Tháng 8 năm 2022, một bệnh nhi 15 tuổi ở Đồng Nai đã được Bệnh viện Nhi đồng 2 và bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM ghép thận thành công. Đây là ca ghép thận từ một người hiến chết não không cùng huyết thống. Ca phẫu thuật thành công không chỉ là bước tiến đối với ngành ghép thận ở trẻ em, mà còn vô cùng ý nghĩa đối với cuộc sống của bệnh nhi.
Ghép thận thành công từ người hiến chết não không cùng huyết thống
Người được ghép thận là bé trai sinh năm 2007 đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Cậu bé là con thứ 3 trong gia đình không ai bị suy thận. Vào tháng 1/2020, mẹ thấy con trai bị phù mặt, nên đã đưa con đến Bệnh viện Đồng Nai khám. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán bé bệnh viêm cầu thận mạn, khả năng xơ hoá cầu thận khu trú từng phần tiến triển, chưa loại trừ hoàn toàn bệnh thận IgA. Từ tháng 4/2020 đến nay, cậu bé thực hiện thẩm phân phúc mạc, sau đó là chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Cậu bé phải nghỉ học vì tình trạng bệnh chuyển xấu, phải chạy thận nhân tạo 3 lần/ngày huyết áp cao, không còn nước tiểu.
Cha của bé có dự định cho thận, nhưng vì tuổi cao, hiện là lao động duy nhất trong gia đình, với thu nhập khiêm tốn đến từ lao động phổ thông. Gia đình khó khăn, neo người, không có người hiến từ người khỏe mạnh nên đăng ký danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não từ tháng 10/2020.
Chiều ngày 20/8/2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận tin báo từ Trung tâm điều phối tạng khu vực phía Nam là Bệnh viện Chợ Rẫy có người hiến thận chết não. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc và sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội, đã huy động nguồn tài trợ từ cộng đồng để hỗ trợ viện phí cho ca ghép. Bệnh viện thông báo cho người nhận phù hợp trong danh sách chờ nhập viện.
Bệnh nhân nhập viện lúc 20 giờ ngày 20/8/2022 để những xét nghiệm tiền phẫu và phản ứng đọ chéo trước ghép. 6 giờ sáng 21/8/2022, các phản ứng đọ chéo trước ghép âm tính, ê kíp hoàn tất các xét nghiệm tiền phẫu, khám chuyên khoa, đăng ký máu, chạy thận nhân tạo. Đến 10 giờ 30 phút, ê kíp ghép thận tiến hành hội chẩn trước phẫu thuật. 15 giờ 45 phút, thận người hiến được lấy ra khỏi cơ thể. Đến 16 giờ, hoàn tất công tác chuẩn bị bệnh nhân và chuyển phòng mổ. 16 giờ 30 phút, ê kíp đem thận người hiến đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau 3 giờ 15 phút, ca ghép thận hoàn thành với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Đến 21 giờ bệnh nhân được chuyển hồi sức và 7 giờ sáng 22/8, bệnh nhân được rút nội khí quản. Toàn bộ qui trình ghép thận từ tạng hiến của người cho chết não đã được thực hiện chắt chẽ, đảm bảo ca ghép cho bệnh nhi đã thành công.
Một cuộc đời được hồi sinh
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có nước tiểu ngay tại phòng mổ, lượng nước tiểu ngày càng tăng dần, chức năng thận cải thiện, siêu âm thận ghép ngay sau mổ: tưới máu thận tốt, thận ghép không ứ nước. Hậu phẫu nước tiểu bệnh nhân tăng dần đạt mục tiêu, khoảng 5000ml/ ngày, ăn uống lại từ ngày thứ nhất sau mổ, hiện ăn uống tốt, xuất viện sau 2 tuần theo dõi. Bệnh nhân cần tái khám mỗi 3 ngày trong tháng đầu và sau đó mỗi tuần rồi mỗi tháng.
Theo đánh giá của các bác sĩ, bé có thể trở về cuộc sống gần như bình thường, có thể đi học lại sau 6 tháng. Người mẹ của bệnh nhi đã bật khóc khi chia sẻ hạnh phúc nhìn con mình dần khỏe mạnh: “Khi nghe các bác sĩ báo tin có thận để ghép cho con mình, gia đình tôi như sống lại. Chúng tôi vội gom ít tiền trong nhà, thuê xe lên bệnh viện ngay lập tức. Từ ngày con bị bệnh, làm cha mẹ, chúng tôi chưa từng nghĩ có ngày hôm nay. Sau này, con trai sẽ được đi học lại, có thể khỏe mạnh. Tôi vô cùng biết ơn người đã hiến tặng con trai tôi quả thận quý báu và tất cả các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy”.
Thuận lợi trong ca ghép này là bệnh nhi 15 tuổi, người hiến 25 tuổi và có sự tương thích về tạng. Quả thận của người cho khá tương thích với người nhận. Vì vậy kết quả ghép thận sẽ có tiên lượng tốt, thời gian quả thận sống sau ghép sẽ lâu dài, nhiều năm.
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết về mặt chuyên môn, khác với các trường hợp ghép từ người cho sống, trường hợp này ghép từ người hiến chết não. Người hiến lần này không cùng huyết thống với người được ghép, cần phải sàng lọc tìm người ghép phù hợp. Với các ca ghép từ người sống, kíp mổ có bức tranh rõ ràng hơn qua thăm khám để nhận diện các hình ảnh mạch máu, phục vụ kiểm soát khi lấy và ghép.
Với người hiến trong trường hợp này, kíp mổ không thể biết trước để phác họa rõ ràng. Vậy nên, ngoài quy trình chặt chẽ, việc vận hành các khoa, phòng đồng loạt triển khai, yêu cầu kíp mổ phải thao tác chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng.
Thầy thuốc ưu tú, BSCKII. Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, từ trước đến nay, Bệnh viện thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng. Nguồn tạng nói chung và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, đồng thời là xu hướng chung trên thế giới.
Cho đi là còn mãi
GS. Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ: “Các bác sĩ Việt Nam đã tiến hành hơn 6.500 ca ghép tạng nhưng số người cho chết não chỉ chiếm khoảng 5%, còn lại chủ yếu thực hiện từ người hiến còn sống. Tôi mong thông điệp hiến tạng được phổ biến rộng rãi hơn nữa vì khi chết não mà hiến tạng vẫn có thể cứu sống rất nhiều người. Cho đi là còn mãi”.
Người hiến thận cho thiếu niên 15 tuổi là bệnh nhân nữ tên MC (25 tuổi). MC bị tai nạn lao động, té chấn thương sọ não nặng, chết não. Mẹ cô đã nén nỗi đau để hỗ trợ cho con gái mình thực hiện ước muốn cuối cùng là có thể chia sẻ những phần cơ thể còn có chức năng của mình để cứu những người mắc các bệnh hiểm nghèo. Cô đã thể hiện điều ước muốn đó qua thẻ đăng ký hiến tạng với trung tâm điều phối Quốc gia vào tháng 7/2020. Cô mong muốn có thể chia sẻ được tối đa những phần cơ thể có được cho nhiều người bệnh.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã nhận được 01 quả tim, 01 lá gan, 02 quả thận và 02 giác mạc để ghép cho 06 người bệnh. Như vậy sau khi ra đi, các bác sỹ đã thực hiện di nguyện của cô gái tên MC cứu được 06 người.
Hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương đồng loại trong cuộc sống. Lúc này, sự ra đi của họ không còn là hư không, vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự “cho đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để những người sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người. Khi một sinh mệnh từ giã cõi đời thì ở một nơi khác, nhiều cuộc đời khác đã được cứu sống nhờ vào những mảnh ghép sinh mệnh người đó để lại.
Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện nay bệnh viện Nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam làm công tác ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em. Đây cũng là ca ghép thận thứ 23 được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và trường hợp thứ 2 được ghép thận từ người cho chết não.
Trà Giang (tổng hợp)