Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 7/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế: Người bệnh tim mạch Việt Nam không còn cần ra nước ngoài điều trị; Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân; Cả ngàn nhân viên y tế tại TP. HCM nghỉ việc; Nhiều gói thầu y tế thành công: Bệnh nhân thoát cảnh chờ đợi; Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua…

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Người bệnh tim mạch Việt Nam không còn cần ra nước ngoài điều trị

Nhiều bác sĩ tim mạch của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới... Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thông tin này khi phát biểu tại lễ khai Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 năm 2023.

Theo Bộ trưởng, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á cũng rất năng động, có sự gắn kết chặt chẽ và có trình độ tay nghề tiệm cận với các nước phát triển.

Chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua. Công tác khám và chữa các bệnh lý tim mạch có nhiều kết quả đáng tự hào. Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả. Nhiều phương thức tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp.

Người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước nhà.
Tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.

Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội từ 2-5/11. Đại hội là diễn đàn khoa học uy tín của các thầy thuốc tim mạch trong khu vực và trên thế giới diễn ra hàng năm, được luân phiên qua các nước khu vực Đông Nam Á và đây là lần thứ Hai Việt Nam được vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội.

Đại hội lần này có sự tham dự của hơn 2000 đại biểu đến từ các nước trong khu vực và trong nước cùng với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch trên toàn thế giới.

"Tôi đánh giá đây thực sự là một sự kiện khoa học rất quan trọng không chỉ riêng cho chuyên ngành tim mạch mà còn có ý nghĩa cho sự phát triển của cộng đồng y khoa trong khu vực, trên thế giới, đặc biệt cho Việt Nam"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, trong đó "các bệnh không lây nhiễm" đang tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh ung thư, tâm thần… và đặc biệt nhất là các bệnh lý tim mạch.

Các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 75% tổng số các loại tử vong trong đó bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với 19,5 triệu người chết mỗi năm. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp (chiếm tới 75%) giống như mô hình ở hầu hết các nước ASEAN.

Trước đây tử vong chủ yếu liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, chấn thương, tử vong sơ sinh thì nay chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm tới 81%) mà hàng đầu là bệnh tim mạch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2020, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, nhận thấy vấn đề từ rất sớm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng đối với phòng chống các bệnh không lây nhiễm…

Theo Bộ trưởg Đào Hồng Lan, thời gian tới, các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, thói quen lười vận động, thừa cân, béo phì, chế độ ăn không khỏe mạnh… vẫn có xu hướng gia tăng và là những thách thức lớn cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; số người bị bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch vẫn gia tăng.

Bày tỏ tin tưởng gánh nặng bệnh lý không lây nhiễm trong đó nổi bật là các bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiềm chế, đẩy lùi bởi các tiến bộ hiện nay cũng cho phép chữa trị được đa số các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: để làm được điều này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả hệ thống chính trị, cộng đồng, các nhà chuyên môn và đặc biệt là từng người dân.

Thay mặt ngành Y tế Việt Nam, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ mong muốn các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á luôn gắn kết, nỗ lực cập nhật những kiến thức mới nhất, chia sẻ những kinh nghiệm quý trong thực hành lâm sàng, đưa chuyên ngành tim mạch ASEAN sánh ngang các nước tiên tiến trên thế giới và giành thắng lợi trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh tim mạch trong khu vực.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó nổi bật là bệnh lý tim mạch.

Cùng đó, thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương quy hoạch một mạng lưới chuyên ngành tim mạch phát triển đồng bộ. Trong đó, đầu mối là Viện Tim mạch Quốc gia và các trung tâm tim mạch lớn sao cho phù hợp với tình hình cụ thể đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt nhất.

Đồng thời, cần phải kiểm soát được tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lý tim mạch. "Điều này là rất quan trọng vì giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch sớm ở người trẻ tuổi" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tuyến, mở các khoá đào tạo các cấp độ, nâng cao năng lực của các tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã… Các trung tâm tim mạch lớn cần liên tục cập nhật, phát triển, đủ năng lực hội nhập và có tầm cỡ quốc tế.

Người đứng đầu ngành Y tế cũng yêu cầu cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ về phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 1).

 

Hà Nội cần giám sát chặt ổ dịch sốt xuất huyết, chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân

Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết Hà Nội vẫn có chiều hướng gia tăng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ngày 3/11, đoàn công tác do GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.

Chủ động hóa chất, vật tư, dịch truyền điều trị sốt xuất huyết

Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tiễn tại Bệnh viện Thanh Nhàn – một trong những cơ sở y tế được phân công là tuyến cuối của Hà Nội trong thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Báo cáo của đại diện lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn tại buổi làm việc cho hay, từ tháng 7/2023 – 1/11/2023, tại đây đã tiếp nhận 4.758 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, điều trị; riêng chỉ trong tháng 10 đã có hơn 2.200 bệnh nhân. 

Số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng chiếm từ 7-10%, chỉ có 1 trường hợp chuyển viện. Bệnh nhân phải truyền tiểu cầu cũng tăng cao nhất trong tháng 10 với hơn 200 đơn vị tiểu cầu.

Để chủ động trong điều trị sốt xuất huyết, Bệnh viện thành lập đơn nguyên bệnh truyền nhiễm với 65 giường bệnh, cùng đó 65 giường bệnh của khu vực bệnh nghề nghiệp được huy động để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

"Đến sáng 3/11, Bệnh viện Thanh Nhàn đang thu dung, theo dõi, điều trị 400 bệnh nhân sốt xuất huyết, chủ yếu là các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân nhi chiếm 33%; một số trường hợp bệnh nhân có bệnh nền như suy gan, tiểu đường… hiện đang nằm rải rác tại một số khoa, phòng điều trị chuyên khoa"- BSCK II Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin và cho biết thêm, hiện thuốc, dung dịch cao phân tử, vật tư y tế, máu và chế phẩm máu cho điều trị sốt xuất huyết vẫn đảm bảo.

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra thực tiễn việc triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại một ổ dịch trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Qua kiểm tra, các chuyên gia của Bộ Y tế nhận thấy rằng người dân đã có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết là cần phải diệt muỗi, bọ gậy.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy mà người dân không ngờ đến như các hộp nhựa treo cây cảnh ở bờ tường, cổng, lọ đựng hoa trong nhà hoặc những vũng nước nhỏ đọng nước trong sân nhà, sân thượng, vỏ cơm hộp, lon bia, vỏ lốp xe hỏng…

Do đó, GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị trong công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, Hà Nội tiếp tục nhấn mạnh việc người dân cần loại bỏ các môi trường có khả năng trở thành nguồn sinh lăng quăng, bọ gậy như đã kể trên.

Không quá tải giường bệnh trong điều trị sốt xuất huyết

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Y tế tại UBND Quận Hai Bà Trưng về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cho thấy, tính đến ngày 31/10, toàn Thành phố đã ghi nhận 25.893 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 577/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,6% số xã, phường, thị trấn). Toàn thành phố đã ghi nhận 1.520 ổ dịch, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động.

Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và tăng nhanh từ tuần 35, trung bình 5 tuần gần đây ghi nhận hơn 2.500 trường hợp; số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (9.033).

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ), trong đó có 2 ca tử vong là người cao tuổi, có bệnh lý nền kèm theo. Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội là 0,01%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 Chính phủ giao (dưới 0,09%).

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tổng bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế là 2.869 người bệnh/4.200 giường kế hoạch phục vụ điều trị sốt xuất huyết. Ngay từ đầu mùa dịch, Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch phân tầng điều trị và phân công 40 bệnh viện trên địa bàn đảm nhiệm; đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu thuốc, hóa chất, vật tư, dịch truyền phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh nhân sốt xuất huyết của Hà Nội nằm rải rác ở các cơ sở y tế tuyến quận huyện, khi nặng mới chuyển về bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa, Đức Giang. Số bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương rất ít.

Hà Nội khẳng định chưa có việc quá tải trong điều trị sốt xuất huyết, có thể cục bộ từng khoa, phòng trong 1 thời điểm ngắn bệnh nhân nhập viện, sau đó sẽ được điều phối ngay để đảm bảo điều trị cho người bệnh.

Giám sát chặt chẽ ổ dịch, lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết

Phát biểu tại buổi làm việc, trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đánh giá cao ngành y tế Hà Nội và quận Hai Bà Trưng trong phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết nói riêng.

Tuy nhiên đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cho rằng tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng do năm nay mùa mưa đến sớm, nắng mưa thất thường, mùa hè kéo dài do có 2 tháng nhuận.

Ngoài ra còn các yếu tố nguy cơ như tốc độ đô thị hóa gia tăng, đa dạng hóa các ổ bọ gậy nguồn đặc biệt tại các khu vực nhà trọ, lán trại, khu xây dựng, khu đất xen kẹt, khu vực công cộng đông dân cư và các ổ bọ gậy ngay trong hộ gia đình không được xử lý, việc di dời dân cư và hiện tượng El Nino cũng tác động động đến việc gia tăng quần thể muỗi truyền bệnh. Qua kết quả giám sát, chỉ số giám sát côn trùng tại Hà Nội còn cao, ngoài ra còn đồng thời lưu hành cả 2 loài Aedes agypti và Aedes albopictus.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, việc phòng chống sốt xuất huyết đang đối mặt với những khó khăn chung kể cả trên phạm vi toàn cầu và các tỉnh, thành phố trên cả nước, đòi hỏi các hoạt động phòng chống phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt nhất là trong những đợt cao điểm của bệnh dịch sốt xuất huyết để khống chế số mắc và tử vong.

Do đó, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP Hà Nội và các cấp đẩy mạnh giám sát sớm các trường hợp mắc bệnh, tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Xác định các điểm nóng, khu phố có ổ dịch, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt lưu ý hơn 230 ổ dịch đang hoạt động, Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, nhất là những nơi có các ổ dịch kéo dài.

Tham mưu chính quyền các cấp huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cùng tham gia vào cuộc triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên tới tận xã, phường, kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà phát hiện những ổ đọng nước có bọ gậy, những bình hoa, cây cảnh có chứa nước, những vật dụng phế thải có khả năng chứa nước đọng,… là những nơi muỗi hay đẻ trứng và sinh bọ gậy.

Liên quan đến truyền thông, đoàn kiểm tra lưu ý, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, lăng quăng và khi có các triệu chứng giống sốt xuất huyết phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị.

Trong công tác điều trị, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tham gia đoàn công tác lưu ý các cơ sở điều trị cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị Bộ Y tế đã ban hành; chú trọng đánh giá nguy cơ tăng nặng của bệnh nhân, lưu ý người cao tuổi, bệnh nền; gắn bảng màu (ví như màu cam, đỏ…) đối với những trường hợp có nguy cơ tăng nặng để theo dõi và phát hiện diễn biến sức khỏe kịp thời.

Cùng đó, Hà Nội cần thành lập nhóm chủ chốt trong điều trị sốt xuất huyết, kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương để sẵn sàng cùng nhau phối hợp hội chẩn điều trị khi cần. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 1).

 

Cả ngàn nhân viên y tế tại TP. HCM nghỉ việc

Chiều 6.11, Thường trực HĐND TP.HCM thực hiện giám sát đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai củng cố "Nâng cao năng lực y tế cơ sở - Chăm sóc sức khỏe toàn dân" trên địa bàn. Sở Y tế TP.HCM báo cáo với đoàn giám sát nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc.

220 bác sĩ nghỉ việc

Theo báo cáo, trong các năm 2021, 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 1.024 nhân viên y tế bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế nghỉ việc.

Cụ thể, tại bệnh viện quận, huyện nhân viên y tế nghỉ việc là 688 người (năm 2021 nghỉ 240 người, năm 2022 là 306 người và 10 tháng đầu năm 2023 là 142 người), gồm 220 bác sĩ, 327 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và chức danh khác là 141 người.

Tại Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức nghỉ 366 người (năm 2021 nghỉ 130 người, năm 2022 nghỉ 154 và 10 tháng đầu năm 2023 là 82 người). Trong đó bác sĩ nghỉ 79 người; điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y nghỉ 116 người và chức danh khác nghỉ 171 người.

Về nguyên nhân nhân viên y tế xin thôi việc thì có nhiều lý do khác nhau và hầu hết thôi việc vì hoàn cảnh gia đình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các đơn vị, việc giải quyết thôi việc theo nguyện vọng cho các viên chức có nhiều lý do. Đó là áp lực công việc, không đảm bảo sức khỏe, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19. Mức thu nhập thấp. Nhà xa. Chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân có thu nhập cao hơn hoặc để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

"Lượng nhân viên y tế nghỉ việc khá cao, đặc biệt là bác sĩ, nhưng tuyển dụng bác sĩ về trung tâm y tế được đánh giá là rất khó khăn. Vừa qua có 207 bác sĩ trẻ hoàn thành thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế, nhưng sau đó chỉ có 18 bác sĩ đăng ký về y tế cơ sở (các trung tâm y tế)", đại diện Sở Y tế nói.

Trong nhiều kiến nghị, Sở Y tế có kiến nghị cần có chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế, phù hợp với tình hình TP.HCM; có chính sách đào tạo cho nhân viên y tế cơ sở. (Chi tiết xem báo Thanh niên, trang 4).

 

Nhiều gói thầu y tế thành công: Bệnh nhân thoát cảnh chờ đợi

Những ngày qua, vấn đề thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều địa phương và bệnh viện lớn đã “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Trong bối cảnh đó, hai bệnh viện lớn của cả nước là Bạch Mai và Việt Đức đã xoay xở đủ cách để không đứt gãy nguồn cung, đảm bảo người bệnh được điều trị tối đa (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 1).

 

Hà Nội tăng thêm 2.590 ca và 107 ổ dịch sốt xuất huyết mới trong tuần qua

Mặc dù đã bước sang tháng 11 nhưng số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội trong tuần qua vẫn tăng cao hơn tuần trước đó, chưa thấy xu hướng giảm…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 27-10 đến 3-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó.

Số mắc mới tập trung nhiều nhất ở Hà Đông với 218 ca, tiếp đến là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca)… Các phường, xã có nhiều bệnh nhân mới được phát hiện gồm: phường Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trên 30 bệnh nhân; xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân…

Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch SXH mới tại 25 quận, huyện, thị xã, tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó. Các quận huyện có nhiều ổ dịch mới là: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch)…

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 28.483 trường hợp mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động.

Trước tình hình dịch SXH vẫn rất “nóng”, trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra tại Hà Nội.

Qua kiểm tra, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng, người dân đã có ý thức hơn trong công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…

Ngành y tế kêu gọi người dân tự triển khai diệt bọ gậy/ lăng quăng ngay tại hộ gia đình mỗi tuần 10 phút bằng cách tự kiểm tra trong và ngoài nhà, phát hiện những ổ nước đọng có bọ gậy để xử lý triệt để. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Bệnh viện cần sự yên tĩnh, nhưng vì sao luôn quá ồn ào?

Dở khóc dở cười vì "hội bà tám" ở phòng bệnh. Vào bệnh viện, phòng bệnh mà ồn ào tưởng cái chợ là trải nghiệm của không ít bệnh nhân và người thân khi đi thăm bệnh.
Dù có quy định giữ yên lặng tại các phòng bệnh ở bệnh viện, nhưng nhiều bệnh nhân, người nhà lại buôn chuyện bất kể ngày đêm, giờ giấc. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến những bệnh nhân còn lại, khi họ cần nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe trong thời gian nằm viện.

Bệnh nhưng vẫn nói rổn rảng, gọi điện thoại khắp nơi

Chị N.H. (ngụ TP.HCM) chia sẻ mình đã có "trải nghiệm khó quên" sau 5 ngày nằm viện tại một bệnh viện tuyến huyện để điều trị viêm phế quản. Chị H. là bệnh nhân thứ 4 và cũng là người mắc bệnh nhẹ nhất trong phòng bệnh nội trú có bốn giường, có máy lạnh, tủ lạnh, tivi.

Chị H. đánh giá bác sĩ, điều dưỡng giao tiếp với bệnh nhân lịch sự, tuy nhiên ba bệnh nhân còn lại (hai người bị đái tháo đường, một người bị rối loạn tiêu hóa) tại phòng bệnh thì "tám" vô độ, bất kể giờ giấc.

Dù chân tay sưng phù sau một ngày nhập viện, biến chứng ảnh hưởng tới mắt, thận, nhưng bệnh nhân đái tháo đường (48 tuổi) miệng lại khỏe nói, liên tục rổn rảng gọi điện thoại, gọi video call khắp nơi.

"Lúc thì gọi cho con nợ hỏi sao hôm nay mày không góp tiền cho tao. Lúc thì gọi cho cháu ngoại, cháu nội, con gái, con dâu tám cả nửa tiếng đồng hồ, bất kể buổi trưa hay buổi tối, như đang ở chốn không người", chị H. kể.

Dù được điều dưỡng nhắc nhở không rời phòng bệnh về nhà, nhưng bệnh nhân trên và bệnh nhân rối loạn tiêu hóa vẫn về nhà mỗi ngày một, hai lần. Có lần bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi về nhà từ 16h đến gần 23h mới vào phòng bệnh, xong mở loa lớn để nghe tin "củi lửa" chống tham nhũng, hài nhảm...

Người bệnh đái tháo đường còn lại trong phòng đã gần 70 tuổi. Bà có cô con gái đi nuôi bệnh cũng tham gia "tám" chung với bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi trên. Rồi bệnh nhân rối loạn tiêu hóa 59 tuổi là hàng xóm của bệnh nhân đái tháo đường 48 tuổi cũng gia nhập.

"Tám" từ quán cháo lòng đến ngoại tình

Chị H. cho hay hội "bà tám" trên nói đủ thứ chuyện trên đời, từ quán cháo lòng nào ngon, hàng bún riêu nào dở, đến ông A ngoại tình, bà B bị xe tông suýt chết...

Phòng siêu âm yên tĩnh hơn nhưng vẫn có một bệnh nhân gần 80 tuổi mà "tám" toàn tin giật gân. Bà bắt chuyện với bà cụ trẻ hơn ngồi kế bên, nhưng bà này trả lời nhát gừng, không hợp tác lắm. Như để tăng đô, bà cụ gần 80 tuổi nói: "Ở dưới quê bây giờ ghê lắm nha, thanh niên mà đi hiếp dâm bà già 70, 80 tuổi không hà". Không ai hưởng ứng, chỉ có cậu thanh niên ngồi gần bà cụ, đỏ cả mặt...

Năm ngày ở phòng bệnh truyền kháng sinh điều trị viêm phế quản, theo chị H., không khác gì cái chợ.

Chị H. nói: "Tôi biết tại những đoạn đường ở gần bệnh viện thường có gắn biển báo với hình chiếc giường bệnh để tài xế đi ngang qua không bóp còi xe gây ồn. Nhưng các bà tám lại không biết phải giữ im lặng tuyệt đối tại bệnh viện. Chắc phải dạy cho con trẻ chuyện này từ bé, chứ khi nó lớn lên thành bà ngoại, bà nội rồi thì làm sao mà dạy được".

Tương tự, 21h trong phòng chăm sóc các mẹ sau sinh tại một bệnh viện ở Hà Nội, khi nhiều mẹ bỉm sữa trằn trọc bởi những cơn đau sau sinh thì tiếng nói chuyện của người nhà vẫn rôm rả.

"Ngày xưa tôi đi đẻ dễ lắm, lên trạm xá, vèo cái là đẻ xong. Không như tụi trẻ bây giờ, lên bệnh viện lớn, động đau chút là chuyển qua mổ đẻ", người phụ nữ trung niên nói. Tiếp lời, người phụ nữ bên cạnh cũng kể lại chiến tích đi đẻ của mình, những câu chuyện không hồi kết.

Chốc chốc chị Hiền (vừa mổ đẻ) cố nhích người cho đỡ mỏi, gương mặt cau lại vì vết mổ, thều thào nói với người mẹ đi chăm: "Mẹ nói nhỏ thôi, con ngủ chút".

Buổi tối đã vậy, ban ngày các mẹ trong phòng sau sinh cũng chẳng được nghỉ ngơi. Từng đoàn từng đoàn khách tới phòng bệnh thăm, trong căn phòng nhỏ chưa đầy 30m2, 4 sản phụ cùng 4 đứa trẻ sơ sinh nhưng có lúc chứa đến 15 người, cùng tiếng hỏi han trò chuyện ồn ào.

Trẻ sơ sinh ngủ không được, giật mình, òa khóc liên tục. Sản phụ thì thở dài chia sẻ chỉ muốn nhanh chóng về nhà để được nghỉ ngơi.

"Bệnh nhân là thượng đế, nhưng thượng đế được làm đến đâu?"

Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 ca cấp cứu, 1.600 bệnh nhân nội trú và hơn 3.000 bệnh nhân khám ngoại trú, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết bệnh viện đã ra quy định mỗi bệnh nhân chỉ được một người thân thăm, chăm sóc với những khung giờ cụ thể nhằm hạn chế tình trạng tập trung đông đúc.

Tại phòng bệnh nói riêng và trong bệnh viện nói chung đều quy định bệnh nhân và người thân cần giữ yên lặng, trật tự. Tuy nhiên thực tế không tránh khỏi một số bệnh nhân và người nhà vô tư nói chuyện ở phòng khám, phòng bệnh nội trú, ảnh hưởng đến các bệnh nhân còn lại. Vì là quy định của bệnh viện, nên những người này chỉ được nhắc nhở. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Loạt sai phạm ở bệnh viện công Quảng Nam, người lao động bị nợ lương kéo dài

Nhiều bệnh viện công tại Quảng Nam vi phạm trong quản lý tài chính khiến tồn đọng nợ hàng tỉ đồng. Hậu quả dẫn đến tình trạng nợ lương người lao động (NLĐ) kéo dài, thậm chí có đơn vị buộc phải đóng cửa.

Nhiều NLĐ bị nợ 9 tháng lương

Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) tỉnh Quảng Nam thành lập cuối năm 2017, trên cơ sở nâng cấp Phòng khám Đa khoa Trường CĐYT tỉnh và được giao quyền tự chủ về tài chính.

Từ năm 2019, do tình hình hoạt động khó khăn, số lượng bệnh nhân giảm sút, bệnh viện liên tiếp hụt thu, không đủ bù chi, dẫn đến phải đóng cửa từ ngày 15.1.2023, hiện còn nợ hơn 9 tháng lương của 22 NLĐ (khoảng 800 triệu đồng), có 21/22 lao động chưa được trả nợ lương đã bị cho nghỉ việc.

Đơn vị chủ quản của bệnh viện này là Trường CĐYT tỉnh cũng đã nợ 4 tháng lương (từ tháng 7 - 10.2023) của 114 NLĐ đang công tác tại đơn vị, tổng số tiền hơn 3,8 tỉ đồng.

Trả lời Báo Lao Động, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng kiêm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Trường CĐYT tỉnh - cho biết: “Bệnh viện đã chi vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán qua các năm 2016-2020 với số tiền hơn 12 tỉ đồng nhưng gặp vướng trong thanh toán quỹ BHXH trả lại cho bệnh viện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viện nợ lương và phải tạm dừng hoạt động ngày 15.1.2023”.

Tương tự, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh cũng đang nợ hơn 4 tỉ đồng, gồm 4 tháng tiền lương và BHXH, khiến 136 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế kêu cứu. Quy mô Bệnh viện có 247 giường bệnh nội trú nhưng hiện chỉ có hơn 80 bệnh nhân. Tình trạng nợ, chậm lương cũng xảy ra đối với Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ nhiều tháng qua.

Nhiều sai phạm về quản lý

Theo lý giải của các bệnh viện, từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, UBND tỉnh Quảng Nam trưng dụng bệnh viện làm cơ sở điều trị COVID-19, khiến tâm lý bệnh nhân e ngại không đến khám, dẫn đến nguồn thu đơn vị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của các đơn vị còn có nguyên nhân từ vai trò điều hành, quản lý và sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính.

BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, trong số tiền hơn 12 tỉ đồng mà Bệnh viện Đa khoa Trường CĐYT tỉnh đã chi vượt trần, vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán qua các năm 2016-2020, chỉ có khoảng 541 triệu đồng được xác định là do nguyên nhân khách quan, BHXH đã khấu hao vào nợ của bệnh viện. Số tiền còn lại, bệnh viện này đã thanh toán sai quy định nên không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Đầu tháng 4.2023, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam thi hành kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, đối với tập thể Đảng ủy Trường CĐYT tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025, cùng nhiều cá nhân liên quan đến vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm quy định về quản lý, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản.

Đối với Bệnh viện YHCT tỉnh Quảng Nam, qua các đợt thanh tra từ năm 2018 đến 2019, Kiểm toán Nhà nước khu vực III và Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý tài chính, chi sai, yêu cầu thu hồi tổng cộng 5,2 tỉ đồng.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế - cho biết, sở đang tiếp tục đôn đốc Bệnh viện YHCT tỉnh khắc phục, thu hồi số tiền sai phạm. Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh đã vào cuộc thanh tra toàn diện những sai phạm tại bệnh viện.

Việc nợ lương và BHXH kéo dài tại Trường CĐYT Quảng Nam và Bệnh viện YHCT tỉnh đã khiến đời sống của NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, phải kêu cứu các cấp hỗ trợ. Phía Công đoàn tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh can thiệp, hỗ trợ giải quyết nợ lương để đảm bảo đời sống cho NLĐ. (Lao động, trang 4).  


Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Vào viện được 6 giờ, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Sau hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn...
Đại diện Viện Y học biển (TP. Hải Phòng) cho cho biết, Khoa Cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc biển của đơn vị vừa điều trị, cứu sống bệnh nhân nữ (60 tuổi) bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ vào kỹ thuật lọc máu liên tục.

Theo đó, trước khi được đưa vào viện cấp cứu, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, đã có biến chứng suy tim và vẫn đang điều trị đều theo đơn. Thời điểm vào viện, bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng kèm theo sốt nhẹ ngày thứ nhất. Tuy nhiên, khi vào viện tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh dù đã được dùng kháng sinh sớm, bù dịch và điện giải.

Sau khi vào viện được 6 giờ, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan (suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm toan máu nặng). Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực bằng truyền dịch, thuốc vận mạch, kháng sinh phổ rộng, nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu (mạch nhanh 150-160 l/p, huyết áp có thời điểm chỉ 60/40 mmHg) dù đã phối hợp với các thuốc vận mạch với liều cao.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn. Sau 1 ngày lọc máu và hồi sức tích cực, liều thuốc vận mạch đã được giảm từ 1.2 mcg/kg/phút xuống 0.2 mcg/kg/phút, điểm SOFA giảm từ 15 xuống 10 điểm. Sau 30 giờ lọc máu, bệnh nhân dừng được thuốc vận mạch và sau 36h, người bệnh được dừng lọc máu.

Cũng theo đại diện bệnh viện, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tiểu được, mạch huyết áp ổn định và sau nửa tháng điều trị, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, có thể được xuất viện về nhà.

Nói về bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam – Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc biển (Viện Y học biển) cho biết: Người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng là tình trạng bệnh lý rất nặng, diễn biến cấp tính, tử vong cao nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, đặc biệt là lọc máu liên tục nhằm điều chỉnh nhiễm toan máu, suy tạng. Do đó, việc lọc máu liên tục là phương pháp điều trị hiện đại, được tiến hành liên tục để thải các chất độc trong cơ thể bệnh nhân do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang