Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch COVID-19'; Thủ tướng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc; Bộ Y tế nói gì về thông tin BV Bạch Mai chuyển hơn 5.000 bệnh nhân?

 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch COVID-19'

Văn phòng Trung ương Đảng vừa phát đi lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu toàn văn.

"LỜI KÊU GỌI CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG

gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài

Thưa đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài,

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đến nay, đã có trên 72 vạn người nhiễm bệnh, gần 3,5 vạn người tử vong ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự vào cuộc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở; biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế, lực lượng quân đội, công an và các ban, bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc kịp thời, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí. Đặc biệt, tôi cảm ơn đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tin tưởng, ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này.

Thưa đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài,

Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở vào thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào ta. Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này.

Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!

Thân ái,

NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

(Tuổi trẻ, trang 2; Thanh niên, trang 2; Nhân dân, trang 1; Lao động, trang 1; Nông thôn ngày nay, trang 2; Công an nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 2; An ninh thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1).

 

Thủ tướng đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 'tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó' ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.

Dẫn lại một bản tin trên báo chí đánh giá Việt Nam hành động rất sớm, rất kiên quyết và đúng thời điểm, Thủ tướng nhấn mạnh đó là nguyên nhân mang lại thành công ban đầu, được bạn bè quốc tế và nhân dân đánh giá cao.

Bố trí cán bộ làm việc ở nhà

Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương cán bộ, nhân viên ngành y tế, cảm ơn Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại cùng với người bệnh nặng và nhiều bác sĩ tình nguyện khác mà chúng ta hay gọi là chiến sĩ áo trắng.

Biểu dương ngành Công thương và các doanh nghiệp đã làm thành công bộ đồ bảo hộ và đặc biệt, bảo đảm đầy đủ khẩu trang cho ngành y tế.

"Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả COVID-19 ở nước ta", Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống COVID-19.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho phòng chống dịch.

Trước hết, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội và ngành công an, các cơ quan khác, chớp thời gian, tranh thủ từng phút, từng giờ, rà soát khoanh vùng những đối tượng nguy cơ lây nhiễm ở ổ dịch Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai.

"Tinh thần là thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này", Thủ tướng nhấn mạnh. Ngành công an phối hợp với ngành y tế làm rõ nhân thân, các mối quan hệ của nhân viên Công ty Trường Sinh để tìm hết các cá nhân liên quan dễ bị lây nhiễm.

Thủ tướng nêu rõ, cách ly xã hội là cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng, "chúng ta không được chủ quan, không được lơ là vì chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng trên đường phố vẫn đông người, trên bãi biển vẫn còn rất nhiều người và trong một số điểm vẫn chưa thực hiện nghiêm về số người tụ tập". Đây thực sự là nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó" ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.

Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan, ví dụ như xử lý tài liệu mật, bộ phận trực sẵn sàng chiến đấu, trực cơ quan đầu não, bộ phận sản xuất dịch vụ thiết yếu, sản xuất công cụ cần thiết cho nền kinh tế…

Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Đối với các bệnh viện trong toàn hệ thống, Bộ Y tế nên có quy định phù hợp để tránh trường hợp một cá nhân nhiễm COVID-19 đi khám mà ảnh hưởng đến toàn bộ bệnh viện.

Dừng vận chuyển công cộng, sẽ bàn an sinh xã hội người dân

Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Ban chỉ đạo là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19; đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Thủ tướng nêu rõ cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân. Yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tách riêng khu cách ly cũ và mới để tránh lây nhiễm chéo giữa người cũ và người mới vào khu cách ly.

Về an sinh xã hội cho người dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ bàn vấn đề này vào ngày 1-4, trước hết đối với người thu nhập quá thấp, trên tinh thần là ngân sách trung ương và địa phương cố gắng hỗ trợ. Mức và đối tượng cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ sắp đến.

Thủ tướng nêu rõ bảo đảm nguồn cung hàng hóa, lương thực thiết yếu, bảo đảm giá cả phù hợp, chất lượng, không để người dân quá khó khăn.

Thủ tướng mong muốn báo chí tiếp tục tuyên truyền để làm sao nhân dân yên tâm, hiểu, ủng hộ và tự giác thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục chấn chỉnh tình trạng một số tờ báo rút tít gây hiểu nhầm.

Về vấn đề hợp tác sản xuất máy thở, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì chỉ đạo vấn đề này trên tinh thần cấp bách.

Thủ tướng nhất trí cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu, đề nghị Bệnh viện phải tổ chức thực hiện chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cho bệnh nhân. (Tuổi trẻ, trang 3;Thanh niên, trang 2-3; Lao động, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 2; Công an nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 3; An ninh thủ đô, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 3).

 

Bộ Y tế nói gì về thông tin BV Bạch Mai chuyển hơn 5.000 bệnh nhân?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sau khi xác định bệnh nhân Covid-19 là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, lãnh đạo Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai và yêu cầu “đóng băng” không chuyển viện các bệnh nhân.

Trước thông tin lo ngại về việc Bệnh viện (BV) Bạch Mai chuyển hơn 5.000 bệnh nhân (BN) về địa phương sau khi tại đây xuất hiện các BN Covid-19, làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay đang rà lại toàn bộ thời điểm BN ra viện, cũng như tần suất ra viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định ngay ngày 25.3, sau khi xác định BN Covid-19 là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, lãnh đạo Bộ Y tế đã làm việc tại BV này và yêu cầu “đóng băng” không chuyển viện các BN.

Với 5.000 BN đã chuyển trước đó, BV sẽ rà lại toàn bộ và đánh giá. Các đơn vị điều trị ngay khi có BN Covid-19 đều đã cách ly ngay, các BN được ra viện đều không thuộc các khoa có BN Covid-19.

Một lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay, Bộ cũng đã yêu cầu BV Bạch Mai rà lại toàn bộ số lượng, thời điểm ra viện, tần suất ra viện. “Trong khi chưa có bằng chứng rõ ràng, chưa thể “kết tội” BV làm lây lan bệnh”, vị lãnh đạo này nói.

Theo GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, ngay trong đêm 28.3, quân đội đã hỗ trợ BV này dựng BV dã chiến trong khuôn viên BV.

Đây là phần kịch bản dự phòng để BV sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu, sẵn sàng tiếp nhận khi có thêm BN Covid-19.

Chiều 30.3, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp và quyết định TP hỗ trợ tối đa mọi yêu cầu mà BV Bạch Mai đề xuất. Cụ thể, Hà Nội sẽ tổ chức cách ly tập trung cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của BV Bạch Mai tại một khách sạn trên địa bàn, nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe lâu dài cho các y, bác sĩ. Ưu tiên hỗ trợ cho BV Bạch Mai phương tiện, thiết bị xét nghiệm Covid-19 và tổ chức xét nghiệm sớm cho toàn bộ các y, bác sĩ, các BN, theo yêu cầu của BV, thực hiện ngay từ hôm nay (31.3).

Phương tiện, thiết bị và chi phí xét nghiệm do Hà Nội chi trả. Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần, chuyển giao suất ăn và nhu yếu phẩm cho BV Bạch Mai; giao Công an TP chỉ đạo Công an Q.Đống Đa đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho BV Bạch Mai tiếp nhận các suất ăn và nhu yếu phẩm cần thiết cho cán bộ, y, bác sĩ và người bệnh trong BV... (Thanh niên, trang 4).

 

Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19

Chiều 20-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 đang là nguy cơ toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp nguy hiểm Việt Nam. Bộ Chính trị đã biểu dương sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, lực lượng; nhấn mạnh, đây là thắng lợi của chế độ ưu việt, của hệ thống chính trị nước ta. Từ T.Ư đến địa phương thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm cao.

Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) còn nhiều lỗ hổng, khuyết điểm tồn tại; khả năng lây nhiễm cộng đồng cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn nên không được chủ quan, thỏa mãn những thành quả bước đầu mà phải thấy được tồn tại để khắc phục. Nếu chúng ta tận dụng được "giờ vàng" trong thời điểm này thì thành công; nếu chủ quan sẽ thất bại.

Thủ tướng vận động và đề nghị xã hội cần thay đổi thói quen, đó là: giao dịch trực tuyến nhiều hơn, ít giao tiếp lây nhiễm; một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia; hạn chế tổ chức đám cưới, đám giỗ; những vùng có dịch thì đeo khẩu trang 100%; các cuộc hội họp có 50 người trở lên phải đeo khẩu trang; không tụ tập đông người. Ngành giáo dục rà soát lại chương trình học tập trực tuyến. Khuyến cáo mọi người dân ít ra nơi công cộng. Một số hình thức giải trí cần phải đóng cửa; đây là biện pháp khẩn cấp.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, Bộ Y tế, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cần có cơ chế giải quyết các công việc một cách nhanh chóng, thông thoáng, thuận lợi, "như thời chiến" và có tinh thần trách nhiệm cao. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẵn sàng ký ngay văn bản khi được trình lên, không nên "trình qua trình lại" mất thời gian; cần họp hành ít hơn, ưu tiên giải quyết qua các hình thức khác như trực tuyến. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn. Truyền thông tập trung tuyên truyền chiến thắng dịch bệnh, không tạo bi quan mà tạo niềm tin cho toàn xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các cấp lãnh đạo phải bình tĩnh, cương quyết và kịp thời xử lý các tình huống đặt ra; đại bản doanh Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Y tế cần có đại diện các bộ, ngành để giải quyết vấn đề nhanh chóng, sát thực tiễn. Quân đội tiếp tục là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung. Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc; các cấp, các ngành cùng các ngành y tế, công an, quân đội và lực lượng liên quan lo việc này.

Hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trên tinh thần các đoàn viên, hội viên dưới sự chỉ đạo của ngành y tế "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đến tận nơi để thống kê tình hình các ca nhiễm, các đối tượng đã đi trên các phương tiện để quản lý. Công an hộ khẩu, chính quyền cơ sở phải tích cực, chủ động vào cuộc để thống kê cụ thể các trường hợp này. Mục tiêu đưa ra là ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tốt nhất là một yêu cầu và phải cương quyết thực hiện.

Thủ tướng đề nghị hạn chế tối đa mọi đối tượng nhập cảnh Việt Nam kể cả bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Dừng cấp thị thực cho mọi đối tượng vào Việt Nam kể từ 0 giờ ngày 21-3. Ngành ngoại giao giải thích tình hình với các nước. Người Việt Nam ở nước ngoài trước khi về nước phải thông báo; Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài trước hết phải vận động bà con ở lại nước sở tại để được hưởng chế độ y tế cần thiết; nếu bà con vẫn về thì tập hợp danh sách để tổ chức chuyến bay cụ thể trong thời điểm nhất định. Đại sứ quán Việt Nam thông tin về để Bộ Giao thông vận tải tổ chức các chuyến bay với tinh thần về phải đăng ký theo đợt để kiểm soát. Khuyến khích các hãng hàng không của Việt Nam tổ chức các chuyến bay sang nước ngoài chở bà con, sinh viên về nước.

Tất cả những người nhập cảnh Việt Nam phải cách ly quyết liệt 100%. Xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, trốn cách ly... Ngành y tế và các cơ quan chức năng chủ động sớm phát hiện các ca dương tính, cách ly khỏi cộng đồng kịp thời để chống lây lan. Thủ tướng đề nghị ngành Y tế giao các địa phương, quân đội cũng như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị các cơ sở vật chất phục vụ cách ly. Thủ tướng giao TP Hà Nội tìm thêm các địa điểm cách ly có quy mô tiếp nhận 20 nghìn người. Hà Nội chuẩn bị địa điểm, lo kinh phí; lực lượng quân đội chỉ đạo; ngành y tế lo vấn đề điều trị và các vấn đề liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát hiện sớm và xử lý tốt vấn đề điều trị, tích cực, trách nhiệm hạn chế tử vong là yêu cầu rất cao của Đảng, Nhà nước với ngành y tế cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan.

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay đã xuất hiện những ca dương tính tại bệnh viện, là tình trạng báo động, ngành phải có phương án bảo vệ tốt hơn. Tạo mọi điều kiện cho Bộ Quốc phòng cơ chế đặc biệt để mua sắm kịp thời các phòng thí nghiệm lưu động; đồng thời khẳng định, cơ bản dừng đường bay đón khách nước ngoài để hạn chế tối đa khách nước ngoài vào Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước, chia sẻ thông tin, hợp tác với các nước để tăng cường trao đổi phương tiện, trang bị, qua đó nâng cao vị thế Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong ổn định xã hội. Tinh thần lớn là gam màu chiến thắng dịch bệnh và với quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì nhất định thành công. Cần tuyên truyền nhiều mô hình tốt, sự hỗ trợ của cộng đồng, nhà khoa học, nhân viên y tế. Truyền thông mạnh mẽ các biện pháp dự phòng hiệu quả; nêu bật kết quả nhiều người đã hoàn thành cách ly thành công; tuyên truyền để giảm kỳ thị và sợ hãi của xã hội về dịch bệnh thông qua các chiến lược truyền thông. Chủ động thông tin những ca nặng có thể tử vong để người dân đỡ hoang mang.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng đồng ý chủ trương huy động mọi phương tiện, nhân lực để phục vụ cao điểm phòng, chống dịch bệnh, nhất là huy động bác sĩ, nhân viên y tế đã về hưu, sinh viên y khoa năm thứ 4 tham gia. Đồng ý sử dụng ngân sách nhà nước để mua khẩu trang xuất khẩu hoặc tặng phẩm và giao đầu mối việc này cho ngành y tế phụ trách. Ngành công thương phải chỉ đạo sẵn sàng bảo đảm sản xuất đủ lượng khẩu trang phòng dịch đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

* Tại cuộc họp, Thủ tướng và các đại biểu nhắn tin đóng góp hưởng ứng chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. (Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 2).

 

Thủ tướng: Hà Nội, TP. HCM sẵn sàng mọi điều kiện cho mọi tình huống chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19.

Thông báo nêu rõ, đến nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai rộng khắp, quyết liệt trên cả nước và đạt được kết quả ban đầu quan trọng.

Hiện nay, cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ;

Phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương quá tải khi có yêu cầu.

Bộ Y tế, các Bộ liên quan và các địa phương trong cả nước cần rà soát, cập nhật phương án huy động nhân lực, cơ sở vật chất, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi dịch lây lan trên diện rộng.

Ủy ban nhân dân các thành phố phải có phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đặc thù của địa phương mình, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa bàn nhiều nguy cơ như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông.

Cần sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố.

Đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tập trung, dồn lực xử lý triệt để các “ổ dịch” như tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); khẩn trương truy vết, áp dụng ngay các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch” theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo dừng các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách từ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương khác và ngược lại trong vòng 2 tuần tới, trừ trường hợp đặc biệt; giãn cách, giảm mật độ vận chuyển hành khách bằng xe lửa, xe khách, xe bus; áp dụng chặt chẽ việc kiểm tra y tế và các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tuyên truyền các giải pháp của Chỉ thị này, dự báo cả tình huống xấu nhất để có chuẩn bị tốt nhất và đạt hiệu quả phòng chống dịch cao nhất;

Tập trung thông tin tạo sự đồng thuận, tin tưởng và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân; kịp thời biểu dương và khen thưởng các điển hình tiên tiến, làm lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Các Bộ: Y tế, Công an và các cơ quan liên quan phối hợp xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly, trước mắt xem xét xử lý nghiêm việc khai báo không trung thực của bệnh nhân số 178.

Xử lý những trường hợp bịa đặt làm ảnh hưởng tâm lý người dân.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tăng cường các hoạt động trực tuyến; rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính; có chế độ làm việc phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch; tạm dừng dịch vụ xổ số, trò chơi có thưởng, hoạt động casino trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020. (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Hà Nội: Bắt đầu xét nghiệm nhanh Covid-19 ngoài cộng đồng, có kết quả sau 10 phút

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Y tế lập 10 tổ công tác, bố trí 10 trạm test nhanh Covid-19 trên địa bàn, trước mắt, sẽ thực hiện ở các phường quanh bệnh viện Bạch Mai.

Phát biểu tại hội nghị của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 30-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần xác định: "Công việc chống dịch còn kéo dài  chứ không phải 1, 2 tháng nên cần chuẩn bị phương án dài hạn".

Theo Chủ tịch UBND TP, diễn biến dịch bệnh Covid -19 hiện nay nằm ngoài những điều chúng ta đã nghĩ, đã học từ trước đến này, vì vậy phải có cái nhìn thực tế hơn và quan sát tình hình nghiêm túc hơn, từ đó nhận rõ được diễn biến của dịch bệnh và dự báo chắc chắn về các nguy cơ sẽ diễn ra.

Từ đó, chúng ta mới có hành động đúng, nếu không sẽ dẫn đến sai đường, sai phương pháp mà theo Chủ tịch UBND TP "sai phương pháp trong phòng chống dịch bệnh sẽ phải trả giá bằng sinh mạng". Quan điểm lúc này là phải hành động nhanh chóng và dứt khoát, tránh tình trạng lừng khừng.

Liên quan đến thông tin có người nhiễm Covid -19 tự khỏi bệnh, Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế Hà Nội hỏi lại thông tin từ Bộ Y tế để cung cấp ngay trong người dân. "Với thông tin tôi nắm được từ CDC các nước, câu chuyện tự khỏi bệnh là rất khó khăn. Cần tuyên truyền thông tin rõ đến người dân bởi, cứ nghĩ là nhiễm bệnh sẽ tư khỏi thì người dân sẽ chủ quan; thấy mình không có dấu hiệu gì, không thèm đi xét nghiệm nhưng thực ra trong người đã ủ bệnh rồi".

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị MTTQ Việt Nam thành phố và MTTQ Việt Nam các quận hỗ trợ hoặc vận động ủng hộ những trường hợp nghèo, khó khăn, đặc biệt là những trường hợp mà đang khám, chữa bệnh hiểm nghèo tại các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu CDC Hà Nội phải khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai; tổ chức hướng dẫn tất cả các trạm y tế và bệnh viện về việc xét nghiệm nhanh. CDC Hà Nội trước đó đã tiếp nhận 5.000 test nhanh từ Bộ Y tế trong tối 29-3.

"Test này sẽ có kết quả trong 10 phút và thông qua việc lấy mẫu máu. Nếu ai đó dương tính với virus SARS-CoV2 là chính xác, đây là test mà Hàn Quốc đã làm" - ông Nguyễn Đức Chung cho hay.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng 10 tổ công tác có cả sự tham gia của CATP Hà Nội và của Bộ Tư lệnh Thủ đô để tổ chức lấy mẫu test nhanh tai một số các quận, huyện, các khu tập trung đông người. Chủ tịch UBND TP cho biết: "Trước mắt, tôi quyết định chiều nay chúng ta sẽ triển khai luôn các phường xung quanh bệnh viện Bạch Mai".

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết đã nhờ một nhóm chuyên gia người Việt ở Seoul, Hàn Quốc, và ở New York, Mỹ thiết kế và trong chiều nay sẽ cung cấp cho Hà Nội 10 trạm test nhanh COVID-19 theo tiêu chuẩn của WHO. Mỗi trạm này diện tích là 3x3m, có điện, Wifi để làm việc được 24/24. 

Trước mắt Hà Nội sẽ thuê 10 trạm với giá từ 6-7 triệu đồng/tháng để ở các phường phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Chủ tịch UBND TP giao cho CATP Hà Nội sắp xếp và bố trí tăng cường 10 chiếc xe bán tải, kèm lái xe; CDC phải trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ theo đúng quy định phục vụ trạm di động lấy mẫu xét nghiệm… (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Thêm 30 bệnh nhân mắc covid-19 được công bố khỏi bệnh

Hôm 30.3, có 27 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) được công bố khỏi bệnh và được theo dõi thêm 14 ngày. 

Sáng 30.3, 3 bệnh mắc COVID-19 đã được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TPHCM) công bố khỏi bệnh và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày... 

(Lao động, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 3).

 

Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 30/3, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định, Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng.

Theo đó, từ diễn biến dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dịch bệnh lây chủ yếu từ người lao động của Công ty Trường Sinh (cung cấp dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) chứ không phải lây lan từ nhân viên y tế, nên có thể gọi đây là ổ dịch Trường Sinh.

Hiện tất cả các bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang được điều trị bình thường nhưng nếu Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống. Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…

Trên cơ sở phân tích thực tế, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Ngoài việc bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan từ Bệnh viện Bạch Mai thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là yêu cầu bệnh viện này phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa. Vì vậy, khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho
phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức hoặc của Hà Nội như Thanh Nhàn, Xanh Pôn và một số bệnh viện quân đội...

Những ca bệnh nặng, nguy kịch sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận theo quy trình cụ thể. Trước hết, các trường hợp này sẽ được hội chẩn trực tuyến, trao đổi, thống nhất giữa Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương. Việc vận chuyển bệnh nhân phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch tễ. Bệnh nhân được coi như một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và được chuyển thẳng đến các khu tiếp nhận, điều trị riêng lấy mẫu, xét nghiệm ngay sau đó. Quá trình điều trị được thực hiện ngay lập tức, nhân viên y tế phải sử dụng đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo như đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Các chuyên gia cho rằng, không thể cách ly bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: "Tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2. Đây không phải là nguồn lây. Chúng tôi đề xuất tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh.

Tuy nhiên, việc hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung hết trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách ly không được đảm bảo nên cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hiệp hội Khách sạn Việt Nam chuẩn bị một số cơ sở khách sạn để sau khi các y bác sĩ thực hiện công tác cứu chữa người bệnh sẽ được vận chuyển an toàn đến các khu vực đó nghỉ ngơi, đảm bảo chúng ta thực hiện cách ly như tại nơi lưu trú”.

Sẵn sàng ứng phó

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 tâm dịch: Trung tâm Bệnh nhiệt đới (hiện có 2 nữ điều dưỡng mắc), Khoa Thần kinh (3 bệnh nhân từng điều trị và 5 người nhà đi chăm sóc bệnh nhân ở đây đã mắc) và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ (hiện có tới 22 bệnh nhân COVID-19 là người của công ty này). Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai có nguy cơ cao lây nhiễm ra cộng đồng.

“Tất cả các bệnh viện đều có nguy cơ lây lan dịch như Bệnh viện Bạch Mai nên hết sức đề phòng. Việc thiết lập các khu cách ly hoàn toàn có thể xảy ra tại bất cứ đâu nên phải thận trọng để hạn chế lây lan dịch”, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến thời điểm này đã sang ngày thứ 2 thực hiện cách ly toàn bộ bệnh viện, theo chủ trương “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bệnh viện vẫn ổn, tinh thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất vững vàng, không có ai nao núng. Đặc biệt, dù bị phong tỏa, cách ly, nhưng nhân viên y tế của bệnh viện vẫn đang nỗ lực hết sức. Bệnh nhân yên tâm điều trị, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói: “Đặc biệt trong số các y bác sĩ ở đây, có một bác sĩ trẻ vừa là đồng nghiệp, vừa là học trò của chúng tôi. Bác sĩ này đang mang thai tháng thứ 9 nhưng vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân. Bác sĩ đã có rất nhiều chia sẻ trên facebook để truyền cảm hứng và được nhiều người theo dõi, chia sẻ. Đây là một tấm gương vì người bệnh”. Hiện các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn đang nỗ lực ngày đêm với quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh, mà còn không để bệnh nhân bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo. (Tiền phong, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang