Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/11/2021

  • |
T5g.org.vn - Tập trung dập dịch tại ĐBSCL; Phủ vắc xin cho học sinh, trường học ở TPHCM sẽ sớm mở cửa?; Bệnh viện TP.HCM đề xuất hỗ trợ cho nhân viên y tế…

 

Bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường

Đầu tuần tới, học sinh các khối 5, 6, 9, 10 và 12 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 sẽ được đi học trở lại. Hiện các trường đang cấp tốc chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại.

Theo Công văn số 3807/UBND-KGVX của UBND thành phố Hà Nội ngày 31/10/2021, từ ngày 8/11, học sinh các khối 5, 6, 9, 10 và 12 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Sơn Tây - nơi có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng, đáp ứng tiêu chí an toàn sẽ được mở cửa đón học sinh trở lại. Như vậy chỉ còn vài ngày nữa để các trường chuẩn bị.

Thầy giáo Lê Văn Hiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức cho biết: "Ngay sau khi có công văn của thành phố về việc cho phép một số khối lớp được đến trường học trực tiếp, chúng tôi đã yêu cầu các trường rà soát điều kiện thực tế dựa theo 16 tiêu chí trường học an toàn, đồng thời đề xuất những vấn đề khó khăn của cơ sở để báo cáo UBND huyện Mỹ Đức hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch hoạt động". Cũng theo thầy giáo Lê Văn Hiến, mặc dù theo quy định trường nào đạt từ 8 tiêu chí an toàn trở lên sẽ được phép mở cửa, nhưng nếu không đạt đủ các tiêu chí bắt buộc thì dù đạt tới 15 tiêu chí cũng không được phép hoạt động trở lại. Đối với phương án bảo đảm giãn cách sĩ số học sinh, thầy Hiến cho biết, hiện các trường của huyện không gặp khó khăn gì do số học sinh trong mỗi trường không quá đông. Phương án mà các trường đưa ra là xếp học sinh ngồi chéo… bảo đảm giãn cách ít nhất là 1,5 m.

Một trong những vấn đề gây thắc mắc nhất hiện nay là yêu cầu bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy. Với nhiều trường nếu chia tách lớp sẽ dẫn đến việc phải tăng số tiết của giáo viên. Điều này sẽ khó thực hiện với những giáo viên phụ trách nhiều môn học. Thầy giáo Hoàng Đình Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín) cho biết, nếu tách lớp, giảm sĩ số thì lực lượng giáo viên trong trường không thể đáp ứng các tiết học. "Phương án chúng tôi tính đến là chia ca để bảo đảm giãn cách giữa các khối lớp 10-12 khi các em học trực tiếp tại trường" - thầy Xuân chia sẻ.

Quyết định cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 của UBND thành phố Hà Nội quy định rõ, giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin chỉ dạy học trực tuyến. Về vấn đề này, thầy Hoàng Đình Xuân chia sẻ, hiện trường còn 11 giáo viên chưa tiêm mũi 2 và chỉ được dạy trực tuyến. Tuy nhiên có những giáo viên bộ môn phụ trách nhiều khối, trong đó có khối 10, 12 dạy trực tiếp, việc này cũng đang khiến trường gặp khó khăn trong phân bổ giáo viên.

Liên quan quy định này, bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng cho biết, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 ở giáo viên trên địa bàn mới đạt 80%. Như vậy, 20% số giáo viên còn lại sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến cho đến thời điểm tiêm đủ mũi. Các trường tổ chức cho học sinh học liền các tiết học, không ra chơi; không tập trung đông học sinh cùng lúc ở cổng trường, giữa giờ học. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cho biết, qua rà soát, huyện có 7 xã thuộc vùng 2; 1 xã thuộc vùng 3 và còn lại là vùng 1. Theo quy định, các trường sẽ chia đôi lớp học trực tuyến và học trực tiếp theo lịch (thứ hai, tư, sáu học trực tuyến và thứ ba, năm, bảy học trực tiếp và ngược lại). Bên cạnh đó, huyện mới chỉ có khoảng 80% giáo viên đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, do vậy huyện cũng chờ các cấp quản lý hướng dẫn cụ thể hơn để triển khai công tác dạy học trực tiếp.

Bên cạnh đó, nhiều trường học cũng phản ánh tình trạng học sinh của trường đến từ địa bàn nhiều quận, huyện. Theo hướng dẫn của thành phố, hiện học sinh các quận nội thành chưa được đến trường học trực tiếp, vậy những học sinh cư trú tại quận nội thành học tại huyện ngoại thành sẽ phải bố trí như thế nào? "Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Thường Tín) có nhiều học sinh đến từ hai quận Hoàng Mai, Thanh Xuân. Khối 10 có những lớp hơn 40% học sinh cư trú tại các quận nội thành. Vậy việc bố trí học trực tiếp cho những học sinh này như thế nào đang là câu hỏi mà chúng tôi cần được Sở Giáo dục và Đào tạo sớm hướng dẫn cụ thể" - thầy Hoàng Đình Xuân chia sẻ. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Phủ vắc xin cho học sinh, trường học ở TPHCM sẽ sớm mở cửa?

TPHCM đang tiêm “vét” vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 (dự kiến hoàn tất ngày 6/11). Theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ giúp học sinh an toàn hơn trước đại dịch, tiến tới việc có thể mở cửa trường học sớm hơn dự kiến.

Sẵn sàng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở sẽ trình UBND thành phố phương án cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ đầu tháng 12, thay vì từ đầu tháng 1/2022 như trước. Theo ông Hiếu, thành phố có hơn 1.500 trường học được trưng dụng trong công tác phòng chống dịch. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện đã chuyển giao lại hơn 250 trường. “Dù đang học trực tuyến nhưng ngành giáo dục thành phố luôn trong tư thế sẵn sàng để chuyển sang học trực tiếp”, ông Hiếu nói.

Việc tổ chức đi học trở lại, ông Hiếu cho hay, Sở sẽ lấy ý kiến của các sở, ngành và phụ huynh học sinh. Theo ông, cấp độ dịch ở các quận, huyện, tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh là cơ sở quan trọng để sở tham mưu UBND TPHCM quyết định cho các trường đi học trở lại. Trong đó, ưu tiên học sinh lớp 9, lớp 12 và những học sinh đã tiêm hai mũi vắc xin. “Đầu tháng 12, sau khi học sinh hoàn tất tiêm mũi 2, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện đánh giá mức độ an toàn để học sinh đến trường. Phải an toàn và an toàn thì mới đến trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5), cho biết, dù trường đang được huy động làm điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng Ban giám hiệu cũng đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch đón học sinh trở lại trường theo bộ tiêu chí của ngành y tế và ngành giáo dục. “Tính đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường cơ bản đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ này với học sinh là hơn 90%. Với những phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin, nhà trường đang vận động để phụ huynh hiểu rõ hơn lợi ích, giúp các em có thể được tiêm “vét” trong vài ngày tới”, ông Yên nói.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), cho rằng, cuối tháng 11, công tác tiêm 2 mũi vắc xin cho học sinh gần như hoàn tất. Riêng trường THPT Nguyễn Hữu Huân có đến hơn 99% học sinh đã tiêm mũi 1. Đến cuối tháng 11, công tác sửa chữa, chỉnh trang trường lớp sau thời gian tham gia công tác chống dịch của các trường cũng hoàn thiện để đảm bảo đón học sinh đến trường.

Cẩn trọng

Có con gái đang học lớp 10 Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12) vừa được tiêm mũi 1 vắc xin cách đây ít ngày, chị Thanh Nga vui mừng vì con đã phần nào được bảo vệ trước đại dịch. Chị bày tỏ mong muốn trường học sớm mở cửa trở lại để con chị được đến trường học trực tiếp.

Chị Lê Kim Dung (quận Bình Tân) sẵn sàng đồng ý cho con trai đang học lớp 7 tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo chị Dung, không phải cứ tiêm đủ liều vắc xin là có thể cho con đi học. “Thực tế hiện nay, nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn bị mắc COVID-19 nên ngoài việc tiêm đủ liều, vấn đề tôi quan tâm hơn nữa là việc ngành chức năng phải thực sự kiểm soát được dịch bệnh và nhà trường phải có kế hoạch phòng bệnh an toàn khi học sinh trở lại trường. Nếu không đủ các yếu tố này tôi sẽ không cho con trở lại trường và chấp nhận tiếp tục học trực tuyến”, chị Dung nói.

Tỷ lệ tiêm chủng ở ĐBSCL còn thấp

Tại ĐBSCL, ngoại trừ Long An (mũi 1 đạt 100%, mũi 2 hơn 89% dân số từ 18 tuổi trở lên), các địa phương khác mũi 1 cơ bản đạt trên 60%, còn mũi 2 thì khá thấp. An Giang tỷ lệ mũi 2 đến ngày 3/11 mới đạt 13,81%; Đồng Tháp mũi 1 đạt 65,6%, mũi 2 tỷ lệ 31,04%; Sóc Trăng mũi 2 đạt 16,62%; TP Cần Thơ mũi 2 đạt 29,6%. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói rằng, hiện nay tỷ lệ tiêm còn rất thấp, mũi 1 trên 90%, nhưng còn mũi 2 chưa được 20%. Thậm chí, một số loại vắc xin đã đến hạn để tiêm mũi 2 nhưng đến giờ vẫn chưa có vắc xin về để tiêm cho dân. “Vấn đề cần thiết nhất hiện nay là sớm phủ vắc xin cho người dân”, ông Bình nói. (Tiền phong, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Điều trỉnh linh hoạt việc đi học trở lại tùy theo tình hình dịch bệnh”

 

Bệnh viện TP.HCM đề xuất hỗ trợ cho nhân viên y tế

Bệnh nhân không đến, BS đi tuyến đầu, nguồn thu ảnh hưởng trầm trọng, các dịch vụ mở ngoài giờ để tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế gần như đóng cửa hết...

TP.HCM đã trải qua 6 tháng kể từ đợt dịch thứ 4 (từ 27.4). Các bệnh viện, nhất là bệnh viện tự chủ toàn bộ bị ảnh hưởng lớn đến thu nhập và giảm khả năng chi trả cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là dịp thưởng tết sắp tới.

Lo tết không có thưởng cho nhân viên y tế

Theo thống kê của Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2021, số lượt khám bệnh là 237.000, chỉ bằng 61% so với cùng kỳ, số lượt khám bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chỉ đạt hơn 60%. Số lượt điều trị nội trú là gần 41.000, bằng 61% so cùng kỳ, nội trú có BHYT đạt 62%; điều trị ngoại trú bằng 74%... Điều này kéo theo các dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) khác cũng giảm đều.

Bác sĩ (BS) Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021 đến nay, nguồn thu của BV giảm sâu nên không thể bù đắp chi phí, đặc biệt trong 6 tháng qua. Do đó, BV chỉ thực hiện chi trả tiền lương, các khoản phụ cấp, đóng góp theo lương cho người lao động, chi phí quản lý như điện, nước, thuê mướn dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ… để duy trì hoạt động của BV. “Chênh lệch thu chi của BV thâm hụt nên BV không trích được các nguồn quỹ theo quy định (nguồn cải cách tiền lương để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng). Với tình hình này, BV không có nguồn để chi thu nhập tăng thêm, dự kiến đến cuối năm cũng không có tiền thưởng tết cho nhân viên”, BS Tuấn nói.

Tương tự, theo TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, lượng bệnh nhân 9 tháng giảm mạnh, lượt khám chỉ bằng 70% so với năm 2020, còn số nhập viện nội trú chỉ đạt 60 - 65%. Tháng 7, 8, 9.2021, số lượt khám chưa bằng 10% so với cùng kỳ năm 2020, còn nhập viện chỉ bằng 13%. Có tháng khám chưa bằng 1 ngày của năm 2020, có ngày chỉ khám 200 lượt. “Bệnh nhân không đến, BS đi tuyến đầu, nguồn thu ảnh hưởng trầm trọng, các dịch vụ mở ngoài giờ để tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế gần như đóng cửa hết. Quý 3 vừa qua thu không đủ chi, nhưng BV vẫn cố gắng đảm bảo lương, thu nhập tăng thêm tương đối bằng nguồn dự trữ từ năm trước. Còn quý 4 chưa biết như thế nào”, BS Minh nói. Tuy nhiên, BS Minh cho rằng khi dịch bệnh ổn định, người dân KCB trở lại bình thường thì đến cuối năm có hy vọng khả quan hơn, nhưng cũng sẽ không bằng 50% so với bình thường. “BV đã kiến nghị Sở Y tế, UBND TP.HCM hỗ trợ cho các đơn vị, đặc biệt là BV tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên”, TS-BS Minh cho biết thêm.

Đề xuất thành phố thưởng tết cho nhân viên y tế

Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), 9 tháng đầu năm 2021, số lượt khám chữa bệnh tại BV giảm khoảng 32% so với cùng kỳ; cao điểm là gián đoạn 6 tháng do Covid-19. Do đó, thu nhập tăng thêm của BV cũng giảm, BV chỉ đảm bảo lương và phụ cấp độc hại. Trong khi đó, 50% lực lượng tham gia chống dịch có phụ cấp chống dịch nên một phần giảm được gánh nặng cho BV, khó khăn nhưng nhân viên y tế vẫn còn đảm bảo được cuộc sống, dù có nhiều người nhiễm bệnh.

“Thời gian chống dịch thì nhân viên y tế quên mình nhưng đời sống khó khăn nên chúng tôi đề xuất thành phố thưởng tết cho nhân viên y tế. Đề xuất hỗ trợ thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03 của HĐND TP.HCM quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý”, BS Khanh nói.

Về vấn đề đề xuất của các BV, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay Sở Y tế cũng đã có văn bản trình UBND TP.HCM. Theo đó, đề xuất trước mắt đối với các BV tự chủ toàn phần sử dụng tất cả các nguồn kinh phí hiện có tại BV, nếu thiếu hụt nhiều thì Sở Y tế tổng hợp báo cáo để Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM. (Thanh niên, trang 14)

 

Quỹ BHYT giảm chi 2.000 - 3.000 tỉ đồng

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết 9 tháng đầu năm 2021, số lượng KCB BHYT trên địa bàn TP.HCM giảm khoảng 30% so với cùng kỳ 2020. Quỹ BHYT thanh toán cho các đơn vị tại TP.HCM là 12.000 tỉ đồng (tổng dự toán chi cả năm là 20.000 tỉ đồng), giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020 (khoảng 2.000 - 3.000 tỉ đồng). Theo bà Hằng, quỹ BHYT giảm chi nguyên nhân do giãn cách xã hội, người dân ở các tỉnh không lên TP.HCM và người dân tại TP.HCM cũng ngại đi khám. Mặt khác, bệnh nhân ở tỉnh chiếm 49% trong tổng chi hằng năm, do giãn cách xã hội bệnh nhân không lên TP.HCM được, nên quỹ BHYT sẽ điều chuyển về cho các tỉnh để KCB ở tỉnh. “Riêng với bệnh nhân Covid-19 có các bệnh khác mà do BHYT chi trả thì hiện chưa thực hiện do các BV chưa tách ra được cái nào thuộc BHYT trả, vì các BV không có người làm. Các BV đang tách số liệu để đẩy lên cổng thanh toán BHYT”, bà Hằng thông tin thêm. (Thanh niên, trang 14)

 

TP.HCM tiêm vét cho trẻ từ 12 - 17 tuổi

Ngày 4.11, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM.

Theo đó, từ ngày đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em (ngày 27.10) đến hết ngày 3.11, tổng số trẻ đã tiêm là 609.658 em; trong đó có 232.138 trẻ từ 16 - 17 tuổi, 377.520 trẻ từ 12 - 15 tuổi. 54 trẻ phản ứng nhẹ sau tiêm. Từ ngày

Theo kế hoạch dự kiến ban đầu, tại TP.HCM có 515 trường với 742.368 học sinh tiêm vắc xin Covid-19. Như vậy, mỗi ngày cần tiêm trên 148.000 học sinh với 742 đội tiêm. Ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 - 17 tuổi, sau đó hạ dần độ tuổi.

Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho người lớn, trẻ em tại TP.HCM tính đến nay đã tiêm trên 7,7 triệu liều mũi 1 và hơn 5,7 triệu liều mũi 2. Ngoài tiêm vét cho trẻ, TP.HCM tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 18 tuổi chưa tiêm.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, hiện đã có 8 địa phương tiêm vắc xin mũi 1, 2 đạt 100% gồm: H.Củ Chi, H.Nhà Bè, Q.5, Q.7, Q.10, Q.11, Q.Phú Nhuận và TP.Thủ Đức.

Hiện tại, TP.HCM còn hơn 817.000 liều vắc xin AstraZeneca, 752.000 liều vắc xin Vero Cell và 111.000 liều vắc xin Pfizer. Hiện hơn 1,7 triệu người đang chờ tiêm mũi 2. (Thanh niên, trang 14)

 

Siết chặt kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng tại huyện Mê Linh

Chiều 4-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đến hiện trường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Báo cáo nhanh tại hiện trường, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngày 26-10-2021, huyện ghi nhận 7 ca dương tính với Covid-19 tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, liên quan đến công dân người Hà Giang. Đến nay, huyện đã ghi nhận 112 ca Covid-19.

Ngay sau khi xuất hiện các ca bệnh tại thôn Bạch Trữ, huyện Mê Linh đã tập trung khoanh vùng, điều tra, truy vết, không để dịch lan rộng. Đến nay, đã rà soát được 883 F1 đưa đi cách ly tập trung; 2.210 F2 được thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ tại nhà theo quy định. Huyện cũng đã ban hành quyết định phong tỏa, cách ly đối với thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng; chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong khu cách ly. Ngoài ra, huyện cũng cách ly tạm thời khu vực sinh sống của các gia đình liên quan đến ca F0 tại các xã Tráng Việt, Thạch Đà, Tam Đồng, Văn Khê…

Huyện cũng đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; cử lực lượng công an, quân đội, giáo viên, thanh niên tham gia hỗ trợ các xã xử lý ổ dịch. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường giám sát chặt di biến động dân cư, đặc biệt là người về từ các địa phương, vùng có dịch để theo dõi, giám sát sức khoẻ, tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Huyện tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạo và quét mã QR phục vụ công tác phòng, chống dịch; thành lập 18 trạm y tế lưu động gồm 90 người, sẵn sàng kích hoạt khi cần; đồng thời, thành lập 2 trạm y tế lưu động tại Khu công nghiệp Quang Minh; duy trì hoạt động của 99 tổ Covid-19 cộng đồng... Qua tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, huyện xử phạt 1.085 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng...

Trực tiếp kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại thôn Bạch Trữ; thăm hỏi động viên các lực lượng đang ứng trực tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Mê Linh tiếp tục siết chặt kiểm soát tại khu vực cách ly, thực hiện nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhà nào ở yên nhà đấy để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị huyện Mê Linh tận dụng lực lượng tại chỗ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 luân phiên tham gia ứng trực; cung ứng hàng hóa và phun khử khuẩn trong khu vực phát sinh ổ dịch. Huyện Mê Linh cũng cần thực hiện nghiêm ngặt quy định tất cả người dân di chuyển từ vùng có dịch về địa phương phải thực hiện khai báo y tế, cam kết cách ly, theo dõi tại nhà. Trường hợp không chấp hành quy định, làm lây lan dịch trong cộng đồng thì sẽ đưa đi cách ly tập trung và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu huyện Mê Linh giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh, ban hành các quyết định cách ly y tế tại nhà; thực hiện công khai danh tính người dân di chuyển về địa phương từ vùng có dịch trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã, thị trấn để nhân dân nắm rõ và cùng tham gia giám sát việc chấp hành quy định cách ly y tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Mê Linh vận dụng linh hoạt quyết định của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát huy vai trò của các tổ Covid-19 tại cộng đồng để từng bước kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng trên địa bàn. (Hà Nội mới, trang 3)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 5: “Lập 6 chốt kiểm soát, tuần tra đặc biệt khu vực phong tỏa Covid-19”

 

Nhận biết ngộ độc rượu và cách phòng tránh

Trong thời gian qua, các bệnh viện trên cả nước đã liên tục cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu. Tình trạng ngộ độc rượu một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn.

Ngộ độc chủ yếu do rượu “3 không”

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng qua đã ghi nhận trên 20 trường hợp ngộ độc rượu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất. Sau khi uống rượu, ông N.V.T (58 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết, tối trước khi nhập viện, ông T. mua rượu ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà để uống. Đến 3h hôm sau, ông bắt đầu nói sảng, chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu của bệnh nhân T. lên đến 209,42mg/dL, gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), chỉ trong tuần đầu tháng 10, khoa này đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng nặng. Trong số những bệnh nhân này, có nhiều người nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, mắt mờ, rối loạn cân bằng nước, điện giải, suy gan, suy thận, tăng đường huyết... và phải hồi sức tích cực.

Tương tự, từ những bệnh nhân ngộ độc rượu, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã phát hiện nhiều loại rượu giả, rượu trôi nổi, rất nhiều loại cồn sát trùng rởm chứa nồng độ cao methanol trên thị trường. Qua mỗi trường hợp phát hiện, Bệnh viện Bạch Mai đều thông báo cụ thể tới các cơ quan chức năng, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường. Vì lợi nhuận, người sản xuất đã pha cồn công nghiệp vào rượu. Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặt dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, tùy cơ địa từng người sẽ có những phản ứng khác nhau, khi uống rượu chứa methanol. Có người sau khi uống có biểu hiện say rượu thông thường. Thậm chí, có thể sau 2 ngày, người uống mới xuất hiện biểu hiện ngộ độc. Đặc biệt, methanol được chuyển hóa và thải trừ rất chậm. Nếu bị ngộ độc mà bệnh nhân không tử vong, thì methanol có thể vẫn còn phát hiện thấy trong cơ thể tới 8 ngày sau khi uống rượu. Vì vậy, nếu để methanol tồn tại trong cơ thể giờ nào, thì chất độc này chuyển dần thành axit formic gây tổn thương mắt và não.

Cách xử trí khi bị ngộ độc rượu

Không chỉ bị ngộ độc rượu methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, nhiều trường hợp cũng phải nhập viện do lạm dụng rượu thông thường. Nhiều “ma men” nghĩ rằng say rượu không nguy hiểm, nhưng họ đã nhầm. Thực tế, say rượu chính là biểu hiện của việc bị ngộ độc rượu, tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí mất mạng.

Để giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra, bảo đảm tính mạng người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. Người dân cũng không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, hay khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, người sau khi uống rượu có những biểu hiện bất thường, như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát, tím tái, thở khò khè… thì phải cấp cứu tại chỗ và được gọi xe cấp cứu. Cụ thể, khi nạn nhân có những biểu hiện nguy hiểm kể trên của ngộ độc rượu, người thân cần phải nhanh chóng tiến hành các bước sơ cấp cứu tại chỗ cho nạn nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đó là cần cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi. Ủ ấm cho người bị ngộ độc nếu thời tiết lạnh giá. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra tình trạng của nạn nhân. Nếu phát hiện thấy nạn nhân ngưng thở phải nhanh chóng sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu. Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm.

“Nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống, thì nên cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết, đồng thời cho uống nhiều nước bù điện giải để tránh tình trạng mất nước. Nếu thấy bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường, như: Mệt mỏi, co giật, lạnh toát, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man, loạn nhịp... thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại rượu khác nhau, có cả rượu trôi nổi chứa cồn công nghiệp methanol, gây ngộ độc cho con người. Trên thực tế, bằng mắt thường và các giác quan không thể nào phân biệt được rượu thường và cồn công nghiệp. Cách tốt nhất để tránh ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol), trước khi uống rượu cần biết chắc chắn nguồn gốc xuất xứ của rượu dựa vào tem mác, nhãn hiệu chống hàng giả, mã vạch... (Hà Nội mới, trang 5)

 

Hà Nội ghi nhận 104 ca mắc, trong đó có 64 ca cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 3-11 đến 18h ngày 4-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 104 ca dương tính với vi rút SARS-Cov-2, trong đó có 64 ca tại cộng đồng, 31 ca tại khu cách ly và 9 ca tại khu phong tỏa.

Các bệnh nhân (BN) này phân bố tại 18 quận, huyện: Ba Đình (21), Gia Lâm (15); Hà Đông (12); Mê Linh (12); Quốc Oai (9); Hoàng Mai (6); Long Biên (5); Nam Từ Liêm (4); Bắc Từ Liêm (4); Hai Bà Trưng (4); Đông Anh (3); Cầu Giấy (2); Thanh Xuân (2); Tây Hồ (1); Sóc Sơn (1); Đống Đa (1); Quốc Oai (1); Hoài Đức (1) và phân bố theo 12 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (23); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình (16); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (13); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (13); chùm liên quan ổ dịch tại huyện Quốc Oai (10); chùm liên quan ổ dịch Phú La, quận Hà Đông (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (5); chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (4); chùm sàng lọc ho sốt (3); chùm liên quan ổ dịch Phú Vinh, huyện Hoài Đức (1); chùm ổ dịch Nam Dư, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (1).

Riêng 64 ca cộng đồng phân bố theo các chùm ca bệnh: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (21); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị (16); chùm liên quan ổ dịch Phú La, quận Hà Đông (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (2); chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh (5); chùm sàng lọc ho sốt (3); chùm ổ dịch Nam Dư, phường Lĩnh Nam (1) và phân bố tại 14 quận, huyện: Ba Đình (21), Hà Đông (12), Gia Lâm (12), Hoàng Mai (3), Hai Bà Trưng (3), Thanh Xuân (2), Bắc Từ Liêm (2), Đông Anh (2), Long Biên (2), Tây Hồ (1), Sóc Sơn (1), Cầu Giấy (1), Nam Từ Liêm (1), Mê Linh (1). (Hà Nội mới, trang 7)

 

Hướng dẫn mới nhất về thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại nơi điều trị Covid-19

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và tại Trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.

Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19: Thực hiện theo quy định về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh và theo hướng dẫn tại Công văn 3100/BYT-BH; Công văn 6373/BYT-BH và Công văn 9262/BHYT-BH.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các “Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19" được tổng hợp và thanh toán riêng, được tính là chi phí phát sinh do thay đổi phạm vi hoạt động hoặc do thành lập mới.

Về việc lập hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh: Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 lập hồ sơ khám chữa bệnh của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế gửi bệnh viện được giao phụ trách quản lý, điều hành để thực hiện thanh toán.

Trạm y tế lưu động lập hồ sơ khám chữa bệnh của người bệnh gửi Trạm y tế cấp xã trên địa bàn có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để thực hiện thanh toán chi phí.

Đối với xã, phường, thị trấn không có Trạm y tế cấp xã trên địa bàn có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì gửi trực tiếp đến cơ sở y tế cấp huyện có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

Số ca COVID-19 ở TP.HCM có xu hướng tăng

Chiều 4-11, TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình COVID-19 trên địa bàn TP. Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP đang ở cấp độ 2 của dịch, tuy nhiên hiện nay chỉ tiêu số ca mắc mới của TP cũng còn ở cấp độ 3.

Theo đánh giá của Sở Y tế, 1-2 tuần vừa qua số ca mắc mới có xu hướng tăng trở lại. Số ca mắc mới tăng lên thì số ca nhập viện cũng tăng. Tuy nhiên, ông Châu cho biết có một phần lý do là các quận huyện đang thu dần các khu cách ly tập trung nên có một số bệnh nhân có bệnh nền chuyển đến bệnh viện để điều trị.

Ngoài ra, mặc dù TP có độ phủ vắc xin cao nhưng nhiều người dân từ các tỉnh thành trở về chưa được tiêm vắc xin.

Theo ông Châu, nếu không kiểm soát tốt TP sẽ có nguy cơ gia tăng dịch bệnh. TP cũng mở dần các dịch vụ nên có việc tiếp xúc nhau nhiều hơn, nếu không cẩn thận thì số ca mắc sẽ tăng.

Theo khảo sát của ngành y tế, các ca mới phát hiện đa phần là người chưa tiêm đủ mũi vắc xin. Trong số ca nhập viện, có 14% chưa tiêm vắc xin, trong đó chủ yếu là người dưới 18 tuổi. 86% còn lại đã tiêm vắc xin nhưng vẫn dương tính, ông Châu cho rằng dù tiêm vắc xin cũng không nên chủ quan.

"Dù đã tiêm vắc xin nhưng vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. TP đang từng bước bình thường mới, mọi người dân tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện 5K để tránh tình trạng tái bùng phát dịch", ông Châu nói.

Ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP - cho biết ca mắc mới của TP còn cao. Thống kê cho thấy có ngày số ca mắc mới trên 1.000 ca, điều rất đáng lo ngại.

Số ca nhập viện ngày 1-11 là 989 ca, ngày 2-11 là 1.025 ca, ngày 3-11 là 941 ca. Số ca tử vong ngày 30-10 có 21 ca,  ngày 31-10 có 25 ca, ngày 1-11 có 31 ca và ngày 2-11 là 40 ca.

"Những con số thống kê cho thấy tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết hiện nay còn bộ phận người dân không tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành y tế. Nhiều phụ huynh chở con đi không đeo khẩu trang cho con; người ra phố đi bộ còn đông, tụ tập, không đeo khẩu trang; các hàng quán còn tụ tập đông, không đảm bảo phòng chống dịch.

Ông Hải cho biết các trường hợp không tuân thủ quy định về phòng chống dịch thì các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định. (Tuổi trẻ, trang 4)

 

Hộ chiếu vaccine nước ngoài cần đáp ứng bộ tiêu chí của Việt Nam

Hộ chiếu vaccine COVID-19 nước ngoài cần đáp ứng bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 của các quốc gia, vùng lãnh thổ tại Việt Nam đã được chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến tiêu chí công nhận hộ chiếu vaccine COVID-19 của Việt Nam và khả năng công nhận lẫn nhau, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chiều 4/11 cho biết, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine COVID-19 của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Người mang các giấy tờ này có thể sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 được cập nhật thường xuyên tại cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao.

Những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 cho Việt Nam có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại để hợp pháp hóa và xác nhận các giấy tờ nói trên.

Tuy nhiên, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là giải pháp tạm thời trước khi Việt Nam chính thức công nhận hộ chiếu vaccine COVID-19 của nước ngoài.

Để được công nhận chính thức, hộ chiếu vaccine COVID-19 nước ngoài cần đáp ứng bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam đã được lãnh đạo chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, về chủng loại, Việt Nam chấp nhận các loại vaccine COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Về hình thức, mẫu hộ chiếu vaccine COVID-19 phải được cấp đồng thời trên môi trường điện tử và bản giấy phải mang mã xác thực. Các quốc gia, vùng lãnh thổ cấp cần có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cân nhắc việc mở rộng đối tượng nhập cảnh Việt Nam để áp dụng vào thời điểm thích hợp, tiến tới sớm nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế như thường lệ. Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương trao đổi với 80 đối tác để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine COVID-19.

Cập nhật về lộ trình mở cửa cho khách du lịch vào Việt Nam cũng như biện pháp đảm bảo phòng chống dịch cho du khách quốc tế và cư dân địa phương, bà Phạm Thu Hằng cho biết: "Vừa qua, chính phủ đã đồng ý với chủ trương lộ trình thí điểm đưa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, lộ trình trở lại của khách du lịch quốc tế được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là từ tháng 11/2021. Giai đoạn 2 là từ tháng 1/2022. Giai đoạn 3 là từ quý II/2022. Giai đoạn 1 sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và các chuyến bay thương mại tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam và Đà Nẵng".

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, khách quốc tế muốn đến các địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế của Việt Nam phải có đầy đủ giấy tờ về dịch tễ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Ngoài ra, du khách cũng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, địa phương liên quan.

Trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe cho người dân, các địa phương thí điểm tiếp nhận khách quốc tế đang khẩn trương tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19, tạo kháng thể cho tất cả người dân, kể cả người lao động làm việc tại địa phương, đưa một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn thành khu nghỉ cách biệt, dành riêng cho khách du lịch quốc tế. (Công an Nhân dân, trang 4)

 

Tập trung dập dịch tại ĐBSCL

Tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục tăng cao; các ổ dịch tại nhà máy chế biến thủy sản, khu phong tỏa, khu cách ly… chưa thể kiểm soát triệt để.

Số ca mắc mới tăng cao

Chiều 4-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, 24 giờ qua, trên địa bàn ghi nhận 250 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh đến nay lên 4.480 ca. Trong đó, riêng hai tuần gần đây, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.480 ca. Bạc Liêu đang là “điểm nóng” về Covid-19 ở ĐBSCL. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh ở cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tỉnh cũng đã bổ sung, tăng thêm 2.980 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó “điểm nóng” là thị xã Giá Rai được bổ sung 2.500 giường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy yêu cầu Sở Y tế chịu trách nhiệm phân phối oxy, găng tay, khẩu trang được tiếp nhận đến các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Tại Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhìn nhận, tình hình dịch Covid-19 những ngày gần đây diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc cộng đồng ngày càng nhiều, tốc độ lây lan nhanh; đặc biệt dịch lan vào một số phân xưởng của các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản; qua các đám tiệc tập trung đông người... khiến việc khoanh vùng, truy vết, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng gặp khó khăn.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo tập trung nhân lực, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc thật nhanh đối với các địa phương, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi có xảy ra ổ dịch; đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ về nhân lực y tế…

Tại An Giang, số ca mắc mới Covid-19 liên tục tăng, có ngày ghi nhận gần 400 ca mắc, nâng tổng cộng toàn tỉnh lên hơn 12.203 trường hợp mắc Covid-19. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang nhận định, số ca mắc mới tăng là do lượng lao động trở về quê rất đông (khoảng 67.000 người), tỷ lệ F0 phát hiện qua tầm soát trong số này là 1,17%. Cùng đó là số ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa chiếm tỷ lệ cao. 

Tại Kiên Giang, tình hình cũng phức tạp khi toàn tỉnh có hơn 11.214 ca mắc Covid-19. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang thì nguyên nhân khiến ca mắc mới tăng khi toàn tỉnh đón tổng cộng gần 70.000 người dân trở về quê tránh dịch; cộng với số ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, phong tỏa cao.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tổ chức truy vết, cách ly và điều trị. Khi cần phong tỏa thì tổ chức phong tỏa trong phạm vi hẹp nhất, tùy theo tình hình phát hiện F0 là ca mắc lẻ, chùm ca bệnh.

Kích hoạt các bệnh viện dã chiến

Ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho hay, trước tình hình số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, tỉnh mở thêm một số khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Các bệnh nhân chuyển nặng sẽ được chuyển về điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh).

Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh đang kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến số 5 ở TP Vĩnh Long quy mô 1.000 giường. Công tác cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đến thời điểm này cơ bản được đảm bảo, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, đặt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, với quy mô 3 tầng điều trị.

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, với việc thành lập 3 bệnh viện dã chiến, cộng với sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhiệt đới, công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được đảm bảo.

BS CKII Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh từ các nơi chuyển lên. Hiện bệnh viện có 25 ca bệnh nặng (tầng 3). Với năng lực tiếp nhận điều trị 30 ca bệnh ở tầng 3, theo đó công tác điều trị ở thời điểm hiện tại vẫn đảm bảo yêu cầu”.

Giải pháp cấp bách của Kiên Giang là tập trung giảm tải cho các khu cách ly, khu phong tỏa, ưu tiên dành số giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng. Tỉnh cũng cho phép bệnh nhân F0 không có triệu chứng và F1 nếu đủ điều kiện có thể được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

TS-BS Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho hay, tỉnh tập trung  tăng cường năng lực chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở, các tổ Covid-19 cộng đồng, xe điều trị, xét nghiệm lưu động… để giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đẩy nhanh tiêm vaccine

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các tỉnh ĐBSCL đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tổ chức tiêm cả ban đêm. Hiện tại, tỉnh An Giang có tỷ lệ tiêm mũi 1 (từ 18 tuổi trở lên) đạt 92,88%, nhưng mũi 2 còn thấp, chỉ 13,81%; Kiên Giang có tỷ lệ tiêm mũi 1 là 84,08% và mũi 2 là 32,1%.

Trong đó, Kiên Giang có 3 địa phương hoàn tất tiêm vaccine cho toàn dân (từ 18 tuổi trở lên) là TP Phú Quốc, TP Hà Tiên và huyện Giang Thành. Việc tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi cũng đang được các tỉnh ĐBSCL khẩn trương thực hiện. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang