Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/3/2018

  • |
T5g.org.vn - Trị bệnh bằng đông dược không rõ nguồn gốc: Coi chừng “tiền mất, tật mang”; Thời tiết nồm ẩm: Lo ngại cúm mùa, đề phòng tử vong do lên cơn hen cấp; Đình chỉ bác sĩ "đuổi" bệnh nhân về nhà ở Kiên Giang

 

Trị bệnh bằng đông dược không rõ nguồn gốc: Coi chừng “tiền mất, tật mang”

Thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc “gia truyền” không rõ nguồn gốc xảy ra ở Cần Thơ đã khiến dư luận lo lắng. Bởi, không ít trường hợp mắc bệnh nan y đã tìm đến những loại “thuốc gia truyền” này và xem đó như một “thần dược”…

Suýt mất mạng vì “thần dược”

Ngày 5.3, Sở Y tế TP.Cần Thơ và đoàn kiểm tra liên ngành quận Ô Môn đã đến làm việc với các bác sĩ tại BVĐK TP.Cần Thơ để làm rõ thông tin hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc “gia truyền” của bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, phường Phước Thới, quận Ô Môn).

Theo tìm hiểu của PV, loại thuốc này trước đây do chồng bà Xuyến (ông Út Chắc) bán trong một thời gian dài. Sau khi ông Út Chắc qua đời, bà Xuyến tiếp tục kinh doanh loại thuốc này. Người đến mua sẽ được đưa 3 gói với 3 màu: Đỏ, xanh và xám, giá 100.000 đồng.

Bà Xuyến cho biết, đây là loại thuốc trị bệnh tiểu đường gia truyền, do lương y Thích Thiện Tỉnh (ở An Giang) bào chế, từ nguồn thảo dược tự nhiên. Đặc biệt, loại thuốc này thần kỳ đến nỗi, người bệnh cứ vô tư ăn uống, không cần kiêng cử, nhưng lượng đường trong máu vẫn bình ổn. Mỗi lần dùng thuốc gồm 2 viên màu xám, 1 viên màu xanh và 1 viên màu đỏ, và phải uống trước khi ăn.

Theo những người dùng thuốc, sau thời gian sử dụng, hiệu quả đúng như bà Xuyến đã nói. Tuy nhiên, sau đó, bệnh bắt đầu có những biến chứng nặng hơn và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân Võ Văn Bút (49 tuổi, phường Phước Thới, quận Ô Môn) cho biết, tôi bị bệnh tiểu đường đã 5 năm nay, ban đầu uống thuốc tây và điều trị tại Bệnh viện Quân y 121 (Cần Thơ).

Thời gian gần đây, nghe người quen giới thiệu, tôi tìm đến nhà bà Xuyến mua thuốc. Khi sử dụng rất hiệu quả, chỉ số đường rất bình ổn, y như thần dược. “Chiều 30.1, sau khi uống càphê về, tôi ngồi xem tivi, bỗng thấy bên vai, sau đó lan ra toàn thân, rồi mình mẩy cứng đơ như bị liệt, sau đó, tôi ói ra máu, được người nhà đưa đến BVĐK quận Ô Môn cấp cứu” - ông Bút kể.

Theo các bác sĩ, ông Bút nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Sau đó, diễn biến sang tình trạng toan chuyển hóa nặng, rơi vào cơn ngưng tim. Các bác sĩ phải hồi sức tích cực bù toan, chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận… để cứu sống bệnh nhân.

Từ phản ánh của bệnh nhân, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ô Môn đã kiểm tra nhà bà Xuyến, qua đó, phát hiện và tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Thời điểm kiểm tra, bà Xuyến cho biết, thuốc “gia truyền” của bà trị các bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi. Bà Xuyến cũng không có chứng chỉ hành nghề đông y.

Đặc biệt trên các gói thuốc của bà Xuyến có nhãn giấy ghi chữ “Chánh Đức”; gói màu đỏ ký hiệu L và số 1, gói màu xanh ký hiệu N và số 1, còn gói màu xám ký hiệu T và số 2. Trong đó, số 1 và 2 là liều dùng thuốc, bên dưới có dòng chữ hướng dẫn uống thuốc trước khi ăn.

Chứa chất nguy hiểm

Bác sĩ Phan Thị Phụng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU), BVĐK TP. Cần Thơ - cho biết, khoảng 3 tháng qua, chúng tôi tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch. Những bệnh nhân này có điểm chung là mắc bệnh tiểu đường, dùng một loại thuốc đông y. Đặc biệt là chỉ số đường của các bệnh nhân vẫn rất bình thường, nhưng tình trạng lại rất nặng, toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45).

Qua tìm hiểu được biết, loại thuốc này từng được Viện Pasteur TPHCM kiểm nghiệm, trong thuốc có chứa thành phần Phenfoxmin. Đây là dược chất điều trị đái tháo đường thế hệ đầu tiên hồi thập niên 1950 tại Mỹ. Nhưng thuốc này đã bị cấm sản xuất và lưu hành ở Mỹ từ năm 1973 do chứa chất gây nhiễm acid lactic gây toan chuyển hóa nặng, tử vong, chết hàng loạt. Tôi rất ngạc nhiên khi loại thuốc này xuất hiện tại Cần Thơ.

“Tôi đã trao đổi với một đồng nghiệp là Trưởng khoa ICU, BVĐK An Giang thì được biết, loại thuốc này có xuất xứ từ Trung Quốc, những người như bà Xuyến chỉ lấy thuốc về bán” - bác sĩ Phụng nói.

Ông Trần Trường Chinh - Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ - cho biết: Sở cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra việc kinh doanh, mua bán thuốc tại những nơi này. Tuy nhiên, do số lượng các cơ sở quá lớn (khoảng 1.000 cơ sở), trong khi lực lượng lại mỏng, nên không thể kiểm tra hết được.

“Có những bài thuốc, loại thuốc không rõ nguồn gốc được người dân truyền miệng nhau, bà con dùng thử, thấy hiệu quả rồi xem đó như “thần dược”. Có trường hợp chúng tôi xử lý một thầy thuốc hoạt động không giấy phép, thuốc bán ra không rõ nguồn gốc; nhưng người dân xung quanh một mực đến ngăn cản, và cho rằng thầy thuốc này đang “cứu nhân độ thế”, tại sao lại bắt họ”. Bà con rất tin tưởng vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian, mà không chịu nghe những tuyên truyền về kiến thức pháp luật” - ông Chinh nói (Lao động, trang 3).


Thời tiết nồm ẩm: Lo ngại cúm mùa, đề phòng tử vong do lên cơn hen cấp

Thời tiết giao mùa, nồm ẩm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, các loại bệnh như cúm mùa, viêm đường hô hấp, hen phế quản… có nguy cơ gia tăng. Bệnh nhi ngất xỉu, nguy kịch vì lên cơn hen cấp

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nồm, ẩm như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm mốc, virus, vi khuẩn phát triển, nhất là virus cúm phát triển với tốc độ lây lan nhanh, số bệnh nhi mắc cúm cũng có xu hướng gia tăng. áng chú ý, do chủ quan nên rất nhiều người dân tự ý tìm mua thuốc kháng sinh về cho con uống tại nhà, chỉ khi trẻ diễn biến nặng mới đưa nhập viện. Bác sĩ Hải nhấn mạnh, đây là một sai lầm vì với bệnh cúm, dùng thuốc khác sinh không có tác dụng điều trị.

Ngược lại, nhiều người dân lại có tâm lý lo lắng vì thông tin thiếu thuốc tamiflu – thuốc đặc trị cúm – vừa qua nên tìm mua bằng được Tamiflu về để điều trị cúm cho con tại nhà. Điều này cũng không được các bác sĩ khuyến cáo, bởi không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng cần dùng Tamiflu. Hơn nữa, Tamiflu cần phải dùng đúng theo chỉ định của các bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, với trẻ mắc cúm mùa, nếu được chăm sóc tốt tại nhà sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày; khi cần, nên tìm cách hạ sốt cho trẻ bằng thuốc mà bác sĩ chỉ định chứ không nên tự ý mua thuốc theo kinh nghiệm cá nhân.

Bên cạnh bệnh cúm mùa, thời tiết giao mùa với không khí nồm, ẩm hiện nay cũng khiến nhiều người mắc bệnh hen, nhất là những người có tiền sử bệnh hen dễ bị lên cơn hen cấp.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương, mới đây, khoa này đã tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tổn thương não không thể hồi phục. Nguyên nhân là bệnh nhi này mắc bệnh hen, hôm đó đi chơi cha mẹ quên mang theo thuốc dự phòng để cắt cơn hen.

Khi bệnh nhi lên cơn hen cấp, có biểu hiện khó thở, gia đình quay về nhà lấy khí dung để hỗ trợ đường thở nhưng không kịp. Bệnh nhi rơi vào tình trạng ngưng tuần hoàn, tím tái và ngất xỉu.

Tương tự, tại khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này rất nhiều trẻ nhỏ nhập viện điều trị do mắc cúm mùa, viêm đường hô hấp, viêm phổi nặng…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết nồm ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rất cao như hiện nay khiến các đối tượng có sức đề kháng kém rất dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 3 lần do bị viêm đường hô hấp trên.

Đề phòng dịch sởi, tay chân miệng…

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua (từ 26-2 đến 4-3) đã ghi nhận 7 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 3 trường hợp dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 47 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có tới 22 trường hợp mắc sởi.

Theo các chuyên gia, hiện tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong song số ca mắc, nhập viện do sởi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới bởi đây là “mùa” của bệnh sởi.

Tương tự, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh ho gà, 1 trường hợp mắc sốt xuất huyết, còn số ca mắc tay chân miệng tính từ đầu năm 2018 đến nay đã tăng lên 13 trường hợp...

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy hầu hết các dịch bệnh tại Hà Nội trong tuần qua đều ghi nhận số ca mắc giảm so với các tuần trước đó song người dân không được phép chủ quan bởi nguy cơ bùng phát các dịch bệnh vào thời điểm này, nhất là các dịch bệnh mùa xuân như cúm, sởi, ho gà... là rất lớn.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm đang tiếp tục có xu hướng gia tăng tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc... đặc biệt có sự gia tăng của các chủng cúm nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6) và A(H5N1). Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tăng cường giám sát các ca viêm phổi nặng do virus để có thể phát hiện sớm các chủng cúm nguy hiểm trên (nếu dịch xâm nhập).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP, Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa xuân, đặc biệt là tại các nơi diễn ra các Lễ hội đầu xuân năm 2018.

Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu là chỉ đạo tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế theo quy định.

Cùng đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận được; tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Đồng thời, cần phối hợp với TTYT các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch (An ninh thủ đô, trang 6).


Đình chỉ bác sĩ "đuổi" bệnh nhân về nhà ở Kiên Giang

Sáng 5-3, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết đã có quyết định đình chỉ công tác với Bác sĩ Tạ Nam Ngạn vì đã có ứng xử không đúng mực với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi có lời lẽ đuổi bệnh nhân về nhà. Trước đó, trong ca trực sáng 4-3, Bác sĩ CKI Tạ Nam Ngạn - Công tác ở khoa Lao của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã có yêu cầu người nhà đưa bệnh nhân về nhà vì ở đây “tốn kém tiền nhà nước và làm bác sĩ, y tá cực khổ”, đồng thời cho rằng bệnh nhân không cứu chữa được. Sự việc được quay clip và đăng tải trên các trang mạng xã hội, nhanh chóng thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận của cộng đồng mạng. Theo đó, đa phần điều bức xúc và chỉ trích trước lời lẽ không đúng mực của Bác sĩ Ngạn đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bác sĩ trưởng khoa Lao đã đến gặp và xin lỗi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.  “Trong sáng nay, Bác sĩ Ngạn đã phải viết bản tường trình lại sự việc. Chúng tôi không chấp nhận cách xử sự với bệnh nhân như vậy và chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thật nghiêm túc”. – Bác sĩ Sơn, cho biết. Được biết, Bác sĩ Ngạn đã xin nghỉ việc hưởng chế độ một lần cách đây hơn 10 năm và sau đó hợp đồng làm việc lại với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5-2018, Bác sĩ Ngạn hết tuổi lao động (Công an nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang