Hà Nội sắp có Bệnh viện Ung bướu theo tiêu chuẩn Nhật Bản
Với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cùng trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2018, sẽ là bệnh viện ung bướu hiện đại bậc nhất tại Hà Nội.
Sáng nay, 2-3, tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bệnh viện Ung bướu Việt Nam – Nhật Bản đã được động thổ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Haltory đã đến dự.
Với quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường bệnh, tất cả các khoa của Bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản đều đạt chuẩn JCI (chứng nhận quốc tế về chất lượng dịch vụ y tế trên toàn cầu), nhằm mục tiêu sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Đây cũng sẽ là bệnh viện hoạt động, vận hành theo mô hình bệnh viện công nghệ cao tiêu chuẩn quốc tế Hoa Kỳ và Nhật Bản; được đầu tư trang thiết bị xét nghiệm đạt tiêu chuẩn tương đương với các bệnh viện hiện đại tại Nhật Bản – Hoa Kỳ. Đặc biệt, Trung tâm phân tích và chẩn đoán bệnh lý của bệnh viện này có kết nối mạng với các bệnh viện đối tác Nhật Bản – Hoa Kỳ để tư vấn và đưa ra kết quả khám ban đầu chính xác nhất…
Phát biểu tại buổi động thổ bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại nước ta, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư đang gia tăng nhanh. Bằng chứng là tất cả các bệnh viện điều trị ung thư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đều rơi vào tình trạng quá tải. Vì thế, chủ trương của nhà nước ta là kêu gọi xã hội hóa y tế để vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa giảm quá tải cho các bệnh viện công và đa dạng hóa dịch vụ y tế chất lượng cao cho người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Bệnh viện Ung bướu Việt Nam – Nhật Bản được xây dựng không chỉ giảm quá tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng nhu cầu điều trị tốt hơn của nhân dân mà còn hạn chế tình trạng người bệnh phải ra nước ngoài điều trị. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị phía Bệnh viện Ung bướu Việt Nam – Nhật Bản phải tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, xây dựng quy trình khám chữa bệnh… xứng đáng với một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các Sở ban ngành của thành phố chủ động giúp đỡ, hướng dẫn Nhà đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu Việt Nam – Nhật Bản.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị phía nhà đầu tư bệnh viện này tập trung nguồn lực, thực hiện quản lý dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, chất lượng và đưa bệnh viện vào vận hành trong Quý I/2018 theo đúng quyết định đã được phê duyệt. Nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát dự án phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký hợp đồng với Chủ đầu tư; phấn đấu hoàn thành công tình vượt tiến độ; tổ chức thi công, giám sát xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, đúng quy định.
Theo thống kê, hiện trung bình mỗi năm nước ta lại có thêm khoảng 200.000 trường hợp mắc ung thư và khoảng 100.000 ca tử vong. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp thì nhiều người bệnh có thể được chữa khỏi, còn khi ung thư đã tiến triển đến giai đoạn cuối thì khả năng điều trị thành công rất thấp. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 1: “Hà Nội sắp có bệnh viện ung bướu đạt chuẩn quốc tế”; Báo Nhân dân trang 5: “Xây dựng bệnh viện ung bướu đạt tiêu chuẩn quốc tế”; Báo Tiền phong trang 6: “1.500 tỷ đồng xây dựng bệnh viện Ung bướu Quốc tế”
Tìm ra nguyên nhân 20 học sinh Nghệ An bị viêm cầu thận
Ngày 2-3, Sở Y tế Nghệ An cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu máu của các học sinh bị viêm cầu thận cấp ở xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
Như Báo ANTĐ đã đưa tin trước đó, từ tháng 11-2016 đến nay trên địa bàn xã Hạnh Dịch phát hiện 20 học sinh nghi bị viêm cầu thận cấp, trong đó 2 em tử vong và 18 em khác phải nhập viện. Bước đầu xác định có 7 học sinh bị viêm cầu thận cấp chưa rõ nguyên nhân, các em còn lại hoặc có triệu chứng chưa rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Để làm rõ nguyên nhân, vừa qua Đoàn công tác của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã về lấy mẫu máu của các bệnh nhân nói trên làm xét nghiệm. Kết quả, qua xét nghiệm 8 mẫu máu của 5 bệnh nhân và 3 học sinh khác nghi bị viêm cầu thận cấp cho thấy, có 6 mẫu dương tính với kháng thể kháng liên cầu khuẩn nhóm A.
Kết quả này cũng tương đồng với kết quả xét nghiệm do Sở Y tế Nghệ An thực hiện trước đó. Như vậy, liên cầu khuẩn nhóm A được xác định chính là căn nguyên khiến của chùm ca bệnh viêm cầu thận cấp ở địa phương này.
Hiện tại, cơ quan chức năng cũng đang xét nghiệm các mẫu nước trên địa bàn xã Hạnh Dịch để xác định có độc tố hay không. Dự kiến, trong vài ngày tới sẽ có kết quả xét nghiệm các mẫu nước trên. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tiền Phong trang 2: “20 học sinh ở Nghệ An bị suy thận: Do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A”; Báo Thanh niên trang 2: “Vụ hàng loạt học sinh mắc viên cầu thận: nguyên nhân là nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A”; Báo Tuổi trẻ trang 14: “Nhiều học sinh viêm cầu thận do liên cầu khuẩn”
Khắc phục tình trạng quá tải ở Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn
Tổ chức khám bệnh chưa hợp lý khiến người bệnh mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu, một số phòng khám bố trí sai quy trình, điều dưỡng viên gắt gỏng với người bệnh… là thực trạng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
Tại buổi kiểm tra mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu bệnh viện phải chấn chỉnh ngay hạn chế này để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô.
Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn lúc hơn 9 giờ sáng 22-2 có rất đông người đang ngồi chờ khám bệnh. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp đến hỏi chuyện bốn bệnh nhân đang ngồi chờ khám, cả bốn người đều phàn nàn rằng họ phải chờ quá lâu mới được khám bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc, 58 tuổi, nhà ở quận Đống Đa cho biết, mỗi lần đi khám tại đây khiến bà “phát sợ”. Bà Ngọc kể: “Lần trước tôi đến khám tiểu đường, đợi mãi mới xếp được sổ lấy số thứ tự, rồi lại đợi mãi mới tới lượt khám. Lúc này mới được chỉ định đi lấy máu, xét nghiệm. Đợi đến trưa mới có kết quả xét nghiệm, quay lại phòng bác sĩ khám thì đã đến giờ nghỉ trưa. Chiều tôi lại phải quay trở lại để được bác sĩ chỉ định thuốc, lấy thuốc, rất mệt mỏi”. Còn bà Bùi Thị Bắc, nhà ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa cho biết, dù nhà gần bệnh viện nhưng từ chiều hôm trước bà đã phải đến lấy số, 6 giờ hôm sau đến xếp hàng, 8 giờ bệnh viện mới bắt đầu khám. Bà cũng phản ánh tình trạng điều dưỡng viên luôn gắt gỏng với bệnh nhân.
Trực tiếp kiểm tra Phòng khám tim mạch của Bệnh viện, Bộ trưởng cùng đoàn công tác rất ngạc nhiên khi bệnh viện bố trí bàn khám tim mạch và bàn khám nội trong cùng một phòng. Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê phê bình, cách bố trí và tổ chức phòng khám này của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sai quy trình của Bộ Y tế.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận, thời gian qua, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã có nhiều thay đổi tích cực, cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều so với đợt kiểm tra trước đây. Đặc biệt việc đưa vào hoạt động Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa của bệnh viện là rất đáng khen ngợi. Tuy vậy, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại bệnh viện còn chưa tốt, nhất là việc tổ chức khám bệnh chưa khoa học, không đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu cần phải được khắc phục ngay. “Tập trung triển khai các dịch vụ y tế kỹ thuật cao là tốt nhưng việc phục vụ tốt các bệnh nhân có thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn phải được quan tâm hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Vừa qua khi chấm điểm các bệnh viện về thái độ phục vụ người bệnh, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chỉ đạt 76 điểm, thấp hơn điểm trung bình các bệnh viện khác (86 điểm). Vì vậy, bệnh viện cần tiếp tục tập trung vào cải tiến khoa khám bệnh, tiếp tục chấn chỉnh thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên.
Ngay sau chuyến kiểm tra của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã họp, triển khai các biện pháp khắc phục những thiếu sót trong quy trình khám, chữa bệnh. Từ ngày 23-2, bệnh viện tổ chức tiếp đón bệnh nhân sớm hơn 30 phút so với trước, bắt đầu từ 7 giờ.
Khu vực xét nghiệm được bổ sung hai bàn xét nghiệm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện đã xây dựng lại quy trình tiếp đón, khám, chữa bệnh mới đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính. Trong đó, thời gian khám ban đầu sẽ được rút ngắn hơn và sau khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ khám và tư vấn kỹ hơn cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã cử cán bộ sang học hỏi kinh nghiệm, quy trình khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. (Nhân dân, trang Hà Nội)
Hiến tặng 384 đơn vị máu
Ngày 2-3, Đoàn thanh niên Công an thành phố Hải Phòng tổ chức phát động tháng thanh niên 2017, và ngày hội hiến máu tình nguyện. Đây là hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Công an thành phố, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia chung sức cùng cộng đồng, hiến tặng những giọt máu đào cứu giúp người bệnh, góp phần tô đẹp hình ảnh người chiến sĩ Công an “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Cũng trong dịp này Đoàn thanh niên Công an thành phố đã phát động, triển khai các nội dung hoạt động thiết thực, hưởng ứng tháng thanh niên 2017 hướng vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng CAHP trong sạch, vững mạnh. (Công an Nhân dân, trang 1)
Hai ca dị dạng mạch máu hiếm gặp được can thiệp kịp thời tại Bệnh viện Thống Nhất
Trong nhiều tiếng đồng hồ, để cấp cứu kịp thời cho 2 bệnh nhân (BN), ê kíp các bác sĩ tại tại Đơn vị "Cấp cứu Tim mạch can thiệp" Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh thậm chí không kịp ăn trưa, họ đứng liên tục gần 5 tiếng.
Bệnh nhân thứ nhất là Thượng sĩ CAND tên là K'Diễm (22 tuổi), người dân tộc Mạ, ngụ tại thôn 8, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh - tỉnh Lâm Đồng.
Anh K'Diễm là Cán bộ Phong trào của Công an huyện Đạ Tẻh- tỉnh Lâm Đồng. BN K'Diễm được đưa tới BV Thống Nhất trong tình trạng đau đầu như búa bổ, choáng, muốn xỉu, tay, chân bên trái bị yếu, liệt khi gắng sức, không thể cắn chặt hai hàm răng, không thể nắm chặt bàn tay trái hay thực hiện các động tác như nhíu mày, nhíu trán; đồng thời BN đã bắt đầu có triệu chứng nói khó.
Đặc biệt trong khoảng 1 năm nay, thể trạng BN ngày càng gầy, xanh xao, từ một người nặng 60 kg, BN K'Diễm chỉ còn nặng chưa đầy 50 kg. Trước đó, đã có tới 3 lần BN có triệu chứng "doạ" đột quị như trên, nhập viện địa phương và một vài BV khác trong TP Hồ Chí Minh nhưng do vị trí dị dạng mạch máu quá khó can thiệp nên các BV đã từ chối.
Cách đây khoảng 10 ngày, BN K'Diễm nhập BV Thống nhất, sau khi được kiểm tra kĩ, các bác sĩ BV Thống Nhất phát hiện BN có một đoạn phình động mạch máu não, nhưng ở vị trí là vùng đáy sọ. Không thể phẫu thuật vùng này được. Nhưng, nếu không được can thiệp gấp, cục máu đông tại đây có nguy cơ trôi lên não, gây đột quị cho BN bất cứ lúc nào!
BN được chỉ định kĩ thuật "Can thiệp nội mạch điều trị túi phình động mạch cảnh trong phải". Kèm theo đó, cần có dụng cụ Stent Graft. Tuy nhiên, rào cản khó khăn nhất chính là chi phí đặt mua thiết bị Stent Graft tại một công ty sản xuất ở Singapore, có giá lên tới 200 triệu.
Với quyết tâm bằng mọi giá cứu sống BN, Giám đốc BV là Giáo sư Nguyễn Đức Công đã trực tiếp đề nghị với công ty trên hỗ trợ hoàn toàn miễn phí thiết bị, còn toàn bộ ê kíp các bác sĩ thực hiện ca can thiệp khẩn cho BN K'Diễm.
Sau 1 tuần, thiết đặt hàng được đưa về Việt Nam, chiều 2-3, ca can thiệp cho BN được thực hiện thành công.
TS-BS Trần Chí Cường, Giảng viên ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, người đứng chính cho cả can thiệp cho biết:" Đây là một ca rất khó. BN bị một túi phình bên phải nhưng túi phình này cũng "nuôi" luôn mạch máu bên trái bán cầu não. Áp lực cho ê kíp rất lớn, nếu cả can thiệp thất bại, làm hư luôn mạch máu nuôi não phải thì BN sẽ tử vong vì không còn mạch máu nuôi cả 2 bán cầu.
Ngoài ra, phải sử dụng thiết bị làm sao vừa bảo tồn được mạch máu, vừa điều trị được túi phình. Trong đó, thiết bị Stent Graft là ưu tiến số 1 cho cả can thiệp này. Thật mừng là cả can thiệp đã thành công. Đây cũng là một trong những ca có thể được coi là đầu tiên trong nước ta được đặt Stent Graft xử lý túi phình động mạch não thành công. Vì thiết bị Stent Graft không phải lúc nào cũng có ngày".
Cũng trong chiều cùng ngày, các bác sĩ tại đây cũng thực hiện một ca can thiệp rất khó cho một BN nữ bằng kĩ thuật: "Can thiệp dị dạng thông động-tĩnh mạch".
BN tên Tô Khá Nghiếm (27 tuổi), người dân tộc Khơ Me, ngụ tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. BN Nghiếm là Điều dưỡng của BV Đa khoa Giồng Riềng, Kiên Giang. Chị mắc bệnh lý dị dạng mạch máu bàn tay trái. Theo các BS, bình thường, mạch máu từ động mạch chảy qua hệ thống mao mạch, vào tĩnh mạch đổ về tim. Nhưng ở BN này, dị dạng mạch máu khiến máu từ động mạch đổ thẳng vào tĩnh mạch, gây nên nhiều đường máu phồng to dị dạng trong lòng bàn tay, và chằng chịt trên mu bàn tay.
Lúc đầu BN vẫn gượng, hoạt động được, lâu dần bàn tay không thể cầm nắm được, đau đớn. Nếu không được can thiệp xử lý, sẽ bị mất chức năng hoàn toàn bàn tay.
Cái khó của ca BN này là không bị dị dạng một chỗ mà nhiều chỗ. Do đó, sau ca can thiệp cho BN Tô Khá Nghiếm chiều 2-3, chưa thể điều trị dứt điểm như trường hợp BN K'Diễm, BN này sẽ phải kiểm tra sau 1 tháng, can thiệp thêm 2-3 lần nữa mới có thể điều trị hết bệnh lý dị dạng mạch máu hiếm gặp ở vùng bàn tay. (Công an Nhân dân, trang 2)
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Mở rộng phạm vi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ tăng?
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đang xây dựng đề án tuyển sinh theo hướng bỏ quy định hộ khẩu trong xét tuyển đầu vào.
Dự kiến tuyển sinh trong cả nước
Trong buổi làm việc chiều 22.2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM trong tuyển sinh đầu vào. Đồng thời trường không nên thực hiện bao cấp học phí tràn lan tất cả các đối tượng. Thay vào đó là cấp học bổng cho sinh viên nghèo, còn sinh viên giàu phải đóng học phí theo cơ chế giá thị trường. Như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn, nguồn thu tăng lên để tăng gấp đôi thu nhập cho cán bộ giảng viên.
Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cũng đề nghị trường làm đề xuất trình UBND TP.HCM về việc mở rộng phạm vi tuyển sinh ra ngoài TP.HCM. Theo bà Thu, quy định chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM vào trường ĐH này được thực hiện trước đây để đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ cho thành phố. Tuy nhiên theo như báo cáo của trường, dù được cấp gần 1.000 chỉ tiêu ngành y đa khoa nhưng năm ngoái trường không tuyển đủ người học.
Chiều 22.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến làm việc tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, ông Thăng nhấn mạnh trường cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM...
Theo chỉ đạo này, dự kiến trường sẽ mở rộng phạm vi tuyển sinh ra cả nước thay vì chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM như trước đây. Riêng ngành y đa khoa, chỉ tiêu có thể giảm nhẹ so với năm ngoái (từ 950 xuống còn 850). Trong số này, có 200 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, 650 sẽ dành cho thí sinh cả nước. Như vậy, với kế hoạch xác định chỉ tiêu này, trường dự kiến sẽ không có sự phân biệt về chỉ tiêu, điểm chuẩn đầu vào giữa đối tượng thí sinh TP.HCM và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, các sinh viên này khi ra trường có khả năng sẽ không còn được phân công nhiệm sở tại TP.HCM như cách làm trước nay.
Các ngành còn lại, chỉ tiêu dự kiến không thay đổi so với năm 2016. Cụ thể: răng hàm mặt 30, y tế công cộng 30, điều dưỡng 150, xét nghiệm y học 35, kỹ thuật y học 35, khúc xạ nhãn khoa 30. Trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia bằng tổ hợp: toán, hóa, sinh cho tất cả các ngành.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trước ngày 27.2, các trường ĐH, học viện và CĐ, TC đào tạo trình độ giáo viên phải gửi bộ báo cáo kế hoạch tuyển sinh năm nay. Với điều chỉnh quan trọng này, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể phải gia hạn thời gian nộp đề án trong khi làm đề xuất trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Sẽ nâng chất lượng ?
Cũng trong buổi làm việc trên, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh trường phải mở rộng phạm vi tuyển sinh để chọn những người giỏi nhất của cả nước vào học. Có như vậy chất lượng sinh viên đầu vào của trường mới tốt lên được. “Không thể có quy định Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy điểm thấp chỉ dành cho người có hộ khẩu TP vào học, còn được hỗ trợ tiền học phí”, ông Thăng nói.
Nhận định này đúng với thực tế khi nhìn vào điểm trúng tuyển của trường trong hệ thống chung các trường đào tạo về khối ngành này. Chỉ riêng ngành y đa khoa, cùng trên địa bàn TP.HCM nhưng so sánh điểm chuẩn đầu vào của trường này (chỉ tuyển hộ khẩu TP.HCM) và Trường ĐH Y Dược TP.HCM (tuyển sinh trong cả nước) những qua năm luôn có mức chênh lệch khá lớn. Cụ thể, năm 2016 điểm chuẩn đợt 1 của trường này chỉ 22,8 điểm (trong khi đó Trường ĐH Y Dược TP.HCM 26,75). Năm 2015 điểm chuẩn ngành này 24 (trong khi Trường ĐH Y Dược TP.HCM là 28 điểm). Ở năm 2016, trường này phải tuyển bổ sung đợt 1 tới 5 ngành, bổ sung đợt 2 thêm 2 ngành mới đủ chỉ tiêu. Như vậy, nếu trường áp dụng quy định bỏ giới hạn hộ khẩu thì sẽ thu hút được thí sinh giỏi tham gia xét tuyển, điểm chuẩn và chất lượng sinh viên đầu vào sẽ tăng lên. Những thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng điểm cao thay vì về các trường có đào tạo ngành y ở các địa phương khác có thể theo học tại trường này.
Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là trường sẽ đáp ứng đào tạo ra sao trong bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ. Theo báo cáo của trường này, trong buổi làm việc chiều 22.2, tổng số cán bộ viên chức toàn trường tính đến cuối năm ngoái có 649 người. Trong đó tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (chỉ 76 người, chiếm tỷ lệ 18% trong tổng số 421 giảng viên). So với tỷ lệ quy chuẩn của trường ĐH tại VN ở mức 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên thì trường còn thiếu khá nhiều. Với quy mô năm 2015 - 2016 là 7.500 sinh viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên hiện còn rất cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường còn chật hẹp, chưa đáp ứng tốt điều kiện thực nghiệm cho sinh viên trong giờ thực hành.
Trường đã được phê duyệt dự án cơ sở 2 tại Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) với diện tích 12,6 ha và 2.500 tỉ đồng. Dự án này dự kiến được khởi công quý 2 năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn còn khó khăn trong giải phóng mặt bằng. (Thanh niên, trang 17)
Thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên giải trình của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 1/3...
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên giải trình của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 1/3 về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua…
Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối
Theo bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT thời gian qua có nhiều tác động tích cực. Người có thẻ BHYT được hưởng các dịch vụ KCB tốt hơn. Người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được KCB nội trú tại BV tuyến tỉnh, tuyến TW mà không cần giấy chuyển viện. Các cơ sở KCB, đặc biệt ở tuyến huyện, bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng KCB để thu hút người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Minh cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy, tần suất KCB/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh.
Trước đây, việc thông tuyến KCB cho người dân có thẻ BHYT ở các BV tuyến quận, huyện trong cùng một tỉnh thì từ năm 2015, người bệnh có thể đăng ký KCB theo thẻ BHYT ở các BV tuyến huyện trên toàn quốc. Triển khai theo hướng này giúp bệnh nhân có thêm nhiều sự lựa chọn, thuận lợi hơn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế. Số người tham gia BHYT tăng lên. Nếu năm 2015, cả nước chỉ có khoảng 70 triệu thẻ BHYT, bao phủ 76,2% dân số cả nước thì đến năm 2016 có xấp xỉ 76 triệu người tham gia (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt KCB chung và trong nhiều năm từ năm 2009 đến năm 2015, Quỹ BHYT luôn có kết dư nhưng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước khoảng 64.000 tỷ đồng và số chi ước là trên 69.000 tỷ đồng (bội chi hơn 5.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. “Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Tăng cường năng lực y tế cơ sở và thực quản lý sức khỏe cho từng người dân
Tại phiên giải trình, hầu hết các đại biểu đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc thực hiện lộ trình thông tuyến giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề đã nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách thông tuyến được các đại biểu đặt ra là một số cơ sở KCB có biểu hiện tiếp thị trong KCB nhằm thu hút người đến khám bệnh; một số nơi giải quyết chuyển tuyến không cần thiết, gây chi phí tốn kém cho quỹ BHYT, cho người bệnh, tăng chi phí đa tuyến cho BV tuyến huyện, rồi tình trạng BV tỉnh xin xuống hạng…
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyện vọng của người dân, của người bệnh được KCB ở tuyến trên, ở những BV tốt là chính đáng. Vấn đề lỗi là do quản trị, tổ chức, đầu tư chưa tốt chứ không phải do thông tuyến. Giải pháp đề ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Hiện nay, Bộ Y tế đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là tăng danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật tại các tuyến dưới để phục vụ người dân…
Với góc độ của cơ quan BHXH, bà Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, không phải thông tuyến dẫn đến bội chi BHYT mà có nhiều nguyên nhân trong đó lớn nhất là do tăng giá dịch vụ y tế (21%), tăng do đối tượng tham gia (8,4%) và các nguyên nhân khác…
Phát biểu tại phiên giải trình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện thông tuyến trong KCB BHYT là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân. Dù trong quá trình thực hiện có những bất cập, vướng mắc và không ít tiêu cực nhưng không làm lùi quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các địa phương phải tiếp tục triển khai và đẩy nhanh hơn việc thực hiện thông tuyến KCB BHYT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, các thời hạn thông tuyến năm 2021 do Quốc hội quy định đấy là thời hạn chậm nhất, còn sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân.
Khẳng định để giải quyết bền vững những băn khoăn của người dân và đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xác định phải tập trung vào y tế dự phòng, thông qua đề án tăng cường năng lực y tế cơ sở và mới nhất là Kế hoạch Thực quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với BHYT toàn dân với việc Bộ Y tế phải ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản được chi trả bởi BHYT trước năm 2018. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)