Đề nghị xem xét trách nhiệm nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình
Ngày 28.5, tại ngày làm việc thứ 10 của phiên tòa xét xử vụ án tai biến y khoa chạy thận khiến 8 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, luật sư và gia đình nạn nhân đề nghị xem xét trách nhiệm đối với nguyên giám đốc bệnh viện này. Tiết lộ "sốc" về hoạt động chạy thận
Tham gia tranh tụng trước tòa, luật sư (LS) Nguyễn Danh Huế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, tiết lộ nhiều thông tin khá “sốc” về hoạt động chạy thận tại BV này. Theo LS Huế, mỗi ca chạy thận BVĐK tỉnh Hòa Bình thu từ người bệnh 7,7 USD (tương đương khoảng 160.000 đồng), trong khi mức trung bình ở các BV khác, trong đó có BV Bạch Mai, dao động 3,5 - 4 USD (dưới mức 100.000 đồng/ca). Tuy nhiên, báo cáo tài chính của BV cho thấy luôn luôn lỗ khi ký kết xã hội hóa lắp đặt máy chạy thận với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn. Việc BV thu viện phí cao, liên tục làm ăn thua lỗ đã vi phạm Thông tư 15 của Bộ Y tế về việc liên doanh, liên kết trang thiết bị, đặt máy tại BV.
“Tại sao một tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn như Hòa Bình, người bệnh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng mức viện phí lại cao gấp đôi mức trung bình của cả nước. Điều này là hết sức vô lý, chúng tôi chưa khẳng định điều này vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng là có khuất tất. LS chúng tôi mong HĐXX sẽ làm rõ”, LS Huế nói và kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, qua việc ký kết với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, trong việc thiếu giám sát dẫn đến công ty này “bán thầu” cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh...
Tại tòa, ông Đinh Văn Tính (bố nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) bày tỏ sự bức xúc trước việc ông Trương Quý Dương với cương vị là giám đốc BV nhưng chưa một lần thăm hỏi, động viên gia đình các bệnh nhân không may tử vong trong tai biến y khoa. Ông Tính cũng cho rằng, trong việc bồi thường, việc phải cung cấp hóa đơn đỏ về chi phí mai táng là rất khó, gây khó khăn cho gia đình các nạn nhân. Ông Tính yêu cầu HĐXX xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương; đồng thời cho rằng sau khi xảy ra sự việc BV đã giải quyết chưa thỏa đáng.
Đại diện các gia đình cũng mong muốn HĐXX xem xét, xử đúng người đúng tội với bác sĩ Hoàng Công Lương. Đối với 2 bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình và Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, đại diện các gia đình mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bộ Y tế "biên tập" câu hỏi của cơ quan điều tra?
Tranh luận tại tòa, các LS cũng đặt nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế trong ban hành quy trình, quy chuẩn chạy thận. Theo LS Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã gửi 6 câu hỏi tới Bộ Y tế và được phúc đáp bằng Công văn 4342. Một trong số những câu hỏi của cơ quan công an là: Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2 có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào? Tuy nhiên, theo bà Phúc, khi Bộ Y tế có công văn phúc đáp, đã thêm thuật ngữ “AAMI” vào câu hỏi của cơ quan điều tra, có nghĩa Bộ Y tế đã tự ý biên tập, chỉnh sửa câu hỏi gốc của cơ quan điều tra.
LS Phúc nhận định việc chỉnh sửa này có thể do lỗi đánh máy nhưng đã gây ra sự hiểu nhầm, bởi trong bản luận tội của Viện KSND đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo. Mặt khác, theo LS Phúc, Bộ Y tế gửi công văn cho cơ quan công an đã tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Mỹ vào công văn nhưng cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không (Thanh niên, trang 5).
Cẩn trọng với bệnh viêm xương tuỷ ở trẻ
Mỗi năm, Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị khoảng 100 trường hợp trẻ mắc bệnh lý về viêm xương. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là do bệnh nhi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, một loại vi khuẩn kháng thuốc cao.
Đau xương khớp không chỉ người lớn mới gặp phải mà trẻ em cũng có thể có triệu chứng này. Bệnh khiến trẻ mệt mỏi, giảm khả năng vận động ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sinh hoạt. Bác sĩ Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình nhi (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, từng điều trị cho bệnh nhân H.T.N (9 tuổi, ở Hà Nội). N. là cậu bé hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng một buổi sáng ngủ dậy N. kêu đau nhức ở cẳng chân phải. Thấy chân bé sưng đỏ, gia đình nghĩ con bị va chạm do đá bóng nên đưa con đến nắn chân, đắp lá thuốc ở một thầy lang. Sang ngày thứ 2, bé N. sốt cao, cẳng chân tiếp tục sưng to và đỏ mọng như quả cà chua. Lúc này gia đình vội mang con tới Bệnh viện Nhi T.Ư. Tại đây, các bác sĩ thông báo bé mắc căn bệnh nguy hiểm viêm xương tủy nhiễm khuẩn. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Mục tiêu của ca phẫu thuật là giải phóng mủ trong xương và các mô mềm, tưới rửa xương bằng dung dịch kháng sinh để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm lan rộng. Sau ca phẫu thuật, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, không còn sốt nữa. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện trong hơn 2 tuần. Thời gian này, cẳng chân tổn thương của bệnh nhi được bất động bằng bó bột để xương được nghỉ ngơi hoàn toàn, tạo điều kiện cho quá trình hình thành xương mới. Trong trường hợp không bó bột, bệnh nhân rất có thể bị gãy xương dẫn đến tình trạng xương khó liền và khó điều trị về sau.
Sau 17 lần ra vào viện liên tục vì căn bệnh viêm xương nhiễm khuẩn, mới đây, sau gần 2 năm được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư tích cực chăm sóc và điều trị, cuối cùng N. đã có thể vận động, đi lại và trở lại cuộc sống học tập như các bạn bè đồng trang lứa. Mẹ bệnh nhi cho biết: “Sau khi tháo bột, gia đình được bác sĩ hướng dẫn thay băng hằng ngày. Hai tháng sau phẫu thuật cháu có thể đi lại nhẹ nhàng”.
Bệnh thường gặp ở tuổi học đường
PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là than phiền thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều hoặc có xô ngã. Hàng ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh cơ xương khớp ở trẻ em do nguyên nhân khác nhau: từ đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương… cho đến những bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp.
Viêm xương tủy cấp chủ yếu gặp ở tuổi học đường tuổi từ 6-16, chiếm 80% số ca mắc bệnh. Giai đoạn đầu dấu hiệu mơ hồ, không rõ ràng, dễ bỏ qua. Thông thường trẻ bỗng nhiên sốt cao, nhiễm trùng nhẹ. Trẻ kêu đau quanh chi, hạn chế hoạt động trái với thường lệ. Khám thấy sưng nề nhẹ quanh đầu xương, hay gặp nhất viêm xương quanh gối, ấn vào khớp không đau. Ở giai đoạn muộn khi viêm đã phá ra tổ chức phần mềm, toàn thân bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn, trùng rõ. Tại chỗ có ổ áp-xe cơ ở chi: sưng - nóng - đỏ - đau và ở giữa bùng nhùng mủ. Nhiều khi có lỗ dò mủ ra ngoài. Lỗ dò mủ do viêm xương có đặc điểm điển hình: da quanh lỗ dò thâm, da sát xương, mủ chảy qua lỗ dò mùi hôi, tanh...
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, viêm xương tủy xương cấp tính là nhiễm khuẩn huyết viêm tất cả các thành phần của xương do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên. Bệnh hay gặp ở các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nghiêm trọng. Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của gia đình người bệnh. Bác sĩ khuyến cáo, viêm xương tủy nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đầy đủ có thể gây viêm rò kéo dài, mất đoạn xương, biến dạng chi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động sinh hoạt hàng ngày (Tiền phong, trang 6).
Siết quản lý thuốc bằng phần mềm
Bộ Y tế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm bằng phần mềm thống nhất.
Với giải pháp này, ngành y tế và người dân có thể truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn.
Mua bán thuốc quá dễ dãi
Dãy nhà thuốc trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), kế Trung tâm Kinh doanh dược phẩm Hapulico, luôn tấp nập khách bất kể ngày đêm. Ghé vào một nhà thuốc có biển hiệu Q.A., một phụ nữ hỏi mua ít thuốc kháng sinh loại tốt cho con đang bị sốt và ho do thời tiết nắng nóng. Không hỏi đơn thuốc, loại thuốc nào cần mua, nhân viên nhà thuốc lục lọi các ô thuốc theo danh mục đã định sẵn, lấy được 4 - 5 loại thuốc để bán; còn khách hàng cầm vội bao thuốc, hỏi qua loa cách dùng rồi ra về. Đứng chờ ở đây chừng 30 phút, có hơn một nửa số khách hàng đến mua thuốc nhưng chẳng có toa thuốc hay chỉ định nào của bác sĩ. Họ cứ nói triệu chứng bệnh, nhân viên cửa hàng chọn thuốc rồi bán như đã định sẵn. Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, nhiều trường hợp trẻ nhỏ ban đầu mắc các bệnh rất thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản... nhưng lại biến chứng nguy hiểm chỉ vì cha mẹ tự ý mua thuốc cho trẻ dùng bừa bãi. Mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng trông con BV, chị Hà (ở Vĩnh Phúc) lo lắng: “Ở nhà cháu chỉ húng hắng ho, cứ nghĩ cháu bị cảm cúm và viêm họng nên như mọi lần, tôi ra hiệu thuốc mua ít thuốc hạ sốt và kháng sinh cho cháu uống. Đến ngày thứ 3 cháu chẳng đỡ, thậm chí còn sốt rất cao và khó thở nên đưa cháu vào cấp cứu. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết cháu nhà tôi bị biến chứng viêm phổi nặng do uống thuốc không đúng chủng loại”.
TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những trường hợp như con chị Hà khá phổ biến. Nhiều gia đình khi thấy trẻ mới chỉ hắt hơi, sổ mũi... đã ngay lập tức ra cửa hàng mua thuốc cho trẻ uống mà không cần chỉ dẫn theo đơn của bác sĩ, hoặc lấy lại đơn thuốc cũ hay tìm kiếm hướng dẫn trên mạng. Đây là việc làm rất nguy hại vì nếu dùng không đúng thuốc, đúng liều lượng rất dễ khiến bệnh thông thường biến chứng ra những bệnh nguy hiểm tới tính mạng.
Có thể truy xuất nguồn gốc thuốc
Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trên toàn quốc hiện có 41.394 cơ sở bán lẻ dược phẩm, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý. Hiện tất cả BV công lập, BV tư nhân đã thực hiện kê đơn trên máy tính liên thông với nhà thuốc BV, tuy nhiên chưa thể kiểm soát việc kê đơn của các phòng khám tư nhân và nhà thuốc tư nhân. Để siết hoạt động kinh doanh thuốc của các đối tượng này, Bộ Y tế đang tập trung thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”. Một trong những nội dung quan trọng trong đề án là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng đối với các cơ sở bán lẻ dược phẩm nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc thuốc.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết để thực hiện việc nối mạng liên thông các nhà thuốc, cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật, chuẩn hóa hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau. Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn vào, vừa kiểm soát được giá thuốc. Phần mềm này cũng sẽ quản lý được việc bán và dùng kháng sinh bừa bãi của người bán lẫn người mua thuốc. Đặc biệt giúp hạn chế được tình trạng một người bán hàng chỉ có trình độ sơ cấp hay trung cấp dược mà tự ý tư vấn bán thuốc kháng sinh cho người mua, theo kiểu gợi ý đổi loại thuốc, tên thuốc vì cửa hàng mình không có loại kháng sinh đã kê đơn như hiện nay. Về phía người sử dụng, khi mua thuốc cũng có thể truy cập để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào.
Liên quan tới công tác giám sát, kiểm tra, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng... Các nhà thuốc nào không chấp hành việc nối mạng là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý.
Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thành tập huấn triển khai thí điểm phần mềm tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc triển khai thí điểm phải hoàn thành trong tháng 6-2018 và bắt đầu triển khai trên toàn quốc vào đầu tháng 7-2018. Phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 hoàn thành đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi cả nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thông tư về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, khắc phục tình trạng mua bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh, quy định các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn và có lộ trình thực hiện về kê đơn đối với các loại thuốc khác (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Dự trữ vaccine ngừa não mô cầu
Cục Y tế dự phòng cho biết, một số tỉnh, thành miền Bắc đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên.
Đây là dịch bệnh nguy hiểm dễ lây, vì ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người nên nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.
Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, có 2 vaccine phòng bệnh não mô cầu được cấp số đăng ký và lưu hành tại Việt Nam, đều nhập khẩu từ nước ngoài, là Polysaccharide Meningococcal A+C (sản xuất tại Pháp; số đăng ký QLVX-992-17) và VA-Mengoc-BC (sản xuất tại Cuba; số đăng ký QLVX-H02-985-16). Tuy nhiên, Văn phòng đại diện Sanofi Pasteur thông báo, nhà sản xuất vaccine phòng bệnh não mô cầu 2 tuýp A, C (Polysaccharide Meningococcal A+C) đã dừng sản xuất và cung ứng vaccine này trên toàn cầu.
Các nước trên thế giới hiện bắt đầu chuyển sang sử dụng vaccine phòng các bệnh do não mô cầu 4 tuýp huyết thanh A,C,Y và W-135, nhưng vaccine này chỉ còn lại với số lượng không nhiều tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, qua báo cáo từ các cơ sở nhập khẩu đã có 125.000 liều vaccine VA-Mengoc-BC vừa được nhập vào Việt Nam. 49.000 liều trong số này đã có kết quả kiểm định của Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đạt yêu cầu, sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu. Dự kiến, cuối tháng 5 sẽ có 100.000 liều vaccine ngừa viêm não mô cầu tiếp theo được nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy, số lượng vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu sẽ về Việt Nam trong cả năm 2018 dự kiến là 800.000 liều, gần tương đương số lượng vaccine nhập khẩu trong năm 2017 (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Thu hồi mỹ phẩm chứa thủy ngân vượt mức cho phép
Theo đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm do chi nhánh Công ty TNHH Hoa Việt (số 60/18 tổ 28, khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sản xuất. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và Công ty TNHH Hoa Việt về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với 3 sản phẩm mỹ phẩm do chi nhánh Công ty TNHH Hoa Việt (số 60/18 tổ 28, khu phố 5, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sản xuất, gồm: Cream new white tobe effective after 5 days, Cream Victory tobe effective after 5 days và Kem tàn nhang - tái tạo ngừa lão hóa Lavish skin as you. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm Đồng Nai cho thấy, 3 sản phẩm nói trên không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (chứa hàm lượng thủy ngân vượt quá mức cho phép).
Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty TNHH Hoa Việt gửi thông báo tới những nơi phân phối, sử dụng 3 loại mỹ phẩm trên và gửi báo cáo thu hồi về cục trước ngày 15-6.
Sở Y tế Đồng Nai phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của Công ty TNHH Hoa Việt và chi nhánh của công ty; giám sát việc thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm không đạt chất lượng nêu trên, xử lý, xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bác sĩ trẻ dấn thân vì cộng đồng
Ra trường năm 2014, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (28 tuổi) được tuyển dụng về làm việc tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Tuy nhiên, khi biết có dự án tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, anh Hiếu đã xung phong đến vùng xa xôi, khó khăn nhất.
Từ chối công việc ở Hà Nội để đến với đồng bào miền núi
“Mình sẵn sàng tình nguyện ở bất cứ nơi nào trên đất nước VN, nơi nào người dân sống được thì mình cũng có thể sống được”, Hiếu đã viết như thế trong đơn tình nguyện của mình. Và bác sĩ Hiếu được phân công về công tác tại Trung tâm y tế H.Mường Nhé - một huyện nghèo bậc nhất của tỉnh Điện Biên, nằm trong danh sách 63 huyện nghèo (thuộc Dự án 585 Bộ Y tế), cách Hà Nội 700 km.
Bác sĩ Hiếu kể, anh biết dự án này từ năm thứ 5 học đại học. Đây là dự án rất nhân đạo, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải ở tuyến trên, tăng cường và nâng cao chất lượng y tế ở tuyến dưới. Hiếu lại là người thích đi tình nguyện, nhất là ở vùng cao, nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian chờ đợi, anh Hiếu cũng nộp đơn xin việc vào các bệnh viện đang tuyển dụng ở Hà Nội (Thanh niên, trang 10).