450 người hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2018
Ngày 7-3, tỉnh Bình Phước phối hợp với Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, tổ chức Lễ hội Xuân hồng năm 2018 và phát động phong trào hiến máu cứu người.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước kêu gọi người dân nâng cao tinh thần nhân đạo hiến máu cứu người với phương châm “Cho giọt máu đào, trao đời sự sống”.
Đồng thời, đề nghị Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền lợi ích và mục đích của hành động hiến máu cứu người.
Dịp này, Ban tổ chức đã tặng quà tri ân, biểu dương khen thưởng cho 5 gia đình, 5 tập thể và 86 cá nhân đã nhiều lần hiến máu cứu người.
Sau buổi lễ, đông đảo đoàn viên thanh niên, các chiến sĩ Công an trong tỉnh và các tầng lớp nhân dân đã tình nguyện tham gia hiến máu. Kết quả, Ban tổ chức đã thu được 450 đơn vị máu, mỗi đơn vị 350ml. (Công an nhân dân, trang 1).
Lần đầu tiên thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đất liền ở Việt Nam
Nằm trong dự án hướng tới loại trừ bệnh sốt xuất huyết Dengue, lần đầu tiên các nhà khoa học ở Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đất liền ở Việt Nam
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa chủ trì, phối hợp cùng Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa triển khai đợt đầu tiên trong dự án thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây bệnh sốt xuất huyết Dengue tại 8 thôn ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang. Trong vòng 12 đến 18 tuần tiếp theo, mỗi tuần, dự án sẽ thả 100 con muỗi vào mỗi khu vực trên diện tích 2.500m2.
Đây là lần đầu tiên muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả trên đất liền tại Việt Nam, với kỳ vọng từng bước góp phần khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết. Trước đó vào năm 2013 và 2014, dự án đã tiến hành thả muỗi trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Đến nay, chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết nào xảy ra trên đảo Trí Nguyên cho dù vài năm trở lại đây, Khánh Hoà là một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết. (Công an nhân dân, trang 1).
Thủy đậu vào mùa, hàng trăm người nhập viện
Các chuyên gia y tế cảnh báo, miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu. Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu bệnh nhân thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể có biến chứng viêm phổi nặng thậm chí tử vong.
Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân và diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não... Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh… Trong vụ đông xuân năm nay, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu, và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân B.T.M.H (27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm nay và hiện đang điều trị nội trú tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân kèm thêm mắc hội chứng Raynaud đã cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4, 5 trái chưa cắt. Tuy nhiên, ngày 1/3/2018, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt… Phim chụp XQ và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực, phải thở oxy song tiên lượng rất dè dặt.
TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em. Bác sĩ Cường cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thủy đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm. Những trường hợp có viêm biến chứng viêm phổi hoặc trên cơ địa suy giảm miễn dịch phải dùng Acyclovir đường tĩnh mạch thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó dùng các biện pháp chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể sạch sẽ, không cần phải kiêng cữ (kiêng gió, kiêng nước,...). Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoides,...
Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc - xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 2 tháng. (Tiền phong, trang 6).
Số người mắc bệnh thủy đậu gia tăng
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tại các tỉnh, thành phố phía bắc đang bước vào đợt cao điểm của bệnh thủy đậu. Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính, song nếu người mắc bệnh thủy đậu trên nền bị các bệnh suy giảm miễn dịch thì có thể biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm vi-rút Varicella Zoter. Vi-rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng hay dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Thời kỳ lây truyền của bệnh là một, hai ngày trước khi phát ban và trong vòng năm ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ bảy đến 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo; nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Trẻ em từ hai đến tám tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, nhất là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Trước đây, trẻ em dưới mười tuổi hay mắc bệnh này, thì nay nhóm tuổi 20 đến 25 lại nhiều hơn. Nguyên nhân là do trẻ em sinh ra sau này được chú ý tiêm vắc-xin phòng bệnh nhiều hơn so với những người lớn tuổi vốn chưa được chủng ngừa trước đó.
Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), nếu người lớn chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống cũng dễ bị lây, có xu hướng nặng hơn trẻ em. Bệnh diễn biến lành tính, có thể tự khỏi sau khoảng một, hai tuần. Tuy nhiên, ở những người có cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch thì có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não... Phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh…
Thời gian vừa qua, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu, và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não... Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao. Như trường hợp người bệnh B.T.M.H (27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống (đã bảy năm) kèm thêm mắc hội chứng Raynaud... Ngày 1-3, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ hai và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Chỉ một ngày sau, người bệnh khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt... Phim chụp X-quang và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Mặc dù đang điều trị tích cực, nhưng các bác sĩ tiên lượng rất dè dặt.
Bệnh viện Nhi T.Ư cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhi đến khám vì bị thủy đậu. Tuy nhiên, theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, các ca bệnh đều nhẹ, ít biến chứng, cho nên sau khám, các bác sĩ đều kê đơn cho điều trị tại nhà.
TS Đỗ Duy Cường cho biết, hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng cần điều trị sớm; dùng các biện pháp chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể sạch sẽ, không cần phải kiêng cữ (kiêng gió, kiêng nước...). Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có những biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bội nhiễm là biến chứng hay gặp nhất của bệnh, nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng nặng như viêm phổi, não, tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thường để lại di chứng sau này. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu để bảo đảm sức khỏe cho chính mình. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh; những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ bảy đến 10 ngày, từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi (tốt nhất nên tiêm hai mũi vắc-xin, cách nhau ít nhất ba tháng).
Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng một tháng. Tuy nhiên, nếu lỡ tiêm rồi mới biết mang thai thì cũng không nên lo, vì chưa có nghiên cứu nào xác nhận loại vắc-xin này gây hại cho thai nhi. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn, bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời. (Nhân dân, trang 5).
Hoàn thành 100% việc in, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH
Sau một thời gian tập trung quyết liệt in, đổi thẻ BHYT mới cho người tham gia, BHXH tỉnh đã cấp 933.351 thẻ BHYT cho người tham gia, đạt tỷ lệ 100%. Việc cấp số BHXH và thẻ BHYT theo mẫu mới giúp cơ quan BHXH tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia theo hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám chữa bệnh BHYT được thuận tiện. (Lao động, trang 4).
Hành hung cán bộ y tế, bạo hành giáo viên vì chế tài chưa nghiêm
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình trạng hành hung nhân viên y tế, bạo hành giáo viên… đang là vấn đề nổi cộm.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” diễn ra sáng nay, 7-3, nhiều đại biểu chia sẻ sự bức xúc về tình trạng hành hung, chống đối người thi hành công vụ có xu hướng tăng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, tình trạng hành hung, chống đối người thi hành công vụ đang rất bức xúc. Câu chuyện một giáo viên bị người nhà học sinh bắt quỳ, gây phẫn nộ dư luận thời gian gần đây hay việc hành hung cán bộ y tế hiện nay là ví dụ điển hình.
Hà Nội có lợi thế là ngành y tế đã ký kết quy chế phối hợp với CATP Hà Nội nên công tác đảm bảo an ninh bệnh viện tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu không có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn thì rất khó răn đe. Cùng đó, cần phải xử lý kịp thời.
“Vừa rồi có vụ việc người nhà bệnh nhân cầm dao vào khu vực phòng khám của bệnh viện, nếu không có lực lượng Công an có mặt kịp thời thì rất khó giải quyết” – ông Hiền dẫn chứng.
Ngược lại, về phía cán bộ, công chức cũng phải thay đổi thái độ, phong cách ứng xử trong tiếp xúc với người dân. Ông Hiền cho biết, với ngành y tế, Sở Y tế Hà Nội một mặt đã yêu cầu các bệnh viện phải niêm yết quy chế ứng xử của cả công chức lẫn quy chế ứng xử của người dân tại khu vực công cộng ở các điểm dễ nhìn thấy trong bệnh viện nhằm giáo dục người dân cùng thực hiện.
Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Các bệnh viện cũng quán triệt rất mạnh tới cán bộ nhân viên của mình và hiện đã dần có sự chuyển biến, nhân viên y tế đã dần ý thức được rằng bệnh viện cần người bệnh, không có người bệnh thì bệnh viện “cũng chết” chứ không chỉ là bệnh nhân cần bệnh viện nữa.
Đồng quan điểm về việc muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, bà Bạch Liên Hương, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức chia sẻ, tại khu vực lễ hội chùa Hương có trên 300 gian hàng với hàng nghìn người tham gia phục vụ, từ người lái đò đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống.
“Từ đầu năm đến nay khách du lịch về lễ hội chùa Hương khoảng 30.000-55.000 người mỗi ngày. Tất cả những người dân tham gia phục vụ lễ hội, kinh doanh trong khu vực lễ hội đều đã được tập huấn về quy tắc ứng xử, an toàn thực phẩm… song vẫn có vi phạm xảy ra, vẫn có những người có hành vi ứng xử không chuẩn mực. Vấn đề là chế tài xử lý hiện vẫn chưa đủ sức răn đe. Các vi phạm chủ yếu chỉ xử lý hành chính" – bà Hương nói.
Theo các đại biểu, về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, muốn hiệu quả thì phải bắt đầu từ người đứng đầu cơ quan đơn vị. Người đứng đầu mà cũng văng tục, không gương mẫu thì khó bảo cấp dưới. Do vậy, giải pháp quan trọng vẫn là phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, hai bộ quy tắc ứng xử do thành phố ban hành (gồm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội) được các cấp và nhân dân hướng ứng, thực hiện.
Bước đầu việc thực hiện quy tắc ứng xử đã tạo những chuyển biến tích cực về văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị và văn hóa ứng xử trong các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, song đâu đó việc triển khai vẫn còn hình thức, hiệu quả chưa đạt yêu cầu. (An ninh thủ đô, trang 3).
Bệnh viện E, Hà Nội: Ngỡ ngàng nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân sạch đẹp như khách sạn
Mới đây, Bệnh viện E, Hà Nội đã khánh thành công trình nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân. Qua hơn 1 tháng đi vào hoạt động, công trình này đã đón tiếp hàng trăm lượt khách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nơi nghỉ ngơi của người nhà bệnh nhân tại bệnh viện này.
Chất lượng khách sạn, giá bình dân
Công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, có quy mô 2 tầng với 24 phòng lưu trú (khoảng 200 giường). Mỗi phòng có 4 giường tầng với đầy đủ đệm, chiếu, chăn, gối và tủ cá nhân. Ngoài ra, trong khu lưu trú còn có hệ thống nhà vệ sinh và nhà tắm nóng lạnh đạt tiêu chuẩn…
Hiện mức giá thuê giường được áp dụng cho người nhà bệnh nhân ở phòng thường là 30.000 đồng/giường/ngày, phòng có điều hòa là 50.000 đồng/giường/ngày, thời gian lưu trú càng lâu thì giá thuê càng giảm. Với phòng thường, khách lưu trú trên 15 ngày có giá 25.000 đồng/giường, phòng điều hòa là 40.000 đồng/giường. Ngoài ra tại đây còn có dịch vụ tắm nóng lạnh, giặt là, sấy.
Đối với người bệnh lọc thận hoặc người bệnh được chỉ định nội soi đại tràng hoặc người bệnh điều trị ngoại trú có nhu cầu thuê nửa ngày cũng được sắp xếp với giá chỉ bằng 2/3. Để tiết kiệm chi phí, người nhà bệnh nhân ở thể ở ghép nhưng tối đa là 3 người/người, mức phụ thu thêm người cùng giường là 20.000 đồng/người (phòng thường) và 40.000 đồng/người (phòng điều hòa).
Theo bà Hoàng Minh Lan – Quản lý nhà lưu trú Bệnh viện E, qua hơn 1 tháng đi vào hoạt động đã có trên 130 người vào thuê phòng tại nhà lưu trú, chủ yếu là người nhà của bệnh nhân ở ngoại tỉnh, đang điều trị ở khoa Hồi sức tích cực và khoa Tim mạch.
Để đảm bảo an ninh trật tự, tại nhà lưu trú có bảo vệ trực 24/24h, khu vực hành lang được lắp đặt camera an ninh. Người nhà bệnh nhân đến làm thủ tục đăng ký phải ký cam kết thực hiện nội quy của bệnh viện và nhà lưu trú về giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh chung, được cấp Thẻ ra vào. Ngoài ra, nhà trú sẽ khóa cửa ra, vào lúc 22h hàng ngày, người nhà bệnh nhân có nhu cầu thay ca sẽ bấm chuông để bảo vệ mở cửa.
Có mặt tại khu vực trên chiều 6-3 chúng tôi đếm được hàng chục người nhà bệnh nhân đang nghỉ ngơi tại khu nhà lưu trú. Khác với những khu nhà trọ chật chội và ẩm thấp của tư nhân ở khu vực lân cận, nhà lưu trú Bệnh viện E khá khang trang, sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu.
Món quà ý nghĩa cho bệnh nhân và người nhà
Tiếp xúc với phóng viên ANTĐ, anh Trần Kim Anh ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An – người nhà bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực cho biết, hiện anh đã ở nhà lưu trú 15 ngày. Nếu như trước đây, khi chăm sóc người nhà tại một số bệnh viện khác, anh Trần Kim Anh phải thường xuyên nằm ngoài hàng lang, dưới gầm giường, vạ vật ngoài ghế đá vô cùng bụi bẩn, muỗi bay như trấu với cái lạnh thấu xương thì khi chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện E, anh thấy căn phòng ấm cúng của nhà lưu trú chẳng khác nào khách sạn.
“Với giá thuê chỉ có 30.000 đồng/ngày/giường, chỉ bằng 1 bát phở bình dân, phòng ở rộng rãi lại được dọn vệ sinh liên tục, tôi thấy bao mệt mỏi khi đi chăm bệnh nhân tan biến hết. Giá bệnh viện nào cũng xây dựng được công trình nhà lưu trú khang trang thế này thì người dân đỡ vất vả biết mấy” – anh Trần Kim Anh nói.
Với tâm trạng phấn khởi tương tự, anh Nguyễn Văn Thức ở Vụ Bản, Nam Định – người chăm bệnh nhân bị chấn thương sọ não tại Bệnh viện E chia sẻ, hiện anh đã ở nhà lưu trú hơn 20 ngày. Dù phải thường xuyên thức đêm chăm sóc bệnh nhân nhưng ban ngày được ngủ bù trong phòng lưu trú sạch sẽ nên anh Thức khá khỏe khoắn.
“Tôi đã từng thuê phòng trọ bên ngoài bệnh viện, giá cao hơn nhưng chất lượng dịch vụ kém hơn hẳn so với nhà lưu trú. Không những vậy, các phòng trọ thường đông đúc, ầm ĩ lại hay xảy ra mất tiền, đồ đạc. Trong khi đó tại nhà lưu trú của bệnh viện, khách thuê giường được sử dụng tủ cá nhân có khóa, ra vào phải xuất trình thẻ nên người thuê hoàn toàn yên tâm” – anh Thức tâm sự.
Nói về lý do triển khai xây dựng công trình nhà lưu trú, GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E cho rằng, ông đã tận mắt chứng kiến người nhà bệnh nhân vì tiết kiệm chi phí hoặc không đủ tiền để thuê nhà trọ nên phải nằm vạ vật ở các hành lang, gầm cầu thang, ghế đá… Điều này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của họ mà mà còn gây mất ANTT, cảnh quan trong bệnh viện. Do vậy, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã xây dựng khu nhà lưu trú cho người nhà người bệnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là món quà tinh thần ý nghĩa đối với người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện E. (An ninh thủ đô, trang 8).