Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ luôn đi đầu trong thực hiện các văn bản, chính sách, chủ trương mới của Nhà nước và ngành Y tế. Bệnh viện là một trong những đơn vị tiêu biểu của các tỉnh phía Bắc trong triển khai thực hiện Thông tư số 45/2015/TT- BYT của Bộ Y tế về đổi mới trang phục y tế. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Thu Liên- Trưởng phòng Điều dưỡng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong việc thực hiện Thông tư này…
Phóng viên: Xin bà cho biết về những công việc mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai trong việc thực hiện Thông tư số 45/2015/TT- BYT?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Bệnh viện đã triển khai tích cực Thông tư số 45/2015/TT- BYT của Bộ Y tế về đổi mới trang phục y tế. Lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn phổ biến nội dung của Thông tư đến toàn thể viên chức, người lao động. Bệnh viện tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư cụ thể, kỹ lưỡng. Để tránh lãng phí về kinh phí Giám đốc Bệnh viện giao cho các bộ phận: Phòng Điều dưỡng, Quản lý chất lượng, Hành chính quản trị rà soát lại toàn bộ trang phục hiện có xem trang phục nào chưa phù hợp. Căn cứ trên kết quả rà soát kết hợp vơi lấy ý kiến của cán bộ, 3 phòng chịu trách nhiệm tổng hợp đề xuất các nội dung liên quan đến việc may trang phục y tế.
Về cơ bản các mẫu trang phục hiện có tại Bệnh viện đã đáp ứng với quy định của thông tư, bệnh viện cũng đã trang bị giầy đồng phục 100% cán bộ, hiện chỉ còn điều chỉnh mẫu trang phục cho khối điều dưỡng, hộ sinh và biển tên của cán bộ. Bên cạnh đó, Bệnh viện tiến hành lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ uy tín thông qua hình thức đầu thầu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngay từ năm 2013 toàn bộ trang phục y tế cũng như các đồ dùng bằng vải phục vụ cho công tác chuyên môn đều được thu gom xử lý tập trung tại trung tâm giặt là. Các sự cố về cúc, chun, chỉ may được khắc phục trước khi đưa vào sử dụng.
Phóng viên: Một số điểm mới và nổi bật của trang phục mới tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là gì, thưa bà? Những trang phục này khác gì so với trang phục cũ?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã trang bị đầy đủ trang phục theo đặc thù riêng của từng vị trí làm việc. Trang phục của điều dưỡng, hộ sinh, làm việc tại Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao (hoạt động theo hình thức xã hội hóa) và trang phục của nhân viên Chăm sóc khách hàng được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đánh giá cao về kiểu dáng, mẫu mã, lịch sự, dễ nhận biết và tính thẩm mỹ.
Ngoài ra, trang phục dành cho một số bộ phận đặc thù như: chăm sóc da thẩm mỹ, nhà thuốc Bệnh viện được may trang phục riêng, phù hợp với tính chất công việc cũng như mang tới cảm giác nhẹ nhàng, thân thiện cho khách hàng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Phóng viên: Xin bà cho biết thêm kết quả của việc thay đổi trang phục mới đem tới cho Bệnh viện, cho nhân viên y tế và cho người bệnh?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Trang phục mới của Bệnh viện được khách hàng ghi nhận là đẹp về kiểu dáng, dễ nhận biết với các đối tượng phục vụ. Bên cạnh đó, tất cả các mẫu trang phục hòa đồng mang lại cảm giác gần gũi, tươi trẻ cho mọi khách hàng với các màu sắc hài hòa, kiểu dáng đẹp, phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng khá hài lòng khi sử dụng quần áo, chăn ga gối đệm trong quá trình điều trị tại Bệnh viện.
Phóng viên: Sự tham gia của cán bộ, nhân viên Bệnh viện trong việc đổi mới trang phục y tế như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Có thể nói, 100% cán bộ đều hài lòng với các chính sách của Bệnh viện trong việc thực hiện may trang phục y tế. Các cán bộ đều trao đổi, chia sẻ tích cực về số lượng, kích cỡ mẫu mã và chất liệu trong quá trình thực hiện đổi mới trang phục y tế.
Phóng viên: Một số đề xuất và kiến nghị của bà trong quá trình triển khai thay đổi trang phục y tế mới?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Theo tôi, ở một số đơn vị y tế nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nên có thể có mô hình hoạt động đặc thù theo hình thức xã hội hóa nên để thủ trưởng đơn vị quyết định mẫu mã, kiểu dáng trang phục để tăng tính thương hiệu riêng.
Phóng viên: Những kinh nghiệm mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ có thể chia sẻ với các đơn vị y tế khác trong quá trình thực hiện Thông tư số 45/2015/TT- BYT?
Bà Nguyễn Thị Thu Liên: Một số kinh nghiệm mà chúng tôi có thể chia sẻ trong quá trình thực hiện Thông tư với các cơ sở y tế, đó là: - Tổ chức đấu thầu công khai rộng rãi, lựa chọn nhà thầu có uy tín, chất lượng. Thường xuyên lấy ý kiến đóng góp của cán bộ cũng như người bệnh để đánh giá các nội dung liên quan đến trang phục y tế, kịp thời điều chỉnh bổ xung cho phù hợp.
- Giao cho bộ phận chuyên trách quản lý, giám sát việc cung ứng, bảo quản và sử dụng trang phục y tế.
- Rất cần thiết việc giặt là tập trung trang phục y tế, tránh việc cán bộ tự giặt, phơi trang phục, không mất thời gian lãng phí, trang phục cán bộ cũng như người bệnh luôn phẳng phiu, sạch sẽ. Từ đó bệnh viện có cảnh quan, con người gọn gàng, ngăn nắp, thân thiện.
Phóng viên: Xin cám ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Bài: Trọng Tiến
Ảnh: CTV Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ