Ngừng thanh toán BHYT đối với một số thuốc
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn 5054/BHXH-DVT về việc dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với một số loại thuốc. Công văn nêu rõ, ngày 21/09/2017, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có Quyết định số 416/QĐ-QLD về việc rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất phối hợp Trypsin và Bromelain, thuốc chứa hoạt chất phối hợp Domperidon và chất ức chế bơm proton đang lưu hành tại Việt Nam.
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thông báo đến tất cả các cơ sở trên địa bàn có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH ngừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với các thuốc được nêu trong Danh mục các thuốc rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành tại Việt Nam.
Đồng thời, BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát số liệu thanh toán chi phí KCB tại các cơ sở KCB BHYT, thông báo cho các cơ sở KCB về việc thu hồi và điều chỉnh giảm chi phí đã thanh toán theo chế độ BHYT (nếu có) vào kỳ quyết toán Quý 4 năm 2017 đối với các thuốc có trong Danh mục rút số đăng ký lưu hành, đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc đang lưu hành tại Việt Nam nêu trên kể từ ngày Quyết định số 416/QĐ-QLD có hiệu lực. BHXH Việt Nam nêu rõ, trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo về BHXH Việt Nam để được hướng dẫn, giải quyết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế lập tổ phản ứng nhanh giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, Thanh tra Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thanh tra Bộ thiết lập Tổ phản ứng nhanh về kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Theo Bộ Y tế trong thời gian qua các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế đã xuất hiện nhiều vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều quảng cáo sai lệch, không đúng với chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây tổn thất, thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).