Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề nghị tuyên bác sĩ Lương vô tội; Phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam: Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay; Ổ dịch cúm lớn chưa từng có ở Bệnh viện Từ Dũ: Nhiều bệnh nhân đã được xuất viện

 

Bộ Y tế đề nghị tuyên bác sĩ Lương vô tội ​

Chiều 4/6, Bộ Y tế tổ chức thông tin tới báo chí một số vấn đề liên quan đến phiên toà xét xử sự cố chạy thận nhân tạo làm 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Phiên toà này được mở từ 15/5, dự kiến tới 14h chiều nay (5/6), Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình xét xử, dù không được mời nhưng Bộ Y tế vẫn cử các đơn vị liên quan và các nhà chuyên môn lên Hoà Bình tham dự, theo dõi phiên toà. Ông Quang nói: “Chúng tôi cho rằng việc buộc tội của toà án chưa chính xác vì chứng cứ buộc tội còn yếu. Với những phân tích qua phiên toà, Bộ Y tế đưa ra ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai, nếu có thể toà tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương”.

Trong quá trình điều tra, Bộ Y tế gửi 2 công văn: Công văn số 4342 ngày 2/8/2017, Bộ Y tế gửi cơ quan điều tra và công văn 2322 ngày 27/4/2018 Bộ gửi Công ty Luật Nguyễn Chiến. Về ý kiến cho rằng hai công văn này mâu thuẫn, TS Nguyễn Huy Quang khẳng định là không mâu thuẫn, không viết thừa, lỗi đánh máy là nhận định của luật sư trong quá trình tranh tụng. Vấn đề này, đại diện Bộ Y tế đã có trả lời rõ ràng trước Hội đồng xét xử. Ông Quang nói: “Bản chất của xét nghiệm AAMI ở Việt Nam là tự nguyện. Tuy nhiên, trong công văn trả lời Công an Hòa Bình, Bộ Y tế đã dựa vào điều khoản trong hợp đồng sửa chữa thiết bị ngày 28/5/2017 giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn để hoàn thiện nội dung.

Vì hợp đồng có ghi phải xét nghiệm AAMI nên Bộ Y tế phúc đáp lại rằng “nhất thiết” phải xét nghiệm AAMI”. Ông Quang phân tích: “Ở đây “nhất thiết” được hiểu là dựa vào điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên; nếu có thoả thuận thì bắt buộc phải xét nghiệm, còn không thì bỏ qua. Không có mâu thuẫn giữa hai công văn trả lời cơ quan điều tra và Công ty Luật Nguyễn Chiến. Viện Kiểm sát không thể dựa vào công văn của Bộ Y tế, dẫn tới hiểu lầm mà truy tố sai các bị cáo, dẫn tới việc Viện kiểm sát đề nghị trả hồ sơ”.

Không chậm ban hành quy trình chạy thận, lọc máu

Văn bản về quy trình chạy thận, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc xây dựng quy trình kỹ thuật, Bộ Y tế có chương trình dài hơi và đồ sộ (từ 1997-4/2018) có hơn 7.000 quy trình kỹ thuật, cơ bản bao trùm các kỹ thuật y khoa.  Đối với quy trình thận nhân tạo, lọc máu, từ năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành quy trình. Theo chu kỳ, có điều chỉnh mới, Bộ Y tế lại cập nhật (như năm 2004 về sử dụng lại quả lọc thận, năm 2014 cập nhật bổ sung quy trình lọc thận và một số quy trình liên quan tới lọc thận). Tới năm 2018, theo kế hoạch, lộ trình, Bộ bổ sung, cập nhật 52 quy trình liên quan lọc máu, trong đó có 7 quy trình về lọc nước RO. Việc thống nhất, ban hành quy trình được các nhà chuyên môn của ngành Y tế họp, kiểm tra từ rất lâu.

Ông Khoa khẳng định: “Bộ Y tế phản bác ý kiến cho rằng, Bộ chậm trễ trong ban hành quy trình, phải có sự cố xảy ra mới ban hành. Bộ đã có kế hoạch xây dựng, ban hành quy trình về hệ thống nước RO trong lọc thận từ năm 2016. Việc ban hành quy trình mới không thể quy đó là chậm trễ mà là giải pháp phòng ngừa cho những sự cố tương tự có thể xảy ra. Việc 9 nạn nhân tử vong vì chạy thận ở Hoà Bình rất hi hữu, thế giới chưa từng gặp. Về nguyên lý, khi xảy ra sự cố, trách nhiệm của Bộ Y tế phải đánh giá, rà soát lại tất cả quy trình liên quan” (Tiền phong, trang 6).

 

Phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam: Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay

Chiều 4.6, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), cập nhật tình hình dịch bệnh Ebola đang tái bùng phát mạnh mẽ ở Tây Phi và các biện pháp phòng, chống. Theo báo cáo của PHEOC, tại CHND Công Gô, dịch Ebola bắt đầu ghi nhận từ ngày 5.4, trường hợp xác định ngày 8.5.2018 và công bố dịch. Hiện đã có tổng số 58 ca, 27 người tử vong. Ca xác định 35, 14 ca nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là cán bộ y tế. Hiện các quốc gia khác chưa ghi nhận ca bệnh. 

Cục Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Công Gô. Bộ Y tế có văn gửi Chủ tịch UBND của một số tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola.

Cuộc họp nhận định nguy cơ dịch Ebola lây truyền vào nước ta ở mức thấp do dịch bệnh Ebola năm 2018 tại Công Gô được phát hiện sớm, quy mô ổ dịch nhỏ, khu vực xảy ra dịch bệnh ở khu vực hẻo lánh cách xa khu vực đông dân cư, giao thông đi lại khó khăn, ít giao thương và không có khách du lịch. 

Hiện không có đường bay thẳng từ Công Gô tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như tới Việt Nam. Số lượng hành khách từ Công Gô xuất, nhập cảnh Việt Nam rất ít. Từ đầu năm 2018 đến nay chỉ có dưới 20 hành khách xuất, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất.

Việt Nam đã có kế hoạch, hệ thống phòng chống dịch bệnh sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh Ebola từ công tác giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ đối với Việt Nam để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời Lãnh đạo Bộ.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: "Mặc dù nguy cơ xâm nhập ở mức thấp nhưng cũng không loại trừ thời gian tới dịch diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan quốc tế trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Duy trì họp văn phòng EOC và đánh giá nguy cơ để cung cấp thông tin cập nhật, đề xuất các hoạt động, kế hoạch phòng chống kịp thời. Thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh dựa vào sự kiện, cộng đồng, bệnh viện. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu đối với hành khách đi/đến từ khu vực có dịch tại các cửa khẩu quốc tế lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Giám sát bằng thân nhiệt, chưa cần áp dụng tờ khai y tế".  

Chỉ đạo, rà soát công tác thu dung, điều trị, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; công tác chẩn đoán, xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur; rà soát, cập nhật kế hoạch phòng chống, các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do vi rút Ebola để bổ sung, cập nhật kịp thời phù hợp với tình hình dịch (Lao động, trang 3).

 

Ổ dịch cúm lớn chưa từng có ở Bệnh viện Từ Dũ: Nhiều bệnh nhân đã được xuất viện

Tính đến hôm nay, 4-6, hầu hết trong số 16 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tại ổ dịch cúm xuất hiện ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) đã được xuất viện, không ghi nhận thêm các ca mắc mới… Sáng nay, 4-6, Sở Y tế TP HCM đã kiểm tra lại việc xử lý các ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ và công tác khử khuẩn, phòng dịch. Theo báo cáo tại buổi làm việc, Bệnh viện đã khẩn trương khử khuẩn toàn bộ khu vực khoa Nội soi – nơi bất ngờ xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1 khiến 16 người mắc - để ngay đầu giờ chiều nay, 4-6, khoa này có thể mở cửa hoạt động trở lại bình thường, hạn chế ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang điều trị khác.

Tính đến sáng 4-6, tại Khoa Nội soi của viện chỉ còn 5 bệnh nhân chưa xuất viện được do yêu cầu hậu phẫu, trong đó có 1 người mắc cúm và 4 người không bệnh nhưng đã từng đi qua khu vực lầu 5 khu M trong ngày 1-6 nên cũng được xếp vào nhóm nguy cơ, được cách ly tại lầu 5 trong thời gian còn lưu viện.

Hiện nay, không có thêm bệnh nhân mới nào bị sốt trong ổ dịch này. Qua đánh giá của Sở Y tế TP HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM khi khảo sát tại bệnh viện Từ Dũ, tình hình ổ dịch cúm A/H1N1 tại đây đã cơ bản được kiểm soát.

Cũng liên quan đến dịch cúm A/H1N1, ngày 4-6, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đưa thông tin cảnh báo cho biết, cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A H1N1 gây nên, có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Đáng chú ý, virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.  Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A H1N1. Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc…

Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc (An ninh thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang