Hơn 5.200 cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong số 13.000 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, trong đó, có nhiều BV tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Như vậy, còn 40% (tức là khoảng 5.200 cơ sở y tế) vẫn xả nước thải chưa được xử lý ra ngoài môi trường, là nguồn lây nhiễm bệnh tật, là vấn đề hết sức cấp bách cần được giải quyết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả xử lý nước thải y tế chưa đạt mục tiêu Đề án, do thiếu kinh phí đầu tư. Hiện còn khoảng 400 BV cần đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải y tế. Các BV đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế thì công tác vận hành, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí vận hành và thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để quản lý, vận hành công trình xử lý nước thải y tế, dẫn đến hiệu quả xử lý nước thải y tế không ổn định và tuổi thọ công trình không cao. Được biết, chi phí đầu tư trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/100m3. Phần lớn BV tuyến tỉnh, huyện, BV chuyên khoa đều do ngân sách nhà nước cấp kinh phí, nên nếu không có quy định cụ thể về nguồn vốn và cơ chế chi trả cho hoạt động xử lý nước thải y tế sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong bối cảnh này, Chính phủ đã chủ trương tăng cường xã hội hóa trong xử lý nước thải y tế. Cho phép Bộ Y tế xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế để bảo đảm đạt mục tiêu về xử lý chất thải y tế, đồng thơi, huy động các thành phần xã hội tham gia vào xử lý nước thải y tế, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.(Công an Nhân dân, trang 7; Thanh niên, trang 2; Nhân dân, trang 5; An ninh Thủ đô, trang 6; Hà Nội mới, trang 1)
Nhi khoa Việt Nam ứng dụng nhiều kỹ thuật cao
Ngày 30 và 31/3/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Nhi khoa Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây là hội nghị lần thứ 6 được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới và trao đổi kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhi. Hội nghị Nhi khoa Việt Nam – Hoa Kỳ lần này chủ yếu tập trung trao đổi thông tin về các vấn đề như: Cấp cứu nhi khoa, Can thiệp tim mạch, Nhiễm khuẩn sơ sinh và Nhiễm nấm, Tim mạch sơ sinh, Tiêu hóa và sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc, Rối loạn đông máu và điều trị hạ huyết áp do quá liều, Viêm tiểu phế quản, Phương pháp tiếp cận xử trí dị tật chân và Dinh dưỡng nhi…(Tiền phong, trang 6)
Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu
Từ ngày 29 đến 30-3, Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu về an toàn người bệnh lần thứ 2 diễn ra tại thành phố Bon của CHLB Đức, với sự tham dự của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hiệp châu Âu (EU), cùng Bộ trưởng Y tế của 44 quốc gia. GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm rằng, an toàn người bệnh cần được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu và mỗi quốc gia. Việt Nam khẳng định ủng hộ mạnh mẽ quan điểm nêu trên và sẽ đưa vào các chương trình công tác của Bộ Y tế Việt Nam. (Nhân dân, trang 5)
Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát tại Cần Thơ
Ngày 30-3, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết: Tính từ đầu năm nay đến cuối tháng 3, TP đã xảy ra 242 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với cùng kỳ. Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP vẫn đang diễn ra phức tạp và có khả năng bùng phát thành dịch, nguyên nhân thời tiết bất thường…(Lao động, trang 3)
Bộ Y tế đề nghị có quy định quản lý rượu thủ công
Bộ Y tế có công văn số 1086/BYT-PC gửi Văn phòng Chính phủ góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu. Theo đó, Bộ Y tế đưa ra đề nghị cần quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị có quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (bán cho doanh nghiệp để sản xuất lại) và rượu thủ công mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình. Mặt khác, cần quy định cụ thể về quản lý chất lượng rượu, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.(Lao động, trang 3)
Quỹ Bảo hiểm y tế bội chi 6.501 tỷ đồng
Ngày 30-3, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2016, Quỹ Bảo hiểm y tế bội chi 6.501 tỷ đồng. Ước tính, Quỹ vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Năm 2018, nguồn kết dư khám chữa bệnh BHYT sẽ hết. Vì vậy, BHXH Việt Nam đang kiến nghị liên Bộ Y tế - Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHYT…(Hà Nội mới, trang 5)
BV Việt Đức triển khai hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á
Chiều 29/3, BV Hữu nghị Việt Đức đã đưa vào hoạt động hệ thống máy xét nghiệm tự động Hematoxylin và Eosin (H&E). Đây là hệ thống máy hiện đại nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Hệ thống xét nghiệm này phục vụ cho chẩn đoán mô bệnh học và định hướng chỉ định xét nghiệm chuyên sâu, nhuộm đặc biệt chẩn đoán sinh thiết sau ghép thận, ghép gan, chẩn đoán và tiên lượng điều trị ung bướu…(Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Đưa máu hiếm vượt 500km cứu sống bệnh nhân người Ukraine
Ngày 30-3, Bệnh viện Đa khoa Lai Châu cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống được một bệnh nhân người Ukraine (38 tuổi), bị tai nạn khi đang đi du lịch. Đáng chú ý, để cứu sống được bệnh nhân, một xe chở máu hiếm nhóm O Rh(-) của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã vượt hơn 500 km từ Hà Nội lên Lai Châu để kịp thời cung cấp máu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu cho biết, ngày 28-3, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân người Ukraine bị tai nạn khi đang đi du lịch tại Lai Châu. Bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương bụng kín, vỡ lá lách, chảy máu ổ bụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, huyết sắc tố và hồng cầu trong máu giảm mạnh, bệnh nhân có biểu hiện sốc mất máu nặng, cần truyền máu khẩn cấp và phẫu thuật điều trị chấn thương vỡ lách. Tuy nhiên do bệnh nhân này lại mang nhóm máu O Rh(-) là một nhóm máu hiếm. Bệnh viện không có máu dự trữ nên việc phẫu thuật và truyền máu cho máu đến người bệnh không hề đơn giản. Trong khi đó nếu chuyển về Hà Nội thì cũng rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Trước tình hình này, Bệnh viện Đa khoa Lai Châu đã liên hệ với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đề nghị được cung cấp máu nhóm O Rh(-). Sau đó, ngay trong tối 28-3, xe chuyển máu cấp cứu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã lên đường và sau 6 giờ đã đến Bệnh viện Đa khoa Lai Châu vào rạng sáng 29-3 sau khi vượt hơn 500 km. Bệnh nhân người Ukraine đã được truyền máu kịp thời và các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lai Châu đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Rh(-) là một nhóm máu hiếm, chỉ khoảng 0,1% dân số Việt Nam có nhóm máu này. Từ năm 2007, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thành lập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(-) miền Bắc. Từ chỗ chỉ có hơn 20 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có hàng trăm người. Đồng thời, Viện còn quản lý danh sách hơn 1.000 người có nhóm máu Rh(-) luôn sẵn sàng tham gia hiến máu bất cứ khi nào người bệnh cần máu.(Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 6)
Cứu sống bệnh nhân bị vỡ tim, đa chấn thương
Ngày 30-3, bác sĩ Đỗ Trung Dũng, khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết khoa vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị vỡ tim, thủng gan, đa chấn thương do bị vật nhọn đâm.(An ninh Thủ đô, trang 2, Tuổi trẻ, trang 14)