Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Hàng chục y, bác sĩ nghi phơi nhiễm HIV vì cấp cứu nạn nhân; Bệnh viện Phổi T.Ư kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất; Giảm tải nhờ bệnh viện vệ tinh; Hà Nội tăng viện phí từ 1.8; Đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn:Có đạt được mục tiêu?; Bệnh nhân được 'chấm điểm' các y, bác sĩ; Lại rộ lên tình trạng ngộ độc chì ở trẻ; ...

 

Hàng chục y, bác sĩ nghi phơi nhiễm HIV vì cấp cứu nạn nhân

Một nạn nhân vụ hai xe khách đấu đầu làm 4 người chết ở Kon Tum được đưa đến bệnh viện cấp cứu đã nhiễm HIV khiến cho hàng loạt y bác sĩ, người dân tiếp xúc phải khẩn cấp điều trị phơi nhiễm.

Theo thông tin từ Sở Y tế Kon Tum trưa 2-7, trong vụ hai xe khách đấu đầu trên đường Hồ Chí Minh trưa 30-6 làm 4 người chết, có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân và nghi bị phơi nhiễm HIV.

Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Hoàng Đình Cảnh đã yêu cầu các phòng chức năng khẩn trương hướng dẫn Kon Tum sàng lọc và cấp thuốc ARV điều trị phơi nhiễm ngay cho những người tham gia vận chuyển, cấp cứu, điều trị cho nạn nhân này.

Bác sĩ Đào Duy Khánh - giám đốc Sở Y tế cho biết sở cũng đã tiến hành tư vấn, sàng lọc và cấp thuốc ARV miễn phí điều trị phơi nhiễm HIV ngay cho những người có liên quan đến những ca cấp cứu nạn nhân.

Sở đã cho uống thuốc dự phòng trong 24 giờ kể từ khi bị phơi nhiễm (quy định là trong vòng 72 giờ) với 24 người có liên quan và theo dõi trong vòng 3 tháng.

Sở Y tế cũng đồng thời giám sát, xét nghiệm hướng dẫn việc tiệt trùng, xử lý, mai táng người nhiễm và các vật dụng liên quan.

Theo ông Khánh, trong quá trình đưa nạn nhân đi cấp cứu và làm nhiệm vụ cấp cứu, 17 y, bác sỹ và 7 người dân đã tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân bị nhiễm HIV mà không chuẩn bị phòng hộ nên nghi ngờ những người nãy đã bị phơi nhiễm HIV.

Hiện tỉnh Kon Tum và các ngành chức năng đã tổ chức thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn.

“Trường hợp đặc biệt có người đã dùng xe gia đình chở nạn nhân đi cấp cứu thì sẽ có đề xuất kịp thời để tỉnh Kon Tum động viên, khen thưởng” - ông Khánh nói.

Như đã thông tin, trước đó, khoảng 13h00 ngày 30-6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk H’ring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe khách.

Chiếc xe 16 chỗ ngồi của Hợp tác xã vận tải Đồng Tiến chạy từ Đà Nẵng về Kon Tum đã đâm phải xe khách thuộc Hợp tác xã vận tải Tây Nguyên chạy hướng ngược lại.

Hậu quả vụ tai nạn đã khiến hai nạn nhân tử vong tại chỗ là bà Trần Thị Mơ (51 tuổi) và Lê Văn Dục (28 tuổi) ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và hai người khác đã tử vong sau đó tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum sáng 1-7.

Các nạn nhân đều bị đa chấn thương như dập đầu, dập phổi, vỡ thận, tràn dịch màng tim, gãy chân… (Tuổi trẻ; trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 1 ; An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bệnh viện Phổi T.Ư kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất

Sáng 2-7, Bệnh viện Phổi T.Ư tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập (1957 – 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức quốc tế và đông đảo cán bộ Bệnh viện Phổi T.Ư các thế hệ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Bệnh viện Phổi T. Ư; Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một số cá nhân, tập thể của Bệnh viện Phổi T.Ư có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống lao.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết, sự chuyên nghiệp và hết sức trách nhiệm của các thế hệ thầy thuốc, nhà khoa học, cán bộ của Bệnh viện Phổi T.Ư nói riêng và đội ngũ những người làm công tác chống lao trong cả nước nói chung.

Phó Thủ tướng đề nghị với vai trò nòng cốt, là cơ sở đầu ngành, Bệnh viện Phổi T.Ư cùng hệ thống các cơ sở y tế điều trị bệnh lao, phổi phấn đấu với quyết tâm, nỗ lực cao nhất để đạt và vượt trước mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020 là giảm số người tử vong do bệnh lao ở Việt Nam xuống còn 10 nghìn người và đến năm 2030 Việt Nam sẽ thanh toán được bệnh lao, sớm hơn 5 năm so với thế giới.

Được thành lập năm 1957 với tên gọi là Viện Chống lao, qua 60 xây dựng và phát triển với những tên gọi khác nhau, đến nay Bệnh viện Phổi T.Ư là đơn vị chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi có quy mô 600 giường bệnh kế hoạch (thực kê là 800 giường) tổ chức thành 39 đơn vị khoa, phòng, trung tâm. Bệnh viện thực hiện hai nhiệm vụ song song là khám chữa bệnh và chỉ đạo thực hiện Chương trình chống lao quốc gia và hai lĩnh vực chuyên khoa không thể tách rời đó là bệnh lao và bệnh phổi. Bệnh viện đã tổ chức cung cấp các dịch vụ y tế với 6 tiêu chí (an toàn, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, toàn diện và hiện đại) làm hài lòng người bệnh và nhân dân. (Nhân dân, trang 1; An ninh Thủ đô; trang 6; Công an nhân dân, trang 1).

 

Giảm tải nhờ bệnh viện vệ tinh

Sở Y tế TP.HCM đang tăng cường triển khai chương trình hỗ trợ cho ngành y tế 19 tỉnh phía nam với 38 bệnh viện, kéo dài đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho các bệnh viện này, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện ở TP.HCM. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2017, số lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) tuyến trên của TP.HCM giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi các BV quận, huyện lại tăng đến 16%, BV tư nhân tăng đến 17%.Trong chương trình hỗ trợ trên, Sở Y tế TP.HCM cử 8 BV trực thuộc (Nhân dân Gia định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình) tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh thành ở phía nam (Lâm Đồng, Tiền Giang, Cà Mau, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Thuận, Kiên Giang, Đồng Nai...). Các lĩnh vực mũi nhọn được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa...

Không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho các BV tỉnh, các BV tuyến trên của TP.HCM còn chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến quận, huyện của TP. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2 (TP.HCM), cho biết sau khi BV Nhi đồng 2 đến đặt khoa nhi vệ tinh, rồi rút về, nay BV Q.2 đã tự khám, chữa bệnh được nhiều bệnh lý như: hô hấp, sơ sinh, tay chân miệng, sốt xuất huyết, hồi sức nhi… Hiện BV có 16 bác sĩ chuyên khoa nhi, mỗi ngày khám 200 lượt bệnh nhi; giường bệnh nội trú đạt 90%, tăng 10 - 20% so với trước đây. BV Ung bướu cũng đặt vệ tinh tại BV Q.2. Nay BV Q.2 mỗi ngày khám khoảng 400 lượt bệnh nhân ung thư; 150 giường bệnh khoa ung bướu vệ tinh nằm kín bệnh nhân.

Bác sĩ CKII Thái Phương Phiên, Giám đốc BV tỉnh Ninh Thuận, cho hay BV Chấn thương chỉnh hình của TP.HCM đã chuyển giao và BV Ninh Thuận đã làm được một số kỹ thuật cao như: thay khớp háng, thay khớp gối, chữa đứt dây chằng chéo, đốt sống thắt lưng, đốt sống cổ, nội soi khớp... Nhờ đó, nếu trước đây các loại bệnh chấn thương chỉnh hình nằm điều trị ở tỉnh 40 - 50 người thì nay đã lên 90 - 100 người. Tương tự, Th.S-BS Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ: “BV đã được BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) chuyển giao kỹ thuật mổ chấn thương sọ não ở trẻ em, đến nay BV đã mổ được 25 ca”. Gần đây BV Nhi đồng Đồng Nai đã giữ lại theo dõi và mổ 10 ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông mà không cần phải chuyển đi. BV cũng đã mổ 10 ca sứt môi hở hàm ếch. Các bệnh dị tật bẩm sinh (thoát vị hoành, hở thành bụng), đường tiết niệu..., bước đầu BV cũng đã làm được. BV Nhi đồng Đồng Nai cũng đã làm chủ kỹ thuật thở máy cao tần, lọc máu những ca bệnh nặng (nhiễm trùng huyết, sốt xuất huyết nặng...) không cần phải lên tuyến trên.

Tuy nhiên, các BV vệ tinh cũng kiến nghị khi được chuyển giao kỹ thuật thì cần có trang thiết bị tương ứng. (Thanh niên, trang 8).

 

Hà Nội tăng viện phí từ 1.8

Hôm qua,  HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Theo đó, trong số 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, có 712 giá dịch vụ tăng, 8 giá dịch vụ giảm, 1.365 giá dịch vụ giữ nguyên và 99 giá dịch vụ mới (chưa được Bộ Y tế quy định về mức giá nhưng đã có trong danh mục kỹ thuật, mặt khác Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn về phí dịch vụ). Các mức điều chỉnh tương đương 70% mức trần dịch vụ tại khung giá viện phí do liên Bộ Y tế - Tài chính quy định.

Phải dành 15% nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị

Theo nghị quyết được thông qua, mức giá khám bệnh tại bệnh viện (BV) hạng 1 là 17.000 đồng/lần, hạng 2 là 12.000 đồng/lần. Giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng 1, 2  là 300.000 đồng/ngày. Giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng tại BV hạng  1, 75.000 đồng tại BV hạng 2 và 52.000 đồng tại BV hạng 3. Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường, chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên chỉ được thu tối đa 30%/người...

Nghị quyết của HĐND cũng quy định, để tương xứng với khoản tiền người bệnh bỏ ra, hằng năm các cơ sở y tế được phép thu dịch vụ phải dành 15% số thu để nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị, giường bệnh… Đồng thời phải tăng cường cơ chế quản lý tài chính, chống lạm dụng kỹ thuật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành. Các quy định của Nghị quyết được áp dụng từ ngày 1.8.2013. Đối với những người bệnh đang điều trị nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh của TP trước ngày nghị quyết có hiệu lực vẫn thực hiện theo mức thu cũ cho đến khi xuất viện.

Người bệnh phải chi nhiều hơn

Theo UBND TP.Hà Nội, ngành y tế TP đang quản lý 41 BV công lập, trong đó có 7 BV hạng 1, 18 BV hạng 2 và 16 BV hạng 3. Khung giá dịch vụ hiện hành được áp dụng tại các cơ sở trên thực hiện theo quy định cách đây 18 năm đã lạc hậu, không còn phù hợp. Trong khi đó tiền lương tối thiểu đã tăng 8,7 lần, chỉ số tiêu dùng cũng đã tăng nhiều lần... Việc điều chỉnh dịch vụ y tế lần này nhằm mục tiêu đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính tới khấu hao tài sản cố định, đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.Hà Nội, cho rằng dù viện phí tăng nhưng sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho người nghèo, trẻ em và các đối tượng có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh khi chất lượng dịch vụ sẽ được cải thiện. Theo bà Thùy, hiện thành phố có 70% người dân thuộc đối tượng chính sách có thẻ BHYT nên việc tăng viện phí chỉ tạo áp lực với 30% còn lại, nhưng đây là những người có điều kiện nên họ không mua BHYT mà khám chữa bệnh bên ngoài. “Đối với người nghèo thì BHYT đã chi trả cho họ 80% viện phí, họ chỉ trả khoản 20% còn lại. Ví dụ: mức khám bệnh tại bệnh viện hạng 1 là 17.000 đồng lần khám thì họ phải chi trả khoảng 3.000 - 4.000 đồng, mức tiền này là không lớn hiện nay, bà Thùy nói.

Học phí cơ sở giáo dục chất lượng cao không được vượt trần

Cùng ngày 6.7, HĐND TP.Hà Nội thông qua nghị quyết về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao được tự chủ về các khoản thu chi, bao gồm thu học phí nhưng không được vượt quá mức trần quy định của TP. Mức trần học phí này được quy định cụ thể như sau: Bậc mầm non và tiểu học là 2,9 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,2 triệu đồng trong năm học 2014-2015; bậc THCS và THPT là 3 triệu đồng trong năm học 2013-2014 và 3,4 triệu đồng trong năm học 2014-2015. Từ năm học 2015-2016 sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định. Đối với các đối tượng được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập sẽ thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và TP. Trước kỳ tuyển sinh của năm học mới, cơ sở giáo dục chất lượng cao phải công bố mức thu học phí cùng cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo chương trình quy định. Học phí được thu định kỳ theo tháng (thu 9 tháng/năm), nếu học sinh tự nguyện có thể thu 1 lần cho cả học kỳ hoặc năm học. 

TP.HCM cũng đề xuất tăng viện phí

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa 8 (dự kiến diễn ra từ 10.7 đến 12.7), UBND TP trình HĐND TP thông qua đề xuất tăng viện phí. Theo đó, đối với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP,  UBND TP đề xuất tăng 40% phí các dịch vụ kỹ thuật (thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện). Việc tăng viện phí sẽ được điều chỉnh hằng năm (kể từ 2013) theo tỷ lệ 10% và đạt mức tối đa khung giá đến năm 2016. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn:Có đạt được mục tiêu?

Tuần qua, Bộ Y tế đã đưa 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo chính quy, chuyên khoa cấp I đầu tiên theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn. Thời gian tình nguyện là 3 năm đối với nam và 2 năm với nữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Với thời gian tình nguyện ngắn như vậy, liệu dự án có đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế mà Bộ đã đề ra?

Chênh lệch lớn về nguồn nhân lực

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc dự án cho biết, tại 62 huyện nghèo trên cả nước còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa. Một số bệnh viện huyện của các tỉnh miền núi như: Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang... chỉ có 4-5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ. Còn tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có tới 140 bác sĩ. Đây là khoảng cách quá xa giữa y tế miền núi và miền xuôi. Xuất phát từ thực trạng thiếu bác sĩ khiến người dân ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe, y tế, tháng 2-2013, Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (dự án 585). Theo TS Phạm Văn Tác, dự án là giải pháp căn bản cân bằng chất lượng y tế, bác sĩ vùng sâu, vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch, mâu thuẫn giữa những vùng khó khăn và thuận lợi.

Hơn ba năm qua, Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức tuyển chọn được 78 bác sĩ với 5 khóa đào tạo thuộc 10 chuyên ngành, gồm: Nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Đây là những bác sĩ sẽ tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Tại lễ bàn giao vừa được Bộ Y tế tổ chức, 7 bác sĩ trẻ đầu tiên về công tác tại 4 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên.

PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, những bác sĩ được chọn là sinh viên vừa tốt nghiệp, tự nguyện đăng ký (yêu cầu bằng khá, giỏi trở lên). Sau đó, họ sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương và được cử đi học bác sĩ chuyên khoa I theo phương pháp đặc biệt “một thầy một trò, cầm tay chỉ việc” với hơn 70% thời lượng học là thực hành. Kết thúc khóa học sau 2 năm, các bác sĩ này được phân về vùng sâu, vùng xa với chế độ lương, phụ cấp ưu đãi. Nam giới sẽ có thời gian phục vụ 3 năm, nữ là 2 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, các bác sĩ quay trở lại làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế mà họ đã được tuyển dụng trước khi tham gia dự án hoặc các bệnh viện tại quê hương theo nguyện vọng.

Quyền lợi và nghĩa vụ phải tương đồng

Vấn đề đặt ra ở đây là thời gian tình nguyện, cống hiến của các bác sĩ trẻ quá ngắn. Khoảng thời gian này chỉ đủ để thích nghi với môi trường làm việc và văn hóa vùng miền, không đủ để họ phát huy chuyên môn, góp sức nâng cao chất lượng y tế tại các huyện nghèo. Khi họ “rút quân”, sẽ tiếp tục để lại một “khoảng trống” tại tuyến y tế này. Trong khi so sánh với “quyền lợi” mà các bác sĩ nhận được sẽ thấy có sự chênh lệch lớn. Ngoài một chương trình đào tạo đặc biệt, ngay khi tham gia vào dự án, các bác sĩ trẻ được bảo đảm “đầu ra”, được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, trong đó có nhiều bệnh viện lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương… Với quyền lợi như vậy, có bác sĩ nào từ bỏ để ở lại làm việc tại những vùng khó khăn, thiếu thốn?

Theo TS Phạm Văn Tác, đã có nhiều Giám đốc Sở Y tế chất vấn về vấn đề này. Bởi, so sánh giữa quyền lợi và nghĩa vụ chưa tương đồng. Thậm chí, quyền lợi nhiều hơn nghĩa vụ. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, những cử nhân trường y lại tiếp tục được đi học, được đào tạo chuyên sâu như một bác sĩ nội trú. Hơn nữa, trong lúc nhiều bạn bè còn chưa xin được việc, những bác sĩ trẻ này đã trở thành viên chức của những bệnh viện lớn. “Bộ Y tế sẽ cân nhắc lại vấn đề thời hạn tình nguyện tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, với 5 khóa học đã tuyển sinh, đào tạo sẽ không thay đổi quy định đã đưa ra. Từ khóa học thứ 6 của dự án sẽ xem xét lại trách nhiệm và nghĩa vụ của các bác sĩ trẻ. Ít nhất quyền lợi bảo đảm 60% và nghĩa vụ là 40%”, TS Phạm Văn Tác cho biết.

Theo kế hoạch Dự án 585, đến năm 2020 sẽ có khoảng 300 - 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Đây thực sự là một “lời mời” hấp dẫn mà Bộ Y tế dành cho các bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, điều mà chính Giám đốc dự án quan ngại, đó là khi bác sĩ tình nguyện rời các huyện nghèo thì ai có thể lấp vào khoảng trống này. Vì vậy, dự án sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tuyển chọn, đó là tìm chính bác sĩ địa phương để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc khi bác sĩ trẻ tình nguyện rời đi. Tuy nhiên, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Ngành Y tế đã ban hành chế độ phụ cấp đối với bác sĩ, cán bộ y tế công tác ở 62 huyện nghèo, đặc biệt là xã khó khăn lên tới 70% nhưng vẫn không thể thu hút được bác sĩ giỏi về công tác. Nếu để bác sĩ trẻ về công tác suốt đời ở những vùng khó khăn thì khó khả thi, thậm chí không có người đi. Do vậy, trước mắt là giải pháp quyền lợi rồi sau đó là nghĩa vụ và lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ..." (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bệnh nhân được 'chấm điểm' các y, bác sĩ

Với chương trình này, mỗi người dân sau khi sử dụng dịch vụ y tế tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ được 'chấm điểm' đội ngũ y, bác sĩ và chất lượng các dịch vụ tại đây, thậm chí có thể 'chấm điểm' tới… 2 lần. HĐND tỉnh Quảng Trị ngày 16.3 đã khởi động chương trình “Dân chấm điểm M.Score” tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Theo chương trình này, khi người dân vào nằm viện tại BV đa khoa tỉnh Quảng Trị sẽ để lại số điện thoại, sau đó mỗi tháng 350 người trong số này sẽ nhận được điện thoại hoặc tin nhắn từ tổng đài hỏi về chất lượng phục vụ, đánh giá về thái độ của đội ngũ y bác sĩ…

Ngoài ra, người dân còn có thể tham gia “chấm điểm nóng” các dịch vụ y tế với 5 máy tính bảng được đặt ở BV đa khoa tỉnh Quảng Trị. Có 5 mức: "rất hài lòng", "hài lòng", "bình thường", "không hài lòng", "rất không hài lòng" để người dân có thể lựa chọn.

Trước đó, cách đây 2 năm, tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện dự án “Dân chấm điểm” tại 9 phòng giao dịch 1 cửa thuộc các địa phương trong tỉnh và đã thu được nhiều kết quả.

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị, y tế là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của xã hội nhưng thời gian qua tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân chưa hài lòng. Vì vậy, việc đo lường sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực này là cần thiết.

“Việc triển khai dự án Dân chấm điểm tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị thể hiện sự quyết tâm của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh. Hy vọng từ tiếng nói của người dân, ngành Y sẽ có những thay đổi, cải thiện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, người dân cần nhận thức được quyền và nghĩa vụ của chính mình để đưa ra đánh giá khách quan, trung thực và công tâm”, ông Dũng cho hay.

Được biết, đây là chương trình do HĐND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Sở Y tế và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Lại rộ lên tình trạng ngộ độc chì ở trẻ

Việc ngộ độc chì từng rộ lên với nhiều hậu quả vài năm trước từng thu hút sự quan tâm của xã hội tưởng đã chấm dứt. Vậy mà gần đây, các bệnh viện (BV) lại phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc chì, đa phần là trẻ em, nhập viện.

Ngày 30-6, BV Nhi Trung ương cho biết, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trường hợp trẻ phải cấp cứu tại Khoa Cấp cứu chống độc của BV do bị rối loạn thần kinh nặng và rối loạn tiêu hóa vì sử dụng thuốc cam. Đây chỉ là một ví dụ trong số hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam mỗi năm mà BV phải tiếp nhận.

Bé Nguyễn Văn Hòa (7 tháng tuổi, Ninh Bình) bị viêm mũi họng, nhưng gia đình mua thuốc cam dùng cho bé, thay vì làm theo chỉ định của bác sĩ, vì sợ thuốc tây khó uống có thể khiến bé bị trớ. Một tuần sau khi dùng thuốc, cháu bắt đầu bị nôn kèm co giật.

Gia đình vội đưa bé vào BV Sản Nhi Ninh Bình và được chẩn đoán bé bị giãn não thất. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Bé nhập viện Nhi Trung ương trong trạng thái co giật, li bì và được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn lưu nhằm giảm áp lực nội sọ. Nghi ngờ cháu bị nhiễm độc chì, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm chì trong máu và kết quả cho thấy bé Hòa bị nhiễm độc chì rất nặng. Hiện bé đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kết hợp sử dụng thuốc thải chì tại khoa Hồi sức tích cực.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy-Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ tin vào lời đồn rằng thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé.

Một bé khác cũng bị nhiễm độc chì đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương là Nguyễn Duy Lâm (4 tháng tuổi, Hà Nội). Bé nhập viện ngày 16-6 trong tình trạng nôn, đau bụng và ho… Gia đình cho biết, trước đó 5 ngày bé bị nấm miệng, người nhà đã tự ý mua thuốc cam ở chợ về rồi pha loãng để đánh tưa lưỡi cho cháu hàng ngày. 4 ngày sau, bé ho, đau bụng kèm theo nôn liên tục. Gia đình vội đưa con vào BV Nhi Trung ương để cấp cứu thì kết quả xét ngiệm máu cho thấy cháu bé bị ngộ độc chì nặng.

Không chỉ trẻ em mà hậu quả của ngộ độc chì với người lớn cũng rất nghiêm trọng. Theo Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai, chị Lê Thị Nh. (22 tuổi, ở Ninh Bình), cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc của ông lang L. ở cùng huyện để mau chóng có con.

Chị Nh. cho biết, sau 10 ngày dùng thuốc của thầy lang, chị Nh. bị đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng. Khi được đưa tới Trung tâm, các bác sĩ đã xác định chị bị ngộ độc chì. Chị Nh. đã được điều trị giải độc chì, nhưng bác sĩ khuyên phải đợi tới khi nồng độ chì máu giảm trở về mức an toàn mới nên có con. 3 người khác cùng quê chị Nh. uống thuốc nam của ông lang trên cũng đều bị nhiễm độc chì.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cho hay, chì có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày-đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Điều đáng lo ngại là trong khi người lớn hấp thu chì qua đường tiêu hóa khoảng 15%, thì trẻ lại hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, những dấu hiệu có thể nhận biết trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt; trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn, hoặc chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém; da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi cho trẻ. Chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nguồn gốc và được cấp phép. Hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc –BV Bạch Mai cho biết, chì hoàn toàn không có tác dụng làm tăng khả năng có thai, ngược lại, còn gây giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn bị ngộ độc chì, đồng thời mẹ dễ bị sảy thai, để non.

Chì đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ khi bào thai. Việc cho rằng dùng thuốc nam có chì nhằm tác dụng tăng khả năng có thai là phản khoa học và gây hại thêm cho bệnh nhân. Vì thế, cần cảnh giác với các loại thuốc nam chứa chì, không chỉ các “thuốc cam” cho trẻ mà còn các dạng thuốc có dạng bột hoặc viên không nhãn mác, không được cấp phép. (Công an Nhân dân, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang