Hai hướng dẫn này gồm: “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2” và “Hướng dẫn quy trình lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2” đã đưa ra các chỉ dẫn để chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 trong cả nước. Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán, đề ra mục tiêu điều trị đái tháo đường cần đạt được và lựa chọn thuốc, phương pháp điều trị theo bậc thang, hướng dẫn còn đưa ra các khái niệm bệnh, nội dung đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện trước khi điều trị cho người bệnh, cách phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng của đái tháo đường.
Những nội dung được cập nhật chính trong Hướng dẫn và Quy trình lâm sàng về chẩn đoán, điều trị đái tháo đường típ 2 bao gồm: phát hiện và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường ở người chưa có triệu chứng đái tháo đường, nội dung đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện trước khi điều trị cho người bệnh; mục tiêu điều trị cần đạt được; sơ đồ hóa quy trình chẩn đoán đái tháo đường và sơ đồ hóa quy trình lựa chọn thuốc và phương pháp điều trị.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp đầy đủ thông tin tới những người hành nghề khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, các cơ sở khám, chữa bệnh để có khả năng cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý chuyên nghiệp cho những người bệnh đái tháo đường. Các phương pháp điều trị theo bậc thang với nhiều lựa chọn thuốc, nên cho phép sự linh hoạt trong áp dụng, để các bác sỹ lâm sàng có thể lập kế hoạch điều trị khả thi để cung cấp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường trong cơ sở của họ”.
Theo ông Khuê, việc sử dụng và tuân thủ hướng dẫn lâm sàng giúp cải thiện việc ra chỉ định lâm sàng và dẫn đến kết quả lâm sàng được cải thiện đồng thời làm tăng tính nhất quán trong chăm sóc và giảm sự khác biệt về chăm sóc. “Tôi muốn cán bộ y tế làm tốt nhất với tối đa khả năng của họ có để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và người bệnh; đồng thời cũng giúp cán bộ y tế hiểu rằng, để việc chăm sóc, chẩn đoán, điều trị đái tháo đường đạt chất lượng, người bệnh đái tháo đường được quản lý hiệu quả, việc xây dựng và ban hành ra các hướng dẫn chuẩn mực, cập nhật trong chẩn đoán, điều trị bệnh là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là việc áp dụng và tuân thủ các hướng dẫn quốc gia, bên cạnh đó cần có giám sát, đánh giá chất lượng về hiệu quả điều trị trên người bệnh”.
Với sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, tỷ lệ người dân chưa được phát hiện đái tháo đường lên tới 68,9%, tình trạng bệnh nhân khi được phát hiện đã có nhiều biến chứng. Tại Hội thảo, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng công bố chính thức Trang thông tin điện tử về đái tháo đường là: daithaoduong.kcb.vn.
Trang thông tin điện tử mới về đái tháo đường này sẽ cung cấp các tính năng tương tác và tăng cường mức độ chia sẻ về kiến thức, xây dựng năng lực và kết nối mạng lưới giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, các đối tác, các tổ chức, các nhà lâm sàng và các chuyên gia về đái tháo đường, người bệnh và người dân nói chung để cùng nhau nâng cao hiểu biết, trình độ và tính trách nhiệm trong công tác phòng, kiểm soát bệnh tật. Trang thông tin điện tử về đái tháo đường được xây dựng là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, người bệnh và người dân nói chung một cách dài hạn, hiệu quả và bền vững về trong công tác phòng, chống bệnh.
Hoàng Hiền