Tới dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế); bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam; đại diện một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cùng đại diện một số bệnh viện như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế; đại diện các trường Đại học; các Hội nghề nghiệp… và nhóm nghiên cứu.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tử vong mẹ thường cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số. Số liệu nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các ca sinh được hộ sinh có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 49% so với số liệu ước tình trên toàn quốc là 94%.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân tộc thiểu số là 57%, tương đương với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuy nhiên có sự khác biệt rõ ràng giữa các tỉnh và giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số với tỷ lệ 75% ở tỉnh Kon Tum, 45% ở Gia Lai, 41-42% với đồng bào Ba Na và Gia Rai, trên 70% với đồng bào dân tộc Tày và Xơ Đăng.
Báo cáo cũng cho thấy, Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng hộ sinh có kỹ năng tại các vùng sâu, vùng xa cũng như sự khác biệt về năng lực của nhân viên y tế công tác tại vùng đồng bằng so với khu vực trung du và miền núi.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Đội ngũ cán bộ hộ sinh, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giúp giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về bảo vệ bà mẹ và trẻ em vào năm 2030.
Bà Astrid Bant cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội, tuy nhiên nếu chúng ta không tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản và thúc đẩy việc thực hiện các quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong suốt cuộc đời của họ thì chúng ta sẽ khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030. UNFPA tại Việt Nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ chính phủ và người dân Việt Nam để mọi người dân có thể được tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Cả hai báo cáo đều đưa ra các khuyến nghị nhằm thu hẹp khoảng trống còn tồn tại, cũng như đảm bảo độ bao phủ phổ cập và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam để nhằm tiến tới mục tiêu không để người phụ nữ nào phải chết khi tạo ra sự sống trên thế giới.
Hoàng Hiền