Một trường hợp tử vong do uống cồn pha rượu
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân Lê Văn T. (63 tuổi ở Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) rất nặng. Vì bệnh nhân bị nghiện rượu nên đã mua cồn ở hiệu thuốc về pha rượu uống.
Loại cồn ông T. mua là cồn sát trùng 500ml. Dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh nhân vẫn tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, bệnh nhân bị nhiễm toan nặng, điển hình của ngộ độc methanol. Kết quả chụp phim cho thấy, não của bệnh nhân bị phù, căng cả 2 bên. Xét nghiệm máu cho thấy, nồng độ methanol trong máu bệnh nhân là 210mg/dL (gấp nhiều lần so với nồng độ gây tử vong).
Trước đó, vào tháng 7-2017, tại đây cũng tiếp nhận một trường hợp ngộ độc tương tự và đã tử vong. (Hà Nội mới, trang 5)
Khởi tố đối tượng hành hung cán bộ y tế phường
Ngày 30-8, Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tạ Đình Thái (SN 1978, trú tại quận Đống Đa) về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Trước đó, chiều 24-8, cán bộ Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Trung Hòa tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chống sốt xuất huyết trên địa bàn phường. Khi tổ công tác đến khu vực ngõ 125 phố Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa), Tạ Đình Thái bất ngờ xuất hiện và cho rằng thuốc không diệt được muỗi.
Sau khi có những lời lẽ khiếm nhã, Thái đã lao vào hành hung một nữ nhân viên y tế phường Trung Hòa khiến người này phải nhập viện cấp cứu. Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ Thái. Bước đầu, Thái khai nhận về hành vi phạm tội của mình. (Hà Nội mới, trang 7)
Khó khăn cho người bệnh khi thay đổi thủ tục thanh toán viện phí
Theo hướng dẫn 3005/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây và Thông báo 718/BHXH của BHXH tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 15-8, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn Hà Tĩnh nếu khám, chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh Nghệ An sẽ phải làm thủ tục hưởng chế độ BHYT tại cơ quan BHXH. Việc thay đổi hình thức thanh toán chi phí KCB nhằm kiểm soát các chỉ định dịch vụ y tế nhưng cũng gây khó khăn cho người bệnh.
Thông báo số 718/BHXH ngày 24-7-2017 của BHXH tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ, người dân đi KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải tự thanh toán chi phí KCB với cơ sở y tế và mang hóa đơn chứng từ về thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH thuộc tỉnh Hà Tĩnh, thay vì được hưởng quyền lợi BHYT ngay tại bệnh viện như trước đây. Trong khi đó, theo Hướng dẫn số 943/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam, từ ngày 1-1-2016, BHXH các địa phương đã cho người bệnh hưởng chế độ BHYT ngay tại bệnh viện, không phải làm thủ tục thanh toán tại cơ quan BHXH.
Giải thích lý do người bệnh phải thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, người bệnh có thẻ BHYT tự đi KCB tại các bệnh viện tuyến huyện không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu được coi là KCB không đúng thủ tục theo quy định của Ðiều 28 Luật BHYT. Các trường hợp KCB không đúng thủ tục phải làm thủ tục thanh toán chi phí KCB với cơ quan BHXH theo quy định tại
Ðiều 16 Quyết định số 1399/QÐ-BHXH của BHXH Việt Nam. Ðể thực hiện quy định mới, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, khi người bệnh đem hồ sơ về thanh toán, phải tổ chức triển khai giám định nhanh để thanh toán ngay cho người bệnh, bảo đảm thuận lợi, tránh tình trạng người bệnh phải đi lại nhiều lần. BHXH Việt Nam tạm thời áp dụng tại hai địa phương là Nghệ An và Hà Tĩnh, sau thời gian ba tháng, sẽ tổ chức đánh giá về quản lý chi phí, sự thuận lợi của người bệnh và nhu cầu thật sự cần thiết về KCB của người dân. Nếu thực hiện hiệu quả, sẽ áp dụng ở các địa phương khác.
Một bác sĩ tại Nghệ An cho biết, với quy định mới, người bệnh sẽ phải ứng tiền trả trước cho bệnh viện, sau đó đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận lại tiền chế độ BHYT của mình. Nhưng quy định thời gian giải quyết thủ tục BHYT nhiều nhất 40 ngày là khá lâu. Quyền Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Hảo cũng có văn bản gửi BHXH Việt Nam đề nghị tạm dừng việc thực hiện quy định mới do người bệnh khó khăn khi phải chi trả các dịch vụ y tế có chi phí lớn. Bên cạnh đó, khó khăn cho cơ sở KCB trong việc giải thích cho người bệnh và tạo áp lực cho nhân viên y tế khi tiếp xúc với người có thẻ BHYT.
Ðược biết, kết quả kiểm soát của BHXH Việt Nam về tình hình KCB trái tuyến cho thấy, chi phí bình quân điều trị nội trú, ngoại trú của một số bệnh viện tại TP Vinh (Nghệ An) cao hơn so với trung bình cả nước, gây lãng phí quỹ BHYT. Sáu tháng đầu năm 2017, tổng số lượt KCB ngoại trú của tỉnh Hà Tĩnh chuyển sang các cơ sở KCB tuyến huyện của Nghệ An là 66.972 lượt người bệnh, điều trị nội trú là 8.626 lượt người bệnh. Tổng chi phí cả nội, ngoại trú là khoảng 60 tỷ đồng. Chi phí trung bình điều trị nội trú hơn bốn triệu đồng/lượt, ngoại trú là 369 nghìn đồng/lượt, trong khi chi phí trung bình nội trú các bệnh viện tuyến huyện trên cả nước từ hai đến ba triệu đồng/lượt, ngoại trú khoảng từ 250 nghìn đến 300 nghìn đồng/lượt. BHXH Việt Nam cho rằng, khi người dân ứng tiền ra chi trả trước thì họ sẽ quản lý tốt hơn chi phí KCB của mình, sẽ không chi trả cho các dịch vụ chưa cần thiết. Cơ quan BHXH cũng quản lý chặt chẽ hơn khi giám định trực tiếp từng hồ sơ, tránh được tình trạng kê khống, thống kê sai và từ đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lại cho rằng, việc kiểm soát các chi phí KCB để bảo đảm ổn định quỹ BHYT là cần thiết nhưng cần có giải pháp phù hợp, vì mục đích quản lý quỹ BHYT mà gây phiền hà cho người bệnh là không nên. Nếu cơ sở y tế nào lạm dụng quỹ BHYT thì cần xử lý cơ sở đó. Quy định mới có thể dẫn đến những hệ lụy là người có thẻ BHYT ở Hà Tĩnh có thể lựa chọn đi đến các tỉnh lân cận khác để KCB, do đó, cần có giải pháp quản lý tổng thể. Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, ông không đồng tình việc BHXH Việt Nam hướng dẫn như nêu trên vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT. Quy định thông tuyến huyện cho phép người bệnh đi KCB không cần đúng nơi đăng ký ban đầu, được cơ sở KCB chăm sóc sức khỏe và không phải trả tiền, lấy hóa đơn về BHXH thanh toán. Ðó là ý nghĩa của thông tuyến huyện. Do đó, người bệnh từ địa phương này sang địa phương khác KCB tại bệnh viện tuyến huyện là đúng luật. Nếu BHXH Việt Nam thí điểm tại Nghệ An, Hà Tĩnh thì cần xây dựng đề án cụ thể báo cáo Bộ Y tế, có sự tham gia của ngành y tế và các địa phương trong quá trình thí điểm. Bộ Y tế sẽ trao đổi với BHXH Việt Nam để thống nhất cách quản lý, bảo đảm sự thuận tiện của người bệnh.
Thời gian qua, việc cải cách các thủ tục hành chính trong tham gia BHYT, thanh toán chi phí KCB BHYT đã tạo thuận lợi và góp phần khuyến khích người dân chủ động tham gia BHYT. Với thực tế về khó khăn cho người bệnh khi thực hiện quy định mới nêu trên, BHXH Việt Nam cần xem xét, có giải pháp phù hợp để tạo thuận lợi trong KCB cho người tham gia BHYT. (Nhân dân, trang 5)
Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời tiết giao mùa
Ngày 30- 8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Thời tiết giao mùa hiện nay, cùng với việc học sinh trên cả nước bước vào năm học mới là thời điểm khiến bệnh tay, chân, miệng (TCM) ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng. Ðể chủ động phòng, chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và chăm sóc trẻ.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh TCM, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và chăm sóc trẻ.
Các gia đình và trường học, nhất là trường mầm non cần thường xuyên lau sạch bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà- phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, gia đình cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất…
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 52 nghìn người mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 23 nghìn người nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện tăng 3,4%...
★ Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện 10 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH). Tại các ổ dịch đều xuất hiện muỗi truyền bệnh, nhiều bọ gậy; vệ sinh môi trường chưa sạch sẽ, nhiều người đi về từ vùng dịch. Ðến nay, trong tỉnh đã có 373 người mắc SXH, trong đó 319 người sức khỏe ổn định, đã ra viện; số còn lại đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Trong tháng 8, tỉnh Bắc Giang có bảy người mắc bệnh TCM, nâng tổng số người bệnh mắc bệnh này từ đầu năm đến nay lên 59 người. Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện chủ động phương án dự phòng, chống dịch bệnh, đề nghị các bệnh viện thu dung, điều trị hiệu quả, tránh lây lan trong cộng đồng. (Nhân dân, trang 8)
“Tảng băng chìm” đang dần nổi
Trao đổi với báo chí ngày 30/8, bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TPHCM) nói: "Trong vụ án VN Pharma, các chuyên gia nêu 2 quan điểm: Tội buôn lậu hay buôn hàng giả. Bây giờ, xử tội nào cũng đều thiếu 1 vế, xử tội buôn lậu thì yếu tố hàng giả ở đâu, xử tội hàng giả thì yếu tố buôn lậu lại bỏ sót...”.
Chánh án TAND TPHCM nói gì về vụ án VN Pharma?
Bà Hương cho biết thêm, đến chiều tối 29/8, ngoài Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Hàng hải H&C), có 2 bị cáo khác cũng đã nộp đơn kháng án. “Quan điểm của chúng tôi là xử tội buôn lậu, buôn lậu qua biên giới thì tội này không phụ thuộc buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng. Tức là ghép tội hàng giả cũng là buôn lậu mà bán hàng kém chất lượng cũng là buôn lậu” - bà Hương nêu quan điểm.
Cụ thể, theo bà Hương, nếu xử tội buôn bán hàng giả thì chỉ có yếu tố trong nước chứ không có yếu tố qua biên giới. Có thể công ty ở nước ngoài sản xuất hàng giả, lãnh đạo VN Pharma không biết hoặc Cục Quản lý dược không biết. Nhưng, bản thân bị cáo Hùng làm giả giấy gia hạn, giấy hợp đồng của công ty, có yếu tố giả mạo. Đã buôn lậu thì có cả yếu tố giả, gian; còn hàng giả thì đặc trưng là lưu hành trong nước.
Cũng theo bà Hương, qua phân tích theo hồ sơ, TAND TPHCM đã xét xử các bị cáo ở tội buôn lậu, tuyên án cựu Chủ tịch VN Pharma 12 năm tù. "Nếu xử tội buôn bán hàng giả chỉ xử được các bị cáo ở khoản 2 của điều luật này, tức là tội phạm có tổ chức, án cao nhất 12 năm tù. Còn nếu xử ở khung chung thân, tử hình thì phải gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi hành vi này chưa gây hậu quả gì, thuốc vẫn chưa bán ra thị trường” - bà Hương phân tích thêm.
“Bản thân tôi nghĩ vụ việc này vô cùng bức xúc cho dư luận và chắc chắn rằng vấn đề ở đây là “tảng băng chìm” vẫn chưa nổi lên. “Hồ sơ này cũng chỉ là vụ nhỏ, giá trị chỉ có 5 tỷ đồng, rất nhỏ so với tảng băng chìm ở dưới”, bà Hương nói.
7 loại thuốc từ “công ty ma” không trúng thầu ở TPHCM
Cũng trong hôm qua, PGS,TS. Nguyễn Tấn Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM) khẳng định 7 loại thuốc do Helix của Canada sản xuất được VN Pharma nhập về không trúng thầu vào Sở Y tế TPHCM.
“7 mặt hàng thuốc kháng sinh này không trúng thầu ở TPHCM. Vì vậy, Sở Y tế khẳng định người bệnh không dùng các loại thuốc này”- ông Bỉnh nói. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng bác bỏ thông tin cho rằng Sở có "ưu ái" VN Pharma. “Tôi nói thật bản thân tôi không bao giờ và chưa bao giờ chỉ đạo cho cấp dưới ưu ái cho nhà thầu nào và đặc biệt là VN Pharma”, ông Bỉnh khẳng định.
Theo ông Bỉnh, tham gia đấu thầu năm 2014 ở Sở Y tế TPHCM có danh sách Công ty VN Pharma với mặt hàng thuốc H-Capita. Thuốc này trúng thầu “khủng” khiến nhiều người đặt nghi vấn tại sao một công ty non trẻ như VN Pharma được ưu ái như vậy? Về nghi vấn này, ông Bỉnh cho rằng, khi tham gia đấu thầu VN Pharma kết hợp với nhiều công ty lớn khác, như liên doanh với Cty Dược phẩm Trung ương 1, đồng thời bỏ giá thấp hơn các đơn vị khác... (Tiền phong, trang 1)
Bội chi quỹ BHYT mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng
Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ BHXH Việt Nam tháng 8/2017. Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm. Với tình hình này, ông Phúc cảnh báo, năm 2017, số bội chi quỹ BHYT sẽ vượt trên 10.000 tỷ đồng.
Cảnh báo cạn nguồn dự phòng quỹ BHYT
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, chi khám chữa bệnh là 41.283 tỷ đồng, chiếm 59,5% quỹ được sử dụng trong năm 2017, vượt 6.500 tỷ đồng so với dự toán chi 6 tháng của BHXH Việt Nam. Tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm. 51 tỉnh bội chi lớn, như: Nghệ An trên 900 tỷ đồng, Thanh Hóa trên 800 tỷ, Quảng Nam trên 300 tỷ đồng… Ông Phúc cho rằng, đây là một thực trạng đáng báo động. “Trong điều kiện mức đóng không tăng, nếu chính sách BHYT giữ ổn định như hiện nay, với mức chi tiêu này, dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi khám chữa bệnh BHYT.
Đến năm 2020, sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ. Còn nếu các điều chỉnh chính sách theo hướng đang được xây dựng (sửa đổi Nghị định 105, mở rộng danh mục thuốc, chi trả ARV, khấu hao trang thiết bị, tài sản cố định…), chi phí sẽ còn tăng cao hơn nhiều lần, dự kiến đến 2020 sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tỷ đồng”, ông Phúc đưa ra cảnh báo.
Theo ông Lê Văn Phúc, bội chi quỹ BHYT do nhiều nguyên nhân khác nhau: Thông tuyến, chưa phân hạng BV tư nhân khiến tình trạng đồng loạt xuống hạng để được khám chữa bệnh thông tuyến, tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 37, chế tài xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ mạnh… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để trục lợi quỹ. Một số cơ sở y tế soạn sẵn bộ con dấu quy định hơn 10 xét nghiệm. Bệnh nhân nào vào khám cũng áp con dấu đó vào như là quy trình bắt buộc, chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân nào đến thăm khám, với bất kỳ bệnh gì cũng bị chỉ định làm một loạt xét nghiệm như nhau. Bên cạnh đó, kê thêm giường bệnh cũng là một vấn đề nhức nhối, có những bệnh viện tăng hơn 40% chi phí do thêm giường bệnh.
Bất thường khám chữa bệnh
Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía bắc (BHXH Việt Nam), qua 7 tháng đầu năm 2017, có 91.160.654 lượt khám bệnh theo thẻ BHYT với đề nghị thanh toán là 46.686 tỉ đồng. Trong đó, 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ 2016. Đặc biệt, có một số tỉnh gia tăng trên 70%: Kon Tum; Lạng Sơn; Khánh Hòa.
Ông Đàm Hiếu Trung cho biết, qua theo dõi trên hệ thống trong giám sát đợt 3, BHXH Việt Nam phát hiện 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng. Có những bệnh nhân khám bệnh nhiều một cách bất thường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT. Điển hình như, bệnh nhân Tiền Văn B. (mã thẻ BT2950100800533) đã khám, chữa bệnh (KCB) 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền 30.367.033 đồng. Cụ thể, trong tháng 1 bệnh nhân đi khám 8 lần trong đó ngày 3/1/2017 bệnh nhân khám tại 3 cơ sở khám chữa bệnh. Ngày 13/1/2017, 23/1/2017 bệnh nhân đi khám tại 2 cơ sở khám chữa bệnh. Trong tháng 3, bệnh nhân B. đi khám 17 lần. Trong 12 lần đi khám bệnh, bệnh nhân được cấp trùng thuốc Methyl prednisolone trong đợt khám ngày 1/2/2017 và 3/2/2017, 8/2/2017.
Hay như bệnh nhân Đoàn Công T. (mã thẻ GD4750103400040) khám chữa bệnh 70 lần tại 7 cơ sở y tế khác nhau với số tiền 79.689.988 đồng. Trong đó có 9 ngày bệnh nhân KCB có chi phí tại 2 cơ sở khác nhau; nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao, như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor…
Ông Đàm Hiếu Trung cho biết, đối với các trường hợp nêu trên, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện giám định trực tiếp theo đúng qui trình giám định, thu hồi các khoản chi không đúng qui định và công khai trên trang/cổng thông tin điện tử của địa phương. (Tiền phong, trang 13)
Bộ Y tế hoãn toạ đàm về thuốc, mỹ phẩm giả
Hai ngày trước cuộc toạ đàm về thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu... theo kế hoạch sẽ diễn ra sáng mai 31-8, Bộ Y tế bất ngờ ra thông báo hoãn cuộc tọa đàm này. Lý do hoãn được nêu là "dịch bệnh diễn biến phức tạp".
Giấy mời tọa đàm trước đó do ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế ký và cũng là người ký giấy tạm hoãn.
Theo giấy mời kể trên, cuộc toạ đàm này nhằm tổng kết 2 năm kể từ khi bắt đầu phát động cao điểm chống thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm giả. Đồng thời bàn các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách về chống hàng giả và buôn lậu mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng.
Theo thông tin từ cuộc họp chống dịch sốt xuất huyết chiều 25-8 do Bộ Y tế tổ chức thì dịch sốt xuất huyết đã diễn biến theo chiều hướng đi ngang, không còn "diễn biến phức tạp" như cách đây hai tuần.
Ngoài dịch sốt xuất huyết, hiện không có dịch bệnh nào đáng kể trong thời điểm hiện nay. (Tuổi trẻ, trang 4)
Nhiều khu vực của Hà Nội phòng chống dịch sốt xuất huyết chưa hiệu quả
Hà Nội rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được dịch hoàn toàn, vẫn còn một số trường hợp mới nhiễm bệnh.
Ngày 30-8, tại buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được dịch hoàn toàn, vẫn còn một số trường hợp mới nhiễm bệnh.
Trong tuần qua (từ 21-8 đến 27-8), Hà Nội ghi nhận 2.912 trường hợp, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 612 trường hợp so với các tuần trước. Số lượng bệnh nhân nhập viện và nằm điều trị giảm, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính đến 27-8, cả nước đã ghi nhận 102.059 trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong do SXH. Số mắc tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016, số tử vong tăng 9 trường hợp.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, việc triển khai thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, phun thuốc hoá chất tại một sộ khu vực chưa được thực hiện nghiêm túc. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở ở một số xã, phương, thị trấn chưa quyết liệt, ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng chống dịch.
Đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả, nhiều thành viên của đội chưa đúng theo hướng dẫn, phân công phụ trách hộ gia đình chưa rõ hoặc một đội phụ trách quá nhiều hộ gia đình. Công tác diệt bọ gậy tại hộ gia đình chưa triệt để, một số hộ gia đình không thực hiện phun hoặc chỉ cho phun hóa chất ở tầng 1. Tỷ lệ phun hóa chất tại các trường học, công trường xây dựng, chợ, khu vực công cộng mới đạt 65%.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, mặc dù số ca mắc trong tuần đã có xu hướng giảm nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp.
Sở Y tế Hà Nội sẽ làm việc với trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và trường Cao đẳng Y tế Hà Đông để huy động và phân công sinh viên tham gia hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực trọng điểm. Các sinh viên khi xuống địa bàn sẽ được hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật tại Trung tâm Y tế dự phòng để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Tài chính trình UBND Thành phố phê duyệt kinh phí bổ sung cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị, cụ thể: bổ sung 10 máy phun thuốc cỡ lớn, 42 máy phun mù nóng và 228 máy phun đeo vai. Cùng với đó là bổ sung chế độ bồi dưỡng cho nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Công tác tổ chức phun hóa chất theo thứ tự ưu tiên: phun xử lý ổ dịch phun trong trường học, bệnh viện, tại các chợ và các công trường xây dựng có công nhân làm việc.
Cùng đó, đảm bảo kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch. UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. (Công an Nhân dân, trang 2)