Lo ổn định nguồn cung, chống thất thoát và kiểm soát thuốc gây nghiện, hướng thần
Thông tin đến các cơ quan báo chí ngày 8-5, Cục Quản lý dược cho biết, thực hiện chủ trương công khai, minh bạch trong công tác cấp phép kinh doanh thuốc kiểm soát đặc biệt, Luật dược 2016 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể điều kiện các cơ sở được phép kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt nói chung và thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất nói riêng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về dược không chỉ định cơ sở kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt mà tiến hành đánh giá các biện pháp về an ninh, bảo đảm chống thất thoát thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt của cơ sở kinh doanh thuốc, nếu đáp ứng quy định thì được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. “Với quy định này, dự kiến số lượng cơ sở kinh doanh thuốc gây nghiện, hướng thần, thuốc tiền chất sẽ tăng thêm, nguồn cung ứng thuốc cũng được cải thiện đáng kể” – Cục Quản lý dược cho biết. Cũng theo Cục Quản lý dược, hiện nay, đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu các thuốc trên, Cục đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của doanh nghiệp trong khâu cấp phép. Song, mặc dù chính sách pháp luật của nhà nước có nhiều cải cách công khai, minh bạch, thông thoáng nhưng doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn trong kinh doanh nhóm thuốc này do các yếu tố khách quan mang lại. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc tiền chất của Việt Nam hiện nay không nhiều, lượng đặt hàng của cơ sở khám, chữa bệnh cho các công ty kinh doanh dược không cao dẫn đến đối tác nước ngoài thiếu mặn mà trong việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu pháp lý cũng như tài liệu kỹ thuật để các công ty Việt Nam làm thủ tục đăng ký lưu hành và xin giấy phép nhập khẩu. “Chẳng hạn, về hồ sơ nghiên cứu độ ổn định của thuốc, phần lớn thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất sử dụng trong cấp cứu được nhập về từ các nước châu Âu, nơi có điều kiện khí hậu khác biệt rất lớn với Việt Nam... Như vậy, nhà sản xuất phải thực hiện việc nghiên cứu độ ổn định của thuốc cho riêng thị trường Việt Nam trong khi nhu cầu của Việt Nam lại không cao, không tương ứng với quy mô nghiên cứu” – Cục Quản lý dược dẫn chứng. Phải chủ động được nguồn cung Bên cạnh những khó khăn từ phía nhà sản xuất, các cơ sở kinh doanh dược ở nước ta cũng gặp trở ngại nữa về vấn đề tài chính do công tác đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh chưa bị ràng buộc bởi các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Nhiều khi cơ sở khám, chữa bệnh dự trù không sát với thực tế, hoặc chỉ đặt hàng khi có nhu cầu mà không có dự báo trước, đặc biệt là các thuốc hiếm, nhóm thuốc ít cơ sở có nhu cầu sử dụng. Do vậy, khi cơ sở nhập khẩu tìm được nguồn cung và nhập hàng về thì một số cơ sở khám, chữa bệnh không có nhu cầu sử dụng nữa hoặc sử dụng rất ít so với số lượng đặt hàng. Kết quả là cơ sở kinh doanh chịu tổn thất rất lớn vì phải hủy thuốc do không có đơn vị nào có nhu cầu, thuốc hết hạn sử dụng. “Để cải thiện những khó khăn trên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước về dược, rất cần phải có sự chủ động từ phía các cơ sở khám, chữa bệnh trong khâu dự trù; sự năng động của các cơ sở kinh doanh dược, đặc biệt là cơ sở sản xuất trong nước vì chỉ khi Việt Nam tự sản xuất được các thuốc trên thì chúng ta mới chủ động được về nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh” – Cục Quản lý dược đề nghị (An ninh thủ đô, trang 6).
Cứu sống trường hợp u gan khổng lồ hiếm gặp, cả thế giới mới chỉ có 300 ca mắc
Sáng nay, 8-5, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận, điều trị một trường hợp mắc loại u gan hiếm gặp trên thế giới với trọng lượng “khủng” lên tới 5 kg…Bệnh nhân là anh Nguyễn Hữu A. (sinh năm 1987, quê Nam Định) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng. Bệnh nhân được phát hiện khối u gan nhờ một lần tình cờ đi khám bệnh ở Đồng Nai cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, vì kết quả chẩn đoán chưa rõ ràng nên bệnh nhân chưa được điều trị. Kết quả siêu âm, chụp ổ bụng cho thấy, gan của bệnh nhân phải có khối u lớn dạng dịch (kích thước 23 x 17cm), tăng sinh mạch nhiều. Nhận định đây là một trường hợp bệnh phức tạp, khó và nặng, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn liên khoa và kết luận bệnh nhân bị u cơ mỡ mạch gan (Angiomyolipoma).
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ, u cơ mỡ mạch gan là khối u hiếm gặp ở gan bao gồm thành phần mạch máu, cơ trơn và mỡ. Đến nay trên toàn thế giới mới chỉ có khoảng 300 trường hợp mắc bệnh này được báo cáo.
Vì khối u chiếm toàn bộ gan phải nên trước khi phẫu thuật 1 tháng, bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút gây tắc mạch làm phì đại gan trái.
Cuộc phẫu thuật sau đó, các bác sĩ đã phải dự trù dự trù các chế phẩm máu để cắt bỏ khối u gan khổng lồ hiếm gặp. Sau 8 giờ đồng hồ, kíp mổ đã cắt bỏ thành công khối u gan nặng 5 kg với kích thước 25x20x15cm. Hiện 8 ngày sau mổ, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, bệnh u cơ mỡ mạch gan thường không có triệu chứng rõ ràng và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng có thể nhầm lẫn tới 25-52% trường hợp. Bệnh thường diễn biến lành tính nhưng cũng có một số trường hợp báo cáo tiến triển ác tính. Vì vậy, bệnh nhân cần theo dõi sát quá trình tiến triển của sau phẫu thuật (An ninh thủ đô, trang 15).
Cảnh giác với bệnh viêm não mô cầu
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 10 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu. Tới đầu tháng 5-2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người dân tộc Mông trong tình trạng nguy kịch, khó qua khỏi do nhiễm viêm não mô cầu. Vào hè, đây được xem là bệnh rất nguy hiểm bởi có khả năng gây biến chứng nhanh
Dễ chẩn đoán nhầm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, tính đến 14h ngày 8-5, bệnh nhân nữ Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại tỉnh Yên Bái) bị viêm não mô cầu vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, mất phản xạ, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, hôn mê… vào ngày 2-5. Đến ngày 3-5, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D. bị viêm não mô cầu và cho chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho phép khẳng định bệnh nhân D. bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu, dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng. Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cũng tiếp nhận hai trường hợp mắc viêm não mô cầu, đó là một nữ sinh 15 tuổi (ở huyện Ba Vì) và một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ở huyện Đông Anh). Đây là hai trường hợp mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2018 trên địa bàn Hà Nội. Còn từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã điều trị cho một thanh niên 30 tuổi (ở TP Hưng Yên) được chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở giới trẻ và thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...) nên có khả năng gây thành dịch. Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong là 30-40% nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có các thể bệnh khác, gồm: Viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm nắp thanh quản tối cấp... Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 90 đến hơn 100 người mắc viêm não mô cầu, tỷ lệ tử vong khoảng 15%-20%. Ngoài ra, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề (chậm phát triển, điếc, liệt…). Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là loại bệnh không thường gặp nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh sốt xuất huyết do biểu hiện bệnh có những dấu hiệu tương tự như xuất huyết dưới da, đau đầu, cứng gáy, sốt... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, não mô cầu chuyển nặng rất nhanh và có thể gây tử vong. “Mảng xuất huyết dưới da ở bệnh nhân viêm não mô cầu có hình sao - dấu hiệu phân biệt với sốt xuất huyết. Bệnh nhân có dấu hiệu này cần được đưa ngay đến bệnh viện”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin
Chiều 8-5, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bệnh viêm não mô cầu tuy nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin. Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là AC của Pháp và BC của Cuba. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin AC, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, cùng với việc đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin hiện có, mỗi gia đình cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, bảo đảm vệ sinh ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết… Đó là cách phòng tránh hiệu quả không chỉ bệnh viêm não mô cầu mà còn cả các loại bệnh dễ phát sinh trong mùa hè.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, cần tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh, cần phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Những người ở khu vực xung quanh nơi có dịch bệnh lưu hành hay những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch Hà Nội mới, trang 5).
Nếu bác sĩ Lương đi tù...
"Những ngày đầu bị tạm giam tôi đã rất tuyệt vọng. Từ khi vào nghề bác sĩ, tôi đã luôn tự hứa với lòng mình, với bệnh nhân và đồng nghiệp là luôn tận tâm cứu người. Giờ đây tôi chỉ mong được xét xử công minh, đúng người đúng tội...". Trưa 7-5 vừa rồi, sau khi rời Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình ở tư cách bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương đã nói với báo giới chân thành như thế.
Trước phiên tòa sơ thẩm lần 1 hôm 7-5 xử vụ tai biến làm 8 người bệnh tử vong (đã tạm hoãn), có trên 15.400 bác sĩ và nhân viên y tế gửi chữ ký đồng thuận ủng hộ cho bác sĩ Lương. Hàng chục bác sĩ khác đã không quản ngại đường sá xa xôi, có người ngồi tàu suốt đêm và đi thêm gần 100km nữa tới ủng hộ bác sĩ Lương tại phiên tòa.
Điều gì đã khiến họ không mệt mỏi đi vận động chữ ký, đi hàng trăm kilômet để ủng hộ đồng nghiệp?
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt, từng làm việc ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), hiện đã nghỉ hưu, cho hay nếu chưa về hưu, bất cứ lúc nào bà cũng có thể gặp "tai nạn nghề nghiệp" như bác sĩ Lương.
"Bác sĩ Lương phải ra tòa do lập luận của cơ quan pháp luật là do bác sĩ đã ra y lệnh chạy máy lọc thận. Đây là điều vô lý bởi việc ra y lệnh là nhiệm vụ của bác sĩ, nhưng tai biến xảy ra do chất lượng nước RO thì bác sĩ không có chuyên môn và thiết bị để kiểm tra.
Nếu lập luận như thế, bác sĩ ra y lệnh nhưng tai biến do chất lượng thuốc, do máy móc, do các công việc ngoài chuyên môn của bác sĩ thì bác sĩ phải chịu hết? Bác sĩ sẽ không dám làm việc đâu" - bác sĩ Nguyệt nói.
Có người hỏi bác sĩ Lương khi đứng trước bục trả lời câu hỏi của tòa, cảm xúc của bác sĩ như thế nào? Bác sĩ Lương nói anh chưa bao giờ hình dung ra việc mình sẽ đứng ở vị trí đó, ở tư cách một bị cáo.
Anh đã bị buộc tội, bị tạm giam và có nguy cơ bị đi tù vì một tội lỗi không hề liên quan đến chuyên môn và nhiệm vụ của mình. Nếu bác sĩ Lương đi tù, bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể có lúc phải ra tòa, những người đồng nghiệp đang ký tên ủng hộ anh, đã đến tòa án động viên anh chính vì họ lo ngại có lúc họ sẽ gặp một tai nạn tương tự bác sĩ Lương.
Giới bác sĩ đang lo lắng vì ngoài đảm nhiệm công việc chuyên môn, với vụ việc bác sĩ Lương, họ phải chịu thêm trách nhiệm về chất lượng nước, thuốc, thiết bị... trong bệnh viện, trong khi bác sĩ lại không có chuyên môn để kiểm tra và giám sát những thiết bị/vật tư này.
Trong quy chế bệnh viện có quy định chức trách của bác sĩ, nhưng điều này chưa được rõ ràng dù đã có Luật khám chữa bệnh. Các bác sĩ đang muốn đấu tranh cho việc thiếu quy trình, quy chuẩn, phân công trách nhiệm cụ thể trong bệnh viện, nhưng họ bối rối và không biết bắt đầu từ đâu.
Mỗi ngày ngoài hàng chục bệnh nhân và nhiều công việc không tên khác, bác sĩ giờ phải lo thêm cả học võ để tự bảo vệ bản thân, và bối rối về chức trách của mình.
Còn rất nhiều điều chưa được làm rõ trước phiên tòa này, như vai trò của ông giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thời điểm xảy ra vụ tai biến (ông Trương Quý Dương), việc giá thuê máy chạy thận tại bệnh viện này lại đắt hơn Bệnh viện Bạch Mai gần gấp 2, việc hợp đồng bảo trì ký với Công ty Thiên Sơn, nhưng thực ra Công ty Trâm Anh mới trực tiếp bảo trì hệ thống lọc nước, vậy vai trò của Thiên Sơn là gì... Thế nhưng những bí ẩn đó vẫn chưa được giải mã, còn người ra tòa là bác sĩ với tội danh phải chịu trách nhiệm về những gì không thuộc chức trách bác sĩ, với sự cố nghề nghiệp có thể xảy ra với bất cứ ai làm nghề (Tuổi trẻ, trang 1).
Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An không thành lập khoa ung bướu
Trên một số cơ quan báo chí có bài báo, Bệnh viện đa khoa Nghệ An thành lập khoa ung bướu “chui”?. Bài báo có nội dung phản ánh, bệnh viện “phớt lờ” chỉ đạo của tỉnh về việc không cho phép thành lập khoa ung bướu. Theo đó, trước tháng 8/2015 bệnh viện có thành lập bộ phận ung bướu để điều trị hóa chất cho các trường hợp mắc bệnh ung thư đã phẫu thuật tại bệnh viện và có chỉ định điều trị hóa chất.
Tuy nhiên, thực hiện thông báo số 1596/TB-TU của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An và Công văn số 5764/UBND-TH ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An và công văn số 2158/SYT-TCCB của Sở Y tế Nghệ An ngày 26/8/2015 về việc không thành lập khoa ung bướu tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, bệnh viện đã giải thể bộ phận ung bướu và điều chuyển bệnh nhân có chỉ định hóa chất sang Bệnh viện ung bướu Nghệ An.
Hiện nay, tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An không có khoa ung bướu và cũng không điều trị hóa chất cho bệnh nhân ung thư. Các trường hợp được chẩn đoán xác định là ung thư, có chỉ định hóa chất, bệnh viện đều tư vấn chuyển Bệnh viện ung bướu Nghệ An điều trị hoặc chuyển tuyến trên khi có chỉ định xạ trị.
Việc dư luận có nêu, tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An có khoa Ung bướu tại khoa số 6, tầng 1 là chưa chính xác. Thực tế đây là một đơn nguyên của khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).