Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hướng tới một thế giới an toàn hơn trước dịch bệnh; Xem xét bổ sung hai đối tượng được phân bổ, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; Thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hướng tới một thế giới an toàn hơn trước dịch bệnh

Nhân kỷ niệm 60 năm hệ Y tế dự phòng, sáng 5-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt các cán bộ y tế tiêu biểu được nhận Giải thưởng Đặng Văn Ngữ. Dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Giải thưởng Đặng Văn Ngữ được Bộ Y tế trao tặng các cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc trong lĩnh vực y tế dự phòng. Năm 2016 có 119 tập thể, cá nhân được tặng, truy tặng giải thưởng này. Trong những năm qua, hệ thống tế dự phòng đã phát triển toàn diện từ Trung ương đến địa phương, gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu chuyên sâu ở tuyến Trung ương cũng như các đơn vị y tế dự phòng tại các địa phương. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về nâng cao sức khoẻ người dân, phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn. Chúng ta đã chủ động sản xuất được 10/12 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và có đủ khả năng xét nghiệm khẳng định được các dịch bệnh mới nổi, các dịch bệnh hiện đang lưu hành hoặc có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Các chỉ tiêu, tiến độ của các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được hoàn thành vượt mức, góp phần đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ mắc sốt rét; giữ vững thành quả thanh toán và loại trừ, khống chế một số bệnh dịch nguy hiểm, như đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh; chủ động khống chế và đẩy lùi nhiều bệnh dịch lưu hành, mới nổi khác, như tả, dịch hạch, sốt rét, lao, HIV/AIDS...

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng và biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hệ Y tế dự phòng toàn quốc đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vừa đem lại những cơ hội, thuận lợi, đồng thời cũng đặt nước ta phải đối mặt với các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm và những thách thức khác trong lĩnh vực y tế. Bối cảnh đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng cần phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch nước lưu ý một số nội dung công tác trọng tâm ngành cần thực hiện tốt như: Nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phù hợp. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác y tế dự phòng, trên cơ sở đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân gắn với việc dự phòng các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thực hiện tốt phương châm lấy con người làm trung tâm, dự phòng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng. Đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, phòng bệnh. Tiến hành đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về vệ sinh phòng bệnh, các biện pháp tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe.

Chủ tịch nước yêu cầu ngành y tế cần đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các đơn vị y tế dự phòng các tuyến theo hướng tinh giản đầu mối, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng vừa có năng lực, tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi, vừa có y đức tốt, đủ năng lực đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi cũng như nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp dự phòng tiên tiến. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, phát triển công nghệ có khả năng xác định, phát hiện những tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm cũng như phát triển công nghệ sản xuất vắc-xin, bảo đảm an ninh về vắc-xin trong phòng bệnh cho người dân cả nước. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, quản lý chất thải y tế, bảo vệ sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, nâng cao chất lượng vệ sinh trường học và phòng, chống tai nạn thương tích. Kết hợp chặt chẽ giữa quân và dân y trong lĩnh vực y tế dự phòng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nghiên cứu, áp dụng các mô hình hoạt động có sự tham gia đóng góp của xã hội, người dân. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế, chú trọng các loại hình dựa vào cộng đồng. Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các nước và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực y tế dự phòng. Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đào tạo cán bộ y tế dự phòng cũng như tranh thủ sự hỗ trợ thiết bị, phương tiện hiện đại của các nước, các tổ chức quốc tế. Tiếp tục tham gia tích cực vào việc thực hiện Điều lệ Y tế thế giới và Chương trình hợp tác an ninh y tế toàn cầu để chủ động đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi và các sự kiện y tế công cộng hướng tới một thế giới an toàn hơn trước dịch bệnh, nâng cao vai trò, vị thế của ngành y tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế dự phòng, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc xây dựng, củng cố hệ Y tế dự phòng, nhất là ở tuyến cơ sở.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ tin tưởng và mong muốn, ngành y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, giành được nhiều kết quả, thành tích to lớn hơn nữa. (Nhân dân, trang 1) 

Cùng chủ đề bài viết, có các tin, bài sau:

Việt Nam sản xuất được 10/12 loại vaccine được thế giới công nhận (Lao động, trang 2)

Hướng tới một thế giới an toàn hơn trước dịch bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 2) 

Nhiều thành tựu về y tế dự phòng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận (Công an nhân dân, trang 2) 

Ngành Y tế cần bảo đảm an ninh về vắc xin phòng bệnh cho người dân cả nước (Hà Nội mới, trang 6)

Cần kịp thời ứng phó bệnh dịch nguy hiểm (Thanh niên, trang 2) 

 

Xem xét bổ sung hai đối tượng được phân bổ, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế  

Ngày 5-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung quy định quan trọng, đó là quỹ BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn sẽ được phân bổ, sử dụng cho các chủ tàu đánh bắt cá xa bờ để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và chi trả một số sản phẩm điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đối với trẻ em dưới sáu tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo quy định hiện hành, quỹ BHYT chỉ được phân bổ, sử dụng để chi trả hai nội dụng, đó là: Các chi phí thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT và trích lại cho các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thời gian qua, nhóm đối tượng ngư dân tham gia BHYT chưa nhiều, nếu quy định này được ban hành sẽ là cách để khuyến khích ngư dân tham gia BHYT nhiều hơn. Nếu chi trả cho sản phầm điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ dưới sáu tuổi, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối nhưng Bộ Y tế cần quy định chặt chẽ điều kiện thanh toán để tránh quỹ bị lạm dụng. (Nhân dân, trang 5)

 

Thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. Thời gian thực hiện thí điểm 3 năm. Ban Quản lý là cơ quan thuộc UBND TP.HCM, có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; có trụ sở làm việc tại TP.HCM. Theo quyết định, Ban Quản lý có trưởng ban và không quá 3 phó prưởng ban cùng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Biên chế công chức của Ban Quản lý được tính trong tổng số biên chế công chức của UBND TP.HCM. (Sài Gòn giải phòng, trang 1) 

 

Gỡ nút thắt bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo tạo điều kiện để từ năm 2017, 100% người nhiễm HIV phải được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến nay mới có khoảng 40% người nhiễm HIV có BHYT và được chi trả trong quá trình điều trị tiếp cận với thuốc dự phòng chống miễn dịch ARV. Đây thực sự là một khó khăn cho người nhiễm HIV, khi Việt Nam không còn được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức và quỹ phòng chống HIV như trước năm 2016 và tiến tới cắt đứt hoàn toàn trong thời gian tới (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Viện Pasteur TPHCM: Đảm bảo cung ứng đủ vaccine sau sự cố cháy kho dự trữ

Liên quan đến sự cố cháy kho vaccine xảy ra tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 4-12, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân khẳng định, Viện đang điều phối, bổ sung bảo đảm đủ nguồn vaccine cho cộng đồng sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại khu vực phía Nam.

Người đứng đầu Viện Pasteur TP.HCM cho biết, kho vaccine bị cháy vào sáng 4-12 là kho vaccine dự trữ dùng để trung chuyển về kho các tỉnh, thành phố trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam.

Với số vaccine đã bị cháy, Viện có kế hoạch điều phối giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực với nhau; đồng thời, phối hợp với Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và các cục, vụ, viện có liên quan để bổ sung nguồn vaccine mới, bảo đảm đủ vaccine cho cộng đồng sử dụng trong chương trình.

Trước đó, khoảng 3h ngày 4-12, từ thông báo hệ thống cảnh báo nhiệt độ kho lạnh qua tin nhắn điện thoại, bảo vệ Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện có đám cháy xảy ra trong Viện. Ngay lập tức, cán bộ Viện Pasteur TP.HCM nhanh chóng chữa cháy tại chỗ bằng máy bơm nước và bình cứu hỏa, đồng thời thông báo cho Cảnh sát PCCC. Sau hơn một giờ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.(An ninh thủ đô, trang 2; Sài Gòn giải phòng, trang 3; Tiền phong, trang 2; Thanh niên, trang 5) 

 

Đồng Nai: Phát hiện trường hợp mắc bệnh Zika đầu tiên

Ngày 4-12, BS Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai vừa ghi nhận ca bệnh Zika đầu tiên.

Theo đó, bệnh nhân là một phụ nữ 24 tuổi mang thai 29 tuần, ngụ phường An Bình. Khoảng một tuần trước thai phụ này nhập viện với triệu chứng: Phát ban dạng sần, sốt, nhức mỏi. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy thai phụ này dương tính với virus Zika.

Trước tình hình trên, BS Huỳnh Minh Hoàn chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai triển khai công tác diệt muỗi kết hợp với diệt lăng quăng nhằm khống chế xảy ra ca bệnh mới. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai có nhiệm vụ bao vây dịch, không để dịch lan rộng.

Ngay trong chiều 4-12, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với địa phương phun hóa chất diệt muỗi tại 100% hộ gia đình trong khu vực.

Dự kiến ngày 5-12, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai sẽ họp khẩn với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch và loại trừ dịch bệnh nguy hiểm Đồng Nai để triển khai công bố dịch tại khu phố 10, phường An Bình cũng như công tác chỉ đạo chung trong phòng, chống dịch bệnh Zika tại Đồng Nai. (Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, trang 2, ngày 5/12; Nông thôn ngày nay, trang 2, ngày 6/12)

 

Phẫu thuật cho bệnh nhân vỡ nhãn cầu do bị đạn hoa cải bắn vào mắt

Ngày 5-12, theo tin từ Bệnh viện E trung ương, các bác sĩ tại bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu sau khi bị súng hoa cải bắn vào mắt.

Ngày 4-12, khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận một nam thanh niên (25 tuổi, ở Phổ Yên, Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, trên 1/2 vùng mặt bên phải thuốc súng ám đen, nhãn cầu lòi ra ngoài, mất chức năng. Vết thương gây rách mi trên nham nhở.

Ngay lập tức, các bác sĩ cho bệnh nhân chụp X-quang và CT sọ não. Kết quả cho thấy, có rất nhiều dị vật cản quang ở mi mắt và hốc mắc phải và trong não của bệnh nhân. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa sọ não và mắt. Căn cứ vào kết quả CT sọ não, các bác sĩ quyết định chưa có chỉ định can thiệp ngoại khoa sọ não. Về phần mắt, các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Mắt (Bệnh viện E) đã tiến hành thăm dò vết thương thấy, bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu mắt phải rộng, đứt dây thần kinh thị giác. Thành ngoài hốc mắt bị vỡ xương phức tạp. Các bác sĩ phải cắt bỏ nhãn cầu phải của bệnh nhân. Tại hốc mắt bên phải, các bác sĩ lấy được một dị vật là mảnh đạn hoa cải có đường kính 3x3mm.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thăm dò vết thương mi trên mắt bên phải lấy được 10 dị vật có kích cỡ to nhỏ không rõ hình dạng. Các bác sĩ đã phải cắt lọc tổ chức hoại tử, làm sạch và khâu lại vết thương cho bệnh nhân. Ca can thiệp này kéo dài gần 2 giờ. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, tỉnh táo, vết thương mắt khô sạch. May mắn, sau ca phẫu thuật, bệnh nhân vẫn còn lại mắt trái có thể nhìn nhận vật thể rõ.

Nam thanh niên này gặp tai nạn sau khi đi ăn cưới về nhà vào tối ngày 3-12. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân. (Hà Nội mới, trang 5; Tiền phong, trang 6)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang