70 quốc gia, vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi-rút zika
Bộ Y tế cho biết, trên thế giới hiện nay đã ghi nhận 70 quốc gia, vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi-rút zika do muỗi truyền bệnh, trong đó có 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Trước tình hình đó, để tăng cường giám sát bệnh do vi-rút zika, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex (được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ) cùng lúc có thể phát hiện ba tác nhân gây bệnh gồm: vi-rút zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya để có thể tổ chức phòng, chống dịch kịp thời. Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai giám sát trọng điểm, căn cứ trên tình hình thực tiễn của các địa phương; xây dựng kế hoạch giám sát mở rộng tới các phòng khám ngoại trú, nơi người bệnh thường có các triệu chứng nhẹ tới khám nhằm kiểm soát được đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng… (* Nhân dân (trang 5))
Già hóa dân số thách thức hệ thống y tế
Già hóa dân số là kịch bản sẽ xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Già hóa dân số với tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng nhanh là thành tựu quan trọng của việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Nhưng già hóa dân số cũng mang đến những thách thức lớn đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ thống y tế.
Các thống kê cho thấy, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già năm 2035… Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Quá trình già hóa của nước ta chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 23 năm (2012-2035), trong khi tại các nước phát triển, quá trình này thường kéo dài hơn nhiều… GS,TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, già hóa dân số đang là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có việc gia tăng các bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái khớp… và phải điều trị suốt đời. Các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi là: dễ tổn thương, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm… Đáng chú ý là người già thường có tính chất đa bệnh lý, triệu chứng không điển hình, dùng nhiều thuốc, tai biến do điều trị tăng… Kết quả nghiên cứu mới đây do Bệnh viện Lão khoa T.Ư và Bộ môn Y học gia đình (Trường đại học Y Hà Nội) thực hiện ở hơn 610 người cao tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình một người mắc 6,9 bệnh.
Bên cạnh đó, chi phí y tế cho người cao tuổi tăng cao, gấp bảy đến 10 lần người trẻ; người cao tuổi sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc. Xu hướng người già qua đời trong các cơ sở y tế cũng làm tăng chi phí y tế. Tuy nhiên, các chi phí y tế cho người cao tuổi không tăng cao như dự đoán nếu có những cách tiếp cận hợp lý, mặt khác dịch vụ chăm sóc người già là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nếu muốn đầu tư.
Người cao tuổi tăng nhanh, nhưng hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho nhóm người này ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là thiếu bệnh viện chuyên khoa lão, khoa lão ở các bệnh viện và hệ thống nhà dưỡng lão; thiếu bác sĩ và điều dưỡng lão khoa, thiếu kiến thức về lão khoa và thiếu người chăm sóc (hiện chủ yếu vẫn dựa vào người nhà). Mặc dù môi trường chính sách ngày càng được quan tâm, nhưng việc thực thi các chính sách còn gặp nhiều khó khăn như thiếu các văn bản hướng dẫn, thiếu nguồn lực kinh tế cũng như con người.
Từ thực tế hiện nay, đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, thời gian tới, Việt Nam phải có chiến lược dài hạn nhằm góp phần làm chậm quá trình già hóa dân số, duy trì mức sinh hợp lý; đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi; tăng cường hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế của người cao tuổi về khả năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc; phát huy vai trò người cao tuổi tiêu biểu, uy tín trong gia đình.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, theo GS Phạm Thắng, ngành y tế cần thành lập Khoa Lão tại tất cả các bệnh viện. Khoa Lão có cơ sở vật chất phù hợp với người cao tuổi, có đủ khả năng tiếp nhận người bệnh có nhiều bệnh phức tạp, có các hội chứng lão khoa điển hình (thường là những người hơn 80 tuổi). Đồng thời tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh của bệnh viện. Đối với tuyến y tế cơ sở, ngành y tế nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe như ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc lá… Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phòng bệnh, khám, chữa bệnh về tim mạch, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, phát hiện và dự phòng các yếu tố nguy cơ gây tàn phế ở người cao tuổi; phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Thành lập bộ môn Lão khoa tại các trường đại học y để tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế; đồng thời đẩy mạnh đào tạo người chăm sóc người cao tuổi và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa… tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học về lão khoa.
Một mô hình đã thành công tại các nước phát triển cũng cần được nhân rộng ở nước ta, đó là từng bước phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, nhất là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; khu chung cư cho người già; trung tâm ban ngày (cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi). Đồng thời tổ chức tốt việc chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà, phát triển mạng lưới y học gia đình, nhân viên xã hội… Đi liền với đó là tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi, chống phân biệt tuổi tác, bảo đảm tính tự chủ của người cao tuổi, đưa vấn đề người cao tuổi vào tất cả các chính sách và ở các cấp chính quyền... (* Nhân dân (trang 5))
Có thể tự xét nghiệm HIV tại nhà
Không cần phải đến cơ sở y tế, người nghi nhiễm HIV có thể tự thực hiện xét nghiệm và cho kết quả chỉ trong 20 phút. Đây là dịch vụ được Cơ quan Cứu trợ khẩn cấp Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam nhằm tiến tới mục tiêu sớm kết thúc đại dịch.
Tính đến nay, hơn 200.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam đã được phát hiện, 110.000 người đang được điều trị ARV giúp giảm tử vong và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế hiện nay vẫn còn hàng vạn người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Xét nghiệm HIV hiện là cách duy nhất để biết một người có nhiễm HIV hay không. Kỹ thuật xét nghiệm HIV ngày càng đơn giản và chính xác. Trước kia, việc xét nghiệm chỉ được làm tại các cơ sở y tế. Gần đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn xét nghiệm tại y tế cơ sở, tại thôn bản, tại cộng đồng và xét nghiệm tại nhà...
Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại không làm xét nghiệm do sợ lộ danh tính, dẫn đến cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử. Để hỗ trợ cho cộng đồng nói chung và nhóm người nguy cơ nhiễm HIV cao như người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ đồng tính, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ, dịch vụ tự xét nghiệm đã chính thức triển khai tại Việt Nam.
Đây là phương pháp rất đơn giản, tương tự như thử thai và kiểm tra tiểu đường, người xét nghiệm chỉ cần lấy máu từ đầu ngón tay hoặc quết nướu lợi sau đó cho vào ống nghiệm, chỉ 20 phút sau sẽ cho kết quả.
TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Đây là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao (độ nhạy 99%; độ đặc hiệu 100%), cho kết quả nhanh, giá thành rẻ. Giải pháp này giúp người nghi nhiễm giữ được sự kín đáo, riêng tư, không lo xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời giúp họ biết bệnh của mình, từ đó chủ động phòng bệnh cho gia đình và xã hội. Những người có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định lại và bước vào quá trình điều trị.
Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 bộ xét nghiệm được cung cấp miễn phí cho các cơ sở phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng tại Hà Nội và TP.HCM để thực hiện thí điểm. Nếu triển khai thành công, kỹ thuật trên sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. (* An ninh Thủ đô (trang 8))
Xông vào trạm y tế đâm chết đối thủ
Ngày 2-9, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết đã vận động Phạm Văn Tuân (SN 1985, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng), đối tượng gây ra vụ truy sát kinh hoàng ông Nguyễn Văn Quân (SN 1974, trú tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên) ngay tại trạm Y tế xã vào ngày 24-8 vừa qua, ra đầu thú.
Trước đó, sáng 24-8, Phạm Văn Tuân và ông Nguyễn Văn Quân mâu thuẫn trong quá trình mua, bán lợn giống, dẫn đến đánh nhau. Ông Quân dùng nửa viên gạch đập vào đầu Tuân gây thương nhẹ. Bực tức, Tuân cầm cục vữa khô đuổi đánh ông Quân khiến ông này bị thương. Người dân can ngăn 2 người rồi đưa ông Quân tới Trạm y tế xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình để khám, rửa vết thương. Khi ông Quân đang sơ cứu vết thương, Tuân tiếp tục xông vào dùng dao đâm ông Quân nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.
Quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ hành vi của đối tượng và ra quyết định truy nã đối với Phạm Văn Tuân. Qua công tác nắm tình hình địa bàn và thông tin tội phạm của Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an TP Hải Phòng phát hiện Tuân đang ẩn nấp tại địa bàn quận Lê Chân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã tiếp cận, vận động đối tượng này ra đầu thú.( * An ninh Thủ đô (trang 17)
Chủ động giám sát phòng ngừa lây nhiễm virus Zika
Ngày 3-9, trước tình hình dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp tại Singapore và một số quốc gia trong khu vực, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới và trong nước để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp giám sát chủ động để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Zika và tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cũng trong vòng 2 tháng qua, cả nước chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika nhưng việc ghi nhận thêm trường hợp nhiễm virus Zika ở Việt Nam là rất cao khi hiện nay, virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi, đường tình dục và sự giao lưu đi lại giữa người dân các quốc gia với nhau.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy), phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; diệt muỗi bằng cách dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất; diệt loăng quăng bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước nhỏ; thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để nước đọng ở những vật dụng như vỏ lốp, gáo dừa.
Cùng với đó, thực hiện các biện pháp sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Pasteur và Vệ sinh dịch tễ trong cả nước đẩy mạnh giám sát dịch bệnh do virus Zika gây ra, xây dựng kế hoạch tập huấn cán bộ nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch sử dụng kỹ thuật xét nghiệm mới, tăng cường giám sát dịch bệnh cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.
Hiện nay đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền Ziak từ người sang người. Tổ chức Y tế thế giới nhận định việc lây truyền của virus Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh. (* Sài Gòn giải phóng (trang 1))
Chồng có BHXH, vợ sinh con vẫn được lãnh tiền thai sản
Dù vợ không có bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng người chồng có mua thì khi vợ sinh con thì chồng được chế độ thai sản đã được quy định trong luật.
Mặc dù không có BHXH vì chỉ ở nhà nội trợ nhưng chị M.T.H. (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hết sức ngạc nhiên khi mình vẫn có tiền thai sản qua chồng.
“Chồng mình được tiền trợ cấp thai sản khi mình sinh là 2 tháng lương. Đồng thời, ảnh cũng được nghỉ việc theo chế độ thai sản khi có vợ sinh con”, chị H. nói. “Trước giờ mình không biết có việc này”, chị H. chia sẻ thêm.
Vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia thì có được hưởng trợ cấp thai sản không? Đó là câu hỏi không ít chị em chuẩn bị làm mẹ đặt ra.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: Việc vợ không có BHXH, chồng có BHXH, khi vợ sinh con thì chồng được chế độ thai sản đã được quy định trong Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
“Người lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con thì ngoài trợ cấp một lần khi sinh con còn được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản”, ông Sang cho biết.
Chị H. chỉ là một trong nhiều trường hợp hưởng chính sách này bắt đầu từ đầu năm 2016.
Theo thống kê của BHXH TP.HCM, từ ngày 1.1.2016 đến nay, tại TP.HCM đã giải quyết hưởng chế độ thai sản khi vợ không có BHXH nhưng chồng có BHXH cho 2.121 trường hợp hưởng trợ cấp một lần, với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BHXH TP.HCM cũng giải quyết hưởng chế độ thai sản cho lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con là 10.729 trường hợp, với số tiền là 13,4 tỷ đồng.
Theo ông Sang, việc vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia BHXH thì có được hưởng trợ cấp thai sản không, được quy định theo điểm e khoản 1 điều 31 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Theo đó, có quy định lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con thì được hưởng chế độ thai sản.
“Như vậy, tại thời điểm người vợ sinh con nhưng không tham gia BHXH mà có chồng đang tham gia BHXH bắt buộc tại công ty thì người chồng đương nhiên được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”, Chuyên viên pháp lý Nguyễn Anh Tâm (Hãng luật Công Khánh), nhấn mạnh rõ.
Chồng được hưởng chế độ thai sản như thế nào?
Đại diện BHXH TP.HCM cho biết: Trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì mức tiền hưởng trợ cấp thai sản của chồng bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.
Bên cạnh đó, khi vợ sinh con, lao động nam đang tham gia BHXH cũng được nghỉ 5 ngày làm việc. Trong trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi thì chồng được nghỉ 7 ngày làm việc.
Đặc biệt, trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
“Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con”, ông Sang chú ý.
Như vậy, “trong 30 ngày sau khi vợ sinh mà chồng không nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản thì được xem như tự từ bỏ quyền lợi của mình khi vợ sinh con và không được hưởng chế độ thai sản theo quy định”, Chuyên viên pháp lý Tâm, giải thích.
Theo đó, thủ tục để các ông bố vừa được “lên chức” hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh chỉ cần nộp bản sao giấy khai sinh của con cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang tham gia BHXH.
Người chồng được hưởng chế độ thai sản này với điều kiện là phải đóng BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con. Điều kiện này tương tự như điều kiện hưởng trợ cấp thai sản đối với lao động nữ sinh con. (* Gia đình & Xã hội (trang 23))