Từng tham gia bộ đội, từng đánh trận Tây Bắc, từ năm 1953 đến 1960, ông được cử đi học Y khoa tại Trường đại học Y khoa Sechenov (Matxcova - Liên Xô). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô. Từ năm 1964, ông về Việt Nam và công tác Viện Mắt Trung ương, sau này tham gia giảng dạy và Chủ nhiệm Bộ môn Mắt tại Trường đại học Y Hà Nội. Là một người thực sự ham thích làm khoa học, GS từng nói chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm lãnh đạo ”Tôi cảm thấy công việc quản lý rất phức tạp, rắc rối, vì thế tôi không quan tâm đến lĩnh vực này”. Vậy mà GS lại lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Viện phó, Viện trưởng rồi Bộ trưởng một cách hết sức tự nhiên. Nhưng dù ở vai trò, cương vị nào, GS luôn thực hiện chức trách được giao một cách tốt nhất.
Sinh ra trong một gia đình cách mạng, từ bé GS được tiếp cận nhiều loại sách báo của Việt Minh. Tinh thần dân tộc được hun đúc từ bé. Năm 1945, GS tham gia cướp chính quyền ở Hưng Yên khi mới 15 tuổi. Sống trong không khí sục sôi lúc đó, ai cũng bị lôi cuốn theo dòng thác cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh trai GS nhập ngũ, GS muốn đi nhưng cha GS không cho mà bắt ở nhà với mẹ. Năm 1950, có phong trào học sinh tòng quân. Gia đình GS lúc đó đang sơ tán về Hà Nam, GS cùng em trai từ biệt mẹ lên đường tòng quân. GS vào học trường sĩ quan pháo binh và được gọi vào trung đoàn chuẩn bị qua Trung Quốc để nhận pháo viện trợ. Tuy nhiên, khi trung đoàn chưa xuất phát thì chiến dịch Hoàng Hoa Thám nổ ra ở Quảng Ninh, quân ta bị thiệt hại nặng nên Bộ Tổng tham mưu lại điều một số cán bộ về. Về đến Thái Nguyên, GS được bổ sung vào đại đoàn 312. Năm 1953, GS cùng với một số chiến sỹ có trình độ văn hóa được cử đi học ở Liên Xô để xây dựng đất nước khi kháng chiến thắng lợi. Từ tham gia cách mạng, cướp chính quyền, nhập ngũ và được cử đi học, tất cả đều trên cơ sở tinh thần yêu nước. Lúc đó, tất cả mọi người đều bị lôi cuốn bởi một tinh thần dân tộc cao cả. Tinh thần dân tộc là giá trị lớn nhất lúc đó.
Ông đã trở thành một thầy thuốc tận tâm, một nhà giáo mẫu mực, một nhà hoạt động xã hội tích cực. Khi công tác tại Viện Mắt Trung ương, GS đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới áp dụng vào công tác khám, điều trị về mắt cho người bệnh. GS cũng là một trong những người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp ghép giác mạc cho bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc, điển hình là ca ghép cho anh thương binh bị mù 2 mắt do đạn pháo Lê Duy Ứng. Bằng phương pháp ghép giác mạc, GS đã đem lại ánh sáng, đem lại hạnh phúc và cuộc sống mới cho những bệnh nhân không nhìn thấy được do bệnh lý giác mạc gây ra. Trơ thành nhà quản lý bệnh viện, ông đã cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức của bệnh viện tiến hành xây dựng bệnh viện phát triển hơn phục vụ bệnh nhân tốt hơn. GS cũng là một người thầy mẫu mực, đào tạo, hướng dẫn cho hàng trăm các bác sỹ Nhãn khoa trong đó có những người nổi tiếng trong ngành Nhãn khoa trong và ngoài nước sau này như: GS. Tôn Thị Kim Thanh, GS. Đỗ Như Hơn, PGS. Hoàng Minh Châu,…
GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân là vị Bộ trưởng đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ (tháng 3/1994). Trong chuyến đi này, ông được cựu Tổng thống G.Bush (cha) mời gặp để bàn về vấn đề quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Năm 2000, khi sang thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã dành 15 phút gặp ông, lúc này ông không còn ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế nữa mà chỉ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Biết thời gian ngắn ngủi 15 phút sẽ khó để nói được nhiều điều, ông đã viết sẵn một bức thư tâm huyết gửi ngài Tổng thống Hoa Kỳ. Trân trọng những tâm huyết của người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã trả lời ông: “Cảm ơn bức thư đầy xúc động của Ngài, bày tỏ tâm huyết đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn, bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi đồng ý rằng, cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo của cả hai nước chúng ta. Tôi ca ngợi sự nghiệp khó khăn và sự cống hiến của Ngài trên cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình GS Nguyễn Trọng Nhân đã đóng góp rất nhiều cho ngành Y nói chung và ngành Nhãn Khoa nói riêng cũng như cho xã hội, tuy nhiên GS vẫn luôn luôn khiêm tốn coi đó là những đóng góp nhỏ cho xã hội, cho cuộc đời. GS tâm niệm rằng “Trong cuộc đời, không riêng gì tôi, mà hầu hết tất cả mọi người, nếu không tuyệt đối cũng là đa số, mỗi người đều có thể tự hào về một số việc mình đã làm được và ân hận về một số việc không làm được. Không ai làm được tất cả mọi thứ theo mong muốn”
Tóm tắt tiểu sử GS. NGUYỄN TRỌNG NHÂN Sinh ngày: 04-10-1930 Quê quán: Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam Được cấp bằng Tiến sĩ năm 1964 Được công nhận chức danh Giáo sư Y học năm 1984 Quá trình học tập và công tác: - 1950-1953: Phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. - 1953-1960: Học y khoa tại Trường Đại học Y khoa Sechenov (Matxcơva – Liên Xô). - Bảo vệ Luận án Tiến sĩ năm 1964 tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô. - 1964-1985: Công tác tại Viện Mắt Trung ương. Sau này tham gia giảng dạy và là Chủ nhiệm Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y Hà Nội. - 1975 Phó Viện trưởng Viện Mắt Trung ương - 1984 Viện trưởng Viện Mắt trung ương. - 10/1992 Bộ trưởng bộ Y tế kiêm viện trưởng Viện Mắt trung ương. - Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam. - Ủy viên thường vụ Tổng hội Y Dược học Việt Nam. - 1990-1995: Phó Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam. - 1986-1996: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII. - Từ 1992 : Đại biểu Quốc hội khóa IX, X. - 1992-1995: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế. - 1987-2003: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. - Phó chủ tịch Hội chất độc màu da cam. - Nghỉ hưu từ năm 2003. Thành tích nổi bật: - Trước khi là lãnh đạo Ngành Y tế, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân được biết đến là một trong những chuyên gia đầu ngành của nhãn khoa Việt Nam. - GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân cũng là người đầu tiên của Ngành Y tế trở thành ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI, VII). - Thẳng thắn phê phán cái xấu, nghiêm khắc lên án và đòi hỏi chống tham nhũng đến nơi đến chốn là phong cách nổi bật của đại biểu Quốc hội Nguyễn Trọng Nhân suốt trong các nhiệm kỳ mà ông tham gia. - Ông cũng là một nhà ngoại giao rất hiệu quả. Với cương vị là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông đã cùng lãnh đạo Bộ đề ra nhiều chính sách để phát triển sự nghiệp y tế nước nhà, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khen thưởng: - Huân chương Độc lập hàng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huy chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Chữ thập đỏ Hàn Quốc, Nhật; Bằng khen của Hội Nhãn khoa châu á, Thái Bình Dương. - Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985. - Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 1989. Và nhiều danh hiệu cao quý khác |
TS. BS Nguyễn Xuân Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương)