An ninh Y tế toàn cầu là là một trong những chương trình hợp tác quan trọng của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Chương trình hợp tác An ninh Y tế toàn cầu đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2007, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người dân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS.BS. Đặng Quang Tấn cho biết, trong bối cảnh các dịch bệnh mới nổi liên tục xảy ra trên thế giới và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống người dân của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu như dịch SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), dịch MERS-CoV, dịch Ebola... cùng với giao thương phát triển là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát rất nhanh, do vậy, rất cần phải có sự phối hợp của các quốc gia, châu lục chứ không phải riêng một quốc gia có thể giải quyết được.
Theo WHO, các tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan quốc tế là sớm phát hiện các mối đe dọa y tế công cộng và sớm thực hiện các biện pháp hiệu quả phòng dịch ngay khi vấn đề ở mức độ nhỏ, cấp địa phương.
Trong những năm qua, chương trình An ninh Y tế toàn cầu tại Việt Nam tập trung vào một số mục tiêu chính như : Phát triển hệ thống kiểm nghiệm; Tăng cường và thiết lập các hệ thống giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh/ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời; nâng cao khả năng đáp ứng nhanh và xử lý các ổ dịch, không để lây lan; chủ động phòng chống và làm giảm nguy cơ bùng phát của dịch bệnh.
Tại Hội thảo các đại biểu chia thành 04 nhóm để thảo luận các chủ đề như: Xét nghiệm, an toàn sinh học; Phòng chống bệnh từ động vật lây truyền sang người, giám sát dịch bệnh; Điều phối thực hiện Điều lệ y tế Quốc tế (IHR), nguồn nhân lực và truyền thông nguy cơ; Kháng kháng sinh (AMR). Các ý kiến trong phiên thảo luận sẽ được Ban tổ chức xem xét, đánh giá để làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện Điều lệ y tế Quốc tế giai đoạn 2021 -2025.
Nguyễn Hiển