Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/1/2018

  • |
T5g.org.vn - Giảm thiểu nỗi lo thiếu máu; Ùn ùn nhập viện vì cúm mùa; Dịch sởi “lăm le” bùng phát; Cảnh báo bùng phát dịch cúm dịp Tết

Giảm thiểu nỗi lo thiếu máu

Ngay sau khi UBND TPHCM phát đi chỉ thị về tăng cường vận động hiến máu tình nguyện năm 2018, nhiều cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên các trường và nhân dân TP đã nhiệt tình hưởng ứng. Những giọt máu hồng đã được chia sẻ một cách thiết thực, ý nghĩa, đáp ứng một phần nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM.

Thắp lên ngọn lửa nhân ái

Trước thực tế nhu cầu máu dành cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại TPHCM trong dịp tết luôn ở mức cao, nhiều người dân đã đến các địa điểm tiếp nhận máu lưu động của Trung tâm Hiến máu nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ TPHCM) để đăng ký hiến máu. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (56 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh) cho biết đây là lần thứ 88 bà đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo.

Nhớ lại những ngày đầu tham gia, bà kể: Trong một lần tình cờ đi thăm người bạn nằm điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương, thấy những người bệnh khác đang quắt quay tìm sự sống do thiếu máu. Xót thương trước những hoàn cảnh đó, bà đã tự mình hỏi và tìm hiểu quy trình hiến máu nhân đạo.

“Tôi không có nhiều tiền, nhưng tôi có sức khỏe. Ban đầu, người nhà phản đối dữ lắm, mỗi lần đi, gia đình đều ngăn cấm, sợ bệnh hoạn, lây nhiễm. Sau mỗi lần đi hiến máu, tôi thấy khỏe khoắn, lạc quan nên gia đình cũng bớt ngăn cản, rồi dần dà khuyến khích vận động mình tham gia”, bà Nhàn vui vẻ cho hay. Từ đó, đều đặn 3 tháng/lần bà lại rong ruổi tìm những địa chỉ có tiếp nhận máu, kêu gọi mọi người đăng ký tham gia.

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hành trình đỏ TPHCM, anh Huỳnh Văn Hiếu khá say sưa và tâm huyết với phong trào hiến máu tình nguyện. Anh Hiếu kể, từng lăn xả trên mỗi cung đường cùng đoàn Hành trình đỏ quốc gia đến nhiều địa phương, thấy tình trạng khan hiếm máu diễn ra rất thường xuyên.

Xót xa trước hoàn cảnh đó, anh Huỳnh Văn Hiếu đã mạnh dạn thành lập CLB Hành trình đỏ TPHCM để vận động tuyên truyền hiến máu, mở rộng tầm hiểu biết của người dân về ý nghĩa và lợi ích của việc hiến máu.

CLB được thành lập vào năm 2013, đến nay CLB có từ 40-50 thành viên chính thức cùng lượng cộng tác viên rất hùng hậu. Định kỳ 3 tháng/lần, CLB tổ chức kêu gọi các thành viên tham gia hiến máu.

“CLB cũng thường xuyên túc trực sẵn sàng bổ sung nguồn máu vào các đợt cao điểm thiếu máu, khan hiếm máu, những sự kiện diễn ra bất thường tại TPHCM. Mỗi lần tổ chức, CLB thường tiếp nhận từ 600-700 đơn vị máu, đóng góp một lượng máu không nhỏ cho công tác khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn”, anh Huỳnh Văn Hiếu cho hay.

Tăng cường công tác hiến máu

Thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong năm 2017 đã tiếp nhận được trên 303.000 đơn vị máu, trong đó tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện là 297.545 đơn vị máu, tăng 6% so với năm 2016. Trong số này có tới hơn 62% lượng máu tiếp nhận được tại Hà Nội; 31,2% tiếp nhận từ 19 tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc và 6,1% lượng máu được tiếp nhận từ các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Để có được lượng máu trên, viện cũng đã tổ chức trên 1.750 buổi tiếp nhận máu tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cùng rất nhiều hoạt động, chương trình vận động hiến máu tình nguyện.

Tại TPHCM, theo bác sĩ Trần Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, trong năm 2017 TP tiếp nhận được 251.148 đơn vị máu (đạt 91,03% chỉ tiêu của Trung ương giao).

Trong đó, Trung tâm Hiến máu nhân đạo tiếp nhận được 204.638,2 đơn vị máu và BV Truyền máu Huyết học tiếp nhận 46.509,8 đơn vị máu. Mặc dù lượng máu tiếp nhận phục vụ công tác điều trị tăng đều hàng năm, số người hiến máu tình nguyện chiếm hơn 90%, nhưng lượng máu khan hiếm vẫn thường xảy ra vào dịp hè và dịp Tết Nguyên đán là do lượng máu tiếp nhận được chủ yếu vẫn dựa vào lực lượng sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, đơn vị quân đội, công an và một số doanh nghiệp.

Hơn nữa, hiện tỷ lệ người hiến máu ở nước ta mới đạt khoảng 1,6% dân số, trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì cần ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu mới bảo đảm đủ máu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu và an toàn truyền máu.

Đặc biệt, thời gian tới, cần phải tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại. Bởi lẽ, hiện nay ở nước ta, số người hiến máu nhắc lại mới chỉ ở mức từ 40%-45%, trong khi ở nhiều nước khác tỷ lệ này là 75%-85%.

WHO đưa ra khuyến cáo, nguồn máu nhắc lại là những đơn vị máu chất lượng nhất vì qua lần hiến máu đầu tiên, họ đã biết rõ tình trạng nhóm máu của bản thân và cách để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thế nào để nguồn máu của mình tốt nhất. Nếu tăng được tỷ lệ hiến máu nhắc lại cùng với việc tăng cường các chế độ quan tâm, chăm sóc người hiến máu, chắc chắn sẽ đảm bảo được nguồn máu bền vững cho người bệnh (Sài gòn giải phóng, trang 3).

 

Ùn ùn nhập viện vì cúm mùa

Những ngày qua, số bệnh nhân mắc cúm mùa, nhất là trẻ nhỏ, đang có chiều hướng gia tăng khá nhanh, trong đó không ít trường hợp bị biến chứng nặng nguy hiểm tới sức khỏe. Các bác sĩ cảnh báo, khu vực miền Bắc với thời tiết mùa đông xuân giá lạnh và độ ẩm cao như giai đoạn hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. 

Sáng 29-1, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đông nghẹt bệnh nhân. Dãy ghế ngồi trước cửa các phòng khám không còn chỗ trống. PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết chỉ trong 3 tuần qua, BV đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, trong đó có gần 300 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú.

Do số trẻ mắc cúm tăng khá cao so với năm trước nên BV đã xây dựng lưu đồ tiếp đón, phân loại người bệnh nghi ngờ cúm ngay ở khu vực phòng khám nhằm kịp thời điều trị và phòng ngừa lây nhiễm chéo.

Khi tiếp nhận bệnh nhi qua khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ phân loại thành 3 nhóm: nhập viện điều trị nội trú, chuyển cơ sở y tế dưới, điều trị ngoại trú tại nhà. Với những trẻ điều trị ngoại trú, ngoài kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ có hướng dẫn chăm sóc kỹ. 

Ghi nhận tại nhiều BV khác trên địa bàn Hà Nội như: Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông..., số bệnh nhân nhiễm cúm mùa nhập viện trong thời gian gần đây cũng đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận các ca mắc cúm A/H1N1 nhập viện, trong đó đã có những ca biến chứng nặng. 

Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho và hắt hơi.

Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới có khoảng 5%-10% người trưởng thành và 20%-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp có diễn biến nặng. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng ghi nhận khoảng 1-1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.

Các bác sĩ lưu ý, mặc dù là dịch bệnh thông thường, xuất hiện quanh năm nhưng cúm mùa ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và gây ra nhiều mối nguy hiểm.

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm đường hô hấp trên, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đặc biệt viêm họng đỏ rất rõ, một số trẻ còn viêm phế quản. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Tuy nhiên đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim mạch, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. 

Trước tình hình bệnh cúm mùa đang gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Đồng thời, để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm Cúm quốc gia đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM. Đến nay, các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm và kịp thời phát hiện được các chủng virus cúm nếu có sự biến đổi (Sài gòn giải phóng, trang 3).

 

Dịch sởi “lăm le” bùng phát

Hàng trăm trường hợp mắc sởi trong vòng 2 tháng qua ở Philippines - nước Đông Nam Á có giao lưu đi lại thuận tiện với Việt Nam, khiến Bộ Y tế đang hết sức lo ngại khả năng dịch bệnh sởi bùng phát ở nước ta.

Đông Nam Á đang là điểm nóng của dịch sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có khoảng 89.780 trường hợp tử vong do sởi, hầu hết xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng được một cách hiệu quả thông qua việc tiêm vaccine sởi. Trong giai đoạn 2000-2016, vaccine sởi đã ngăn ngừa được khoảng 20,4 triệu trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn thế giới, giảm khoảng 84% so với năm 2000.

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia Điều lệ Y tế quốc tế - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Trong năm 2017, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tập trung nhiều nỗ lực để kiểm soát bệnh sởi. Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 11.2017 đến tháng 1.2018, tại thành phố Davao (Philippines) đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc sởi. Trong vòng hơn 2 tháng, tại thành phố Davao đã ghi nhận 222 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc được ghi nhận tại khu vực thành thị có mật độ dân cư cao và có sự di biến động dân cư từ các khu vực khác vào thành phố lớn.

Trong khi đó, tại Papua, một khu vực hẻo lánh của Indonesia cũng đã ghi nhận ổ dịch sởi kéo dài từ tháng 9.2017 tới nay với ít nhất 59 trường hợp đã tử vong.

Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, đặc biệt đối với trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi và ở những nơi có mật độ dân cư cao. Để kiểm soát ổ dịch sởi, Cơ quan y tế của thành phố Davao (Philippines) đã tiến hành chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trên 15.000 trẻ em trong thành phố.

Philippines, Indonesia là những nước thuộc khu vực Đông Nam Á, có sự giao lưu đi lại thuận tiện với Việt Nam, do đó nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi vào nước ta qua các hành khách xuất, nhập cảnh là rất lớn. Bộ Y tế hiện đang tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sởi tại Philippines để có những biện pháp phòng bệnh phù hợp. Hiện nay, việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn, tiêm vaccine sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi.

Sởi đang bùng phát ở nhiều nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp

Trong khi đó tại Châu Âu, dịch sởi đang bùng phát tại Ukraina, trong 2 tuần đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 1.285 trường hợp mắc sởi (67% là trẻ em) và đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong, trong đó có 3 trường hợp là trẻ em. Ukraina là nước có tỉ lệ tiêm phòng vaccine sởi thấp nhất trong các nước khu vực Châu Âu. Tại Anh, đầu năm 2018 cũng đã ghi nhận sự gia tăng bệnh sởi tại 5 khu vực với 100 trường hợp mắc sởi. Dịch sởi tại Anh xảy ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tại Châu Âu cũng đã ghi nhận sự gia tăng của sởi trong năm 2017, trong đó Romania (8.274 trường hợp), Italia (4.885 trường hợp), Đức (919 trường hợp), Hy Lạp (968 trường hợp), Pháp (77 trường hợp), Thụy Điển (26 trường hợp). Hầu hết các trường hợp mắc đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Theo thống kê của WHO năm 2016, có 20/27 quốc gia tại Châu Âu có tỉ lệ tiêm phòng sởi mũi thứ 2 dưới 95%, trong khi đó theo yêu cầu của khu vực, tỉ lệ này phải trên 99%.

Tại Mỹ, mặc dù sởi đã được công bố loại trừ vào năm 2000 nhưng vẫn ghi nhận 120 trường hợp trong năm 2017 và trong tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 6 trường hợp mắc ở hạt Ellis, bang Texas. Tất cả các trường hợp này đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

Các quốc gia trên ghi nhận các ổ dịch sởi đang triển khai các hoạt động tích cực để khống chế sớm các ổ dịch, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là tổ chức các chiến dịch tiêm phòng vaccine sởi và phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi để cách ly, điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại cộng đồng và tránh tử vong.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ở Việt Nam mặc dù việc tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985, tuy nhiên hằng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm phòng vaccine sởi thấp hoặc tại một số thành phố lớn nơi có mật độ tập trung dân rất cao và sự di biến động dân cư lớn.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ (Lao động, trang 2).

 

Cảnh báo bùng phát dịch cúm dịp Tết

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm có thể bùng phát ngay trong dịp Tết Nguyên đán và kéo dài trong những tháng đầu năm mới.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết khuyến cáo trên xuất phát từ những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, các dịch bệnh mới nổi như Mers - CoV tiếp tục ghi nhận ở khu vực Trung Đông hay bệnh cúm A/H7N9 vẫn xảy ra ở Trung Quốc. Trong khi đó, tại Việt Nam, dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 vẫn tiếp tục xảy ra trên gia cầm ở nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người. Bộ Y tế cho biết mới phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại trang trại của một gia đình ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Gần 200 trong tổng số gần 800 con gia cầm tại trang trại này bệnh chết từ ngày 17 đến 19/1. Theo chủ hộ, đàn gia cầm chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm.

Trước tình hình này, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND, sở y tế các tỉnh, thành tăng cường phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018. Bộ Y tế nhận định, diễn biến dịch bệnh sẽ rất phức tạp do thời tiết bước vào mùa đông xuân; thời điểm trước, trong và sau Tết sử dụng nhiều thực phẩm và giao lưu, đi lại của người dân cao làm tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, thời tiết lạnh, ẩm đang tạo điều kiện cho các loại virus cúm phát triển. Ghi nhận tại một số cơ sở y tế đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị virus cúm mùa như H1N1, H3N2 nhưng triệu chứng lâm sàng rất nặng. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện tại, dịch cúm A/H3N2 đang bùng phát dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh, Mỹ, Hồng Kông... Số nạn nhân tử vong vì mắc loại cúm mùa này rất đáng báo động. Riêng ở Anh, theo số liệu của Tổ chức Y tế công nước Anh, mùa cúm năm 2018 mới bắt đầu đã có hơn 400 trường hợp mắc. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5% - 10% người lớn trưởng thành và 20% - 30% trẻ em mắc cúm trên thế giới. Trong đó có khoảng 3 - 5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000 - 500.000 người tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm ghi nhận khoảng 1,5 - 1,8 triệu ca mắc cúm thường. Các ca mắc có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân.

Theo các chuyên gia dịch tễ, hiện chủng virus cúm A/H7N9 đang là một trong những mối đe dọa lớn. Nghiên cứu của WHO và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh báo chủng virus cúm A/H7N9 đã biến đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao trên cả gia cầm và người, có thể gây chết 100% lượng gia cầm mắc phải và khả năng lây truyền nhanh gấp 100 - 1.000 lần so với virus cúm độc lực thấp. Người mắc cúm này có thể bị phù, suy tim, suy gan nặng, hôn mê, tử vong (Tiền phong, trang 6).

 

Tự chủ tài chính trong các bệnh viện công tại Hà Nội: Còn nhiều gian nan!

Khó triển khai “một sớm, một chiều”

Suốt thời gian dài sống dựa vào “bầu sữa” ngân sách, nay các bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, loay hoay tìm cách để tồn tại, chắc chắn sẽ có những đơn vị không thể “tự bơi”, gặp khó khăn trong bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên. Chính vì vậy, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập không thể triển khai trong "một sớm, một chiều" mà cần có thời gian, lộ trình.
Thu không đủ chi

Đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội đã giao tự chủ tài chính cho thêm 3 đơn vị của ngành Y tế, gồm: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Trước đó, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đã thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, kể cả những bệnh viện có thương hiệu, thành công với mô hình tự chủ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. 

Mới gần 7h sáng nhưng khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã có rất đông người bệnh đến chờ khám. Với lợi thế là bệnh viện có tên tuổi, cơ sở vật chất khang trang, nằm giữa trung tâm Thủ đô, đội ngũ bác sĩ chất lượng và trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân, nhưng, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn trăn trở về việc phải "cân đo" các khoản thu - chi. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, mặc dù tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, vật tư, thuốc men có giá “nhập khẩu”, nhưng chi phí cho một ca phẫu thuật ở Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với thế giới. Thu cao thì sợ bệnh nhân “chạy mất”, mà thu thấp thì không đủ bù chi. “Chúng tôi luôn phải cân nhắc để bảo đảm bệnh nhân được hưởng các dịch vụ “chất lượng ngoại, giá nội”, mà lại đủ chi để duy trì hoạt động. Trong khi đó, chúng tôi chưa được đào tạo về kinh tế, việc phải tìm cách có thu đủ để "nuôi quân" mà vẫn hoạt động tốt, phát triển tốt thực sự là một áp lực” - ông Nguyễn Đình Hưng chia sẻ.

Là đơn vị công lập tự chủ đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô, 10 năm qua, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức để có được như ngày hôm nay. Ông Trần Tử Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cho biết, khi chuyển sang mô hình hoạt động mới, bệnh viện có cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, tương đương với một phòng khám đa khoa. Còn nguồn nhân lực khi đó, đa phần toàn người trẻ, năng lực chuyên môn còn hạn chế. “Thời điểm đó, đang hưởng cơ chế của bệnh viện bán công, chuyển sang tự chủ, khiến cả tập thể hoang mang. Thậm chí, một số cán bộ chuyên môn có tay nghề xin nghỉ việc, đối tác liên doanh thiết bị y tế chấm dứt hợp đồng. Và áp lực với một người lãnh đạo hoàn toàn chưa có trải nghiệm, quản lý ở bệnh viện tự chủ như tôi là rất lớn” - ông Trần Tử Bình cho biết thêm.

Đối với một số bệnh viện tuyến huyện, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế thì khó khăn trong việc tự chủ tài chính còn nhân lên gấp bội. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 600 bệnh nhân đến khám và điều trị. So với bệnh viện tuyến huyện khác, số lượng bệnh nhân này không hề ít. Thế nhưng, ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết, thu vẫn không đủ chi. Bởi lẽ, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, nên bệnh viện khó tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Ý thức được áp lực cạnh tranh thu hút bệnh nhân, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Theo ông Đoàn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, nếu chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, bệnh viện sẽ đứng trước thách thức không nhỏ. Hiện tại, cơ sở vật chất của bệnh viện còn thiếu thốn, phòng ốc, nhà cửa xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Người bệnh có tâm lý thích “vượt tuyến”, trong khi cơ sở vật chất của bệnh viện như vậy khó “giữ chân” họ. Không có bệnh nhân thì bệnh viện cũng không có nguồn thu để trả lương và “giữ chân” bác sĩ…

Vẫn là tự chủ... nửa vời

Một trong những vướng mắc của các bệnh viện được triển khai tự chủ tài chính hiện nay là triển khai theo kiểu… nửa vời. Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện mới được tự chủ về tài chính, còn về tự chủ để tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thì chưa có. Ông Nguyễn Đình Hưng cho rằng: "Nếu bệnh viện được tự chủ về nhân lực, chúng tôi sẽ dễ dàng tìm được nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, nếu bệnh viện được tự chủ về chi trả thu nhập cho nhân lực chất lượng cao thì sẽ thu hút được người tài và có định hướng tương lai phát triển tốt hơn".

Hiện TP Hồ Chí Minh có 51 bệnh viện thực hiện việc tự chủ, trong khi đó TP Hà Nội mới chỉ có 5 bệnh viện. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, do thiếu về cơ chế, chính sách và đặc biệt là nguồn vốn. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc hoạt động tự chủ về bộ máy, về nhân sự, tổ chức cũng như tự chủ chuyên môn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mặt khác, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa ban hành được khung giá dịch vụ theo yêu cầu. Chính vì vậy, các bệnh viện tự quyết định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và chưa có sự thống nhất. 

Để thu hút người bệnh, bệnh viện tập trung vào nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng phục vụ là chính. Song, không phải bệnh viện nào cũng đi theo con đường bền vững này. Vì thế xuất hiện nỗi lo khi đứng trước áp lực tự chủ, các bệnh viện sẽ thu hút bệnh nhân bằng những “chiêu thức” khác nhau, trong đó có chuyện lạm dụng kỹ thuật cao để “moi tiền” bệnh nhân. Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, dù giao quyền tự chủ tài chính, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết, kiểm soát chặt để bệnh viện không thể lạm quyền, bác sĩ không thể chạy theo lợi nhuận mà xem bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền. Từ thực tế trên cho thấy, việc tiến tới tự chủ hoàn toàn ở bệnh viện công còn rất nhiều việc phải làm và cũng không thể triển khai có hiệu quả ngay “một sớm, một chiều” (Hà Nội mới, trang 7).

 

Hai cụ bà 86 tuổi, cùng quê, ung thư đại tràng và cùng một bác sĩ phẫu thuật

Ngày 29-1, Bệnh viện K thông tin cho biết, bệnh viện vừa thực hiện phẫu thuật liên tiếp cho 2 ca bệnh trùng hợp khá đặc biệt, đó là 2 cụ bà cùng 86 tuổi, cùng quê, cùng mắc ung thư đại tràng, nhập viện với triệu chứng tương đồng nhau, nằm cùng một phòng... Cụ thể, 2 bệnh nhân vừa được phẫu thuật ung thư đại tràng tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nêu trên là bà Phạm Thị B. (86 tuổi) và bà Phùng Thị C. (86 tuổi). Hai cụ bà này không chỉ bằng tuổi mà còn là hàng xóm với nhau khi cùng trú tại phường Ngô Quyền, Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và sau khi phẫu thuật thành công cũng nằm điều trị ở cùng phòng. Bệnh nhân Phạm Thị B. nhập viện ngày 8-1 với tiền sử từng bị xơ vữa động mạch, nhập viện khi thấy tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn nửa năm kèm theo triệu chứng đau bụng, khó tiêu. Sau khi tiến hành chụp chiếu và làm những chỉ định xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng Sigma.

Bệnh nhân Phùng Thị C. nhập viện ngày 12-1 trong tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài hơn 1 tháng. Khai thác nhanh bệnh sử, người nhà bệnh nhân cho biết bà từng bị suy tim độ 1, hở van 2 lá mức độ vừa và bị rối loạn thông khí mức độ trung bình. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư đại tràng Sigma và trực tràng trung bình (ung thư 2 vị trí).

Ngày 15-1, bệnh nhân Phạm Thị B được phẫu thuật ung thư đại tràng, các bác sĩ đã xử trí cắt đoạn đại tràng Sigma và nạo vét hạch. Ca mổ do TS. Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại bụng I làm Trưởng kíp mổ. Sau mổ, bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi, điều trị.

3 ngày sau, vào sáng 18-1 bệnh nhân Phùng Thị C. cũng được TS. Phạm Văn Bình tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật hết sức thành công, bệnh nhân sau mổ phục hồi tốt. Các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, việc chỉ trong 3 ngày thực hiện phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân với nhiều sự trùng hợp hy hữu kể trên đã để lại dấu ấn đặc biệt với các y bác sĩ của bệnh viện này (An ninh thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang