Tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tiếp đón đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Hường - Phó Giám đốc Sở Y tế, Lãnh đạo phòng chức năng Sở và đại diện Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Lãnh đạo Trung tâm Y tế…
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sau bão số 3, ngành Y tế Ninh Bình tập trung xây dựng phương án đảm bảo nhân lực, dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để triển khai vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt, phòng, chống dịch bệnh ứng phó với các tình huống mưa lũ, ngập lụt. Hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ y tế, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh, sự cố môi trường, ngộ độc thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra; nhanh chóng ổn định, duy trì hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu tại các cơ sở y tế, đảm bảo công tác y tế cho các khu vực bị chia cắt do ngập lụt. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ đảm bảo công tác y tế ứng phó và khắc phục mưa lũ, ngập lụt tại các địa phương và các đơn vị y tế. Đảm bảo cơ số thuốc, hoá chất sẵn sàng triển khai vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế khám chữa bệnh trên địa bàn tổ chức trực chuyên môn và trực cấp cứu 24/24 sẵn sàng cấp cứu, thu dung bệnh nhân trong mùa mưa lũ. Ngành y tế từ tỉnh đến huyện và xã đều tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, tập trung tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội về hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa lũ, ngập lụt…
Tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đón tiếp đoàn kiểm tra có đồng chí Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Trần Văn Vịnh, Phó Chủ tịch huyện Xuân Trường.
Trước trong và sau cơn bão số 3, ngành Y tế Nam Định đảo đảm công tác thường trực cấp cứu khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục trong và ngoài cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt; kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, phương tiện... không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người bị thương, người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch. Bảo đảm nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương; tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy sau mưa lũ. Đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước sinh hoạt; thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trung tâm Y tế mưu Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Qua kiểm tra, giám sát, Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao Sở Y tế, toàn ngành Y tế Ninh Bình, Nam Định đã chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão; huy động nhân lực tham gia thường trực hỗ trợ cấp cứu 24/4; chỉ đạo các đơn vị chủ động đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo quản lý chất thải y tế. Chủ động rà soát đánh giá nguy cơ dịch bệnh, tổ chức giám sát đánh giá nguy cơ phát hiện kịp thời và xử lý các ổ dịch bệnh; đảm bảo nhân lực và vật tư y tế thuốc men trong công tác phòng chống lũ lụt.
Đồng chí Dương Đức Thiện, Trưởng đoàn công tác số 4 của Bộ Y tế đề nghị với ngành Y tế Ninh Bình và Nam Định triển khai một số vấn đề: Chủ động với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ để chủ động ứng phó; xây dựng kịch bản phòng chống dịch bệnh cho các tình uống khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động với các tình huống thiên tai, dịch bệnh…
Ngày 17/9/2024, Bộ Y tế ra Quyết định thành lập 04 Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh sau bão số 3 và mưa lũ tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Theo Quyết định: Đoàn 1 kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại Yên Bái, Lào Cai. Đoàn 2 kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đoàn 3 kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại Lạng Sơn, Hà Nội. Đoàn 4 kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại Ninh Bình, Nam Định. Đến ngày 01/10/2024, các đoàn đã tiến hành xong công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các tỉnh theo Quyết định. |
PV