Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/4/2018

  • |
T5g.org.vn - ‘Nổ’ chữa bệnh trên Facebook; Ăn phải nấm độc, 3 người trong gia đình tử vong, 1 người đang nguy kịch; Thay thế vaccine Quinvaxem có làm gián đoạn lịch tiêm của trẻ?; Thành lập Trung tâm Máu quốc gia

 

 ‘Nổ’ chữa bệnh trên Facebook

Không hề có chuyên môn nhưng lập trang Facebook quảng bá rầm rộ về bài thuốc gia truyền chữa thoát vị đĩa đệm, đái tháo đường... Bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì đóng cửa và lập trang Facebook khác tiếp tục “nổ”... Đó là trường hợp ông Trần Văn Cường và ông Lê Văn Ngư, hành nghề chữa thoát vị đĩa đệm bằng bài thuốc gia truyền. Tháng 11.2016, qua thông tin từ Facebook (FB), PV Thanh Niên đã thâm nhập phòng khám (PK) của 2 ông này tại P.12, Q.Vò Vấp, TP.HCM. Thanh tra Sở Y tế sau đó kiểm tra, đình chỉ hoạt động PK vì ông Cường, ông Ngư không có bằng cấp chuyên môn và giấy phép hoạt động, có nhiều loại sản phẩm dạng bột được đóng gói không nhãn mác...

“Bệnh nặng lắm rồi” !

Bẵng đi một thời gian, đến giữa năm 2017, trên FB xuất hiện một cái tên mới là nhà thuốc đông y Trần Vượng với 2 cơ sở: ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi và chi nhánh nhà thuốc đông y Trần Vượng tại đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Hai cơ sở này rầm rộ đăng tải các clip quay cảnh KCB đưa lên trang FB “Cộng đồng chữa thoát vị đĩa đệm”. Các clip về bệnh nhân (BN) khoe nhờ chữa trị ở đây mà “đỡ hơn” cũng được đăng tải dày đặc càng khiến nhiều người tin tưởng tìm đến. Cơ sở này còn lập cả website chuathoatvidiadem.org và đưa lên YouTube. Không chỉ người địa phương, mà BN từ Đà Nẵng, Huế… đến tận Cà Mau cũng tìm đến khám và mua thuốc vì đọc thông tin qua mạng.

Theo quảng cáo của nhà thuốc, đây là bài thuốc đắp gia truyền có nguồn gốc từ Nam Định, có thể chữa hết bệnh thoát vị đĩa đệm với nhiều BN nặng, nhẹ khác nhau.

Ngày 29.3, PV Thanh Niên trong vai người bệnh đã thâm nhập cơ sở 110/5/8 tỉnh lộ 2, tổ 5, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi. Trước cổng cơ sở treo biển: Phòng chẩn trị y học cổ truyền, y sĩ Lê Xuân Hòa. Tuy nhiên, bên trái cổng lại treo thêm một biển phụ ghi: Công ty TNHH đông y Trần Vượng.

Dù gần trưa nhưng người tới khám bệnh vẫn rất đông, có cả người từ Đắk Lắk đến khám. Một phụ nữ tên Đào Thị Sen phát số và liên tục trộn thuốc đắp cho BN, gói thuốc để gửi cho BN ở xa. Cạnh đó, ông Lê Văn Ngư đang tập vật lý trị liệu cho một nữ BN. Vừa nắn bóp, xoa đầu cho BN, ông Ngư vừa nói: “Chữa ở đây thì phải theo phác đồ của tôi. Có người đến đây bảo tôi bấm huyệt này kia, trả tiền nhiều tôi cũng không làm. Phải lấy thuốc ở đây mới được”. Những loại thuốc ở đây không khác gì thuốc tại địa điểm hành nghề ở Q.Gò Vấp nói trên.

Thấy PV vào, bà Sen hỏi ngay: “Tới đắp thuốc hả? Chịu khó vô phòng bên trong đợi, các “thầy” đang có khách. Sáng giờ mới có 32 người nên không phải đợi lâu. Chứ thứ bảy, chủ nhật họ đến cả trăm người”. Liền đó, bà Sen hướng dẫn PV đi vào căn phòng nơi có 3 “thầy” đang xoa bóp, tập vật lý trị liệu cho BN.

Một “thầy” vừa làm xong cho BN liền tới hỏi bệnh tình và đòi xem phim X-quang của PV. Cầm phim X-quang, “thầy” phán PV bị thoái hóa, gai cột sống “nặng lắm rồi” và yêu cầu nằm lên giường rồi bắt đầu màn đấm bóp, trị liệu. Chừng 25 phút, PV được đẩy ra ngoài để mua thuốc. Tại đây, bà Sen kêu mua thuốc đắp với giá 200.000 đồng/lá. PV lấy cớ bận còn đi tiếp khách, sẽ quay lại sau thì bà này cau mặt, thu 100.000 đồng công đấm bóp của “thầy”.

Qua tìm hiểu của PV, các “thầy” vật lý trị liệu, xoa bóp chỉ là các kỹ thuật viên nhưng BN đưa phim X-quang họ đều đọc vanh vách và phán bệnh khiến BN khiếp vía!

Ngày 30.3, PV tiếp tục thâm nhập cơ sở 2 của nhà thuốc đông y Trần Vượng tại số 44, đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Nơi này là một căn nhà 4 tầng không có biển hiệu hoạt động KCB, nhưng bên trong lúc nào cũng tấp nập người đến khám và mua thuốc. Tầng trệt làm nơi đón tiếp và phòng chờ BN. Tầng hai được chia làm hai căn phòng lớn để các “thầy” khám bệnh và trị liệu.

Khi PV vào, có gần chục BN đang được 7 “thầy” điều trị trong 2 phòng thực hiện đấm bóp, massage và trị liệu. Nhiều BN phải ngồi đợi đến lượt. Quy trình khám bệnh ở đây cũng rập khuôn cơ sở chính ở H.Củ Chi. Nếu BN có mang phim X-quang thì thầy sẽ xem, chỉ chỏ qua loa rồi kêu nằm xuống giường để trị liệu. Thậm chí, có “thầy” còn dùng khoan tường để đâm lên người BN! Sau khoảng 25 - 30 phút trị liệu, BN sẽ được đẩy ra ngoài để mua thuốc đắp với giá 200.000 đồng/lá (gói) như ở Củ Chi, cộng với chai rượu thoa bóp 50.000 đồng/chai. Ở đây, chúng tôi nhận ra “người quen cũ” Trần Văn Cường đứng “chỉ đạo”.

Nói là nhà thuốc đông y nhưng chẳng có tủ thuốc theo quy định, thuốc được bỏ trong bao ni lông lớn và cần thì lấy ra trộn bột, rượu đắp lên cho BN hoặc bỏ vào bao đưa BN mang về. Theo quảng cáo thì BN chữa, đắp từ 6 - 12 lá thuốc sẽ… khỏi thoát vị đĩa đệm (?!). BN ở xa, PK gửi thuốc qua đường bưu điện kèm video chỉ dẫn, cũng… khỏi bệnh!

Bị kiểm tra, xóa luôn facebook

Từ phản ánh của PV Thanh Niên, ngày 3.4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thành lập khẩn 2 đoàn, đồng loạt kiểm tra 2 điểm bán thuốc của nhà thuốc đông y Trần Vượng.

Đoàn một đến cơ sở chính ở H.Củ Chi. Lúc này, bà Sen đang làm thuốc để đắp lưng, ông Ngư xoa bóp cho BN, bên phòng trong 4 “thầy” đang tập vật lý trị liệu cho BN. Thấy thanh tra, mọi hoạt động dừng lại, cả chục BN lục tục ra về. Ông Ngư loanh quanh một lúc rồi khuất dạng. Trả lời Thanh tra, bà Sen nói chỉ làm cho y sĩ Lê Xuân Hòa và chờ 20 phút ông Hòa về làm việc. Đoàn thanh tra đã niêm phong, tạm giữ 18 gói thuốc uống không rõ nguồn gốc nhưng nhãn mác quảng cáo trị bá bệnh; 14 gói thuốc ngâm rượu và 36 gói thuốc đắp lưng có đóng chữ đông y Trần Vượng; yêu cầu PK dừng hoạt động đắp thuốc vì không có phép của Sở Y tế; đồng thời mời ông Hòa tới Sở Y tế làm việc vào ngày 5.4.

Tại PK ở đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), khi đoàn vừa tới, cơ sở lập tức đóng cửa kín mít, ngưng hoạt động. Trang FB “Cộng đồng chữa thoát vị đĩa đệm” của cơ sở này cũng bất ngờ xóa địa chỉ tại P.Hiệp Bình Chánh. Khi PV liên lạc vào số điện thoại của cơ sở này, người trực điện thoại thông báo: “Cơ sở ở P.Hiệp Bình Chánh tạm thời ngưng hoạt động một tháng vì thầy bận đi nước ngoài sắm máy móc thiết bị. Nếu muốn mua thuốc thì có thể đặt gửi qua đường bưu điện”. Đoàn thanh tra đã lập biên bản ghi nhận vụ việc, giao Phòng Y tế Q.Thủ Đức phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động KCB tại đây.

Cơ quan chức năng không biết?

Theo điều tra của PV, ông Hòa đang công tác tại Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh, được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động phòng chẩn trị y học cổ truyền tại địa chỉ trên vào tháng 8.2017. Từ thứ hai đến thứ bảy, PK hoạt động từ 17 giờ 30 - 21 giờ 30 và chủ nhật từ 7 giờ 30 - 20 giờ. Những ngày bình thường, trong giờ hành chính, ông Hòa đi làm tại Q.Bình Thạnh, PK được giao lại cho nhóm ông Lê Văn Ngư, Trần Văn Cường, Đào Thị Sen và những người không có chuyên môn hành nghề trái phép, rầm rộ bấy lâu nay với tên gọi trên FB "Nhà thuốc đông y Trần Vượng". Vậy nhưng, các cơ quan chức năng không hề hay biết (?).

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Phòng Y tế H.Củ Chi, cho biết đã kiểm tra PK của ông Hòa một lần vào ngày 26.9.2017. Biên bản kiểm tra thể hiện đoàn liên ngành H.Củ Chi đi kiểm tra lúc 16 giờ ngày 26.9.2017 (thứ ba), trong khi giờ hành nghề cho phép của ông Hòa là từ 17 giờ 30 trở đi. Tại thời điểm kiểm tra PK mở cửa hoạt động, có mặt ông Hòa và ông cung cấp đầy đủ các loại giấy phép theo quy định. H.Củ Chi ghi nhận PK chưa lập sổ khám bệnh theo dõi BN, biển hiệu quảng cáo ghi Trần Vượng không đúng theo giấy phép hoạt động. Mặc dù sai phạm là vậy nhưng PK chỉ bị… nhắc nhở sửa biển hiệu. Đại diện Phòng Y tế H.Củ Chi cũng cho biết, PK này hiện chỉ có mình ông Hòa đăng ký hành nghề chứ không có nhóm ông Ngư, bà Sen...

Trả lời PV về việc cơ sở KCB nằm ngay trên địa bàn mà cán bộ quản lý về y tế không biết, bà Nguyễn Thị Nhị (đại diện Phòng Y tế Q.Thủ Đức), phân trần: “Do cơ sở không phép, không biển hiệu, nhìn ở ngoài như nhà dân nên chúng tôi cũng không biết được. Họ không thông qua y tế Q.Thủ Đức. Khi nào cán bộ phường có kiểm tra, thống kê thì may ra mới biết!” (Thanh niên, trang 2).

 

Ăn phải nấm độc, 3 người trong gia đình tử vong, 1 người đang nguy kịch

Ngày 4-4, theo thông tin Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân Sùng Diêu Hồng (52 tuổi, ở thôn Khâu Mèng, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị ngộ độc nấm. Đây là nạn nhân duy nhất may mắn sống sót trong vụ ngộ độc nấm khiến 3 người thân của ông đã tử vong trước đó. Theo đó, sáng 28-3 vừa qua, ông Sùng Diêu Hồng đi hái nấm về nấu ăn sáng cho cả gia đình cùng ăn. Bữa ăn sáng gồm 4 người: Ông Sùng Diêu Hồng (sinh 1966), bà Thào Thị Vá (sinh năm 1970 - là vợ ông Hồng); chị Ly Thị Pà (sinh năm 1995 - là con dâu ông Hồng) và anh Sùng Văn Hoàng (sinh năm 1990 - là con trai ông Hồng). 

Khoảng 8h sau bữa ăn (khoảng 15 giờ cùng ngày), cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy toàn nước giống như bị tả. Đến khoảng 23h30 cùng ngày, 4 nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Do nhiễm độc quá nặng không thể cứu chữa được nên chỉ trong 2 ngày 31-3 và 1-4 anh Sùng Văn Hoàng (con trai ông Hồng) và bà Thào Thị Vá (vợ ông Hồng) đã tử vong. Đến 17 giờ ngày 2-4, chị Ly Thị Pà (con dâu ông Hồng) cũng tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn ông Sùng Diêu Hồng cũng rơi vào tình trạng nguy kịch nên được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Đến sáng nay, 4-4, bệnh nhân Sùng Diêu Hồng đã tỉnh táo, tiếp xúc được. Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trung tâm Chống độc, hiện vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, loại nấm mà 4 người trong gia đình ông Hồng ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nấm độc nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm, do độc tố phá huỷ tế bào gan, gây suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan. Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Thay thế vaccine Quinvaxem có làm gián đoạn lịch tiêm của trẻ?

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, việc thay thế vaccine Quivaxem trong thời gian tới sẽ không làm gián đoạn lịch tiêm chủng cho trẻ. Theo lý giải của Cục Y tế dự phòng, vaccine Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất đã triển khai ở nước ta hơn 7 năm nay, góp phần quan trọng phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib. Tuy nhiên mới đây, nhà sản xuất tại Hàn Quốc thông báo ngừng sản xuất loại vaccine này. Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh này trong lâu dài, Việt Nam sẽ chuyển sang một loại vaccine khác. Theo Trần Đắc Phu, vaccine thay thế vaccine Quinvaxem vẫn là vaccine 5 trong 1 có thành phần và hiệu quả tương tự Quinvaxem. Do đó, việc thay thế này sẽ không ảnh hưởng đến lịch tiêm phòng hoặc các mũi tiêm của trẻ. Cụ thể, trẻ đã tiêm mũi 1 hoặc 2 vaccine Quinvaxem vẫn có thể tiêm các mũi còn lại với vaccine mới.

“Số vaccine Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 trên quy mô toàn quốc. Ngành y tế sẽ tiêm vaccine mới trên thực địa nhỏ tại 4 tỉnh trước, sau đó sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc vào khoảng tháng 6 tới”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng khẳng định, bất kỳ vaccine nào đưa vào sử dụng đều phải được cấp phép, làm đầy đủ các thủ tục, thử nghiệm lâm sàng. Việc thay thế vaccine cũng hết sức bình thường, vì vậy các bậc phụ huynh nên tiếp tục cho con đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, vào thời điểm trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Vaccine Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ tháng 6-2010 theo diện viện trợ. Đến nay, đã có 42 triệu liều được tiêm chủng, góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Đầu tháng 5-2013, vaccine này bị tạm dừng sử dụng để đánh giá lại do có 43 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm. Sau khi đánh giá (bao gồm cả phòng xét nghiệm độc lập trên thế giới) đều không tìm thấy bất thường nào của vaccine Quinvaxem. Đến tháng 11-2013, vaccine này tiếp tục được tiêm cho trẻ đến nay (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Thành lập Trung tâm Máu quốc gia

Ngày 18-9-2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4164/QĐ-BYT về việc thành lập “Trung tâm Máu quốc gia” trực thuộc Viện Huyết học-Truyền máu trung ương, có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động truyền máu nhằm có nguồn máu, các sản phẩm máu và tế bào gốc an toàn phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh nhân và dự trữ máu cho an ninh quốc gia. Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu trung ương cho biết, từ những ngày đầu thành lập, Viện Huyết học-Truyền máu trung ương đã xây dựng một Trung tâm Truyền máu hiện đại với công suất 90.000 đơn vị máu mỗi năm. Đến nay, hoạt động của Trung tâm Truyền máu này đã tăng gấp hơn 3 lần công suất thiết kế. Chỉ tính riêng năm 2017, Viện đã tổ chức tiếp nhận 303.462 đơn vị máu, trong đó, lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện là 297.566 đơn vị (đạt trên 98%). Dự báo đến năm 2020, Viện Huyết học-Truyền máu trung ương sẽ tiếp nhận khoảng 400.000 đơn vị máu và tăng lên 600.000 đơn vị máu vào năm 2030. Với nhu cầu thực tế đó, Viện đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm Máu quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao hiệu quả, chất lượng nguồn máu phục vụ người bệnh (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 502 người mắc, trong đó 3 trường hợp tử vong. Riêng tháng 3-2018, cả nước xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 233 người mắc, 216 người phải nhập viện, 3 người tử vong. Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có 2 vụ do độc tố tự nhiên, 3 vụ do vi sinh vật, 3 vụ do hóa chất, 4 vụ chưa xác định nguyên nhân. Điều đáng nói là tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol, ngâm cây rừng có chứa các độc tố tự nhiên trong mùa lễ hội xuân vẫn ở mức báo động (Hà Nội mới, trang 5).

 

 

Hà Nội chấm điểm thi đua công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đẩy mạnh quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc lớn, nhất là trong dịp hè năm 2018, thành phố tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, duy trì có hiệu quả 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, gồm: Rau, thịt, hoa quả. Mở rộng mô hình tuyến phố kiểu mẫu về kiểm soát an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại các trường học, khu công nghiệp, mở rộng hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, để đánh giá đơn vị nào thực hiện tốt, chưa tốt, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức chấm điểm thi đua công tác an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn (Hà Nội mới, trang 5).

 

Hà Nội có thêm một bệnh viện đa khoa hiện đại đi vào hoạt động

Ngày 4-4, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thiên Đức đã long trọng tổ chức lễ khai trương. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Phát biểu tại lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao nhưng hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước hiện vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, nhà nước kêu gọi mọi nguồn lực của xã hội, bao gồm nhà nước, tư nhân và các tổ chức xã hội khác cùng tham gia đóng góp công sức, vật chất để xây dựng hệ thống cơ sở khám chữa bệnh phục vụ người dân. Sự ra đời của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thiên Đức với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ cán bộ nhân viên y tế vững tay nghề sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện. Bộ Y tế ủng hộ và tạo điều kiện để bệnh viện phát triển, đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo được uy tín với người dân Thủ đô. 

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thiên Đức có 14 tầng với diện tích sử dụng lên tới trên 20.000m2 và được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động số 109/BYT-GPHĐ ngày 29-12-2017. Bệnh viện được thiết kế hiện đại với hệ thống phòng mổ khép kín 1 chiều cùng các trang thiết bị, máy móc y khoa tiên tiến, đáp ứng các tiêu chí cao của một bệnh viện quốc tế. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân Thủ đô, bệnh viện còn đảm nhận khám, chứng nhận sức khỏe cho các đối tượng lái xe; người Việt Nam làm việc, học tập trong nước và nước ngoài (Hà Nội mới, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang