Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Từ 1.1.2018 tiêm chủng bắt buộc đối với 10 bệnh truyền nhiễm; Phòng ngừa chứng liệt mặt do thời tiết trở lạnh đột ngột; Nhìn lại năm 2017: Kiên trì các giải pháp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; …

 

Từ 1.1.2018 tiêm chủng bắt buộc đối với 10 bệnh truyền nhiễm

Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 38/2017/TT-BYT quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, có hiệu lực từ 1.1.2018. Theo thông tư, bệnh truyền nhiễm và vắc xin tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae thể B, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella.

Trong đó, có 2 vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm 1 lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh).

Theo danh mục tại Thông tư 38, vắc xin tả không còn trong danh mục tiêm chủng bắt buộc với trẻ nhỏ. (Thanh niên, trang 2).

 

Tốt 1, hại 10 khi bồi bổ cho trẻ bằng cao khỉ

 Với hy vọng có thể giúp trẻ cải thiện thể trạng, béo tốt hồng hào, nhiều mẹ truyền tai nhau kinh nghiệm cho trẻ ăn cao khỉ hàng ngày mà không biết rằng - đây là việc làm hại nhiều hơn lợi. 

Cao khỉ = hết biếng ăn, thể trạng tốt?

Dù đã lên 3 tuổi nhưng bé Nam Anh nhà chị Nguyễn Thị Hằng (Đống Đa, Hà Nội) vẫn còi, nhẹ cân. So với bạn bè cùng trang lứa, chiều cao của bé thấp hơn cả một cái đầu. “Cháu nó chẳng chịu ăn uống gì cả nên mới gầy bé như vậy, chứ vợ chồng tôi đều cao ráo cả. Mà có phải bố mẹ không chịu chăm đâu, cũng thuốc men đủ cả nhưng chẳng ăn thua. Uống thuốc thì chỉ có tác dụng lúc đấy thôi, hết thuốc là biếng ăn trở lại”, chị Hằng cho biết.

Trong một lần tình cờ, “lang thang” trên các diễn đàn mạng, chị vô tình đọc được chia sẻ của một mẹ cũng có con chậm lớn như Nam Anh. Theo chị này, trước đây, con chị cũng thuộc dạng biếng ăn, thế nhưng, từ ngày cho dùng cao khỉ thì mọi sự đã khác. Bé đó ăn ngon miệng hơn, bữa cơm đỡ phải hò hét mà quan trọng hơn là nhờ đó mà khỏe mạnh, cao lớn.

Tham khảo thêm ý kiến của mẹ đẻ, chị Hằng được biết, ở quê chị hiện nay cũng có nhiều người cho con ăn cao khỉ để kích thích ăn uống, tăng cường thể lực. Vậy là, chị Hằng cũng nhờ đặt cho 1 lạng cao khỉ cho bé ăn. Cũng đã gần một tháng rồi nhưng về cơ bản là vẫn chưa thấy chuyển biến tích cực nào. “Nghe mẹ tôi nói, cao khỉ là thuốc Đông y nên tác dụng của nó phải từ từ chứ không hiệu quả ngay lập tức như Tây y được nên cả gia đình vẫn đang cố gắng kiên trì”, chị Hằng cho biết.

Thực tế, trên nhiều diễn đàn, bên cạnh những bài thuốc Tây y, các mẹ còn truyền tai nhau cách bồi bổ thể trạng cho trẻ bằng Đông y, trong đó có cao khỉ. Theo đó, chỉ cần lấy một chút cao khỉ, khoảng bằng đầu đũa, đem hấp với mật ong ăn mỗi ngày 2 lần, sau một thời gian trẻ sẽ hết biếng ăn, thể trạng sẽ được cải thiện, hồng hào, béo tốt hơn. Nếu không muốn hấp với mật ong, có thể cho trẻ ngậm trực tiếp trong miệng cho đến khi tan. 

Lợi bất, cập hại

Đó là nhận định của lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khi nhắc đến tác dụng của cao khỉ với trẻ nhỏ. Theo lương y Bùi Hồng Minh, cao khỉ có 2 loại: một là cao toàn tính (nấu bằng toàn bộ con khỉ, trừ lục phủ, ngũ tạng) và hai là cao xương khỉ (chỉ nấu bằng xương). Về cơ bản, hai loại cao này có tác dụng tương đối giống nhau. 

Cao khỉ có vị hơi chua, tính bình, từ xa xưa đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho những người phụ nữ kém ăn, kém ngủ, thiếu máu, xanh xao. Tuy nhiên, đây chỉ là những tác dụng ghi nhận ở nữ giới và hiện giờ không có tài liệu nào nói rằng nó có tác dụng đối với trẻ nhỏ.

Bàn về các loại cao nói chung và cao khỉ nói riêng, lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh: đối với những thể trạng đang trong quá trình phát triển như trẻ nhỏ, tốt nhất là không nên dùng cao, bởi lẽ, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, nhiều trường hợp không thể tiêu hóa hết những chất dinh dưỡng có trong đó. Mà nếu không tiêu hóa hết, nó sẽ sinh táo bón, nóng trong, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Đặc biệt, nếu sử dụng cao thường xuyên, một số cơ quan chức năng của trẻ sẽ “lười” sản xuất ra các kháng thể bảo vệ cơ thể (do các kháng thể này đã được cao cung cấp), không tốt cho sự phát triển. Hơn nữa, dù là vị thuốc được đánh giá là khá lành tính, thế nhưng, cao khỉ vẫn có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, ngay cả trên thể trạng của người đã trưởng thành. 

Ngoài các lý do trên, lương y Bùi Hồng Minh cũng nhấn mạnh hiện nay, tình trạng sản xuất cao ở nước ta khá bát nháo do không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Hầu hết, các cơ sở bán cao đều nói cao của mình 100% nguyên chất, thế nhưng, thực sự thì có rất nhiều cao bị làm giả, bị trộn các hợp chất khác vào để gia tăng lợi nhuận. Nếu không may mua nhầm loại cao này cho trẻ, nguy hại còn tăng gấp nhiều lần.

Cũng chính vì những lý do trên, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng các mẹ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định bồi bổ cơ thể cho trẻ bằng cao khỉ, nhất là khi giá của một lạng cao khỉ khá cao, từ vài trăm đến cả triệu đồng/lạng. Trong khi đó, với số tiền này, chúng ta hoàn toàn có thể tẩm bổ cho trẻ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng lành tính khác.

Tham khảo thêm ý kiến của mẹ đẻ, chị Hằng được biết, ở quê chị hiện nay cũng có nhiều người cho con ăn cao khỉ để kích thích ăn uống, tăng cường thể lực. Vậy là, chị Hằng cũng nhờ đặt cho 1 lạng cao khỉ cho bé ăn. Cũng đã gần một tháng rồi nhưng về cơ bản là vẫn chưa thấy chuyển biến tích cực nào. “Nghe mẹ tôi nói, cao khỉ là thuốc Đông y nên tác dụng của nó phải từ từ chứ không hiệu quả ngay lập tức như Tây y được nên cả gia đình vẫn đang cố gắng kiên trì”, chị Hằng cho biết.

Thực tế, trên nhiều diễn đàn, bên cạnh những bài thuốc Tây y, các mẹ còn truyền tai nhau cách bồi bổ thể trạng cho trẻ bằng Đông y, trong đó có cao khỉ. Theo đó, chỉ cần lấy một chút cao khỉ, khoảng bằng đầu đũa, đem hấp với mật ong ăn mỗi ngày 2 lần, sau một thời gian trẻ sẽ hết biếng ăn, thể trạng sẽ được cải thiện, hồng hào, béo tốt hơn. Nếu không muốn hấp với mật ong, có thể cho trẻ ngậm trực tiếp trong miệng cho đến khi tan. 

Lợi bất, cập hại

Đó là nhận định của lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình khi nhắc đến tác dụng của cao khỉ với trẻ nhỏ. Theo lương y Bùi Hồng Minh, cao khỉ có 2 loại: một là cao toàn tính (nấu bằng toàn bộ con khỉ, trừ lục phủ, ngũ tạng) và hai là cao xương khỉ (chỉ nấu bằng xương). Về cơ bản, hai loại cao này có tác dụng tương đối giống nhau. 

Cao khỉ có vị hơi chua, tính bình, từ xa xưa đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe cho những người phụ nữ kém ăn, kém ngủ, thiếu máu, xanh xao. Tuy nhiên, đây chỉ là những tác dụng ghi nhận ở nữ giới và hiện giờ không có tài liệu nào nói rằng nó có tác dụng đối với trẻ nhỏ.

Bàn về các loại cao nói chung và cao khỉ nói riêng, lương y Bùi Hồng Minh nhấn mạnh: đối với những thể trạng đang trong quá trình phát triển như trẻ nhỏ, tốt nhất là không nên dùng cao, bởi lẽ, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, nhiều trường hợp không thể tiêu hóa hết những chất dinh dưỡng có trong đó. Mà nếu không tiêu hóa hết, nó sẽ sinh táo bón, nóng trong, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Đặc biệt, nếu sử dụng cao thường xuyên, một số cơ quan chức năng của trẻ sẽ “lười” sản xuất ra các kháng thể bảo vệ cơ thể (do các kháng thể này đã được cao cung cấp), không tốt cho sự phát triển. Hơn nữa, dù là vị thuốc được đánh giá là khá lành tính, thế nhưng, cao khỉ vẫn có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn, ngay cả trên thể trạng của người đã trưởng thành. 

Ngoài các lý do trên, lương y Bùi Hồng Minh cũng nhấn mạnh hiện nay, tình trạng sản xuất cao ở nước ta khá bát nháo do không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Hầu hết, các cơ sở bán cao đều nói cao của mình 100% nguyên chất, thế nhưng, thực sự thì có rất nhiều cao bị làm giả, bị trộn các hợp chất khác vào để gia tăng lợi nhuận. Nếu không may mua nhầm loại cao này cho trẻ, nguy hại còn tăng gấp nhiều lần.

Cũng chính vì những lý do trên, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng các mẹ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định bồi bổ cơ thể cho trẻ bằng cao khỉ, nhất là khi giá của một lạng cao khỉ khá cao, từ vài trăm đến cả triệu đồng/lạng. Trong khi đó, với số tiền này, chúng ta hoàn toàn có thể tẩm bổ cho trẻ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng lành tính khác.

Phân tích của Xí nghiệp Dược phẩm 1 cho thấy trong 100g cao khỉ có 16,86% nitơ toàn phần, 0,85% axit amin, 1,88% tro, 0,56% clo, 4 phần triệu asen, 0,02% canxi và 0,03% photpho. Trong khi đó, trong 100g trứng gà nấu chín chứa 1,12g cacbonhydrat, 10,6g chất béo, 12,6g protein, 0,66mg vitamin B1, 0,5g vitamin B2, 50mg canxi, 1,2mg sắt, 172mg phốt pho, 126mg kali, 1mg kẽm và 424mg cholesterol. Với thành phần dinh dưỡng như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn trứng gà để bồi bổ cho trẻ, nhất là khi giá cả của nó lại rẻ hơn rất nhiều. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Phòng ngừa chứng liệt mặt do thời tiết trở lạnh đột ngột

Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh, gần đây, nhiều bệnh nhân ở Hà Nội phải nhập viện do bị méo mồm, liệt mặt vì liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả những bệnh nhân trẻ tuổi. Làm thế nào để phòng chống căn bệnh dễ phát tác vào mùa đông này?

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh mà người dân hay gọi nôm na là trúng gió. Bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng trên 75% trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7. Về cơ chế gây bệnh, lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh Trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.

Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số 7 ngoại biên rất dễ nhận biết bệnh như: mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng bị méo sang một bên, một bên mắt không thể nhắm kín, uống nước bị trào lại ra ngoài. Ngoài ra, một số trường hợp ban ngày bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cử động, khó cười nói, khó nhắm mắt, đau trong tai, nhức đầu, mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn…

Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, đặc biệt những người đi tập thể dục trong mùa đông quá sớm hoặc đi sớm về khuya nhưng không bảo vệ sức khỏe khi đi ra ngoài trời lạnh. Chuyên gia cảnh báo, tuy là bệnh lành tính, nhưng liệt dây thần kinh số 7 cũng để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời, biến chứng nặng nề nhất đó chính là loét giác mạc, thậm chí là dẫn đến mù mắt.

Hiện nay, nếu điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng phương pháp y học cổ truyền ngay trong tuần đầu tiên phát hiện, bệnh có thể khỏi trên 90%. Trường hợp đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 3 đến 4 tháng thì có thể để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi. Để phòng bệnh, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

Vào mùa lạnh, khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài. Khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, giữ ấm vùng trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh. Nên tắm nước ấm, trong phòng kín, tắm nhanh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.

Một lưu ý khác, trong mùa lạnh không nên cho trẻ ngồi trước xe máy khi đi ra đường bởi dù trẻ được mặc ấm nhưng gió lạnh vẫn tạt vào mặt, rất dễ gây liệt mặt. Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não… (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Nhìn lại năm 2017: Kiên trì các giải pháp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

Theo kết quả điều tra độc lập, chỉ số hài lòng của người dân về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã đạt 87%, vượt mức 80% mà Chính phủ đề ra đến năm 2020. Kết quả này phần nào phản ánh những nỗ lực và các giải pháp mà ngành y tế đã, đang triển khai.

Đưa dịch vụ chất lượng cao về cơ sở

Xác định y tế cơ sở là nền tảng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ, ngành y tế đang có nhiều chính sách ưu tiên cho y tế cơ sở, bảo đảm hoạt động hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và chất lượng ngay tại nơi sinh sống, tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Nhiều dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp được triển khai giúp các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện… có cơ sở khang trang, đủ các thiết bị thiết yếu.

Công tác đào tạo cán bộ cũng được triển khai bằng nhiều hình thức: Đào tạo tại chỗ; đào tạo liên tục; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Đề án 1816); triển khai mô hình lấy bệnh viện tuyến dưới là vệ tinh cho tuyến trên… Nhờ đó, hàng chục nghìn cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức mới, góp phần nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở.

Sau ba năm triển khai, năm 2017, khóa bác sĩ trẻ đầu tiên của dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Dự án 585) chính thức tốt nghiệp, về công tác tại các huyện nghèo. Trước khi về công tác tại khu vực khó khăn, các bác sĩ này được đào tạo chuyên khoa cấp 1 (theo chương trình riêng, chú trọng đào tạo kiến thức lâm sàng); được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về làm việc tại các bệnh viện (nơi các bác sĩ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn). Khảo sát thực trạng nguồn nhân lực, nhu cầu bác sĩ, nhu cầu đào tạo theo từng chuyên khoa kết hợp khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình bệnh tật cho thấy tại 62 huyện nghèo còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Hiện nhiều khóa bác sĩ chuyên khoa cấp 1 của dự án đang được tổ chức tại các trường đại học: Y Hà Nội, Y Hải Phòng, Y Dược Huế. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có từ 300 đến 500 bác sĩ trẻ được đưa về công tác tại các địa bàn khó khăn. Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở địa phương còn khó khăn.

Nếu như trước đây, các kỹ thuật cao như phẫu thuật tim mạch, chấn thương sọ não, nội soi can thiệp chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương thì đến nay không còn xa lạ với bệnh viện tuyến quận, huyện. Người dân được thăm khám, điều trị ngay tại địa phương, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Ðích đến là sự hài lòng

Cùng với việc cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Đến nay đánh giá của người bệnh về chất lượng dịch vụ y tế, tinh thần, thái độ phục vụ của viên chức ngành y tế đã thay đổi theo chiều hướng tích cực qua từng năm. Kết quả kiểm tra độc lập khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại 29 bệnh viện đại diện cho ba miền bắc - trung – nam, 89,9% số người được hỏi cảm thấy hài lòng trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Trong buổi làm việc với Bộ Y tế, đoàn công tác của ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng đã đánh giá cao chỉ số hài lòng của người dân về các hoạt động của ngành y tế, trong đó có các dịch vụ công. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về dịch vụ khám, chữa bệnh đạt hơn 87%, vượt mức 80% mà Chính phủ đề ra đến năm 2020.

Bộ Y tế đang phối hợp Tổng Hội y học Việt Nam triển khai đo lường, đánh giá sự hài lòng của người bệnh về: Phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp; chất lượng bệnh viện năm 2017 tại bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh của 63 tỉnh, thành phố, tất cả các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện của các học viện, nhà trường trực thuộc Bộ Y tế. Đây là hoạt động được triển khai trên quy mô toàn quốc, để đo sự hài lòng của người bệnh theo nội dung quy định về cải cách hành chính của Chính phủ; đánh giá kết quả, đồng thời tìm ra giải pháp xử lý những vướng mắc, hạn chế sau một thời gian triển khai các kế hoạch đã đề ra. Song song với quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện, Bộ Y tế cũng giao các đơn vị tổ chức đoàn đánh giá độc lập để rà soát lại cách làm và kết quả tại từng bệnh viện, đồng thời là kênh tiếp nhận thông tin phản hồi của người bệnh.

Theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, đến nay lãnh đạo, nhân viên y tế đã được quán triệt về sự cần thiết phải đổi mới trong quan điểm, tư duy về người bệnh trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày, nhất là trong quản lý chất lượng phục vụ người bệnh. Đặt người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị, coi sự an toàn của người bệnh là số một, quản lý và cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính sống còn của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bài học từ các sự cố y khoa

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn những vấn đề cần khắc phục. Năm 2017, hai sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (làm tám người chết, 10 người phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị) và Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh (làm bốn trẻ sơ sinh chết). Nguyên nhân của các sự cố rất nghiêm trọng nêu trên đã được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng hệ lụy là uy tín của ngành y tế cũng như người thầy thuốc đều giảm sút. Đây là bài học cho toàn ngành y tế.

Các thống kê cho thấy, có tới 70% số vụ tai biến y khoa là do lỗi hệ thống. Tình trạng này có thể giảm được một nửa nếu áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn về an toàn người bệnh. Để giảm được lỗi hệ thống, cần đặt ra các vấn đề một cách tổng thể từ đó đưa ra các giải pháp cải thiện gồm: Quản lý, quy trình khám điều trị, quản lý chất lượng thuốc, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị, hóa chất, môi trường làm việc và tập huấn chuyên môn. Trong đó, xác định hiệu quả điều trị là quan trọng nhất và cần được coi là nguyên tắc bao trùm toàn bộ chứ không chỉ là một khẩu hiệu. Để giảm lỗi hệ thống cần công khai và minh bạch các sự cố y khoa theo quy định. Việc công bố những sai sót y khoa là nghĩa vụ và đạo đức của thầy thuốc và nhân viên y tế. Đó cũng là cơ sở để rút kinh nghiệm, chỉnh sửa lỗi hệ thống trong khám và điều trị nhằm bảo đảm an toàn người bệnh và giúp người thầy thuốc tránh được các sự cố y khoa sau này.

Theo một số chuyên gia của Tổng hội Y học Việt Nam, các lỗi từ cá nhân của người thầy thuốc có liên quan chặt chẽ đến năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng trong công việc. Nghề nghiệp nào cũng cần sự cẩn trọng. Trong nghề y, sự cẩn trọng được coi là tối quan trọng, bởi lẽ nghề y liên quan chặt chẽ trực tiếp đến sức khỏe và sự sống của con người. Tuân thủ các quy định, quy tắc, hướng dẫn là điều kiện tiên quyết trong bất cứ phương pháp điều trị nào, từ ghi đơn, tiêm thuốc, làm các thủ thuật hay sử dụng máy móc, trang thiết bị. Sự tắc trách hay bỏ bớt, làm tắt các quy trình có thể thoát nạn ở một vài trường hợp nhưng nếu sự cố vì thế mà xảy ra thì sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng không có cơ hội sửa chữa.

Con số hơn 181 nghìn người mắc sốt xuất huyết trong năm 2017, trong đó có 30 người chết là vấn đề đáng quan tâm. Quan tâm không chỉ số người mắc tăng cao hơn 20% so với năm trước, mà những tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhất cả nước đều là những địa phương ít ai nghĩ đến: Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Trong đó, Hà Nội với đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người lại là tâm điểm của dịch. Từ đó rút ra rất nhiều bài học từ vai trò của cơ quan chuyên môn đến sự vào cuộc của các ngành liên quan và cả ý thức của người dân. (Nhân dân, trang 5).

Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng

Cuối năm là thời điểm hàng hóa đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, vì vậy, số lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng sẽ nhiều hơn. Để ngăn ngừa mối họa trên, mỗi người tiêu dùng nên hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng trong sử dụng thực phẩm.

Làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo vệ sinh, an toàn thực phẩm TP Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền xung quanh vấn đề này.

Thách thức vẫn không nhỏ

- Xin ông cho biết “bức tranh” chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của thành phố năm 2017 có gì mới?

- Trong năm 2017, toàn thành phố đã lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản, nhận thức của những người tham gia công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đã thay đổi rõ rệt, họ chủ động hoàn thành các thủ tục pháp lý như: Hồ sơ, các loại giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm, hợp đồng nguyên liệu đầu vào, tổ chức tập huấn, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, bảo đảm vệ sinh nhà xưởng, chế biến... Đây là những chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, trong tổng số gần 111.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra vẫn phát hiện và xử lý vi phạm 22.562 cơ sở, phạt 7.213 cơ sở với tổng số tiền khoảng 37,5 tỷ đồng; đồng thời cơ quan chức năng cũng tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.

- Tết Dương lịch đã đến, Tết Nguyên đán cận kề khiến nỗi lo của người tiêu dùng về thực phẩm “bẩn” càng tăng lên. Qua thực tế kiểm tra, điều lo ngại nhất của ông về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay là gì?

- Nhiều năm qua, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” và luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Tuy nhiên, có thực tế, dù công tác quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song việc kiểm soát tình hình thực phẩm trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn. Thậm chí, khó loại trừ được hết các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn, nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng. Theo tôi, có 2 mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, đó là nhiễm khuẩn từ nguồn (trong quá trình sản xuất, nuôi trồng) do sử dụng thuốc trừ sâu không đúng, lạm dụng chất cấm, phụ gia công nghiệp và nhiễm vi sinh, ô nhiễm trong quá trình phân phối, chế biến, sử dụng...

- Hai mối nguy đó tồn tại là nhiều người chạy theo sức cám dỗ của lợi nhuận hay còn do khâu quản lý còn hạn chế?

- Theo tôi có cả hai mặt. Chỉ vì lợi nhuận, nên người nông dân đã lạm dụng thuốc trừ sâu; người chăn nuôi và thương lái sử dụng chất cấm; người chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia công nghiệp. Trong khi đó, phòng kiểm nghiệm chưa đáp ứng việc phân tích một số chỉ tiêu hóa - lý, chất cấm, chất tồn dư có nguy cơ cao trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách về vệ sinh, an toàn thực phẩm các tuyến còn thiếu, trình độ năng lực hạn chế. Do đó, để quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả, cần xác định đúng tận “gốc” vấn đề và tập trung giải quyết.

- Ông có cho rằng, hạn chế lớn nhất trong quản lý an toàn thực phẩm là việc xử phạt chưa nghiêm, thiếu tính răn đe?

- Thành phố luôn chỉ đạo và yêu cầu phải xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, không để “nhờn” luật, không để sai phạm lặp đi lặp lại. Có nhiều biện pháp được đưa ra như phạt tiền, đình chỉ sản xuất đến khi khắc phục xong vi phạm... Tuy nhiên, qua kiểm tra, có nơi chủ tịch UBND xã, phường còn chưa thực sự sâu sát thực hiện chỉ đạo của thành phố trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo quan điểm của tôi, phải xử phạt nghiêm minh, không bao che. Sau khi xử phạt cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Rõ trách nhiệm từng đơn vị

- Theo ông, trước mắt cần có những giải pháp nào để hạn chế thực phẩm “bẩn” làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là trong dịp Tết năm nay?

- Dịp Tết, lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng tăng cao, nguy cơ thực phẩm mất an toàn từ các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui”, hoặc những cơ sở ý thức chấp hành pháp luật không cao đưa ra thị trường là rất lớn. Các mặt hàng như mứt, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, giò chả… thường đưa ra thị trường vào những ngày cận Tết. Hiện tại, công tác quản lý an toàn thực phẩm tập trung vào cơ sở sản xuất và kinh doanh bằng các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, xử phạt… Những việc làm này được thực hiện trên diện rộng, “nhiều ngõ ngách”, tầng nấc, tiêu chí, yêu cầu khác nhau. Và càng làm chặt chẽ, thường xuyên và liên tục thì hiệu quả kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm càng cao. Muốn làm tốt điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành phải phối hợp tích cực hơn nữa. Mặt khác, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm cần phân rõ và cụ thể hơn để thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan.

- Vậy, trong những ngày nghỉ Tết và dịp lễ hội Xuân 2018, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Trong những ngày nghỉ Tết, các đơn vị đều bố trí trực đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan đến vi phạm về an toàn thực phẩm, đặc biệt các thông tin về ngộ độc thực phẩm (nếu có). Nếu không may xảy ra ngộ độc thực phẩm thì việc đầu tiên là phải tổ chức cấp cứu nạn nhân kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả ảnh hưởng về sức khỏe.

Do tính chất thời vụ nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tham quan lễ hội còn mang tính tạm bợ, thời vụ. Chính vì vậy, kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với lễ hội cũng là một trong những nội dung rất quan trọng. Trong thời gian từ nay cho đến hết ngày 2-4-2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận, huyện, xã, phường thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phân cấp quản lý.

- Trong năm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp), khiến 37 người mắc và 10 trường hợp tử vong. Vào dịp cuối năm, rượu là một trong những mặt hàng được tiêu thụ nhiều, vậy việc kiểm soát được tiến hành ra sao?

- Trước tình trạng các vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Sở Y tế Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…). Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công. Trong quá trình kiểm tra sẽ tập trung phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn.

- Ông có lời khuyên gì dành cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết này?

- Người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, chú ý ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Để có một cái Tết an toàn, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng thì trước hết, người dân nên mua hàng hóa có nhãn mác đầy đủ. Tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Riêng đối với các mặt hàng bánh, mứt nên chọn những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tránh mua những sản phẩm có màu sắc lòe loẹt.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình, tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm bảo quản trước khi ăn.

Trong dịp Tết Nguyên đán được nghỉ dài ngày, người dân cần sử dụng thực phẩm ở mức vừa phải, nhất là với các sản phẩm giàu đạm, không nên sử dụng thái quá dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thống kê ở các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu, bia trong dịp Tết tăng rất cao. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông trong lúc vui Xuân, đón Tết. Hãy là người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Hà Nội mới, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang