Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/5/2023

  • |
T5g.org.vn - “Làn khói thơm” thuốc lá điện tử bủa vây trường học; Ngành y khoa xét tuyển môn ngữ văn: Đề nghị các trường giải trình; Bệnh truyền nhiễm gia tăng: Có thể trả giá vì không tiêm phòng; Bộ Y tế lên tiếng về việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào ngành y khoa

 

“Làn khói thơm” thuốc lá điện tử bủa vây trường học

Thuốc lá điện tử được ví như “cạm bẫy hương vị” khi đánh trúng tâm lí thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ, bắt mắt của những chiếc pod, vape (dụng cụ hút thuốc lá điện tử) đã nhanh chóng “thôi miên” những thiếu niên đang ở lứa tuổi học trò. Việc nhiều học sinh vô tư sử dụng thuốc lá điện tử là tiếng chuông báo động tình trạng gia tăng học sinh tìm đến với “làn khói thơm”. Muốn mua loại nào cũng có

Một ngày cuối tháng 5, K.A - học sinh lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội, mặc áo đồng phục trường, phóng xe đạp điện chở theo bạn đến một quán nhỏ ở ngõ 82 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội).

Quán vỏn vẹn 10 m2, không đề địa chỉ, không biển hiệu, nhưng là “địa chỉ thân quen” của nhiều học sinh vì ở đây có bán “làn khói thơm”.

Bước vào quán, K.A hỏi: “Có Pod (tên thiết bị thuốc lá điện tử-PV) không anh?”.  Nam chủ quán tên T, tay cầm thuốc lá điện tử, rít một hơi thật mạnh, thả khói mù mịt, rồi đáp: “Có! Mua loại nào, có loại hút một lần giá 180.000 đồng; còn muốn hút được nhiều lần, thay đầu lọc thì giá cao hơn”.

K.A đề nghị được mua loại tầm giá 300.000 đồng. T lấy ra một cây Pod màu đen sẫm, vị xoài, công suất hơn 6.000 hơi.

“Ngoài vị xoài, còn có vị chanh leo, kiwi, ổi, rất thơm, được nhiều người mua”, T quảng cáo và nói Pod châm tinh dầu thấp nhất là 400.000 đồng, loại cao thì hơn 1 triệu đồng.

Khi K.A ngỏ lời muốn làm cộng tác viên, nhập số lượng lớn về bán. T nói: "Nếu nhập trên 100 chiếc, giá rẻ hơn từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/chiếc, có thể mix (phối) các vị với nhau, đủ làm các bạn mê".

Trong vai người có nhu cầu tìm mua số lượng lớn thuốc lá điện tử về bán, nhóm phóng viên Báo Lao Động tìm đến một cửa hàng đại lý bán "làn khói thơm" ngay sát một cổng trường THPT trên địa bàn phường Hoàng Cầu, quận Đống Đa (Hà Nội). Quán rộng chừng 100 m2, bán thuốc lá đện tử tên Diamond-D ***.

Chủ cửa hàng tên Nam giới thiệu, thuốc lá điện tử có hai loại, một loại có sẵn tinh dầu chỉ dùng một lần rồi bỏ, giá rẻ. Một loại có thể thay hoặc trộn tinh dầu, đa phần người mua ở đây thích loại thứ hai.

"Thuốc lá điện tử ở đây có nhiều vị như Redbull, trà sữa, chanh, nho, khoai môn, việt quất… để người dùng thoải mái lựa chọn. Thậm chí, người bán còn có thể tự pha chế các loại dung dịch này để thỏa mãn bất kỳ nhu cầu nào của khách hàng" - chủ quán tên Nam cho hay.

Nam chủ quán bật mí rằng, nếu muốn bán cho học sinh, nên “đánh” vào phân khúc vài trăm nghìn đồng - 1 triệu đồng đắt quá không có tiền mua.

Ngoài việc bán thuốc lá điện tử dạng châm tinh dầu thì nên bán loại dùng một lần vì giá rất rẻ. Sau đó, Nam gửi một số mẫu thuốc lá điện tử qua zalo rồi nói mua thế nào thì nhắn.

Học sinh đua nhau thả làn khói thơm

Tụm năm tụm bảy ngang nhiên lấy thuốc lá điện tử ra hút, thậm chí ngang nhiên hút trong trường học… Đó chính xác là những gì đang diễn ra hiện nay tại nhiều trường học trên cả nước. "Làn khói thơm" đã bắt đầu đi sâu vào các trường học, tấn công những cô, cậu học trò đang độ tuổi mới lớn.

Tại một cổng trường trên địa bàn quận Đống Đa, chúng tôi ghi nhận rất nhiều học sinh tan học và trên tay cầm thuốc lá điện tử. Có em, thậm chí còn gắn dây, đeo ở cổ và ngang nhiên lấy thuốc lá điện tử ra hút và thổi phì phèo vào mặt các bạn ngồi cạnh.

Em T.S đã từng thử hút thuốc lá điện tử. Dù vậy, cậu học trò này liên tục khẳng định, thuốc lá điện tử rất nhẹ và gần như không ảnh hưởng đến việc học. Chỉ có loại thuốc lá điện tử chứa tinh dầu "ma thuật" có tên gọi CBD thì mới gây "ngáo" cho người hút.

Khi được hỏi về địa chỉ và cách thức mua thuốc lá điện tử, T.S cho biết, một trong số những địa chỉ được nhiều học sinh trong trường em và các bạn bè lân cận mua là tại số 17 Ngõ 82 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.

"Miễn có tiền là họ bán. Chỉ với giá khoảng 300.000 đồng là có thể mua được. Có bạn thậm chí mặc nguyên đồng phục trường vào vẫn có thể mua" - K.A nói.

Em Đ.Q.K - học sinh lớp 11 tại Thanh Hoá nói rằng, em đã quen với việc bắt gặp bạn bè ngang nhiên hút thuốc lá điện tử ngay trong trường, trong lớp. Sau những màn “nhả khói” là tiếng hò reo, phấn khích của bạn bè cùng lớp.

"Có lần, nhà trường, công an kiểm tra và bắt được các trường hợp hút thuốc lá điện tử. Có bạn thậm chí còn mang cỏ Mỹ đến trường" - Q.K nói.

Chị L.Q.L - phụ huynh tại Hà Nội - đã từng rất đau đầu trong việc quản lí cậu con trai học lớp 9.

Chị Q.L phát hiện, con trai có dấu hiệu sử dụng thuốc lá điện tử theo sự dụ dỗ của bạn bè. Sau nhiều lần theo dõi, giám sát, chị vẫn không thể bắt tận tay việc con sử dụng thuốc lá điện tử.

Chị Q.L tiết lộ, trong trường con học, có những đối tượng học sinh ngang nhiên hút thuốc lá điện tử công khai. Thậm chí, còn là “đầu nậu” cung cấp thuốc lá điện tử cho các bạn trong trường (Lao động, trang 1).

 

Ngành y khoa xét tuyển môn ngữ văn: Đề nghị các trường giải trình

Hôm qua (28/5), Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đưa ra quan điểm trước việc một số trường đại học đưa môn ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành y khoa.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khẳng định, trong đào tạo ngành y, vai trò của Bộ Y tế cũng đặc biệt quan trọng. Quyết định số của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025 đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Sức khỏe.

“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm”, bà Thủy nói.

“Học theo nhưng lại học lệch”

Ghi nhận cho thấy, 4 trường đại học (ĐH) đưa môn ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành y khoa đều là trường tư thục: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tân Tạo, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Văn Lang. Trường ĐH Văn Lang có 2/4 tổ hợp không có môn Sinh học, bao gồm tổ hợp D12 (Ngữ văn, Hóa học, Anh).

Theo PGS Lê Đình Tùng - Trường ĐH Y Hà Nội, trên thế giới, các trường đào tạo Y khoa của các nước phát triển (trừ Pháp) thường sử dụng kết quả kỳ thi UCAT và BMAT, MCAT để tuyển sinh. Trong các kỳ thi này thường có một bài thi bắt buộc về ngôn ngữ được thiết kế riêng phù hợp với đòi hỏi của ngành Y, chứ không căn cứ trên điểm môn Ngữ văn, vì họ yêu cầu bác sĩ có khả năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Theo ông Tùng, các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ĐH ngành Y khoa là muốn học theo cách tuyển sinh của các nước có nền đào tạo Y khoa phát triển, nhưng việc học theo này mới chỉ dừng ở mức độ nửa vời, khiến cho căn cứ tuyển sinh Y khoa bị lệch lạc, từ đó dẫn tới nguy cơ chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Vì vậy, khi Việt Nam chưa tổ chức riêng kỳ thi đánh giá năng lực cho tuyển sinh ngành Y khoa, khi các trường vẫn phải sử dụng tổ hợp 3 môn thi thì tổ hợp Toán, Hóa, Sinh là yêu cầu thiết thực nhất với tuyển sinh ngành Y khoa, ông Tùng nhận định. Trong đó, môn Toán là thước đo quan trọng, môn Sinh có giá trị cốt lõi.

Toán, Hóa, Sinh, Lí rất cần thiết trong lĩnh vực sức khỏe

Ngày 28/5, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Do đó, việc đưa môn Văn vào xét tuyển khối ngành y là quyền của một số trường.

Về tổ hợp môn dùng để xét tuyển, theo quy định bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo. Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lí. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm. “Lãnh đạo Bộ Y tế cũng băn khoăn việc các trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển cho khối ngành sức khỏe thì sẽ loại môn tự nhiên nào và cũng như chưa rõ căn cứ và cách thức tuyển sinh đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới chất lượng đào tạo. Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lí), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lí, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Toán, Hóa, Sinh, Lí là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe. Tuần tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, đề nghị các trường giải trình về vấn đề này”, ông Long nói.

Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo cũng lưu ý, từ năm 2027, bác sĩ phải qua kiểm tra năng lực để được cấp giấy phép hành nghề. Với thí sinh năm nay, nếu trúng tuyển, 6 năm nữa mới ra trường, các em sẽ phải dự thi đánh giá năng lực mới được hành nghề. Do đó, các trường khi đưa môn Văn vào xét tuyển cần cân nhắc quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2023. “Bộ Y tế không có thẩm quyền trong việc quyết định môn thi nhưng ngành y là nơi sẽ sử dụng nhân lực nên các hoạt động liên quan tới các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm, trong đó có chất lượng đầu vào”, PGS Long nhấn mạnh (Tiền phong, trang 6).

 

Bệnh truyền nhiễm gia tăng: Có thể trả giá vì không tiêm phòng

Từ đầu năm 2023 đến nay, có 6/12 bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những bệnh thường gặp trong mùa hè và có thể phòng được bằng vắc xin nhưng hiện tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ lại đạt thấp. Tử vong do lây bệnh từ con trai

Trong 6 bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, rubella, uốn ván, liên cầu khuẩn lợn, thì thủy đậu gia tăng mạnh nhất. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 19-5, thành phố Hà Nội có gần 1.500 ca mắc thủy đậu (tăng khoảng 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng lo ngại, người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu, trong khi đã xuất hiện nhiều ca bệnh ở người lớn với những diễn biến khó lường.

Mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân nam 32 tuổi bị lây thủy đậu từ con trai. Sau khi đến phòng khám tư, bệnh nhân được kê thuốc điều trị nhưng không rõ mắc bệnh gì. Hai ngày sau, bệnh nhân mệt, khó thở và điều trị tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả chẩn đoán tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân mắc thủy đậu, có biến chứng viêm phổi nặng, suy gan cấp, rối loạn đông máu… Chưa đầy 12 giờ nhập viện, các triệu chứng tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sốt cao liên tục, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, viêm cơ tim, rối loạn ý thức và đã tử vong.

Ngoài trường hợp này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới còn tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân khá nặng, hiện vẫn đang điều trị, trong đó một phụ nữ mang thai, người còn lại có tiền sử dùng thuốc corticoid (thuốc chống viêm). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, với người khỏe mạnh mắc thủy đậu, sau 1-2 tuần điều trị sẽ khỏi. Tuy nhiên, với những cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc người có bệnh nền dùng các thuốc ức chế miễn dịch, khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm não, suy đa phủ tạng...

Không chỉ thủy đậu, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 268 ca sốt xuất huyết (tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái), đồng thời ghi nhận 15 ổ dịch tại 9 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ. Theo nhận định của CDC Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Bên cạnh đó, theo CDC Hà Nội, thành phố cũng đã ghi nhận 3 ca mắc rubella đầu tiên trong năm nay tại 3 quận, huyện, thị xã: Hoàng Mai, Mê Linh và Sơn Tây; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc rubella. Đặc biệt, bệnh này là hiểm họa đối với phụ nữ mang thai, nhất là ở 3 tháng đầu thai kỳ, có thể gây sảy thai, sinh non… Thậm chí, trẻ nhiễm vi rút rubella bẩm sinh dễ bị chậm phát triển cả về thể lực và trí tuệ, bị dị tật ở tim, mắt...

Khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng oi bức kèm theo những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi cho các vi rút, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm phát triển. Biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vắc xin. Nếu trẻ không được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh và có thể để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển.

Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới 2023 với chủ đề “Vắc xin cho mọi trẻ em” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 4-2023 cho thấy, từ năm 2019-2021, gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vắc xin đầy đủ. Việt Nam cũng nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm loại vắc xin nào trong năm 2021.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới số trẻ không được tiêm vắc xin ở Việt Nam còn ở mức cao, bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam. Khi đó, hệ thống y tế và nguồn lực tiêm chủng thường xuyên được chuyển sang phục vụ việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ mua sắm, cung ứng vắc xin. “Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng”, bà Lesley Miller bày tỏ.

Trước thực tế này, Ủy ban Xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin phòng bại liệt, sởi, rubella, đồng thời triển khai tiêm bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng ở vùng có nguy cơ cao (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bộ Y tế lên tiếng về việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào ngành y khoa

Trước thông tin một số trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào ngành y khoa, ngày 28/5, trao đổi thông tin với báo chí, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác.

Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh) để tuyển sinh... Như vậy, các môn Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối quản lý về giáo dục đại học. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của bậc đại học. Việc đưa môn Văn vào xét tuyển đầu vào lĩnh vực sức khỏe thuộc quyền hạn của các cơ sở đào tạo. Với việc đưa môn Văn vào tổ hợp để xét tuyển đầu vào khối ngành y khoa của một số trường đại học, Bộ Y tế có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.

Thứ tư, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang