Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Giảm tải bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh

  • |
(Nhân dân)-Dù có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cao nhất cả nước, cũng là nơi có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh nhất nhưng các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh, cần nhiều giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài…

Mới sáng sớm, nhưng hành lang trước khu vực lấy số thứ tự khám bệnh của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã không còn chỗ trống. Trời se lạnh nhưng hơi người tỏa nồng. Đang chờ đến lượt, chị Hoàng Thị Bướm (Trà Vinh) nhớ lại: “Tui bắt xe đi từ đêm, 3 giờ sáng tới BV rồi lấy số thứ tự. Nhưng có lẽ khoảng 8 giờ thì được vào khám. Chị Bướm bị bệnh thận, tháng nào cũng phải đến BV, nhưng khi được hỏi sao không đi các BV khác, chị lý giải: Đã lặn lội lên Sài Gòn rồi, thì đến Chợ Rẫy “ngon” hơn. Thực tế, chứng bệnh suy thận của chị Bướm có thể điều trị ở nhiều BV khác, như: Bình Tân, quận 10, quận 5 hay BV Quân Dân y Miền Đông...

Tại BV Nhi Đồng 1, sự quá tải lộ rõ ngay tại hành lang, trước phòng khám và khu vực các khoa điều trị. Dưới ánh nắng gay gắt, khoảng 5.500 đến 6.000 người bệnh từ các tỉnh lân cận đổ về, phần lớn chỉ để khám các căn bệnh thông thường như ho, sổ mũi, nóng sốt. Tại các khoa lưu bệnh, thống kê cho thấy luôn có 1.700 đến 1.800 bệnh nhi/ngày nằm chen nhau, kèm theo đó là cả nghìn người lớn đi theo chăm nuôi. Trong khi số giường bệnh kế hoạch là 1.400 và cố gắng kê thêm được hơn 100 giường, cho nên sự quá tải là không tránh khỏi. Anh Phan Cao Long bế cậu con nhỏ đến BV từ sáng sớm, nhưng gần 10 giờ mới đến lượt đưa con vào khám. Dù chỉ bị sốt, ho khò khè nhưng anh không dám để con điều trị tại BV Cần Giuộc (Long An) mà lặn lội lên thành phố cho “chắc cú”. Khi khám xong, anh giãi bày: “Biết cháu bệnh đơn giản vậy tui để con khám ở xã cũng được, lên đây chen chúc càng mệt hơn”.

Tương tự, Trung tâm y khoa MEDIC tổ chức đón người bệnh từ 4 giờ sáng. Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận hơn 2.500 lượt người đến làm các xét nghiệm, 90% số người bệnh có được kết quả lúc 12 giờ trưa. Nhưng hầu như lúc nào đến MEDIC, cũng bắt gặp cảnh chen chúc, chờ đợi và lẫn trong đó là hoạt động trắng trợn của giới “cò”. Trước cổng trung tâm, dãy xe ôm đậu ken dày, còn trong khuôn viên tầng trệt, hàng nghìn người qua lại chen chúc, ồn ào do tiếng trao đổi qua điện thoại, cáu gắt, la hét và cãi nhau. Trên các khoa chuyên môn, dù có ghế ngồi nhưng buổi sáng thì không ít người vẫn phải đứng. Nhiều cụ già mệt nhọc phải ngồi bệt xuống đất, chờ kết quả xét nghiệm…

Ở tuyến quận, huyện thì BV Thủ Đức luôn trong tình trạng kín đặc người bệnh. Giám đốc BV Thủ Đức Nguyễn Minh Quân thông báo: Mỗi ngày BV tiếp đón 4.000 lượt người đến khám và điều trị nội trú cho hơn 800 người. Trong số này chỉ có 60% là người dân Thủ Đức, còn lại là từ các tỉnh lân cận.

BS Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua các số liệu thống kê về số lượng người bệnh, bác sĩ, giường bệnh thì việc quá tải ở các BV trên địa bàn là đương nhiên và kéo dài nhiều năm. Về mặt cơ học, số dân toàn thành phố ước đạt 8,1 triệu người thì tổng số 11.608 bác sĩ hoàn toàn có khả năng đáp ứng được (đạt tỷ lệ 14,5 bác sĩ/10 nghìn dân, gấp hai lần so với trung bình cả nước). Thế nhưng để tính toán cho đầy đủ và toàn diện, cần phải thêm vào khoảng 200 nghìn dân nhập cư vào thành phố/năm, cộng thêm việc mỗi ngày, có hàng chục nghìn người bệnh từ các tỉnh đổ về, cho nên sự “quá tải” là đương nhiên. Việc giải quyết tình trạng quá tải không còn là trách nhiệm riêng của ngành y tế thành phố nữa. Nhu cầu thì tiếp tục tăng cao, nhưng số lượng bệnh viện được đầu tư xây mới lại ít, chưa có những dự án y tế tầm cỡ có thể cùng lúc khám, điều trị, xét nghiệm quy mô lớn... Số lượng bác sĩ ra trường về công tác tại các bệnh viện cũng ít, chưa tương xứng với tỷ lệ gia tăng dân số, gia tăng người bệnh các tỉnh dồn về.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trước mắt, ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả của đề án “Bệnh viện vệ tinh”, “Khoa vệ tinh”, “Phòng khám vệ tinh” của các BV chuyên khoa, đa khoa cho các BV các tỉnh trong khu vực và BV tuyến quận, huyện trên địa bàn. Tiếp tục triển khai đề án luân phiên bác sĩ từ các BV thành phố xuống các BV quận, huyện còn thiếu nhân lực; từ BV quận, huyện xuống các trạm y tế tuyến xã để bảo đảm mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ và phấn đấu có hai bác sĩ trong thời gian tới. Đối với các BV đang quá tải sẽ được khắc phục bằng cách tăng bàn khám, kê thêm giường bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính; tăng giờ làm việc, kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ; đẩy mạnh hoạt động điều trị ngoại trú, phẫu thuật trong ngày, chuyển người bệnh đã được chẩn đoán, điều trị ổn định về BV tuyến dưới tiếp tục điều trị. Đồng thời tăng cường phối hợp công - tư, sử dụng nguồn giường bệnh hiện chưa sử dụng hết công suất tại các BV ngoài công lập…

Về lâu dài, thành phố sẽ tăng số giường bệnh cho các BV; đẩy nhanh việc xây thêm BV mới: Nhi Đồng thành phố, Ung bướu cơ sở 2; cải tạo, xây mới lại các BV tuyến quận, huyện như: Bình Chánh, Củ Chi, Gò Vấp,… và các BV đa khoa khu vực cửa ngõ thành phố như: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án và công tác chuẩn bị để nâng cấp cơ sở hạ tầng của các BV: Từ Dũ, Bình Dân, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, An Bình, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương…

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng số lượng và năng lực nguồn nhân lực y tế; tăng quy mô đào tạo bác sĩ của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để mỗi năm thành phố có thêm 1.000 bác sĩ mới tốt nghiệp; chuẩn hóa năng lực chuyên môn bác sĩ; đào tạo kiến thức quản lý bệnh viện tuyến trên và chất lượng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở… Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị BV các tỉnh trong khu vực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng phục vụ… tạo sự yên tâm và niềm tin cho người dân khi không may bị đau ốm, hạn chế dồn về các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gây tình trạng quá tải.

Theo Nhân dân

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang