Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/01/2018

  • |
T5g.org.vn - Bệnh nhân khám, chữa bệnh ở TP.HCM chiếm hơn 1/4 cả nước; Đã có thuốc Glivec cấp phát cho bệnh nhân ung thư; Thuốc giả vẫn là vấn nạn đau đầu; Tự chủ tài chính trong các bệnh viện công tại Hà Nội: Còn nhiều gian nan! Bài cuối: Không để người bệnh bị “tận thu”...

 

Bệnh nhân khám, chữa bệnh ở TP.HCM chiếm hơn 1/4 cả nước

Sở Y tế TP.HCM cho biết năm 2017 các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP đã tiếp nhận 41,9 triệu lượt khám, chữa bệnh (KCB) ngoại trú và 1,91 triệu lượt KCB nội trú (năm 2010 con số này là 24,2 triệu và 1,39 triệu lượt). Số lượt KCB ngoại trú năm 2017 tại TP chiếm hơn 25,8% tổng số lượt KCB của cả nước. Theo Sở Y tế TP, có 3 nguyên nhân chính khiến số lượt KCB tại TP.HCM tăng cao: các BV phát triển kỹ thuật chuyên sâu, chuẩn quốc tế đáp ứng mô hình bệnh tật và nhu cầu KCB của người dân; các BV đã cải tiến chất lượng KCB, phục vụ; liên thông KCB bảo hiểm y tế.

Ngành y tế TP đang đứng trước thách thức quá tải BV. Do vậy, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và đề nghị các BV ưu tiên đầu tư nguồn lực phát triển khoa khám bệnh; tăng cường phối hợp công - tư trong sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của các cơ sở y tế tư nhân chưa sử dụng hết công suất; đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các BV của thành phố và quận, huyện; triển khai hiệu quả BV vệ tinh của các BV thành phố tại các tỉnh, thành khu vực phía nam. (Thanh niên, trang 3).

Đã có thuốc Glivec cấp phát cho bệnh nhân ung thư

Ngày 30.1, Bệnh viện (BV) Truyền máu - huyết học TP.HCM cho biết sau gần 20 ngày gián đoạn, thuốc viện trợ Glivec trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy đã về đến BV và BV đã cấp phát cho bệnh nhân.

Trong khi đó, theo đại diện Khoa Dược BV Ung bướu và BV Chợ Rẫy, hiện thuốc này chưa về đến BV. Để có thuốc cấp cho bệnh nhân, 2 BV trên sẽ làm công văn mượn tạm thuốc từ BV Truyền máu - huyết học.

Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó thuốc Glivec viện trợ của Công ty Novartis Pharma Service AG (Thụy Sĩ) cung cấp cho bệnh nhân ung thư bị gián đoạn do vướng các quy định mới. Để tháo gỡ, ngày 12.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký quyết nghị về việc phê duyệt tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec do Công ty Novartis Pharma Service AG cung cấp.

Theo đó, Chính phủ đồng ý cho 4 BV được tiếp nhận thuốc viện trợ Glivec với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ (Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29.12.2010 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động xuất, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc).

Cụ thể, Chính phủ cho phép BV Huyết học - truyền máu T.Ư nhập 2.062 hộp (hộp 10 vỉ x 12 viên); BV Chợ Rẫy 1.888 hộp; BV Truyền máu - huyết học TP 4.804 hộp và BV Ung bướu TP 1.603 hộp... (Thanh niên, trang 3, Tuổi trẻ, trang 14, Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thuốc giả vẫn là vấn nạn đau đầu

Ngay khi bước vào năm 2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phải có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu rà soát, truy tìm nguồn gốc thuốc Lincomycin 500mg giả đang lưu hành trên thị trường. Đây là thuốc thuộc nhóm  trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng ở tai mũi họng, phế quản phổi, miệng, da, sinh dục, xương khớp...

Trung tâm kiểm nghiệm Gia Lai đã lấy mẫu thuốc Lincomycin 500mg kiểm tra và phát hiện thuốc mạo danh Công ty cổ phần Dược và vật tư y tế Thanh Hóa có SĐK VD-13906-11, số lô 175, HD 06.12.2019 là giả.

Vì thế, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh không được buôn bán, sử dụng thuốc mang tên viên nang Lincomycon 500mg có số đăng ký, số lô, hạn sử dụng như trên, đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh nguồn gốc của viên nang Lincomycon 500mg giả.

Trước đó, cuối năm 2017, Công an TP Hà Nội đã tiến hành một chuyên án đặc biệt triệt phá một đường dây buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả điều trị bệnh ung thư với giá 4-5 triệu đồng/hộp.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hằng năm, các hệ thống kiểm nghiệm vẫn lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Trong đó, năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219, năm 2017 đã lấy 36.362 mẫu và tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 1,5 - 2% và tỷ lệ thuốc giả là dưới 0,05%...

Theo Cục Quản lý Dược, trước khi đưa ra thị trường, các loại thuốc đều phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký, bao gồm nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng.

Nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.

Cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất/nhập khẩu và báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Nhưng để tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược tiến hành kiểm tra 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng tại Việt Nam. Năm 2014, phát hiện 70 lô thuốc, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô và năm 2017 không phát hiện lô thuốc nào kém chất lượng.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, để chống tình trạng thuốc giả, Cục này thường xuyên công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng và danh sách các cơ sở có thuốc vi phạm chất lượng để các doanh nghiệp và người dân biết:

Năm 2016 công bố 5 đợt; năm 2017, công bố 4 đợt với 51 công ty đang trong danh sách phải thực hiện. Với các trường hợp thuốc giả đã được phát hiện, Cục Quản lý Dược đã có văn bản thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc sản xuất, kinh doanh thuốc giả; đồng thời xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng.

Bộ Y tế cho biết đã ban hành các quy định mới về siết chặt việc sản xuất/ kinh doanh/ nhập khẩu thuốc nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người bệnh.

Đại diện Bộ Y tế cho hay, một nội dung trọng tâm trong năm 2018 là Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước đối với các cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc.

Việc nối mạng sẽ giúp cho việc quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc hiệu quả hơn, nhờ đó, quản lý được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả. 

Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ... (Công an nhân dân, trang 4).

 

Tự chủ tài chính trong các bệnh viện công tại Hà Nội: Còn nhiều gian nan! Bài cuối: Không để người bệnh bị “tận thu”

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song ngành Y tế Hà Nội vẫn hướng tới mục tiêu thực hiện tự chủ tài chính trong các bệnh viện công lập theo đúng kế hoạch. Vậy, làm thế nào để chủ trương này mang lại hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

- Xin ông cho biết việc triển khai chủ trương tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố trong năm nay?

- Đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố đã có 5 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, gồm Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Năm nay, thành phố tiếp tục giao cho 29 bệnh viện công lập triển khai tự chủ. Nếu hoàn thành đúng kế hoạch, đúng tiến độ sẽ có 34/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố thực hiện tự chủ tài chính. Chỉ còn lại 7 bệnh viện (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện 09, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức và Bệnh viện Phục hồi chức năng) không thực hiện tự chủ do đặc thù điều trị, chữa các bệnh xã hội như: Lao, tâm thần, HIV/AIDS... Thực tế cho thấy, khi thực hiện việc tự chủ, dù rất cố gắng nhưng nhiều bệnh viện gặp không ít khó khăn. Theo quy định, các bệnh viện phải tự chủ được 90% việc chi thường xuyên và nếu áp theo quy định này, hiện chỉ có 8 bệnh viện có thể thực hiện tốt việc tự chủ.
 Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất trong thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện công?

- Có 3 vấn đề khó khăn khi các bệnh viện công thực hiện việc tự chủ tài chính. Thứ nhất liên quan đến quyết toán bảo hiểm. Hiện cơ quan bảo hiểm quyết toán theo quý. Mỗi quý, bảo hiểm chỉ tạm ứng 80% tiền chi cho quý đó và phần vượt trần sẽ treo. Đến giờ, cơ quan bảo hiểm còn chưa quyết toán của năm 2016. Phía bảo hiểm không quyết toán kịp thời khiến các bệnh viện không bảo đảm đủ kinh phí để hoạt động, chi lương cho cán bộ, nhân viên. Thứ hai là vấn đề đấu thầu vật tư tiêu hao còn rất chậm. Nếu không đủ vật tư tiêu hao, các bệnh viện rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ. Thứ ba là vấn đề nguồn nhân lực. Chúng ta hiện vẫn thực hiện tuyển viên chức qua thi tuyển. Chính vì vậy, dù tự chủ tài chính, các bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước trong việc tuyển dụng nhân lực. Đối với bệnh viện tư nhân, họ sẵn sàng sa thải nhân viên nếu làm việc không tốt hoặc tự tuyển chọn nhân viên phù hợp, song với bệnh viện công lập lại không thể.

- Vậy phải làm cách nào để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện?

- Đối với vướng mắc về cơ chế, Sở Y tế đã có kế hoạch cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ các bệnh viện công từng bước tự chủ hoàn toàn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ thống nhất với Sở Tài chính, Sở Nội vụ Hà Nội tìm ra một cơ chế đặc thù để các bệnh viện thực hiện tự chủ một cách hiệu quả. Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát nguồn thu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, cân đối thu - chi.

Tôi xin khẳng định một lần nữa, việc giao tự chủ cho bệnh viện không có nghĩa là để các bệnh viện “tự bơi”, mà Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các bệnh viện phát triển phù hợp với cơ chế thị trường. Riêng với những bệnh viện tuyến dưới, những bệnh viện còn khó khăn về nguồn thu, chưa thể tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, Sở Y tế sẽ đề xuất với UBND thành phố cấp bù từ ngân sách cho phần chi thường xuyên thiếu hụt.

- Để có thể tự đứng vững, các bệnh viện phải đáp ứng được những yêu cầu gì, thưa ông?

- Theo tôi, phải bắt đầu từ nội tại của mỗi bệnh viện, cần tập trung kiện toàn nhân lực, trang thiết bị, phát triển chuyên môn, kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân để tạo được uy tín, thương hiệu cho mình, từ đó thu hút người dân đến khám, chữa bệnh. Việc tự chủ hoàn toàn tài chính sẽ mang đến lợi ích cho người bệnh. Bởi lẽ, khi các bệnh viện đã tham gia vào “sân chơi”, không tự mình thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh, đồng nghĩa với việc không có bệnh nhân thì không có nguồn thu.

- Khi bệnh viện vận hành theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”, bệnh nhân rất có thể trở thành đối tượng bị “tận thu”, ông nghĩ gì về điều này?

- Khi được giao quyền tự chủ về tài chính sẽ khó tránh trường hợp bệnh viện lấy chi phí từ dịch vụ bù đắp cho các hoạt động và xuất hiện tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện công không có nghĩa là bệnh viện muốn làm gì thì làm. Để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh cũng như sự hài hòa lợi ích của bệnh viện, trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của bệnh viện, thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện, trong đó bao gồm cả các “chiêu thức” thu hút bệnh nhân, việc tuân thủ các phác đồ điều trị, cạnh tranh với nhau... Nếu phát hiện sai phạm, lập tức có chế tài xử phạt nghiêm minh và công tâm để làm sao cùng với việc bệnh viện đòi hỏi người bệnh trả phí cao, người bệnh cũng có quyền yêu cầu ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông! (Hà Nội mới, trang 14).

 

Rét đậm, rét hại kéo dài: Các bệnh viện làm gì để giữ ấm cho người bệnh?

Ngày 30/1, theo ghi nhận của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, tại một số bệnh viện (BV) đã tăng cường các phương tiện chống rét như: Hệ thống điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm, các thiết bị giữ ấm... cho các bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú.

Tại BV Nhi TW, PGS.TS. Trần Minh Điển - Giám đốc BV cho biết, để phục vụ bệnh nhi, người nhà bệnh nhi đến khám chữa bệnh trong điều kiện trời rét, BV đã bố trí và hướng dẫn các khoa đảm bảo hệ thống cửa, bình phong tại hành lang Khoa Khám bệnh I; Khám bệnh II; Phòng khám 24h và Điều trị ban ngày; phòng khám tại khu Điều trị tự nguyện A, Tự nguyện S; Kiểm soát và hướng dẫn hệ thống cửa, nước nóng, nước uống nóng cho các khoa lâm sàng nhà 15 tầng; khu nhà Sơ sinh; khu Truyền nhiễm. Tăng cường hệ thống điều hòa ấm, sưởi điện tại các đơn vị Hồi sức cấp cứu; Hồi sức ngoại; Hồi sức tim mạch; Hồi sức Sơ sinh, đảm bảo cung cấp đủ ấm cho bệnh phòng.

Đồng thời, BV cũng thông báo và hướng dẫn người nhà đăng kí lưu trú tại nhà khách BV không nằm ở các khu vực hành lang, khu vực thoát hiểm các tòa nhà 15 tầng, 2 tầng phòng mổ.

Đối với Khoa Dược, BV yêu cầu đảm bảo cơ số thuốc cho các bệnh thường gặp mùa rét như: cúm, viêm hô hấp, tiêu chảy virut. Ngoài ra, BV cũng yêu cầu các khoa phòng đảm bảo các suất ăn đủ dinh dưỡng, phù hợp với mùa lạnh; xem xét phương tiện vận chuyển thức ăn cẩn thận, đảm bảo thức ăn nóng tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Tại BV Việt Đức, để đảm bảo cho người bệnh KCB trong điều kiện thời tiết giá rét hiện nay, BV đã yêu cầu các khoa phòng tăng cường sử dụng điều hòa nóng, đèn sưởi, quạt sưởi và cấp đầy đủ chăn cho người bệnh, tránh để người bệnh phàn nàn về việc bị rét khi điều trị tại bệnh viện.

Tại BV Bạch Mai, lãnh đạo BV cho biết, từ đầu mùa rét, BV đã ý thức được sẽ có những đợt rét hại, rét sâu nên đã chuẩn bị tốt công tác hậu cần, do đó, công tác chăm sóc bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi phòng nào cũng có điều hòa hai chiều, máy sưởi, hệ thống nước nóng đến từng phòng bệnh. Đặc biệt về dinh dưỡng, suất ăn cung cấp cho bệnh nhân được chuyển trên xe chuyên dụng để giữ ấm đồ ăn.

Tại Khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới TW) - nơi điều trị các bệnh nhân nặng, hệ thống điều hòa hai chiều, máy sưởi, chăn ấm... cũng được bổ sung để giữ ấm cho bệnh nhân. Các bác sĩ đặc biệt lưu ý thời tiết lạnh rất nguy cơ với bệnh nhân tăng huyết áp, người già. Cần phòng nguy cơ đột quỵ do trời lạnh bằng cách giữ ấm, ở trong phòng kín gió, kiểm soát tốt huyết áp để phòng nguy cơ đột quỵ

Tại BV K TW, BS. Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, để phục vụ các bệnh nhân đang điều trị nội trú cũng như bệnh nhân ngoại trú tại khu vực phòng khám, bệnh viện đã đề nghị các khoa, phòng rà soát cấp đủ chăn, duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân. Đặc biệt, các khoa đặc thù đã triển khai việc cung cấp suất ăn tận phòng bệnh phục vụ các bệnh nhân nặng, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân tạm thời chưa có người nhà chăm sóc…

Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết, trước đợt rét này, BV đã triển khai nhiều giải pháp chống rét cho người bệnh và tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân có nơi chống rét. Bên cạnh đó, BV cũng bảo đảm đủ cơ số thuốc, giường bệnh sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết lạnh.

Tại BVĐK huyện Bảo Thắng (Lào Cai), BSCKII Hà Duy Bình - Giám đốc BVcho biết, công tác phòng chống rét cho người bệnh đã được bệnh viện lên kế hoạch từ trước, 100% bệnh nhân được nằm đệm, chăn ấm và quạt sưởi, bệnh viện đã trang bị điều hòa hai chiều cho các khoa đặc biệt như Khoa hồi sức cấp cứu, Khoa sản, Khoa sơ sinh…

Tại BVĐK Si Ma Cai (Lào Cai), nhiệt độ ngoài trời hiện đang từ 5-6 độ và đang có chiều hướng giảm tiếp. Để giúp người bệnh phòng chống rét, bệnh viện đã trang bị điều hòa hai chiều cho các khoa đặc biệt, đồng thời các khoa phòng còn lại đều được trang bị quạt sưởi, chăn đệm đầy đủ cho người dân.

Trong những ngày thời tiết rét đậm, TS. Đồng Văn Thành - Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai khuyến cáo người bệnh nên giữ ấm, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp. Trời rét khiến các mạch máu co lại, nhiều trường hợp huyết áp tăng lên dù đang uống thuốc. Với những người chưa được kiểm soát huyết áp, trạng thái thời tiết này càng nguy hiểm hơn, huyết áp biến động lên xuống, dễ tai biến.

Dự báo trong những ngày tới, miền Bắc vẫn tiếp tục rét. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, khi đi ra ngoài đường trong thời tiết lạnh thì phải mặc đủ ấm, mặc áo nhiều lớp mỏng để giữ thân nhiệt ổn định, có thể dễ dàng cởi ra lúc nóng, thích hợp thời điểm thời tiết thay đổi. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân. Tránh đi ra ngoài vào ban đêm và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm; không nên dậy vào lúc 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng.

Những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính rất cần các hoạt động thể lực. Vì thế, dù trong thời tiết lạnh vẫn cố gắng duy trì tập đều đặn. Cần chú ý có giai đoạn khởi động hợp lý, đặc biệt là giai đoạn làm nóng cơ thể, sau đó bỏ bớt đồ và duy trì các bài tập thường xuyên. Những hôm trời mưa, rét đậm như mấy ngày vừa qua thì nên tập trong nhà, không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.
(Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Đảm bảo khám chữa bệnh, phòng dịch 24/24 giờ trong dịp Tết

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, dù người bệnh trái tuyến hay không, các bệnh viện (BV) không được từ chối hoặc chậm trễ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Đối với các trường hợp không đúng tuyến cần phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo các BV Trung ương, BV được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi có yêu cầu, chuẩn bị đủ số lượng máu, đảm bảo khả năng cao nhất để cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông. Ngoài việc trực 24/24 giờ và đảm bảo nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, phương tiện để kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các sở y tế, các BV có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

Đối với những bệnh nhân điều trị nội trú trong dịp Tết, các cơ sở y tế phải tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo.

Các BV, công ty dược phẩm tỉnh, thành phố phải xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Tổ chức các điểm bán thuốc chữa bệnh 24/24 giờ, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là cúm A/H7N9, Ebola, Mers-CoV, cúm A/H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, Rubella, tiêu chảy do virut Rota... Đặc biệt, đối với sở y tế các tỉnh, thành phải lập đội cơ động phòng, chống dịch tại trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh để sẵn sàng điều tra ổ dịch khi có yêu cầu; phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm tình hình dịch xảy ra trên địa bàn, chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Công tác an toàn thực phẩm trong những ngày Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng là một vấn đề “nóng” nên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

PGS.TS Lê Bạch Mai: Cứ 100 trẻ có 5 trẻ béo phì, nguy cơ mắc nhiều bệnh khi lớn

Các bác sĩ cho biết, béo phì ở lứa tuổi trẻ sẽ là những nguy cơ tiềm ẩn của nhiều loại bệnh tật không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành như các bệnh về đái tháo đường, bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư...

Chỉ lo con gầy, ít quan tâm đến chiều cao

PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có một thực tế là nhiều bố mẹ chỉ quan tâm đến cân nặng mà ít quan tâm đến chiều cao của con. Thừa cân, béo phì được tính theo chỉ số tương quan giữa cân nặng và chiều cao theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nếu nó lớn hơn +1 SD hoặc +1 Z-score (bảng chuẩn tương quan cân nặng với chiều cao) thì bị coi là thừa cân, và lớn hơn +2 SD thì được coi là béo phì. Vì vậy, PGS. Mai khuyên các bậc phụ huynh ngoài để ý cân nặng cần phải quan tâm đến chiều cao của trẻ nữa thì có thể biết được thể trạng của con mình và phát hiện sớm thừa cân, béo phì để có giải pháp phòng ngừa.

PGS. Mai cảnh báo, hiện nay, quá trình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng. Nhất là ở khu vực thành phố, và những nơi chuyển đổi từ xã, phường lên quận, do thay đổi lối sống sinh hoạt dễ làm cho trẻ bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ hiện nay đối với trẻ em dưới 5 tuổi là 4,8%, nghĩa là cứ 100 trẻ là có 5 trẻ bị thừa cân, béo phì. Độ tuổi thừa cân béo phì nhiều nhất là độ tuổi đi học. Ở độ tuổi này, các cháu bị thừa cân béo phì nhiều nhất, đặc biệt ở Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt ở TP.HCM, ở một số trường điểm, quận nội thành, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có thể xấp xỉ 30-40%.

Theo PGS. Mai, béo phì liên quan đến yếu tố gene chuyển hóa mỡ, nó không được kích hoạt một cách bình thường. Nếu cứ nghĩ do lý do di truyền thì hầu như chúng ta sẽ không làm gì cả. “Di truyền là điều chúng ta không thể thay đổi được. Điều quan trọng hơn là những yếu tố liên quan tới thừa cân, béo phì chúng ta có thể thay đổi được như chế độ ăn của trẻ, vận động, và dinh dưỡng thuở ấu thơ. Nhiều khi nhiều phụ huynh không để ý đến thời kỳ mang thai, cứ thích đẻ những em bé có cân nặng, trọng lượng sơ sinh càng to càng tốt, hoặc thậm chí để cho trẻ suy dinh dưỡng từ giai đoạn rất sớm. Đó là những yếu tố thuận lợi, yếu tố nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì ở giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời trẻ.

Nếu chúng ta để trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai thì rất có thể trẻ bị thừa cân béo phì ở giai đoạn tiểu học và thậm chí trưởng thành có thể bị một số bệnh mạn tính không lây khác kèm theo. Chúng ta cần quan tâm đến yếu tố nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động, can thiệp, đổi thay được, chúng ta sẽ đem lại tình trạng dinh dưỡng tốt nhất cho con mình”- PGS. Mai nói.

Có nên cắt giảm khẩu phần ăn khi con béo phì?

Nhiều cha mẹ do quá lo sợ cân nặng của con mà cắt giảm tối đa khẩu phần ăn của trẻ, điều này liệu có nên không? Về vấn đề này, PGS. Mai cho rằng, nếu trẻ quá thừa mỡ, thì cần phải cân đối dinh dưỡng. Nên hạn chế đồ ăn nhanh như KFC, trà sữa, đường chuyển hóa nhanh, những thực phẩm này thậm chí làm cho trẻ chưa thừa cân đã béo phì, tỷ lệ % mỡ cơ thể đã lớn. Đôi khi ăn thực phẩm nhanh làm tích mỡ nhiều, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như đề kháng kém, dễ ốm, như viêm phổi phế quản, do phế quản bị lấp bởi mỡ làm không khí đi vào kém đi.

Chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo việc kiểm soát bữa ăn của trẻ lành mạnh, khi vào hấp thu từ từ giúp trẻ có đường huyết ổn định, chứ không nên no dồn đói góp. Khi trẻ đói, trẻ có thể ăn đến 130% nhu cầu, khi ăn quá nhanh, gan chưa kịp chuyển hóa thành đường. Phải chuẩn bị rau cho các em để hấp thu từ từ. Và chú ý đến thời gian ăn, rất quan trọng. Trẻ thừa cân béo phì có khi ăn 5-10 phút đã hết cả bữa ăn, làm trẻ chưa thấy no.

Nên duy trì thời gian ăn 20-25 phút. Trình tự xếp đặt món ăn trong một bữa quan trọng, làm dạ dày trẻ lấp đầy. Uống một cốc nước giúp trẻ tiêu hóa, lấp đầy dạ dày, rồi ăn thức ăn kèm rau và cơm. Nên ăn cơm từ từ, không nên ăn quá nhanh. Bữa ăn phụ huynh phải chuẩn bị đa dạng thực phẩm, rau cần có nhiều màu, mới đáp ứng nhu cầu. Bữa ăn đa dạng tạo màu sắc khác nhau và bổ sung dinh dưỡng đa dạng bởi không thực phẩm nào tốt tất cả, để giúp bé có đủ vitamin để giúp cho tăng trưởng, phát triển khung xương.

Việc chia số bữa trong ngày rất quan trọng. Không nên để trẻ mất bữa. Trẻ bình thường ăn 3 bữa, thì thừa cân béo phì nên chia nhỏ bữa ăn, dàn ra thành 4-5 bữa giúp đường huyết trẻ ổn định. Chứ trẻ thèm ăn thì sẽ ăn vô tội vạ. Ăn quá nhanh gan không kịp chuyển hóa khiến trẻ không có cảm giác no, không duy trì đường huyết thì khiến trẻ khó vận động, tiếp thu bài không tốt ở trên lớp.

Khuyến khích trẻ vận động, làm việc nhà, tiếp xúc với thiên nhiên 60 phút 1 ngày để giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Khi trẻ tập luyện, nên cho trẻ ăn đạm để phát triển cơ thay vì cho ăn đồ ngọt, đồ ăn nhanh khiến trẻ càng tích mỡ và béo hơn. Bởi khi chuyển hóa chất đạm giúp trẻ phát triển cơ. Vì vậy phải kết hợp giữa chế độ ăn và tập luyện đúng cách, để giúp trẻ tiêu mỡ nhưng tăng phát triển cơ.

Đối với đứa trẻ, khi tập luyện, không nên đưa nước ngọt hay kẹo cho trẻ, bởi làm trẻ càng tăng mỡ, mà nên khích lệ trẻ. Trẻ béo phì bắt chạy quá sức có thể dẫn đến bệnh cơ xương khớp. Khi trẻ béo phì cần điều chỉnh chế độ ăn trước đã rồi sau đó mới tính đến tập luyện, bởi nhiều trẻ béo phì có nhịp tim không phù hợp, nếu vận động nặng thì không tốt. Khi trẻ tập luyện, cần có sự giải thích động viên, điều chỉnh phù hợp để kiểm soát cảm giác đói.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, trong quá trình điều trị, rất nhiều phụ huynh than thở rằng con mình trông to khỏe vậy nhưng rất hay ốm. Thực chất đúng là quan niệm chung của chúng ta là trẻ thừa cân thì khỏe mạnh, đề kháng tốt nhưng không phải như vậy những trẻ có cân nặng thừa thì các triệu chứng thường ẩn khiến chúng ta chủ quan nghĩ là trẻ khỏe mạnh.

Ví dụ, trong bệnh hô hấp những trẻ bị viêm tiểu phế quản mà béo phì thì nguy cơ nặng hơn những trẻ khác, những trẻ béo phì bị tiêu chảy thì các dấu hiệu mất nước bị phai mờ đi, ẩn vì vậy không tiên lượng được vì lượng mỡ quá dầy không nhận thấy dấu hiệu mất nước của trẻ cho nên bệnh nhân chủ quan, bố mẹ cũng chủ quan nhân viên y tế cũng chủ quan dẫn đến những hậu quả nặng nề. Béo phì hậu quả thì dài hơn chứ không phải trước mắt cấp tính. Những trẻ đó mắc bệnh mạn tính thì về lâu dài hậu quả nặng hơn cho cả xã hội. Cần có chiến lược cả song hành suy dinh dưỡng và béo phì vì sẽ có những hậu quả nặng nề về sau.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đối mặt với hai vấn nạn kép như trước đây mình đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nhưng nay đã phải đối mặt với tình trạng béo phì. Ở trẻ suy dinh dưỡng thì gánh nặng là nhiễm khuẩn còn béo phì thì gánh nặng bệnh tật nhất là các bệnh lý không lây nhiễm. Những bệnh lý này thường gặp ở trẻ đang còn ở bậc tiểu học. Tỷ lệ bệnh lý tim mạch, gan thận... gia tăng nhiều về sau này.
Nếu trẻ bị béo phì từ nhỏ mà không có những điều chỉnh phù hợp thì các bé sẽ trở thành người béo phì sau này và điều ghi nhận thấy chưa thấy rõ các bệnh lý tim mạch ở trẻ nhỏ, tiểu đường nhưng ở người lớn tỷ lệ tim mạch, tăng mỡ máu hay tiểu đường... gia tăng nhiều. Dấu hiệu béo phì ở trẻ thì cần phải theo dõi cân nặng, chiều cao là yếu tố chính xác ở trẻ. Trẻ béo phì thì sức phàm ăn sẽ lớn hơn so với trẻ khác, lúc nào trẻ cũng đói, thèm ăn. Thậm chí trẻ béo phì còn ăn vụng cả cơm nguội và ngay thức ăn mà chúng ta nghĩ là trẻ không thích. Trẻ béo phì thích ngồi một chỗ, ngại vận động, trẻ thích trò chơi tĩnh tại hơn việc chạy nhảy, ngại các trò vận động như đi bộ, nhìn kém hơn. Trẻ béo phì còn có sự ảnh hưởng đến tâm lý, ngại giao tiếp, đến trường, trẻ càng thu mình càng tập trung vào việc ăn uống.

Về việc có nên dùng thuốc giảm cân cho trẻ béo phì hay không, các bác sĩ cho rằng, điều trị thừa cân, béo phì với trẻ thì thứ nhất phải là dinh dưỡng; thứ hai là tập luyện; thứ ba là bệnh béo phì liên quan đến dinh dưỡng nhưng cũng có một số bệnh lý rối loạn nội tiết chuyển hóa. Bố mẹ cần tư vấn của bác sĩ để loại bỏ bệnh lý, điều trị thừa cân béo phì cho trẻ. Nếu dùng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ, không tuỳ tiện sử dụng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang