Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván; Xuất hiện ca bệnh nhiễm vi khuẩn gây tiêu xương.

 

Những nguy cơ không ngờ gây bệnh uốn ván

Cửa ngõ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván có thể chỉ là các vết thương nhỏ như: gai đâm, xước da, dập móng, bấm lỗ tai…

Uốn ván sau khi cắt trĩ tại nhà

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) thông tin về 2 ca bệnh được chẩn đoán mắc uốn ván gần đây.

Khoảng một tuần trước nhập viện, bệnh nhân (BN) V.N (53 tuổi, ở Hòa Bình) nhờ người quen cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, BN xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém, được gia đình chuyển đến BV địa phương. Tại BV địa phương, BN được chẩn đoán mắc uốn ván. Do tình trạng nặng, BN được chuyển đến Khoa Cấp cứu - BV Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể.

Trường hợp khác là BN nữ 68 tuổi ở Sơn La. Trước đó, BN xây xát da ở vùng mông do bị ngã trong chuồng lợn. Mặc dù có các vết thương hở nhưng BN không xử trí vết thương. 3 ngày sau, BN xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, có cơn co cứng, co giật toàn thân. Sau khi nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván, BN được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy; tuy nhiên, tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm nên được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư. Tại đây, bà được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, uốn ván là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào. Các vết thương mà vi khuẩn xâm nhập có thể nhỏ như gai đâm, xước da, dập móng, xỉa răng, bấm lỗ tai… hoặc các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu, thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn.

Uốn ván gặp ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

Do vậy, việc xử lý ban đầu đối với các vết thương cần được thực hiện đúng cách. Bên cạnh cầm máu, cần rửa vết thương bằng nước muối hoặc nước sạch, loại bỏ đất bẩn, mảnh vụn nếu có. Với các vết thương nhiều ngóc ngách, chảy máu, dính nhiều đất cát, đòi hỏi cắt lọc, sử dụng ô xy già, cần xử lý ở cơ sở y tế. Vết thương do động vật cắn cần được rửa lại bằng xà phòng. Sau đó, có thể bôi các dung dịch sát khuẩn phù hợp và băng bó nhẹ nhàng bằng băng y tế vô khuẩn.

Không nên băng kín nếu vết thương chưa được vệ sinh tốt vì vi khuẩn uốn ván có thể phát triển thuận lợi trong môi trường kỵ khí, băng bó kín.

Bên cạnh chăm sóc vết thương thì cần tiêm dự phòng uốn ván đối với các vết thương dập nát, tổn thương sâu, bẩn. 

Ca mắc uốn ván tăng hơn 2 lần, 2 trường hợp tử vong

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 25.10, TP.Hà Nội ghi nhận 23 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong; số ca mắc và tử vong do uốn ván đều tăng so với cùng kỳ 2022 (10 ca mắc, không có tử vong).

Trường hợp ghi nhận gần nhất là BN nam 60 tuổi. Trước khi vào viện 14 ngày, BN bị bỏng bình ga ở hai cẳng chân, được điều trị tại BV đa khoa Xanh Pôn, chưa tiêm phòng uốn ván. Ngày 17.10, BN xuất hiện cứng hàm, co cứng 2 chân, hạn chế vận động, được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng trương lực cơ toàn thân tăng nhẹ, cứng hàm, miệng há 1,5 cm, chẩn đoán uốn ván. (Thanh niên, trang 14).

 

Xuất hiện ca bệnh nhiễm vi khuẩn gây tiêu xương

Các bác sĩ Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhi 10 tuổi (ở Tuyên Quang) bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn hiếm gặp.

Người nhà bệnh nhi (BN) cho biết: 6 ngày trước nhập viện, trẻ chơi đá bóng ở sân bùn đất bẩn. 5 ngày trước vào viện, trẻ sốt cao 41 độ C, nổi mụn nước nhỏ, dịch trong ở lưng, bụng, tay, chân. Gia đình nghĩ trẻ bị thủy đậu, tự mua thuốc bôi nhưng không đỡ. Mụn nước chuyển thành mụn mủ trắng và trẻ sốt cao.

Ngày 11.10, BN được đưa đến Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang khám, được chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm, nhiễm khuẩn huyết. Sau 3 ngày điều trị bằng kháng sinh kết hợp, BN vẫn sốt cao, xuất hiện tình trạng loét da tại các nốt phỏng, có mủ ở lưng, đầu. BN được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và sau đó được chuyển tới Trung tâm nhi khoa BV Bạch Mai. BN nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, nhịp tim nhanh, sốt cao liên tục 39 - 40oC.

Tại Trung tâm nhi khoa, BN được đặt ống nội khí quản và thở máy. Quá trình điều trị, BN bị xuất huyết phổi nhiều, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nặng, huyết áp tụt, phải sử dụng phối hợp 3 loại kháng sinh và dùng các thuốc vận mạch liều rất cao. Các vết loét nhiều lên, thêm nhiều nốt mới, sốc nhiễm khuẩn rất nặng gần như kháng các phương pháp điều trị thông thường, nguy cơ tử vong cao, được chỉ định lọc máu liên tục.

Kết quả cấy máu phát hiện BN nhiễm vi khuẩn Chromobacterium violaceum và được bác sĩ điều chỉnh thuốc sau khi có kết quả kháng sinh đồ (đánh giá nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh). Hiện sau 3 tuần điều trị, BN có tiến triển rất tốt, tự thở, tiếp xúc tốt, không có di chứng nào về não hay các cơ quan khác, đang được phục hồi chức năng về hô hấp và vận động, dự kiến ra viện trong thời gian sớm.

Theo TS-BS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm nhi khoa, Chromobacterium violaceum là vi khuẩn rất hiếm gặp. Vi khuẩn này thường phân biệt với các vi khuẩn khác trong bùn đất và rất ít trường hợp được báo cáo gây bệnh trẻ em. Theo y văn, vi khuẩn này thường gây tiêu hủy xương, ăn vào các tổ chức của cơ và da gây hoại tử, khó hồi phục. BN nêu trên bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, suy hô hấp do vi khuẩn hiếm gặp này.

BS Nguyễn Thành Nam khuyến cáo: Chromobacterium violaceum cần phân biệt với Whitmore và các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, viêm da liên cầu… Các tổn thương kiểu này gặp trên rất nhiều bệnh khác nhau, do đó các gia đình không tự ý điều trị tại nhà khi không rõ căn nguyên. (Thanh niên, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang