Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Tăng cơ hội cho điều dưỡng Việt Nam tại Nhật Bản; Quy định về người hành nghề khám chữa bệnh: Không được phụ trách từ 2 khoa trở lên; Nghệ An xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1...

 

Tăng cơ hội cho điều dưỡng Việt Nam tại Nhật Bản

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Chính phủ nước này vừa quyết định kéo dài thời gian làm việc thêm 1 năm đối với các điều dưỡng và hộ lý đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines. Quyết định này áp dụng đối với những điều dưỡng, hộ lý đang làm việc tại Nhật Bản theo Thỏa thuận đối tác kinh tế (EPA) trong 2 năm 2014 và 2015.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 470 điều dưỡng, hộ lý đang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Theo thỏa thuận EPA, điều dưỡng có thời hạn làm việc tại Nhật Bản 3 năm, hộ lý có thời hạn làm việc 4 năm.

Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư.

Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại nước này. Việc Nhật Bản kéo dài thời gian lưu trú tăng thêm cơ hội cho điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đạt được chứng chỉ quốc gia của nước này, tạo điều kiện về công việc cũng như chế độ lương bổng và phúc lợi xã hội bình đẳng như các đồng nghiệp Nhật Bản. (An ninh nhân dân, trang 2)

 

Quy định về người hành nghề khám chữa bệnh: Không được phụ trách từ 2 khoa trở lên

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo nghị định, người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…(Nông thôn ngày nay, trang 2; Hà Nội mới, trang 2; Lao động, trang 2; Sức khỏe & đời sống, trang 2)

 

Nghệ An xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1

Ngày 4-2, ông Nguyễn Trọng Bốn – trạm trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Diễn Châu (Nghệ An) – cho biết, đã xác định được nguyên nhân đàn gia súc của ông Nguyễn Mạnh Hùng bị mắc bệnh là do dịch cúm H5N1.

Trước đó, ngày 29-1, đàn vịt chạy đồng của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng xuất hiện triệu chứng sưng phù đầu và đi ngoài phân trắng xanh. Sau đó, Trạm Thú y huyện Diễn Châu đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính H5N1. Ngay lập tức, toàn bộ đàn vịt nhà ông Hùng được vận động đưa đi tiêu hủy khẩn cấp với gần 500 con vịt thịt và vịt đẻ để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus H5N1. (Tuổi trẻ, trang 2)

Cùng chủ đề tin, còn có các tin, bài sau:

Công an nhân dân (trang 1): Khẩn trương triển khai các giải pháp dập dịch cúm gia cầm H5N1

An ninh thủ đô (trang 4): Khẩn trương triển khai dập 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở Diễn Châu (Nghệ An)

 

 Chiến dịch hiến máu Lễ hội xuân hồng lần thứ X

Theo Viện Huyết học và Truyền máy Trung ương, ngày 18-2 sẽ diễn ra Lễ hội xuân hồng lần thứ X năm 2017, Tết luôn là dịp khan hiếm máu trong năm nhưng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã đảm bảo cung cấp đủ máu và chế phẩm từ máu cho trên 170 bệnh viện và 25 tỉnh, thành phía Bắc… (Công an nhân dân, trang 2)

 

Ngành Y tế đảm bảo cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong dịp Tết

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 5 ngày Tết Đinh Dậu 2017, các cơ sở khám chữa bệnh của ngành đã tiếp nhận khám cấp cứu cho 2.668 trường hợp bị tai nạn, trong đó có 1.318 trường hợp tai nạn giao thông, còn lại là các trường hợp tai nạn khác… (Công an nhân dân, trang 2)

 

Công chức, viên chức phải diệt lăng quăng

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Khánh Hòa, UBND tỉnh này dự báo năm 2017 sẽ nhiều phức tạp, các bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành tại địa phương như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng có thể tăng mạnh, bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi (sốt xuất huyết Dengue, Zika, chân tay miệng, tả, thương hàn…) có thể xâm nhập vào Khánh Hòa và số ca mắc Zika có thể tăng nhanh trong thời gian tới…(Tuổi trẻ, trang 14)

 

Đầu tư y học hạt nhân để phòng trị ung thư

Nhân ngày thế giới phòng chống ung thư (4-2), Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đưa vào sử dụng đơn vị y học hạt nhân, giúp nâng cao hiệu quả cho công tác phòng bệnh ung thư cho người bệnh khu vực miền Tây Nam bộ…(Tuổi trẻ, trang 14)

 

Một tháng ghi nhân hơn 2.000 ca bệnh tay chân miệng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tháng 1-2017, cả nước ghi nhận 2.088 ca mắc tay chân miệng tại 57 tỉnh, thành phố, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã ghi nhận một trẻ 19 tháng tuổi ở huyện Châu Thành (Trà Vinh) tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dự báo, các ca mắc tay chân miệng có thể tăng trong thời gian tới, đặc biệt vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, mỗi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ nhà ở, môi trường sống, nhất là không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.(Hà Nội mới, trang 7; Sức khỏe & đời sống, trang 2)

 

Đón Tết ở viện vì rượu bia

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ phải đón xuân trong phòng cấp cứu do uống quá nhiều rượu, bia gây tai nạn giao thông…

Đón giao thừa ở viện

Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán tấp nập bệnh nhân vào cấp cứu vì tai nạn giao thông (TNGT). Tại khu điều trị nội trú, nạn nhân Tuấn (16 tuổi) rơi vào hôn mê sâu. Ngồi bên giường bệnh, mẹ Tuấn - chị Linh (41 tuổi, quê Yên Minh, Hà Giang) mắt thâm quầng, mệt mỏi. Tuấn bị TNGT từ 24/1/2017 (tức 27 Tết).

Chị Linh cho biết, Tuấn là đứa con trai duy nhất của gia đình. Dù đang là học sinh, nhưng mấy ngày nghỉ Tết, Tuấn thường xuyên tụ tập uống rượu bia với bạn bè. Ngày 27 Tết, khi điều khiển xe máy tốc độ cao, có men rượu trong người, gặp đoạn đường xấu, nhiều cát Tuấn bị ngã chấn thương nặng ở chân. “Lúc hay tin cháu say rượu rồi gây tai nạn tôi vừa thương vừa giận con. Đây là cái Tết buồn nhất của tôi vì chạy vạy cùng con hết bệnh viện này đến bệnh viện khác”, chị Linh khóc kể.

Chị Linh cho biết, sau tai nạn, Tuấn được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Sau 8 ngày điều trị, bác sỹ thông báo chân Tuấn bị hoại tử. Gia đình vay mượn đưa Tuấn chuyển lên Bệnh viện Việt Đức với hy vọng “còn nước còn tát”.

Nhập viện, Tuấn phải cắt bỏ một chân. “Quá sốc khi phải cắt một bên chân, cháu chẳng nói chuyện với ai. Tối cháu luôn kêu đau, còn ngày chỉ biết nằm im khóc”, chị Linh buồn nói.

Cũng gặp tai nạn trong ngày 28 Tết, nhưng Hương (23 tuổi, quê Nam Định) may mắn hơn. Dù chưa thể đi lại, nhưng Hương tỉnh táo và có thể nói chuyện. Hương kể, khoảng 10h tối ngày 28 Tết, sau bữa tiệc tất niên ở công ty, trời khuya, Hương không đi xe máy về mà nhờ một đồng nghiệp chở. Người bạn đèo Hương lại quá chén nên xảy ra tai nạn.

Sau tai nạn, phần đùi của Hương bị gãy và khuôn mặt đầy sẹo. Người bạn đi cùng cũng bị thương nặng phải vào viện cấp cứu. “Điều mình ăn năn nhất là nhờ người uống rượu chở về. Vì mình bị tai nạn, mà cả nhà mất Tết. Người thân phải đón giao thừa trong bệnh viện để trông nom”, Hương nói.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, thời điểm trực Tết luôn là quãng thời gian căng thẳng và áp lực nhất bởi số lượng bệnh nhân cấp cứu tăng hơn ngày thường. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 150-250 bệnh nhân/ngày. Đa số bệnh nhân nhập viện do TNGT đều có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. “Phần lớn các ca cấp cứu do tai nạn vào dịp Tết có nguyên nhân từ say rượu, bia gây ra và hầu hết trong tình trạng rất nặng như: đa chấn thương sọ não, hàm mặt, bụng, gãy xương đùi…, đặc biệt là những ca TNGT ở các tỉnh chuyển thẳng lên tuyến trên”, vị bác sỹ nói.

Tết không trọn vẹn

Ở các bệnh viện tỉnh ngày Tết cũng tiếp nhận nhiều trường hợp thương tâm bị TNGT do rượu, bia. Có mặt tại phòng cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, trong lúc bệnh nhân Trần Văn Hoàng (27 tuổi, ở Hà Tĩnh) đang được em trai bón cháo. Hoàng được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đúng hôm 30 Tết.

Hoàng cho biết, khi đi tất niên, hát karaoke cùng nhóm bạn, cậu cùng một người bạn cá nhau thi uống bia. Ra về, Hoàng bị say và tông vào một xe máy chạy ngược chiều. Hậu quả Hoàng và hai nạn nhân đi ngược chiều phải vào viện cấp cứu. “Mình bị gãy hai xương gần mắt. Nghỉ Tết tưởng được về đón Xuân bên gia đình, ai ngờ phải ở bệnh viện. Hai người bị mình va phải cũng bị thương. Giờ ân hận thì đã muộn…”, Hoàng thở dài nói.

Ở cùng phòng với Hoàng, bệnh nhân Trần Văn Chuẩn (24 tuổi, ở Nghệ An) cũng bị đa chấn thương nặng do say rượu tông vào xe máy đi ngược chiều hôm mồng 1 Tết. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy Chuẩn có nồng độ cồn trong máu rất cao. Người nhà cho biết trước đó, Chuẩn có đi tất niên với bạn bè, đến giữa buổi chiều thì cả nhà nhận được hung tin. “Bác sĩ nói cháu uống rượu, lại không đội mũ bảo hiểm nên bị chấn thương ở đầu, cần theo dõi thêm. Tết năm nay, cả nhà phải thay nhau túc trực ở viện để chăm cháu”, mẹ Chuẩn nói.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, TNGT dịp Tết này tăng 29,5% về số vụ, tăng 11,5% số người chết, tăng 48% số người bị thương. Nguyên nhân TNGT được xác định sơ bộ là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia còn cao, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. (Tiền phong, trang 7) 

 

Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim

Trao đổi thông tin về ca bệnh này với phóng viên Báo Hànôịmới ngày 5-2, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên cho biết, trường hợp được cứu sống nói trên là bệnh nhân Đỗ Như T. (29 tuổi, ở Thạch Thất - Hà Nội).

Hiện bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện trong tuần này. Trước đó, ngày 2-2, bệnh nhân được đưa đến BV Thạch Thất trong tình trạng có vết thương sâu ở vùng thượng vị, da trắng nhợt, mạch và huyết áp không đo được… do bị đâm rách gan, rách cơ hoành và thủng tim. Các bác sĩ BV Thạch Thất tiến hành hồi sức và phẫu thuật. Khi tình trạng bệnh ổn định, các bác sĩ BV Thạch Thất đã chuyển bệnh nhân đến BV Đa khoa Xanh Pôn để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Theo ông Vương Trung Kiên, với tổn thương nặng như trường hợp này, bình thường thì khả năng được cứu sống ở các BV tuyến huyện là rất thấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. Nhờ đó, chất lượng chuyên môn ở một số BV tuyến huyện trên địa bàn Hà Nội đã có thay đổi lớn. (Hà Nội mới, trang 7; An ninh nhân dân, trang 2)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang