Dựa vào căn nguyên để điều trị tốt hội chứng đái ra dưỡng chấp
PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhạn, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh kiêm Trưởng khoa Thận – Tiết niệu cho biết, hệ thống bạch mạch quanh thận rất phong phú, là nơi hội lưu của bạch mạch hai chi dưới, đi vào ống ngực đổ vào hội lưu Pirugov. Khi bị tắc hệ bạch mạch vùng quanh thận sẽ gây chứng đái ra dưỡng chấp. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là nước tiểu đục như sữa (đục trắng như nước vo gạo), để lâu có thể sẽ đông lại như thạch. Đái ra dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định. Đái đục như sữa xuất hiện tăng sau khi ăn thịt, cá, trứng vì thành phần của dưỡng chấp chủ yếu là lipid, protein, fibrinogen. Bệnh nhân đái ra dưỡng chấp có thể trạng gầy tùy theo mức độ đái ra dưỡng chấp nhưng vẫn sinh hoạt bình thường. Nguyên nhân của dưỡng chấp niệu có thể kể đến do giun chỉ, do viêm, do u chèn ép vào hệ thống bạch mạch quanh thận, do chấn thương. Trong đó, nguyên nhân do giun chỉ là ấu trùng giun chỉ thường cư trú trong hệ thống bạch mạch làm tắc bạch mạch, đặc biệt là bạch mạch chân gây bệnh chân voi và gây tắc bạch mạch quanh thận, dò bạch mạch vào bể thận dẫn đến đái dưỡng chấp. Ấu trùng giun chỉ thường xuất hiện trong máu ngoại vi vào ban đêm. Bệnh thường lưu hành ở một số vùng đồng bằng Bắc bộ như Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình. Bệnh lây truyền theo đường máu, vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Nhưng trên thực tế không tìm thấy ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi ở bệnh nhân đái dưỡng chấp kéo dài, hầu hết những trường hợp đái dưỡng chấp không có dấu hiệu phù chân voi. Tắc bạch mạch do viêm là do một số trường hợp đái dưỡng chấp có khả năng khỏi khi điều trị bằng kháng sinh, nhưng hay tái phát. Theo y học hiện đại căn nguyên đái ra dưỡng chấp phức tạp, khó xác định, cần tiến hành xét nghiệm máu để tìm ấu trùng giun chỉ, phải xét nghiệm máu nhiều lần vào lúc 9- 10 giờ đêm hàng ngày; cấy khuẩn nước tiểu, bạch cầu niệu. Chụp bạch mạch thận xác định tình trạng hệ thống bạch mạch quanh thận. Sự xuất hiện bạch mạch quanh thận chứng tỏ có hiện tượng dò bạch mạch quanh thận vào đài bể thận. Điều trị dựa vào căn nguyên, nếu không rõ có thể điều trị bảo tồn bằng kháng sinh. Đái dưỡng chấp mức độ nặng gây thiểu dưỡng cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hệ thống bạch mạch quanh thận, tuy thế sau khi phẫu thuật vẫn có nguy cơ tái phát.
Có những bệnh nhân đái ra dưỡng chấp đơn thuần nhưng có những bệnh nhân đái ra dưỡng chấp lẫn máu nên lúc này nước tiểu đục có mầu hồng chứ không còn màu trắng đục như nước vo gạo. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải được điều trị đồng thời kết hợp cả đái máu và đái ra dưỡng chấp mới có kết quả tốt. Nếu chỉ điều trị đái máu đơn thuần thì bệnh nhân sẽ lập tức tái phát đái ra dưỡng chấp, để qua đêm sẽ đông như thạch. Còn nếu chỉ điều trị đái ra dưỡng chấp đơn thuần thì tình trạng đái máu vẫn tiếp diễn, nước tiểu vẫn có màu hồng. Hội chứng đái ra dưỡng chấp là một bệnh thường gặp, nếu điều trị bằng y học hiện đại sẽ còn những tồn tại nhất định vì phần lớn không rõ căn nguyên. Theo y học cổ truyền đái ra dưỡng chấp chủ yếu là do thấp nhiệt hạ chú, trở trệ lạc mạch, dịch mỡ thoát ra ngoài (dưỡng chấp). Vì vậy, pháp điều trị là thanh nhiệt lợi thấp, phân thanh tiết trọc là đã giải quyết được nguyên nhân cơ chế bệnh sinh của đái ra dưỡng chấp. Bài thuốc thường dùng để điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bài Tỳ giải phân thanh ẩm gia giảm. Các vị thuốc thường dùng là tỳ giải, thạch xương bồ, bạch linh, hoàng bá, xa tiền thảo, trần bì, bán hạ, hoàng kỳ, đỗ trọng kim anh… Những vị thuốc này còn có tác dụng bổ tỳ ích thận cố sáp nên đã cho kết quả điều trị là giữ lại được các chất dinh dưỡng mà vốn dĩ đang bị thoát ra theo đường nước tiểu. Dùng thuốc y học cổ truyền để điều trị bệnh, luôn là ưu thế với y học hiện đại về vấn đề nâng cao thể trạng, nâng cao chất lượng sống, và ít tác dụng không mong muốn cho người bệnh.
Lời khuyên của chuyên gia
Với kinh nghiệm điều trị của mình, PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhạn cho biết, y học cổ truyền có tác dụng điều trị các chứng đái ra dưỡng chấp là điều đã được khẳng định, vì vậy, khi bệnh nhân khi bị bệnh cần được đến khám và chẩn đoán xác định và điều trị chính xác tại các cơ sở y tế công lập có chuyên khoa về thận tiết niệu học để tránh bỏ sót các trường hợp tắc bạch mạch gây đái ra dưỡng chấp có nguyên nhân rõ ràng như do u, do giun chỉ, do viêm nhiễm…
Đối với trường hợp bệnh nhân H., khi nhập viện đã được điều trị bằng bài thuốc Tỳ giải phân thanh ẩm gia giảm. Đây là bài thuốc được điều trị theo lí pháp phương dược của y học cổ truyền. Bài thuốc gồm những vị thuốc sẵn có trong nước, giá thành không cao nên tiết kiệm chi phí cho người bệnh khi điều trị tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Bệnh nhân H. sau 3 ngày điều trị bằng bài thuốc này đi tiểu nước tiểu đã trong dần, để lâu không còn hiện tượng đông thành thạch.
Trung Thành