Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hạn chế tác hại bia, rượu trong những ngày tết

  • |
T5g.org.vn - Càng đến gần tết, nhu cầu sử dụng rượu, bia ngày càng lớn. Ngày tết là ngày mà lượng bia, rượu được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh một số ít lợi ích, bia, rượu tiềm ẩn nhiều tác hại to lớn.
Tiếp nhận, xử trí ban đầu bệnh nhân nhập viện do bia, rượu

Trong những ngày cuối năm này, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận những ca cấp cứu, ngộ độc rượu. Số bệnh nhân nhập viện do bia, rượu càng gia tăng. Mỗi ngày, Trung tâm Chống độc trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 2, 3 ca ngộ độc rượu. Nhiều bệnh nhân kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu rất cao.

Trong buổi gặp mặt báo chí mới đây, thạc sỹ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, rượu, bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông; 30% do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% do xơ gan; 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia trên toàn thế giới. Sử dụng đồ uống có cồn là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, Ung thư, Phổi tắc nghẽn mãn tính, Đái tháo đường. Đồng thời, rượu, bia là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới độ tuổi từ 15 - 49 tại nước ta. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới độ tuổi từ 50 - 69 tuổi là gần 10%, cao gấp hơn 3 lần trung bình toàn cầu. Trong những năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn của toàn thế giới hầu như không thay đổi thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh. Mức tiêu thụ rượu và bia tăng trong thời gian tăng rất ngắn, mức tăng trung bình hàng năm khoảng 7,5%. Việt Nam hiện xếp ở mức cao thứ hai trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về mức độ tiêu thụ.

Theo thạc sỹ Trần Quốc Bảo, trước đây có thể nói với nữ uống trung bình một cốc bia, nam giới 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy gần như uống bất kỳ ở mức nào cũng có thể gây hại, phụ thuộc vào thể trạng người uống. Người chưa bao giờ sử dụng thì một cốc, nửa chén cũng có thể gặp tai nạn, không làm chủ được hành vi. “không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hoàn cảnh và cách thức uống. Một số cá nhân dễ bị tổn thưởng còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu, bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định”- thạc sỹ Trần Quốc Bảo cho biết. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%); nếu có uống nên kiểm soát lượng uống. Uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, xen kẽ cùng nước lọc.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng). Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Trong dịp Tết cổ truyền Bính Thân 2016 sắp tới, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

Theo các chuyên gia y tế, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của khoảng 30 bệnh. Một số bệnh do uống rượu như:

+ Viêm gan do rượu: viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu qua nhiều năm. Trong một số trường hợp sau khi uống rượu, bia vào có cảm giác nhức đầu và dùng thuốc giảm đau với thuốc thông thường là Panadol, đây là điều hết sức nguy hiểm vì rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen như Panadol…

+ Sảng run: bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu mà nguyên nhân là do nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật:

- Rối loạn ý thức kiểu mê sảng làm cho người bệnh mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh... nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh.

- Các rối loạn về thần kinh như toàn thân run lập cập, nói chuyện lắp bắp không rõ ràng, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây gãy xương, vỡ tạng... Trường hợp nặng hơn, có thể còn có cả cơn co giật như động kinh.

Người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, tiểu ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định... Sảng run có thể tự thuyên giảm sau vài ngày, tuy nhiên trong phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu, các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.

+ Bệnh gút: do lượng cồn tồn lưu trong cơ thể quá nhiều nên gây ra bệnh gút (gout). Khi uống nhiều bia, rượu vào cơ thể, lượng cồn dư thừa chúng tích tụ lại và sau nhiều lần như thế sẽ gây ra những rối loạn trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Sự tích tụ chất cồn trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút chúng phá hủy mạn tính các ổ khớp, gây nên các cơn viêm khớp cấp với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng acid uric trong máu.

+ Bệnh tim mạch: tim cũng có cấu tạo là một loại cơ, mà các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ nên đương nhiên sẽ làm suy yếu cơ tim. Khi cơ tim bị suy yếu thì nó sẽ không thể bơm máu một cách hiệu quả như bình thường và khi đó sẽ xảy ra hiện tượng ứ trệ tuần hoàn ở phổi. Khi nồng độ cồn càng cao, sự tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim.

+ Bệnh phổi: khoảng 5% lượng cồn trong máu sẽ nhanh chóng khuếch tán vào trong các phế nang. Tại đây dung dịch cồn sẽ được làm ấm và chuyển chúng thành dạng hơi mà khi chúng ta thở ra, các phân tử hơi này sẽ là tiêu chí để đo lượng cồn trong hơi thở. Nếu uống rượu trong một thời gian dài, chất cồn sẽ làm mất đi chất chống oxy hóa quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn vì thế người nghiện rượu rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.

+ Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% lượng bia, rượu uống vào sẽ lập tức khuếch tán vào máu. Phần bia, rượu còn tồn lưu tại dạ dày sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm với các triệu chứng như ợ nóng, viêm loét và chảy máu.

Bài, ảnh: T.D

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang