Hội thảo được tổ chức để đánh giá về các nguồn tài chính cho an ninh y tế tại Việt Nam, sử dụng bộ công cụ quốc tế HSFAT. Trong đó rà soát, tổng hợp các hoạt động và nguồn lực ANYT tại Việt Nam theo 19 nội dung ANYT quốc tế; xác định các tổ chức/đơn vị/cá nhân liên quan đến hoạt động an ninh y tế, chức năng nhiệm vụ và cơ chế tổ chức, điều hành liên ngành; mô tả thực trạng các nguồn tài chính cấp cho hoạt động an ninh y tế; xác định các thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng hệ thống tài chính đảm bảo hoạt động ANYT hiệu quả (nguồn tài chính đáp ứng tốt yêu cầu đối phó các nguy cơ ANYT: sẵn sàng, đầy đủ và kịp thời); đồng thời đề xuất các kiến nghị về chiến lược tăng cường tài chính để thúc đẩy và duy trì hoạt động ANYT hiệu quả.
Năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết tham gia tích cực vào các hoạt động của Chương trình Hợp tác ANYT toàn cầu (GHS). Việt Nam đã có sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài với các đối tác trong lĩnh vực ANYT: đã thực hiện thành công dự án Cúm gia cầm vào năm 2014; cùng Indonesia và Senegal những nước tích cực thực hiện Gói hành động phòng chống bệnh gia súc của chương trình hành động ANYT toàn cầu (GHSA); là một trong các quốc gia đầu tiên thực hiện JEE, hiện đang xây dựng Kế hoạch quốc gia về thực hiện IHR; phối hợp với WB, WHO, CDC, USAID, FAO, OIE để đẩy nhanh tiến độ thực hiện IHR (2005); Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên thí điểm HSFAT.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn mong muốn, Hội nghị sẽ nhận được nhiều ý kiến đánh giá, đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài nước để chương trình đánh giá tài chính cho an ninh y tế tại Việt Nam đạt hiệu quả cao.
Nam Nguyên