Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Miếng ăn làm nóng nghị trường; Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột ứng lương cho người lao động; Bác sĩ thiếu lương, trẻ em ăn thịt cóc

Miếng ăn làm nóng nghị trường

 “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại”. Đại biểu Võ Văn Sen (Q.Gò Vấp) nói như vậy. Đây cũng là vấn đề nóng nhất tại phiên thảo luận chiều 8-12, trong đó có nhiều ý kiến đại biểu cho rằng HĐND TP.HCM cần cân nhắc đến việc ra nghị quyết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xử lý thích đáng người sản xuất, cung ứng thực phẩm bẩn

Không hẹn mà gặp, có đến 7 ý kiến đại biểu tại phần thảo luận ở tổ 4 bày tỏ bức xúc, bất an về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu Trịnh Xuân Thiều nói: “Hơn lúc nào hết, người dân TP đang quan tâm và bất an vô cùng về chất lượng thực phẩm. Cử tri nói với tôi bây giờ có thông tin hàng siêu thị cũng có cái kém chất lượng nên không biết tin vào đâu nữa”.

Tại tổ 3, đại biểu Võ Văn Sen gay gắt: “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua không thành công, nếu không muốn nói là thất bại. Trong số hàng chục tấn rau đưa vào TP mỗi sáng, có bao nhiêu tấn mình chắc chắn được là sạch? Có những chương trình sau 5 năm thực hiện đã có sự chuyển biến mạnh, còn an toàn vệ sinh thực phẩm thì không ổn. Tôi nghĩ đây cũng là điểm yếu nhất, thất bại lớn nhất của HĐND TP”.

Đồng tình với cách đặt vấn đề thẳng thắn đó, ông Nguyễn Hoàng Minh (đại biểu Q.Tân Bình) lý giải nguyên nhân:

“Tôi cảm nhận rằng vấn đề quản lý nhà nước hầu như chúng ta không kiên quyết, thật sự là tôi cũng thấy bức xúc. Chúng ta làm không căn cơ để kiểm soát được”. Đại biểu Trần Ngọc Hưng góp ý: “Muốn làm rau sạch, thịt sạch thì chi phí lớn hơn, năng suất thấp hơn. Nếu Nhà nước không hỗ trợ, để nông dân tự bơi thì người sản xuất thực phẩm sạch khó lòng cạnh tranh nổi”.

Chia sẻ với đại biểu nỗi lo này, ông Nguyễn Văn Lâm, phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho rằng quan trọng nhất là phải làm sao tạo được những điểm bán hàng an toàn để người dân an tâm. Ông Nguyễn Thành Nhân, tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, cho biết để có thực phẩm an toàn, cần nhất là phải tạo được nguồn hàng an toàn và ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc.

Ông Nhân dẫn chứng hàng hóa thực phẩm muốn vào hệ thống Co.op Mart ít nhất phải chịu 3 đợt kiểm tra: kiểm tra từ vùng nguyên liệu sản xuất, khi hàng vào kho và kiểm tra tại điểm bán.

“Muốn biết sản phẩm nhiễm hóa chất gì, bằng cảm quan người dân không thể phân biệt được mà phải đem kiểm nghiệm. Người dân nên đến những điểm tin cậy như siêu thị để mua hàng” - ông Nhân khuyến cáo. Theo ông Võ Văn Sen, một giải pháp quan trọng là đưa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ra khỏi ngành y tế, lập một cơ quan riêng biệt trực thuộc UBND TP. Bởi ngành y tế có quá nhiều việc, không thể nào làm hết được.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Minh thì cho rằng nơi nào sản xuất, cung ứng những chất độc hại phải có hình phạt thích đáng. Những vụ án đó có thể đưa ra xét xử như vụ án điểm, như vậy sẽ tích cực ngăn chặn được những người không có lương tâm.

Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật TP cho biết thời gian qua, chi cục trực tiếp kiểm soát những vùng trồng rau trên địa bàn TP, lấy gần 1.000 mẫu để phân tích thì chỉ có 8 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu. Việc lấy mẫu kiểm tra hoàn toàn khách quan, đột xuất. Riêng các mẫu rau củ bày bán tại các siêu thị cũng được chi cục kiểm tra, trong số 700 mẫu kiểm tra chỉ có 8 mẫu vi phạm (Tuổi trẻ trang 2, Thanh niên trang 4).

 

Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột ứng lương cho người lao động

Sáng 8.12, nhiều cán bộ, bác sỹ, nhân viên tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã được bệnh viện cho ứng 70% lướng tháng 11 và 12.2015. Theo đó, bệnh viện sử dụng tiền trong quỹ bảo hiểm y tế để cho cán bộ, bác sỹ ứng lương. Bác sỹ Lâm Niê- giám đốc Bệnh viện đa khoa TP. Buôn Mê Thuột- cho biết thông tin trên báo Tuổi trẻ (14 bệnh viện Đăk Laawsk hết tiền trả lương”, Tuổi trẻ ngày 8.112), Sở Tài chính Đắk Lawsk  đã gọi nhân viên kế toán bệnh viện sang đối chiếu các khoản thu chi và đồng ý để bệnh viện sử dụng nguồn quĩ tạm ứng cho cán bộ, nhân viên, bác sỹ. Khi UBND tỉnh bổ sung dự toán kinh phí theo đề nghị của Sở Y tế thì bệnh viện sẽ bù vào sau (Tuổi trẻ trang 4).

Bác sĩ thiếu lương, trẻ em ăn thịt cóc

14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương cho người lao động, y-bác sĩ của các bệnh viện này chờ lương như nắng hạn chờ mưa. Nếu tháng 12 vẫn chưa được trả lương, thì các bệnh viện trở thành con nợ với hơn 15 tỉ đồng. Bệnh viện là con nợ của người lao động, còn họ là con nợ với gia đình, nợ tiền học cho con cái, nợ cái ăn hằng ngày, nợ chính những nhu cầu sống thiết yếu của chính mình. Y-bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, nếu không có tiền để lo cho bản thân và gia đình, tâm lý bất an, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám-chữa bệnh.

Cũng tại Đắk Lắk, xảy ra vụ việc rất đau lòng, ba chị em ở buôn Phụng, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) bắt cóc nấu ăn. Hai trong 3 cháu là H’Nách (3 tuổi) và Y Thuật (2 tuổi) tử vong, cháu H’Chúa B’jă (10 tuổi) được đưa đi cấp cứu. Nghèo, thiếu ăn đến mức này đã tận cùng chưa, và có phải đây là gia đình nghèo duy nhất ở Đắk Lắk?

Hai chuyện trên hâm nóng lại câu chuyện tuần trước, khi báo chí đưa tin tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị tổ chức một đoàn cán bộ không tái cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới đi nghỉ dưỡng tại Hàn Quốc. Chuyến đi du lịch này là nhằm ghi nhận đóng góp của họ trong những năm qua. Chuyến đi không thực hiện là do dư luận lên tiếng phản đối, không phải do thực tâm muốn rút lui. Nếu có sự thực tâm, thì ngay từ đầu đã không có chuyện này xảy ra.

Có gì liên quan trong những vụ việc nêu trên chắc bạn đọc đã nhận ra. Một tỉnh nghèo có đến 14 bệnh viện nợ lương người lao động, nghèo đến mức trẻ em ăn thịt cóc chết, thì cán bộ lãnh đạo không thể lấy bất cứ lý do gì để nghĩ đến chuyện hưởng thụ. Người thực sự vì dân phải thấy được trách nhiệm cá nhân mình trước cái nghèo của dân, sự lầm than của người lao động. Quan thanh liêm không chỉ là không vướng chuyện tham nhũng, mà dứt khoát không tiêu một đồng tiền phung phí khi dân còn nghèo khổ.

Là cán bộ lãnh đạo, có thể ngủ yên giấc không khi ngay trên địa phương của mình, có đến 14 bệnh viện không còn tiền trả lương, chắc chắn là không. Là người lãnh đạo, nghe tin trẻ em chết vì ăn cóc độc sẽ rơi nước mắt, lòng như lửa đốt, tự đấm ngực để trách phạt chính mình. Nếu như dòng tin dữ trên báo chí không lay động cảm xúc về trách nhiệm, thì không thể dẫn đến hành động vì cơm no áo ấm cho người dân.

Hãy biết rằng, dân chúng nhìn vào kết quả công việc và cuộc sống thực của quan chức để đánh giá năng lực và phẩm chất, không phải nghe những bài phát biểu dài dòng sáo rỗng trên truyền hình (Lao động trang 1).

Nâng cao hiệu quả truyền thông công tác y tế: Cần sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan báo chí

Chiều 8/12, Bộ Y tế và Bộ TT&TT tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế” với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thời gian quan, Bộ đã lắng nghe đa chiều, có chọn lọc các thông tin hoạt động của ngành y với mong muốn đem tới cho người dân những thông tin thiết thực, có lợi nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, sự hợp tác giữa ngành y tế với truyền thông vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, ngành y tế thiếu chiến lược và kế hoạch dài hạn về truyền thông, giáo dục sức khoẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, với hơn 400.000 cơ sở y tế, nguy cơ tai biến y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng các cơ sở lại chưa có kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Trong khi đó các thông tin thiếu kiếm chứng lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngành y.

“Truyền thông phải đi trước một bước nhưng bản thân lãnh đạo và những người làm ngành y tế chỉ nói sâu về chuyên môn, tư duy quan niệm thì đúng nhưng xử lý, thực hành không đúng vì vậy chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác truyền thông hơn tại tất cả các cấp để thông tin kịp thời đến người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.

Bộ trưởng xác định hướng truyền thông của ngành y tế phải luôn đi trước dư luận, không chỉ chạy theo dự luận. Vì vây, thời gian vừa qua, ngành y tế đã chủ động cung cấp thông tin cho truyền thông và có quy chế quy định mỗi đơn vị y tế có một người phát ngôn chính xác các thông tin. Truyền thông về y tế cũng cần chú ý tới thói quen của người dân ở từng vùng miền. Ví dụ như truyền thông đối với khu vực miền Nam, người dân thường chỉ xem trên kênh Vĩnh Long, HTV7…., ít theo dõi trên VTV1 nên nếu chỉ tuyên truyền trên VTV1 thì sẽ không tới được người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kỳ vọng từ khủng hoảng truyền thông của ngành y sẽ trở thành mô hình mẫu về phối hợp với truyền thông vì lợi ích của nhân dân. Nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông đối với sự phát triển của ngành y, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành y tế.

Qua báo chí, ngành y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, những tác phẩm báo chí về những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, về những thành quả mà ngành y tế đạt được có ý nghĩa cổ vũ động viên rất lớn với toàn ngành.

“Trong thời gian tới, giữa 2 Bộ cần xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể, truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, để người dân hiểu biết hơn, chia sẻ với ngành y tế, nâng cao chăm sóc sức khoẻ cho cả cộng đồng”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh. Từ phía báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT đề nghị cơ quan báo chí phải thể hiện tính chuẩn mực trong dòng chảy thông tin, là cơ sở để người dân kiểm chứng thông tin; cần tổ chức đội ngũ chuyên sâu về lĩnh vực y tế đồng thời có kế hoạch xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực y tế.

“Sai lầm của một bác sỹ có thể ảnh hưởng đến một người nhưng một thông tin sai có thể gây hậu quả cho nhiều người, cho xã hội”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý với báo chí.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng mong muốn phía Bộ Y tế sẽ chủ động phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng viết về y tế, tạo điều kiện cung cấp thông tin cho báo chí nhanh nhất, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn nhất là khi có các sự kiện nổi cộm hoặc đặc biệt.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chủ động hơn, cởi mở hơn, minh bạch hơn trong việc cung cấp thông tin; nâng cao kỹ năng giải quyết khủng hoảng truyền thông; phối hợp nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với báo chí.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, nhằm giúp công tác truyền thông về y tế đạt hiệu quả cao. Do đó, sự phối hợp giữa ngành y tế và truyền thông ngành y tế cần chủ động thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh, y tế dự phòng cho báo chí; chủ động cung cấp thông tin mới trong phòng, chống dịch bệnh; Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng viết về đề tài y tế cho các phóng viên, biên tập viên; minh bạch thông tin để người dân hiểu rõ những khó khăn của ngành y tế và những tai biến y khoa có thể gặp phải trong quá trình phòng, chữa bệnh; thông qua mạng xã hội, nhất là face book cá nhân, các nhà quản lý y tế có thể đối thoại với mọi người về mọi vấn đề để giải tỏa những vướng mắc.

Các đại biểu đều ghi nhận thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có nhiều cải tiến trong công tác truyền thông, song vẫn cần có những phản ứng kịp thời hơn. Theo đại diện báo Infonet, vấn đề nổi lên gần đây là thông tin y tế xuất hiện từ mạng xã hội, độ tin cậy rất thấp, nhưng lại mang tính giật gân nên độ lan tỏa cao, khiến nhiều người hoang mang, như tin về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Việt Nam, mỳ tôm có đỉa vv… Vì thế, Bộ Y tế và các bệnh viện cần phải sử dụng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin chính thống , khoa học dập tan tin đồn. Ngành y tế cần cởi mở và có sự phối hợp nhanh chóng với báo chí, bởi nếu không nhanh và chính xác, sẽ bị thua mạng xã hội (Sức khỏe & Đời sống online).

 

Cần Thơ triển khai kỹ thuật mới chữa ung thư gan

Đây là kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị ung thư, được triển khai thực hiện đầu tiên ở khu vực ĐBSCL.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết với sự hỗ trợ của chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ khoa ngoại tổng quát của bệnh viện đã triển khai kỹ thuật thuyên tắc mạch có bơm thuốc hóa chất điều trị thành công cho hai bệnh nhân bị ung thư gan. Trước đó, ông Trần Văn Th. (68 tuổi, ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) và ông Nguyễn Văn H. (43 tuổi, ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long) đều phát hiện bệnh tình cờ trong lần đi khám bệnh gần đây. Triệu chứng đi khám là do mệt mỏi, ăn uống kém, đau hạ sườn phải; kết quả siêu âm phát hiện khối u gan và các kết quả khác cho thấy cả hai bị ung thư gan.

Sau khi điều trị bằng phương pháp Tace, ông Th. và ông H. đã ăn uống khá, sức khỏe tốt (Tuổi trẻ trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang