Bên cạnh những lợi ích phát triển kinh tế quan trọng, việc hội nhập kinh tế ASEAN cũng đặt ra các thách thức trong việc thúc đẩy tiếp cận công bằng dịch vụ y tế.Hội nhập kinh tế cũng có thể tạo ra các cơ hội tiết kiệm chi phí và tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn nhưng đồng thời gia tăng các thách thức trong thúc đẩy tiếp cận công bằng và chi trả phù hợp các dịch vụ y tế. Theo Hiệp định được công nhận giữa các bên, 7 chuyên khoa y bao gồm nha khoa, sản khoa, điều dưỡng, bác sỹ vật lý trị liệu và chăm sóc người tàn tật có thể làm việc xuyên quốc gia. Các dịch vụ y tế bao gồm các dịch vụ tại bệnh viện (gồm cả bệnh viện tâm thần) và các dịch vụ xét nghiệm, cấp cứu, chăm sóc điều trị tại nhà được coi lànhững mục tiêu nhắm tới tiến trình tự do hoá. Tiến trình tự do hoá dịch vụ y tế do các chuyên ngành này cung cấp cũng tạo ra các rủi ro ảnh hưởng tới công bằng sức khoẻ gồm cả việc di cư trong vùng giữa các nước của các cán bộ y tếhoặc việc chuyển dịch của các cán bộ y tế ngay trong nước đó sang khu vực y tế tư nhân tại các vùng đô thị.
Hiện nay, hệ thống y tế Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị tốt để đối mặt với các thách thức đặt ra bởi Cộng đồng kinh tế ASEAN đồng thời tận dụng các lợi ích đi cùng với nó. Nền tảng cho xây dựng một hệ thống y tế chất lượng là đạt được Bao phủ Y tế toàn dân cho phép mọi người dân khi có nhu cầu (gồm có dự phòng, nâng cao sức khoẻ, điều trị, chăm sóc và phục hồi chức năng, v.v.v) có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế mà không gặp phải bất cứ khó khăn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là cấu phần then chốt để phát triển bền vững & xoá đói giảm nghèo cũng như là thành tố chính nhằm giảm bất công bằng xã hội.
Thành tựu của Việt Nam trong tiến trình hướng tới Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân? Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế xã hội.Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 65% dân số so với mức 10% vào năm 1990 .Đồng thời các nhà lãnh đạo cũng đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Năm 2012, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia và Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân với lộ trình đạt các mức mục tiêu bao phủ là 70% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 và giảm tỷ lệ chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình còn 40% vào năm 2020. Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết các dịch vụ y tế dự phòng được cung cấp một cách riêng rẽ theo các chương trình y tế quốc gia theo ngành dọc, Việt Nam cũng đạt mức bao phủ cao về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu như tiêm chủng, chăm sóc trước sinh, sinh đẻ có sự hỗ trợ bởi cán bộ y tế, v.v.v.
Các thách thức đang phải đối mặt và sự chuẩn bị của Việt Nam? Trên lộ trình hướng tới bao phủ CSSKTD, Việt Nam cần phải vượt qua nhiều thách thức và rào cản.Đầu tiên là các khó khăn về vấn đề tài chính, ngân sách chính phủ và tổng chi cho y tế còn thấp. Năm 2012, phần trăm GDP chi cho y tế ở Việt Nam cao nhất trong khối ASEAN (chiếm 6.6%), tuy nhiên phần lớn chi cho y tế là chi tư trong đó chi từ phía chính phủ chỉ chiếm 42% tổng chi. Chi phí y tế chủ yếu dựa vào chi tiêu từ các hộ gia đình dẫn tớitỷ lệ chi phí y tế thảm hoa tại Việt Nam cao (15%) . Điều đó có nghĩa rằng cứ 7 hộ gia đình tại Việt Nam thì có 1 hộ có thể bị phá sản do các chi tiêu y tế. Và theo báo cáo của WHO, tỷ lệ hộ gia đình bị rơi vào tình trạng nghèo đói do chi phí y tế là 2.5% . Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào hệ thống y tế để đảm bảo nguồn lực phù hợp cho y tế nhằm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội của người dân.
Thứ hai là, hiện vẫn còn thiếu cán bộ y tế phục vụ cho các hoạt động CSSK của hệ thống y tế Việt Nam (chỉ có 1 bác sỹ và một y tá trên 100,000 người dân) và còn có sự phân bố không đồng đều các cán bộ y tế. Trong khi phần lớn đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn cao tập trung tại các thành phố lớn do có nhiều cơ hội phát triển, các cán bộ ở khu vực nông thôn trình độ còn hạn chế. Tại một số khu vực dân cư, có nhiều bác sỹ hơn y tá và nữ hộ sinh cũng thể hiện sự không phù hợp về nguồn nhân lực y tế.Các khó khăn từ phía người cung cấp ảnh hưởng trực tiếp tới việc bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu như tiêm chủng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Do đó, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực cán bộ y tế để đảm bảo sự sẵn có, sự tiếp cận, sự chấp nhận và chất lượng của nguồn nhân lực y tếnhằm hướng tới bao phủ CSSKTD.
Thứ ba là Việt Nam hiện nay đang đối mặt với quá trình chuyển đổi dịch tễ học với ba nhóm gánh nặng bệnh tật đang ảnh hưởng lớn tới người dân là bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và tai nạn chấn thương. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm dân cư bất lợi (bao gồm người nghèo, người sống tại khu vực nông thôn hoặc vùng khó khăn, v.v.v). Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 70%. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với quá trình già hoá dân số. Theo ước tính năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 chiếm khoảng 9.3% dân cư, chỉ thấp hơn tỷ lệ người cao tuổi Singapore và Thái Lan. Cả trong ngắn hạn và dài hạn, chính phủ cần giải quyết và đối phó hiệu quả các thách thức bao gồm các chương trình và hoạt động tăng cường phát triển hệ thống y tế, chương trình giáo dục/nâng cao sức khỏe và nỗ lực đa ngành được hỗ trợ bởi các ngành công và tư, tổ chức dân sự và cộng đồng quốc tế để cải thiện sức khoẻ và xoá nghèo.
Một thách thức khác mà cộng đồng các nước ASEAN đang phải đối mặt là sự gia tăng của nhóm lao động di cư. Hiện nay có khoảng 3 triệu lao động di cư Việt nam đang sống ở nước ngoài và việc hội nhập sẽ khiến số lượng lao động di cư tăng lên. Đây là một thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong việc xây dựng hệ thống bao phủ CSSK phù hợp và các gói lợi ích cho người dân nhập cư.
Kết luận, Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác hiện đang đối mặt với các hệ lụy nhất định từ việc hội nhập khối kinh tế ASEAN.Đây là một thách thức rất lớn cho việc bao phủ CSSKTD cho người dân các nước thuộc cộng đồng ASEAN.Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đã thông qua lộ trình hướng tới BPCSSKTD và đang rất nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Để vượt qua các thách thức và có sự chuẩn bị tối với các tác động của việc hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, việc cần đầu tư hơn nữa cho y tế là cần thiết, Việt Nam cần phải nhận thức và hành động trên phương diện y tế để đối phó với các tác động kinh tế từ quá trình hội nhập khu vực này.
Tác giả: PGS.TS. Hoàng Văn Minh