Chiến lược FAST được áp dụng mềm dẻo vào các cơ sở y tế khác nhau, dựa vào các kỹ thuật xét nghiệm và nguồn lực sẵn có để xây dựng gồm: qui trình sàng lọc phân loại bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm; qui trình chẩn đoán và khởi động điều trị và các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, Việt Nam xếp hạng thứ 14 trong 20 nước có gánh nặng về lao cao và xếp hạng thứ 11 trong 20 nước có gánh nặng về lao kháng đa thuốc cao nhất. Với việc triển khai chiến lược của FAST tại Việt Nam, sẽ giúp ngành Lao Việt Nam cũng như các quốc gia khác có thêm kinh nghiệm triển khai tốt hơn các chương trình chống Lao, đặc biệt là bảo vệ cho nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh kiểm soát được việc mắc Lao.
Tại Việt Nam, trong hơn 2 năm (từ tháng 3/2014 đến tháng 9/2016), chiến lược FAST đã được triển khai thí điểm, bền vững tại 2 Bệnh viện là: Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Nam Định và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Quảng Nam. BS. Trần Ngọc Pháp, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Quảng Nam cho biết, qua thực hiện thí điểm tại Bệnh viện, chiến lược FAST rất phù hợp với chuyên ngành lao và bệnh phổi; FAST phù hợp với vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong đó có kiểm soát nhiễm khuẩn lao; FAST chẩn đoán nhanh để hướng đến sự hài lòng của người bệnh, phù hợp với giao tiếp ứng xử của ngành Y tế; FAST tăng cường hệ thống theo dõi và quản lý bệnh nhân giúp quản lý bệnh viện, bệnh nhân hiệu quả và FAST nâng cao nặng lực nhập liệu, theo dõi, xử lý và phân tích dữ liệu.
Đầu năm 2015, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp cận thực hành chiến lược FAST trong chẩn đoán Lao phổi dương tính tại Khoa Lao hô hấp Bệnh viện, mục đích nhằm rút ngắn thời gian chẩn đoán lao phổi AFB dương tính từ 24 đến 36 giờ, điều trị sớm, giảm lây nhiễm. Theo đánh giá của Bệnh viện, việc tiếp cận thực hành chiến lược FAST đã thay đổi tư duy tiếp cận về sàng lọc bệnh nhân, xây dựng và thực hiện quy trình lấy đờm và nhận kết quả mang tính thực hành, thực tiễn cao. Với chiến lược FAST, Bệnh viện triển khai đồng bộ quy trình tập trung tác động vào 4 mốc thời gian từ sàng lọc bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm, lấy mẫu, nhận và xử lý kết quả, điều trị kịp thời và chuyển tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai chiến lược FAST trong chẩn đoán Lao tại một số cơ sở y tế tại Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn như: Nhân lực y tế chưa đáp ứng đủ; kỹ năng thực hành chưa đồng đều; cơ sở vật chất còn hạn chế; chưa công nghệ hóa công việc ghi chép, theo dõi và báo cáo…
Thời gian tới, ngành Lao Việt Nam sẽ đề xuất định hướng mở rộng triển khai chiến lược FAST tại các cơ sở y tế thuộc mạng lưới Chương trình Chống lao Quốc gia; đề xuất định hướng triển khai chiến lược FAST năm tài chính 2017…
Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm về kết quả chiến lược FAST đã mang lại, từ đó kết nối những thông tin nhằm tăng cường hơn nữa việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát lây nhiễm Lao cho người dân với mọi quốc gia trên thế giới.
Tin, ảnh: Tuấn Minh