theo số liệu trên Hệ thống giám định, đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh; chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỉ đồng tương ứng mức tăng 14,59% và 18,69% so với cùng kỳ 2017 số lượt KCB tăng 14,59%; chi KCB BHYT tăng 18,69%.

Đến hết tháng 2.2018, có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí KCB dự toán trong kỳ trên 20%, như Quảng Ninh 31,9%; Bình Dương 31,8%; Cần Thơ 31,1%; Đồng Tháp 31,1%; Khánh Hòa 30,1%.

Theo thống kê của các đơn vị trực thuộc ngành BHXH, có 84 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện có tỉ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40% (tỉ lệ toàn quốc tuyến huyện là 9,0%). Có 130 bệnh viện đa khoa có tỉ lệ gia tăng chi bình quân nội trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc 0,1%) như Bệnh viện Quân Y 268, Huế: 37,5%; Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, Hà Nội: 24,6%; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi: 16,6%. Có 107 bệnh viện đa khoa có tỉ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc 5,68%) như Bệnh viện Quân Y 268, Huế: 65,2%; Bệnh viện A Thái Nguyên: 25%; Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên 20%; Bệnh viện 354, Hà Nội: 19%.

Về tình hình kết nối, liên thông dữ liệu, các tỉnh có tỉ lệ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán gửi đúng ngày thấp hơn bình quân chung toàn quốc (49,7%), đặc biệt tại TP.Hà Nội (20,91%) và TPHCM (21,46%). Việc chậm gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin Giám định BHYT ảnh hưởng đến việc tra cứu thông tin trong quản lý thông tuyến; tạm ứng kinh phí, giám sát chi phí KCB BHYT.

Đặc biệt, trong quá trình theo dõi, cơ quan BHXH nhận thấy, có bệnh nhân được chi trả BHYT cao nhất khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 20.9.2017 - 23.1.2018, với căn bệnh hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ. Tổng chi phí khám chữa bệnh là 1,016 tỉ đồng. Cơ quan BHXH cũng cho biết, năm 2017, toàn quốc sử dụng 23.168 Stent động mạch vành, chi phí 826 tỉ đồng. Hai tháng đầu năm 2018 là 3.572 Stent động mạch vành, chi phí 124 tỉ đồng. (Lao động, trang 4).

 

Tôn vinh thiếu tá hiến đa tạng cứu sống và đem lại ánh sáng cho 6 người

Chiều 28.3, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tổ chức tôn vinh thiếu tá Lê Hải Ninh - người hiến đa tạng giúp điều trị cho 6 bệnh nhân.

Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, ở Yên Mô, Ninh Bình) là người không may bị tai nạn chết não đã hiến đa tạng (thận, tim, phổi) và giác mạc, cứu sống và đem lại ánh sáng cho 6 bệnh nhân khác. Các tạng hiến của thiếu tá Ninh đã giúp các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (tại Hà Nội) và Chợ Rẫy (tại TP.HCM) thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt và đặc biệt là ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não được Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thực hiện vào ngày 26.2 vừa qua.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh Trung ương quân đội 108, chia sẻ thiếu tá Ninh bị tai nạn, được tuyến dưới chuyển tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 với chẩn đoán trạng thái sau hồi sinh tim, phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Bệnh nhân được Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp tục hồi sức tích cực nhưng tình trạng quá nặng, sau đó được xác định chết não.

"Khi biết chồng mình không thể qua khỏi, với suy nghĩ muốn anh ra đi thanh thản, nhưng vẫn muốn anh góp phần cứu sống nhiều người bệnh khác, vợ của anh là chị Tạ Thị Kiều đã thống nhất với gia đình tình nguyện hiến tạng của anh để cứu người, chữa bệnh", giáo sư Lê Hồng Bàng cho biết.

“Những giờ phút cuối cùng trước khi vĩnh biệt anh để các bác sĩ đưa anh vào phòng phẫu thuật, chị Kiều đã chạm khẽ vào tay chồng và nói: Em không biết anh có giận em không, nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác, anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi của anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”, giáo sư Bàng nhớ lại.

Theo giáo sư Bàng, nhờ quyết định của chị Kiều và gia đình, giờ đây trái tim của thiếu tá Ninh đang đập trong lồng ngực anh Nguyễn Quốc Hùng (30 tuổi), lá phổi đang thở trong lồng ngực anh Trần Ngọc Hanh (54 tuổi), 2 quả thận đang sống trong cơ thể 2 người khác ở hai miền Nam - Bắc, 2 giác mạc của anh đã mang lại ánh sáng cho 2 người bệnh từng sống trong cảnh mù lòa. Hiện sức khỏe của cả 6 bệnh nhân được ghép tạng, ghép giác mạc đều tiến triển rất tốt.

"Cái chết sẽ không là hư vô, nếu từ cái chết đó lại đem lại sự sống được hồi sinh”, giáo sư Bàng xúc động nói.

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lê Xuân Cựu, bố đẻ thiếu tá Ninh, nói rằng con trai ông mất đi là tổn thất to lớn không có gì có thể bù đắp được. Thế nhưng, với thành công của các ca ghép tạng lấy từ nguồn hiến của con trai ông, phần nào đó là nguồn động viên, an ủi, xen lẫn tự hào của gia đình, họ tộc.

Tại lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân" cho thiếu tá Lê Hải Ninh. Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã trao thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bố mẹ và các con của thiếu tá Ninh; đồng thời, trao bảng cam kết tuyển dụng các con thiếu tá Ninh làm việc tại bệnh viện nếu sau này các cháu theo nghiệp y khoa và có nhu cầu làm việc tại bệnh viện. (Thanh niên, trang 4; An ninh thủ đô, trang 2)..

 

Ngưng sử dụng vaccine 5 trong 1 Quinvaxem

Ngày 27-3, Bộ Y tế chính thức thông báo sẽ ngưng sử dụng vaccine 5 trong 1 Quinvaxem trong thời gian tới.

Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, số vaccine Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 trên quy mô toàn quốc.

Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vaccine Quinvaxem bằng loại vaccine phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vaccine phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại bốn tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II-2018.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. (Pháp luật TP.HCM ngày 28.3, trang 2).

 

Gần 80% người bệnh hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh

Có tới gần 80% người bệnh nội trú và người nhà đi theo chăm sóc tỏ ý hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh tại 29 bệnh viện trong diện khảo sát thí điểm. Đại diện Bộ Y tế khẳng định, sau 5 năm với nhiều nỗ lực ngành Y tế đã thay đổi để hướng đến sự hài lòng người bệnh… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang